Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Kí sự miền Tây

Trịnh Kim Thuấn
Thứ ba ngày 9 tháng 4 năm 2013 3:35 PM

TRÍCH : Anh Trần Nhương thân mến ! …. Và cuối cùng ta sẽ đi Đồng Tháp, Long xuyên, nơi anh Trịnh Kim Thuấn cùng các bạn văn đang nóng lòng chờ đón tôi và anh. Đi nhé ! …  THƯ Sài Gòn 1 Vũ Ngọc Tiến .

Đến hẹn lại lên, buổi chiều ngày 02/4/2013 chúng tôi gặp lại nhau trong 1 quán nhỏ bên bờ sông Vàm Cống : Anh Tiến, anh Hoàng, anh Quang, anh Khánh, thầy Màu Phân hội VHNT H.Lấp vò và tôi. Thế sự tâm tình … kể từ giửa năm 2011 đến nay mới tái ngộ, nên trong đám chúng tôi ai đều có ít, nhiều việc để hỏi anh Tiến …. Chiều xuống nhanh quá vẫn không hết chuyện … phố thị lên đèn, trước khi chia tay, hẹn sáng mai khởi đầu chuyến phiêu du .

Sáng ngày 03/4 gặp tại nhà anh Khánh (anh Tiến, anh Hoàng nghỉ tại đây) uống trà, cà phê, điểm tâm tại quán bún thịt nướng (quán không tên) ở bến phà Vàm Cống củ.

Qua phà Vàm Cống, nhắm hướng phà Năng Gù trực chỉ . TP.Long xuyên, Trung tâm Huyện Châu thành từ từ bỏ lại sau lưng … anh Khánh hướng dẫn viên thuyết giảng về nàng Thúy Vân và chàng Kim Trọng… xe qua khỏi cầu Bình Hòa (địa danh là Mặc Cần Dưng) thì gặp chốt CSGT tuýt còi mặc dù anh Hoàng lái xe lai rai, xe dừng, vụ nầy có anh Từ Ngọc Quang giải quyết được, cũng mất 30 phút, không khí trong xe trầm xuống ….

Qua phà Năng Gù trực chỉ Trung tâm Huyện Phú Tân, còn gọi là Thánh địa Hòa Hảo, trung tâm của giáo phái Phật Giáo Hòa Hảo .

Khi đến Tổ đình, nơi thờ phượng cùng phần mộ của thân phụ và thân mẫu của Đức Huỳnh Giáo Chủ, có bạn là Lê Thanh Y, giáo viên Anh văn (vừa nghỉ hưu), người địa phương hướng dẫn … vào Tổ đình tham quan và chiêm bái xong, đến  An Hòa Tự , cũng là Văn phòng Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo Trung ương gặp anh Phạm Văn Chơm (7 Chơm) tiếp đón (anh Chơm cũng là bạn học chung lớp, chung trường với Lê Thanh Y và Trịnh Kim Thuấn – trường Tung học Thoại Ngọc Hầu Long xuyên), cuộc trao đổi thân mật, chân tình, bạn đời, bạn văn cả mà …

Chia tay anh 7 Chơm, rẽ xuống bến phà Thuận Giang, có vội chi đâu, ghé lại quán lá ven đường, gió sông Vàm Nao thổi lên, xua bớt đi cái nóng ban trưa … Cá lóc nướng trui, rau sống, bún cuốn bánh tráng nhâm nhi với chai rượu Blak Label (anh Khánh mang theo), lúc nầy thì : chuyện đời, chuyện văn, chuyện thơ, chuyện tiếu lâm tuôn ra … anh Hoàng có chuyện : Tại sao các cô gái còn trẻ thích khám phụ khoa nơi phòng khám các bác sĩ lớn tuổi ….Nhìn lại các mái đầu đều bạc (người nhỏ nhất cũng trên 60), vui được lúc nào hay lúc ấy, mang phiền muộn mà chi .

Đứng trước mũi phà sang sông Vàm Nao, bên kia bờ là huyện Chợ Mới, gió sông lồng lộng thổi , nhớ lại mấy câu thơ của Thế Lữ :

                             Rồi có khi nào ngắm bóng mây.
                             Trời thu lồng lộng gió heo may.
                             Dừng chân trên bến sông xa vắng.
                             Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây ….

Lên phà, đi về  Tây An cổ tự , trên đường gặp các chiếc xe ba gác thồ rơm làm anh Tiến, anh Hoàng ngạc nhiên, định ghi lại ít tấm hình… xe đi theo lòng rạch Ông Chưởng (rạch nầy to, rộng nối liền sông Hậu và sông Tiền). theo tiểu thuyết :” Gia Long tẩu quốc “, nơi đây trên bước đường bôn ba Nguyễn Ánh có cưới 1 người vợ nơi đây. Có câu ca dao nổi tiếng nói về đời sống trù phú khi xưa :

                                        Ba phen quạ nói với diều.
                                        Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá, tôm.

Đến Tây An cổ tự đã có anh Hai Cang, anh Tiều ( bạn địa phương) đang chờ giới thiệu với anh Tuấn, chủ trì chùa, trao đổi vui vẽ ….

• Lược thuật : Ông Đoàn Minh Huyên (14/11/1807 – 10/9/1856) là người sáng lập ra giáo phái Bửu Hương Kỳ Hương, được tín đồ tôn kính gọi là Phật Thầy Tây An . Năm 1849 ở Nam Kỳ mất mùa và đại dịch làm nhân dân lâm vào cảnh cùng cực và chết chóc, trong lúc nầy ông Đoàn Minh Huyên từ Tòng Sơn (Sa Đéc – Đồng Tháp) đến vùng Kiến Thạnh ( nay là Long Giang- Long Kiến, Chợ Mới - An Giang) trổ tài trị bệnh cho dân, được dân tin, nghe theo những lời khuyên dạy của ông, năm ấy 1849 ông sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Tây An cổ tự nầy có từ dạo ấy .
Tại chùa anh Tuấn cho biết : giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương tuy lấy đạo Phật làm gốc, nhưng đạo không thờ tượng Phật, trên ngôi Tam bảo chỉ thờ tấm trần điều màu đỏ… nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có nhà văn Sơn Nam : “ Đây là lối tu theo thuyết “vô vi”, tức là không chú trọng đến hình thức, không dụng tâm bày đặt ra cái nầy, cái khác …”

Trên đường về lại Vàm Cống, ghé viếng MỘ BÀ, mộ thân mẫu của Đức Phật Thầy Tây An thuộc ấp An Binh, xã Hội An, Chợ Mới – An Giang.

Chiều rồi, chia tay, hẹn ngày mai tiếp tục cuộc phiêu du …

Sáng ngày 04/4, thành phần đi chỉ thiếu anh Từ Ngọc Quang vì bận công việc, ghé quán cà phê Kiều Dung (chợ Lấp Vò) nhờ anh Bảy Lệ, chủ quán hướng dẫn đến ấp Bình Hiệp (củ) xã Bình Thạnh Trung – Lấp Vò gặp anh Năm Giảng dẫn đi thăm cho biết khu đất củ gia đình của ông Tạ Thu Thâu (1906 – 1945), tên củ là xã Tân Bình, tổng An Phú, huyện Lấp Vò, tỉnh Long xuyên, đường dẫn đến khu đất củ theo cái rạch Trầu nho nhỏ, uốn cong, cập theo 2 bên rạch là mấy hàng sao … chạnh nhớ mấy câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan :

                       Tạo hóa gây chi cuộc hí trường.
                       Đến nay thấm thoát mấy tinh sương.
                        . . . . . . . . . . . . . . . .
                       Ngàn năm gương củ soi kim cổ.
                       Cảnh đó người đây, luống đoạn trường .

Lược ghi : Nhà văn, nhà phê bình Thiếu Sơn viết : Không ai phủ nhận được tấm lòng yêu nước của ông, chẳng những yêu nước còn hy sinh cho nước. Chỉ có điều khác là nói tới nước, ông liền nghỉ tới dân, thứ nhất là dân vô sản. Còn những ông Y, X thì chỉ nghĩ tới giang sơn gấm vóc, để nghĩ ngay đến những gấm vóc che phủ nơi nhà các ông, mà không cần biết tới những kẻ khố rách, áo ôm là đa số đồng bào ruột thịt của mình.

Tiếp tục lên đường đến xã Vĩnh Thạnh, vãng cảnh chùa Phước Ân, nơi có tháp cất giữ tro, cốt của nhà văn lớn Nguyễn Hiến Lê và đệ nhị phu nhân Nguyễn Thị Liệp.

Ở miền Nam, trước năm 1975, nếu ai có đi học dù cấp 1 hay 2,3 đều biết đến ông Nguyễn Hiến Lê.

Đốt nén hương nơi tháp và trong chùa, lòng bùi ngùi nhớ đến : tủ sách học làm người : Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Hương sắc trong vườn văn … nhiều lắm…. Hôm nay trùng hợp với ngày lễ Thanh Minh (Tảo Mộ) không khí nhộn nhịp, vui tươi hơn.

Vì quá trưa, nên buổi hẹn với các bạn văn ở TP.Long xuyên phải lỗi hẹn, anh Tiến khất lại, hẹn dịp tới, vì sáng mai anh và anh Hoàng phải về lại Sài Gòn sớm, đành chịu, biết sao .

Hẹn gặp lại tại quán Sao Mai lúc 15 giờ (đọc Thư Sài Gòn 3. TranNhuong.com Vũ Ngọc Tiến 27/6/2011), họp mặt có thêm vài người bạn mới : Anh Ba Huệ, anh Bé Năm…  cá chạch chiên dòn, gỏi bò … năm nay kinh tế khó khăn, nên quán xá khách khứa thưa thớt, em út cũng ít đi…

Một lần gặp, một lần khó, anh em địa phương quyết không buông tha cho anh Tiến và anh Hoàng, hẹn 7 giờ tối tại Hàng Giang quán làm chập cuối. Buổi tối khí trời dịu hẳn, gió từ sông Hậu thổi lên … quên đi cái nóng ban ngày, năm nay nóng gắt hơn mọi năm .

Có hợp rồi lại tan, cuộc vui nào có bắt đầu rồi kết thúc, bèo nước … bịn rịn chia tay, hẹn ngày gặp lại .


06/4/2013        TRỊNH-KIM-THUẤN