Mới đó, mấy hôm trước, nghe tiếng nói cười vô tư của các chiến sĩ đồn biên phòng Đồng Văn, người ở xóm nhỏ dưới chân cột cờ Lũng Cú, người ở gần đền Hùng, Phú Thọ, người ở Xứ Đoài mây trắng… càng thêm tin yêu những gương mặt hồn hậu, cởi mở đang mời cạn chén rượu ngô, mà hôm nay lại đã nghe mưa đá làm tốc nhiều nóc nhà, gây thiệt hại người và của ở Hà Giang. Lại nhớ dưới tán cây đào xum xuê trước sân đồn, các anh kể chuyện cắm bản, vận động dân giúp bộ đội giữ từng tấc đất nơi biên cương tổ quốc. 20 năm, 22 năm, 25 năm… những năm, những tháng gắn với dân, vui buồn cùng dân, nói cho dân nghe bằng tiếng Hơ-mông không thể tính bằng đại lượng thời gian mà bằng cả trái tim người lính. Màu áo bộ đội biên phòng bốn mùa mưa nắng vẫn xanh trên đá xám cao nguyên. Những em bé gầy guộc với chiếc áo lanh màu đen, màu xám và những đôi mắt nhoi nhói cứ ám ảnh tôi mãi…Bao nhiêu tối các anh đã làm thầy giáo dạy các em học? bao nhiêu đôi tay chiến sĩ đã thay cô giáo trường làng dịu dàng chăm sóc các em, để có manh áo lành, cái bụng ấm cơm ngô? Còn chính các anh, vỡ đất, phạt núi, trồng rau xanh, vui với tiếng gà mỗi sớm tinh khôi, sao treo đỉnh núi… rồi cũng thành nếp, thành nhịp sống, sinh hoạt hàng ngày. Trập trùng thành đá, lô xô rừng đá; đá ở bên người, ở với người… và rồi tiếng con gái trong trẻo, cũng thành của hiếm ở trên đồn của các anh, khi tôi không thấy chị nuôi, y tá. Cảm cúm, ốm đau thì cấp cứu sao kịp? lại cười hồn nhiên dưới tán đào xanh mướt “ Tự cấp cứu rồi di nhanh xuống Đồng Văn thôi”. Tôi cay xè mắt. Những đôi tay nam giới chỉ quen cầm súng, cầm búa, vác xá cày…vừa chắt từng giọt nước để trồng rau xanh, có đủ cải non, thịt lợn, thịt gà tiếp các đoàn dưới xuôi lên động viên anh em, vừa làm y tá, cắt tóc cho nhau, đảm bảo sức khỏe để “đổi vòng gác đồn” cho nhau; và kéo cờ Tổ quốc có chu vi 54 mét tượng trưng cho 54 dân tộc ạnh em của đất Việt muôn vàn yêu thương tung bay giữa nắng gió lồng lộng của đỉnh cao Lũng Cú. Chính ủy đồn biên phòng Lũng Cú, người con của dân tộc Hơ- mông tự hào: “ thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ biên giới được chúng tôi xây dựng vững mạnh ở tất cả các xã của Đồng Văn”.
Trên đỉnh cột cờ, tôi như nghe tiếng trồng đồng từ ngàn xưa và tiếng bài thơ thần của Thái úy Lý Thường Kiệt vọng về: “ Nam quốc sơn hà nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Một cây thông đỏ quý hiếm, một xóm nhỏ với mái ngói vẩy cá và ruộng bậc thang trải một màu xanh non lúa đang thì con gái... tất cả sự yên bình của mỗi ngôi nhà ấy, mỗi tấc đất biên cương ấy, đều gắn chặt với ý chí và trái tim người chiến sĩ đồn biên phòng Lũng Cú. Khi tiếng hát “ Thư tình của núi” tặng các anh vang lên trên núi đá trập trùng, là tiếng lòng mến yêu, thương nhớ gửi lại các anh. Và đêm nay, ở Thủ đô, trái tim của cả nước, nghe nạn gió núi, đá lốc trên Hà Giang, trong tôi lại trào dâng bao niềm cảm phục các chiến sĩ giữ xanh mãi biên cương Tổ quốc. “ Trập trùng đỉnh cao mây bay biên giới, tôi đang đứng đây, gìn giữ đât trời bao la, tổ quốc đã trao cho từng tấc đất của Ông Cha…”… tiếng hát vượt muôn trùng xa xôi, bay giữa không gian, gửi tới các anh đang giữ chắc tay súng, và giúp dân lợp lại mái nhà, dạy các em học bài “ em yêu Tổ quốc Việt Nam”