Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Đêm hiện đại cuốn về "Bến lạ"

Vi Thùy Linh
Thứ năm ngày 11 tháng 4 năm 2013 9:45 PM

Lê Thiết Cương đã làm nhiều công việc gây dấu ấn bởi năng lượng của một họa sĩ (HS) yêu văn học và quảng giao. Vào 20h ngày 13/4/2013, tại L'Espace, 24 Tràng Tiền, sẽ diễn ra đêm Bến lạ. Chọn tác phẩm của Đặng Đình Hưng đưa lên sân khấu, đạo diễn Lê Thiết Cương muốn tôn vinh người thầy lớn của đời mình.
Đêm thơ nhạc nhảy và...
Không phải thơ ngâm, trình diễn, mà là thơ - nhạc - nhảy, Bến lạ sẽ đem đến cho công chúng những xúc cảm lạ. Tùy trình độ thưởng thức, mỗi khán giả sẽ "cập bến" khác nhau, Đặng Đình Hưng (1924 - 1990) , một trong các thi sĩ cách tân hàng đầu từ thập niên 50 thế kỷ trước, không phải tác giả dễ đọc. Tác phẩm của ông ít phổ biến, khó tìm.
BOX. Cơ hội thưởng thức Bến lạ chỉ dành cho 264 người, theo số ghế khán phòng. Vé do Trung tâm Văn hóa Pháp bán, với 2 mức giá: 120 và 60.000 đồng/vé.
Quanh đêm Bến lạ là những câu chuyện, ký ức xa - gần, mà không nhiều người được biết. Lê Thiết Cương, qua bao "trận" hào hiệp tổ chức triển lãm, thiết kế sân khấu, vẽ bìa, minh họa hộ bạn bè, có uy tín tập hợp và ảnh hưởng. Khi xem nhóm Gõ, gồm 5 tay trống diễn cách đây 1 năm, Lê Thiết Cương bàn với nghệ sĩ trống Phan Nam, sẽ làm đêm đọc thơ trên nền nhạc. Thơ tự do đọc bằng giọng hai cô gái Trần Thụy Nhã Uyên, Hoa Phương Chi (là bạn gái của Phan Nam, Tất Long). "Đối thoại kép" của giọng đọc - nhạc cụ và giữa hai giọng đọc với nhau. Nhà Uyên và Phương Chi đọc nối, đến cao  trào cùng đọc, lúc đối mặt, lúc quay lưng. Âm nhạc do Phan Nam soạn, anh chơi trống, 2 guitar Kỳ Nam - Tuấn Nam, piano Nguyễn Tuấn Nam, đàn nhị: Tuấn Hùng. Nghệ sĩ Nguyễn Tất Long SN 1979) (vừa tham gia chương trình Thử thách cùng bước nhảy) sẽ nhảy Tabdance khi giọng đọc ngưng khúc giữa Bến lạ. Ông Đặng Hồng Quang, cháu của thi sĩ Đặng Đình Hưng, cho mượn piano. NSƯT Vũ Đức Tùng (nhà quay phim Mùa ổi, Đừng đốt) sẽ quay lại toàn bộ đêm diễn. Những người bạn cùng chia sẻ góp sức làm chương trình, không ai lấy thù lao.
Có thể nhiều người "nghe nói" Đặng Đình Hưng là nhà thơ thân sinh NSND Đặng Thái Sơn, biết tên Ô mai, Bến lạ, song chắc chắn ít ai đọc kỹ, thấu cảm được thơ ông. Sau khi thi sĩ qua đời mùa Đông 1990, người ta mới tổng kết ông có 6 tập bản thảo. Năm 1991, hai tập thơ của ông ấn hành (cùng khổ 20,5 x 20,5cm). Ô mai (NXB Hội Nhà văn), Bến lạ (NXB Văn nghệ TP HCM), bìa của chính tác giả.
Bến lạ vẻn vẹn 22 trang, trừ trang bìa, trang lót, bài giới thiệu của Hoàng Cầm và Hoàng Hưng, chỉ có 15 trang thơ của 1 bài duy nhất. Bài thơ 25 khúc, viết khi tác giả trên giường bệnh, áp tuổi 60. Ông tìm "Bến lạ" trong thế giới nội tâm và những hồi tưởng. Thơ Đặng Đình Hưng khó đọc, không chỉ "d" thành "z", "gi" thành "j", mà tư duy ông đã đi trước thời đại ông sống.
Trong bệnh viện, tưởng chừng bế tắc vì màu trắng "đe dọa" của bệnh tật và cái chết, Đặng Đình Hưng lùi - tiến thời gian. Tuổi 40, 42 "có cái lưng zài", "50 tuổi rồi , zùng jì đến 50 gói kẹo? / Hễ mưa, một cái túi to, tôi ra đường vồ sẹo". Và "Thế kỷ ơi! Lại đây ta zắt đi chơi/Cõng thốc tôi về cây 91/ kilômet 1". Đoạn này khiến tôi liên tưởng tới G.Market. Ở cuốn Hồi ức những cô gái điếm buồn của tôi, khi bệnh và buồn, Market vẫn ước "trái tim tập đập qua 100 tuổi để yêu nàng". "Giả lão hoàn đồng", Đặng Đình Hưng hình dung tuổi 91 sẽ thành "Tuổi lên 1, tôi đường phố Têta, những con lfa - Têta nhỏ mím đầu đường  fở đất mở rộng ngày Chủ nhật dẫn theo con". Người con tự hào của ông, là nghệ sĩ xuất chúng Đặng Thái Sơn (1958, đang sống cùng mẹ - Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên (SN 1918) ở Montréal, Canada.
"Bến quen" hoài niệm
Về già, Đặng Đình Hưng có một nỗi buồn. Khi nói về sự thành đạt của Đặng Thái Sơn, người ta chỉ nhắc đến mẹ, người thầy âm nhạc đầu tiên và gắn bó nhất của con mình. Theo HS Lê Thiết Cương, một số lần ông Hưng từng nói: "Không có Đặng Đình Hưng, sao có Đặng Thái Sơn". Vốn là một nhạc sĩ sáng tác, Đặng Đình Hưng thuộc Ban lãnh đạo của Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương trước 1954 (nay là Nhà hát Ca múa nhạc VN) cùng nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn  Văn Thương. Tại ngôi nhà chật ở Hà Nội hay nơi sơ tán Bắc Giang, bà Liên vừa dạy học sinh trường Âm nhạc Việt Nam (mà bà là 1 trong 7 người thành lập, sau khi rời Đoàn Văn công NDTW), vừa dạy cho con riêng, con chung, trong khi đàn chỉ có 1, bà từng không muốn Sơn học đàn. Nhưng ông yêu dương cầm và là người phát hiện ra năng khiếu đặc biệt của con.
Bà Thái Thị Liên là tiểu thư Sài thành, con kỹ sư Thái Văn Lân (du học tại Pháp), em ruột luật sư Thái Văn Lung. Xưa chỉ nhà giàu mới dám cho con theo đuổi âm nhạc. Bà Liên học đàn từ nhỏ và được cha sang học Nhạc viện Paris, rồi tốt nghiệp Đại học ở Prague. Nhà giáo có nhiều cống hiến lớn, ấy có quyền kiêu hãnh về học trò kiệt xuất Đặng Thái Sơn - con chung duy nhất, con út của hai ông bà. Họ đã sống bên nhau cùng các con trong căn phòng chật hẹp ở phố Tống Duy Tân, Hà Nội. Năm 1978, khi cha mẹ chia tay, Đặng Thái Sơn du học Moskva (từ 1976, Nhạc viện Tchaikosvsky). Đặng Đình Hưng đã cô đơn và uống rượu nhiều. Theo những người gần gũi ông, căn phòng đó, ông "đổi rượu", rồi sống nhờ nhà bạn , phố Nguyễn Thượng Hiền. Năm 1984, Nhà nước phong danh hiệu nghệ sĩ Ưu tú, Nhân dân đợt 1. Đặng Thái Sơn (giải Nhất Cuộc thi piano quốc tế tại Warszawa, Ba Lan tháng 10/1950) được tặng danh hiệu NSND khi 26 tuổi. Nhà nước cấp nhà cho Đặng Thái Sơn, thời gian này ông sống với mẹ tại Paris. Người cha nhận căn hộ 201 nhà C4 khu tập thể  Giảng Võ, ở đây từ 1989 đến 1990 - cũng là 6 năm cuối đời.
Là người nói lời mở đầu đêm thơ Bến lạ, Họa sĩ Trịnh Tú  (SN 1949, báo Lao động) đã có quãng đời gần gũi với Đặng Đình Hưng, qua đó biết Lê Thiết Cương và họ thân nhau đến bây giờ. Trịnh Tú, ngày ấy là trợ lý của GS Tôn Thất Tùng, nhiều lần xin thuốc của GS Tùng cho các bậc "đại ca" tài ba khổ nạn, "vì khi đó chỉ GS Tùng có tủ thuốc Tây và có lòng thương cảm, hiểu được..." Năm 1980, đúng hôm Đặng Thái Sơn thi ở Ba Lan thì cha nhập viện. HS Trịnh Tú đưa ông Hưng đến BS Tôn Thất Tùng. HS Tùng nhờ GS Cồ chuyên chữa bệnh phổi, mổ cho nhà thơ. Ông bị ung thư, phải cắt một bên phổi, nhờ gặp BS giỏi, lại được tin con đăng quang, ông sống thêm được 10 năm.
Lê Thiết Cương kể: "Những năm ấy, tôi cùng mẹ sống tại phòng 39, nhà  A1 Giảng Võ. Tôi thường sang nhà bác Hưng, muốn được nghe, học hỏi với nhiệm vụ tiểu đồng chuyên thông điếu (thuốc lào), mua rượu trắng ở quán quen, có khi mua chịu. Tôi phục vụ tự nguyện, nhiệt tình vì được gần các bậc thầy là may mắn lớn. Tôi đã gặp ở nhà bác Hưng nhiều tên tuổi lớn của các lĩnh vực: HS Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân; nhạc sĩ Văn Cao, Trọng Bằng, Huy Du, Hoàng Dương; thi sĩ Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt. Đấy là "mâm các cụ". Còn "chiếu tùy tùng": Trịnh Tú, Hà Tường, Phan Đan, tôi có lúc dạt ra ngồi hành lang". Sau khi đi bộ đội 4 năm (thuộc Quân khu Thủ đô, đóng quân tại Ba Vì, Thạch Thất), năm 1984, Lê Thiết Cương là sinh viên năm thứ nhất, khoa Thiết kế Mỹ thuật Đại học SK - ĐA Hà Nội. Duyên mệnh cho anh được gặp nhạc sĩ, thi sĩ Đặng Đình Hưng, người hướng anh đến quan niệm nghệ thuật tối giản. Anh đã theo con đường ấy suốt đời, quyết liệt, cực đoan và say mê, thành phong cách. Tranh Cương có chất thơ và ý tưởng văn chương.
"Đặng Đình Hưng là người thầy lớn, quan trọng nhất của tôi. Làm đêm thơ "Bến lạ, là một cách tri ân thầy. Lúc nào tôi cũng hỏi ông. Sự kiên trì giới phong cách cũng là trọng thầy".
Lê Thiết Cương  bất bình khi biết trong cuốn Thơ như là mỹ học của cái khác, Đỗ Lai Thúy viết: "Do ảnh hưởng của Trần Dần mà Đặng Đình Hưng làm thơ và vẽ tranh". Họa sĩ thẳng thắn: "Đó là nhận định sai lầm. Muốn biết ai chịu ảnh hưởng ai, với thơ, phải xét trên cơ sở thi pháp; với hội họa là bút pháp. Thơ Đặng Đình Hưng không hề giống thơ Trần Dần".
Nhạc tính trong Bến lạ ẩn hiện từng câu, dù thoạt đầu khó đọc. Không thể đọc Bến lạ kiểu xuôi thuận vốn quá thông thường. Có lắm từ tiếng Pháp nguyên bản và phiên âm, thuật ngữ toán học.
Sẽ viết sách về "ký ức Giảng Võ"
"Người thầy không dạy Lê Thiết Cương tại nhà trường, giảng đường mà dạy mà hướng anh lối tư duy độc đáo, trong ngôi nhà ông - một "salon nghệ thuật" hiếm ở Hà Nội thời cuối bao cấp. Năm 1993, anh rời khỏi khu Giảng Võ. Suốt 20 năm qua, ký ức Giảng Võ chưa khi nào lắng trong anh. Nó vẫn sống động, là điểm tựa, nhiệt lượng. Lê Thiết Cương mở gallery 39 từ năm 2005, cũng theo hình thức salon.
Theo "Sa mạc tờ croquis kẻ chậm những đường chỉ cuộn ốc" cùng Lê Thiết Cương nhớ những kỷ niệm vô giá với Đặng Đình Hưng, tôi gợi ý anh hãy dành thời gian viết cuốn sách về thời sống ở Giảng Võ. Anh bảo, đấy cùng là ý định lâu rồi, sẽ làm thời gian gần nhất. Cho tôi xem ảnh chụp với Đặng Đình Hưng, anh cho biết, đây là bức ảnh cuối cùng trước ngày ông mất. "Khi bác qua đời, bị trùng tang, tôi đi mời thầy cúng. Tôi nhớ mồn một  hôm ấy 21/12/1990, tức mùng 5/11 âm lịch. Thi hài bác Hưng quàn tại 51 Trần Hưng Đạo, tôi tham gia tổ chức tang lễ và đưa bác về nơi an nghỉ cuối cùng, nghĩa trang làng Thụy Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Tây. Năm nào, tôi cũng về thăm mộ bác vào dịp giỗ năm 2012, do mổ thận nằm tại bệnh viện Việt -Đức, tôi cử đàn em Phạm Trần Quân về viếng mộ thay, đưa Phan Nam đi cùng. Phan Nam đã xin phép bác Hưng làm đêm thơ nhạc Bến lạ".
Những năm tháng ấy, Đặng Đình Hưng sống cùng người cháu. Ông có thói quen không ăn trước mặt mọi người khi uống rượu. Anh cháu biết ý, phần riêng thức ăn cho ông. Dẫu bữa rượu dài thế nào, chờ bạn về hết ông mới ăn.
Ròng rã nhiều năm, ông "bào mòn" dạ dày bằng etylic như thế. Bất chấp khổ nhọc, đắng cay, từng phải chăn trâu bò ở Chí Linh, Hải Dương, từng đói khát đơn độc, Đặng Đình Hưng vẫn viết những câu trong đẹp lạ thường: "Tôi ghé Bến lạ cắn một quả vả và những kỳ lạ màu xanh chưa chín ngọn đèn rũ của lần đầu gặp gỡ những khoảng cách là lạ lfa - Mêga... / Thì ra lfa là con số đợi ở hai vai nở vội tôi đuổi theo níu lại hai mùa". Sân khấu đêm Bến lạ được Lê Thiết Cương vẽ một đường tròn không khép kín. Cái đẹp nằm trong sự không toàn hảo. Đường tròn tái ngộ: "Sao cứ đi đi, những cái vali cứ về Bến lạ".
Một đêm lạ đáng để ai biết yêu thơ cách tân tìm đến, với chân tình và chiếc vali trong tâm hồn để nhận về cảm xúc. Không thể nào lặp lại. "Ồ gặp nhau rồi, sao vẫn cứ li / một nắm hột khuya rắc vào Bến lạ".
Bìa tập thơ Ô mai, Bến lạ của Đặng Đình Hưng
Lê Thiết Cương và nhà thơ Đặng Đình Hưng năm 1990
Từ trái sang: HS Dương Bích Liên, nhà thơ Đặng Đình Hưng, Trần Dần, HS Nguyễn Sáng tại Giảng Võ năm 1988.
Ảnh: Lê Thiết Cương.