Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đôi điều về bài thơ : DÒNG LỆ ĐỎ

Vũ Hạ
Thứ ba ngày 1 tháng 1 năm 2013 5:53 PM

Thơ của tác giả Phạm Đăng Kiểm
                                           
Tôi chưa biết anh Phạm Đăng Kiểm ở đâu, bao nhiêu tuổi, cuộc sống hiện nay ra sao…Nhưng đọc hai bài thơ của Anh  từ CLB Thơ Đường họ Pham Việt Nam, tôi thực sự rung động. Anh chắc chắn phải là người lính “cùng thời máu lửa chiến tranh” nên mới có những vần thơ khoáng đạt sâu thẳm tâm hồn người lính như vậy.
      Bốn mươi năm một chặng đường, chiến tranh đã lùi xa, đây đó đã nhạt nhoà ký ức, vậy mà trong anh vẫn còn thấm đậm “ Dòng lệ đỏ” năm nào, của bản thân, của đồng đội, những đau thương mất mát hy sinh anh dũng của người lính, niềm tự hào kiêu hãnh ấy không bao giờ quên được, cứ hiện về bùi ngùi thương cảm, nghẹn ngào, nóng hổi dưới ngòi bút của Anh:
Phong ơi !
Cả nhà anh vẫn nhắc chú Phong
Em hứng đạn cứu tôi đêm thượng tuần tháng bảy
Lửa chớp nhoáng nhoàng, giọt trăng run rẩy
Đất rưng rưng… lặng lẽ đỡ em nằm

Em ngước nhìn tôi đôi mắt ướt đầm
Dòng lệ đỏ nhoá nhoà đêm tối
Anh bị thương còn em đi vội
Cơm vắt bên mình hai đứa chửa kịp ăn.
Bài thơ mở đầu thật xúc động, tác giả gọi tên người đồng đội trìu mến thân thương như còn sống, như đang nói chuyện với mình về những kỉ niệm chiến trường xưa, với nỗi lòng thương tiếc khôn nguôi. Giọng thơ nhẹ nhàng trầm cảm, rung động, tác giả khéo léo sử dụng các từ luyến láy :  “Nhoáng nhoàng - nhoá nhoà - rưng rưng” để diễn đạt tạo nên ý thơ hay, câu thơ sinh động, khắc hoạ sự hy sinh của người lính thật nhẹ nhàng thanh thản nhưng cũng đầy bi thương ; Máu và nước mắt quện vào nhau thành dòng lệ đỏ nhoá nhoà trong đêm tối là ấn tượng về tình đồng đội sống chết bên nhau, là nỗi đau thương mất mát, là bản hùng ca mà tác giả còn in đậm trong lòng để cho ra đời một bài thơ hay về đồng đội hôm nay.
            Những khổ thơ tiếp theo tác giả miêu tả những kỉ niệm hồn nhiên sinh động của anh lính trẻ trong sinh hoạt, trong chiến đấu. Bằng những vần thơ kể chuyện tự nhiên, truyền cảm hấp dẫn, tác giả đưa người đọc trở về quá khứ thật sống động:


Đầu tháng bảy vào đây giáp mặt tử thần
Em trẻ măng hiền lành như đất
Đợt “ Lính bổ xung” út Phong khoẻ nhất
Thân với anh – A trưởng thư sinh…
      Và cứ thế, từ kỉ niệm này sang kỉ niệm khác, anh lính Phong thật đáng yêu mến qua những câu thơ đằm thắm tình đồng đội. Tả một trận đánh bằng văn xuôi đã khó, dùng thơ để diễn tả một trận đánh lại càng khó hơn, cả bài thơ là một thành công của tác giả về chân dung người lính, nhưng những khổ thơ tả về trận đánh ác liệt quả cảm và sự hy sinh bất ngờ của anh lính trẻ là đoạn thơ hay để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc:
Làng không tên loang lổ vệt trăng thu
Đêm thao thức đất trở mình nhức nhối
Hai cây súng hai trái tim nóng hổi
Một niềm tin, chân lần bước bên chân

Đồng đội thì xa, lũ giặc thì gần
Trong hoang lạnh chợt nhoáng nhoàng ánh chớp
Khẩu súng trong tay em…
Lia chùm đạn đỏ lừ đưa đường dẫn lối
Đất trời nổ bung như chảo ngô rang

Địch kêu phía trước, địch hét sau lưng
Chúng mình dựa nhau xoay tròn nhả đạn
Từ phục kích chúng tan đàn hoảng loạn
Đâu biết quân ta chỉ có… hai thằng

Khẩu AK sáu mốt viên - cải tiến một băng
Bắn đến đỏ nòng…sương rơi…bốc khói
Lũ rằn ri dăm bảy thằng đền tội
Em cười vui trắng loá hàm răng…
Hồi hộp, căng thẳng ác liệt và vui mừng là đặc trưng chung của người lính trong chiến đấu, nhịp điệu, âm vần của đoạn thơ dồn dập gấp gáp, một trận đánh được tác giả miêu tả khá sinh động cuốn hút người dọc từ bất ngờ này sang bất ngờ khác và một bất ngờ ngoài mong muốn đã sảy ra:
Ôi tiếng “ cối cá nhân” khô khốc lạnh lùng
Em giành trọn, nhường cho tôi cuộc sống
Một dòng máu xanh tan vào tĩnh lặng
Tan vào mây vào đất hoá tươi hồng.

 

Một phút vô danh cho tổ quốc anh hùng
Đêm tháng bảy… long lanh một dòng lệ đỏ.
Vào chiến đấu sống chết trong gang tấc, may rủi cũng là lẽ thường khó mà biết được. Đoạn thơ trên tả cái chết  bất ngờ của đồng đội và cảm xúc của tác giả về sự hy sinh đó, cũng là những câu kết của bài thơ. Giọng thơ hay, ý thơ sâu sắc: “ Một dòng máu xanh tan vào tĩnh lặng / Tan vào mây vào đất hoá tươi hồng”. Sự hy sinh của đồng đội Phong, được tác giả trân trọng tự hào như một ân nhân cứu mạng mình, bời lòng yêu quí thương nhớ vô hạn người bạn chiến đấu năm xưa. Bài thơ như nhắc ta có được cuộc sống hoà bình ấm no hạnh phúc hôm nay, đừng quên đồng đội, luôn biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh hiến dâng dòng máu xanh của tuổi trẻ cho tổ quốc Việt Nam anh hùng.


                                                        Hải Phòng Ngày 29 /12 / 2012
                                                         Vũ Hạ - ĐT : 01698387187