Chuyện hiếm gặp
Nay tôi đã ở tuổi 80, nghĩa là thời bao cấp, thời tôi còn công tác, qua khá lâu. Tôi không nhớ tỷ mỷ câu chuyện đươc nghe trong một buổi họp. Chuyện là thế này: Thời ấy cán bộ chưa “tham nhũng ngồm ngoàm” như bây giờ; mà chỉ “tham ô” tý chút. Lúc tham ô cũng “hợp pháp” dù nhỏ, không trắng trợn như bây giờ. Thường thường những cuộc họp lớn, lúc bế mạc, mỗi người dự họp được tặng một túi quà. (về sau, người ta sáng tạo ra phong bì. Cố nhiên cũng có những cuộc họp quà tặng không phải từ nguồn tham ô…). Hôm ấy bế mạc cuộc họp HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH, tổ chức cao nhất Tỉnh, ban tổ chức cuộc họp cũng phát cho mỗi người một túi. Mọi người, kể cả bí thư, chủ tịch tỉnh cũng nhận túi quà ra về trong không khí ồn ã “thắng lợi to lớn” của cuộc họp. Duy chỉ có một đại biểu trẻ nhất định không chịu nhận túi quà! Đại biểu trẻ này vốn là một sinh viên học giỏi, có đạo đức, tham gia công tác đoàn thể từ trong nhà trường, nay tốt nghiệp ra công tác được tín nhiệm bầu vào H.Đ.N.D.tỉnh. Dù ban tổ chức thuyết phục bao nhiêu vị đại biểu trẻ này cũng không chịu nhận quà!
Lý do, sau này nghe anh ta trải lòng là, anh bị ám ảnh vì hôm anh đạp xe đạp lên tỉnh họp, anh gặp một ông già nông dân ngoài 70 tuổi ở quê anh. Anh biết ông già có vợ già đang ốm lại nuôi mấy đứa cháu nhỏ. Ông già đang uể oải cuốc ruộng. Đi qua, anh chào ông. Ông già chào anh và nói: “Mấy hôm nay, ông ốm quá nhưng vẫn phải cố mà làm cho kịp thời vụ. Vụ chiêm qua thất bát, thiếu người làm, thuế má nợ nần trả xong nhà ông thiếu mất hai tháng ăn cháu ạ! Hôm nào họp xong, cháu sang nhà ông chơi uống nước, kể ông nghe, họp hành có gì mới mẻ cho dân nhờ được không?”
Lương tâm trong trắng với kiến thức sâu rộng đột xuất của một tâm hồn trẻ
đã tạo nên độ cứng cỏi thắng cám dỗ danh và lợi giữa bối cảnh tâm lý bầy đàn. Thật hiếm hoi lắm thay! Thật đáng trân trọng lắm thay!
Chuyện hay gặp
Cháu dâu tôi cũng thuộc lớp đang lên, được cử đi học lớp chính trị ở một trường chính trị quan trọng. Cố nhiên những ông thầy dạy phải là những con người có bộ não “lớn” chứa nhiều “kiến thức” và “đạo đức”. Nói về chuyện làm luận án tốt nghiệp, cháu nói tiếp: “Ôi dào! Bây giờ là thế hết đấy, chú ạ! Trường cháu có 18 vị thầy cô thì 17 thầy cô nhận “quà”; duy chỉ có một cô kiên quyết từ chối! Trong 17 thầy cô ấy có cả thầy giáo rao giảng về “Đạo đức Hồ Chí Minh!!!”. Với giọng dửng dưng, vô cảm, cháu tôi nói tiếp: “Trong số những học viên chúng cháu đi“đút lót”, có cả những ngươì tiếng tăm như nhà thơ ĐK …”
Cháu tôi nói thế xong vội quay ngoắt lại ghế nồi cơm đang sôi!
Tôi tự nhiên cảm nhận như giữa hai sự việc (lời cháu tôi và nồi cơm đang sôi) có một nét chung. Đó là hai hiện tượng thường ngày có quan hệ với sự SỐNG CÒN CỦA CUỘC ĐỜI!!!
30/3/2013
PHẠM MẠN