Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhiều khi tôi ngơ ngác nhớ ông

Hoàng Quốc Hải
Thứ năm ngày 20 tháng 12 năm 2012 6:03 PM
TNc: Sáng nay (20-12), Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức Hội thảo về nhà văn Hoàng Công Khanh. Tôi bận đi viếng thân mẫu nhà văn Nguyễn Trí Huân nên không dự được. Thật tiếc. Sinh thời Hoàng Công Khanh goi tôi là chú em nuôi. Ở ông đã cho tôi nghị lực vượt lên hoàn cảnh và chữ Nhẫn làm Người. Xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của nhà văn Hoàng Quốc Hải tại Hội thảo này...

 

 Mới cách đây vài tháng, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hải Phòng quyết định lấy một con phố tại quận Kiến An được vinh dự mang tên nhà văn Hoàng Công Khanh, và nơi ấy chính là quê hương ông. Năm 1945 ông tham gia mặt trận Việt Minh thì Thành phố Hải Phòng là một đơn vị hành chính lớn của tỉnh Kiến An, nay quê hương lấy tên ông đặt cho một đường phố thì Kiến An trở thành một quận của thành phố Hải Phòng. Đúng là thế gian biến đổi.

 Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Hoàng Công Khanh gắn bó với Thủ đô Hà Nội cho tới khi ông trút hơi thở cuối cùng. Ngay cả các tác phẩm văn học của ông hầu hết là viết về Thăng Long Hà Nội. Ấy thế mà quê hương vẫn ưu ái, tôn trọng và vinh danh ông. Quê hương nhận thức rằng các tác phẩm của nhà văn là phục vụ công chúng cả nước, chứ không hẹp lượng kiểu khoanh vùng, rằng không viết về Hải Phòng thì Hải Phòng không tặng thưởng, không vinh danh. Thế mới biết cái tầm cao văn hoá của Hải Phòng thật đáng trân trọng!

Từ ngày nhà văn Hoàng Công Khanh vắng bóng, nhiều khi tôi ngơ ngác nhớ ông. Sự nghiệp văn học của nhà văn Hoàng Công Khanh rất đồ sộ, ông xứng đáng ngồi vào hàng chiếu nhất  của văn đàn nước ta. Ông sáng tác nhiều thể loại: Thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết đương đại, tiểu thuyết lịch sử. Nhưng thành công lớn nhất của ông có lẽ nằm ở tiểu thuyết lịch sử và kịch thơ.
Có thể nói mà không sợ đời ghen tị, về mảng kịch thơ, Hoàng Công Khanh là người đứng đầu bảng. Từ năm 1946 tới 1989 ông viết tới 4 vở:
Về Hồ (1946)
Bến nước Ngũ Bồ (1953)
Chử Đồng Tử (1955)
Cung phi Điểm Bích (1989)
Đành rằng về số lượng kịch thơ, Hoàng Công Khanh là người viết nhiều hơn các tác giả khác. Nhưng điều đáng nói là chất lượng kia.
Tôi không phẩm bình, nhưng hãy xem vở “ Bến nước Ngũ Bồ” khi mới ra đời trong vùng quân Pháp chiếm đóng đã được công diễn trên các sân khấu lớn của Hà Nội, Huế, Sài Gòn và đưa cả sang Paris công diễn. Sau đó, năm 1994 còn được công diễn tại Bỉ, Californie (Mỹ), Montre’al ( Canada).
Đặc biệt năm 1957 đã công diễn nhiều đêm tại Nhà hát lớn Hà Nội, được dư luận  hoan nghênh.
Và năm 2006, khi vở “ Cung phi Điểm Bích” được đưa lên sân khấu đã diễn tới hàng trăm đêm, và hàng năm diễn lại vẫn không hề vơi khách.
Còn vở “Chử Đồng Tử”, nhạc sĩ Tô Vũ rất yêu thích chất nhạc trong lời thơ nên ông đã phổ nhạc, thành thử “ Chử Đồng Tử” không chỉ là một vở kịch thơ, mà còn là vở nhạc kịch.
“ Về Hồ” của nhà văn Hoàng Công Khanh, là một vở kịch lịch sử, lấy bối cảnh từ các hậu duệ nhà Trần quyết tâm trừ khử Hồ Quý Ly để khôi phục nhà Trần. Đúng lúc đó thì quân xâm lược nhà Minh đang rục rịch kéo vào biên ải. Các tráng sĩ phải đấu tranh gay gắt diệt Hồ hay hợp tác với Hồ để diệt giặc ngoại xâm. Cuối cùng mọi người đều thống nhất phải gác thù riêng mà lo cứu nguy cho dân tộc. Đương nhiên là như vậy.
Nhưng tình hình đất nước đầu năm 1946 cũng cực kỳ gay cấn, tựa như tình hình đất nước đầu thế kỷ XV. Một bên thì quân Tưởng Giới Thạch chưa chịu rút quân khỏi nước ta, một bên thì 5 vạn quân Pháp lấp ló sắp đổ vào cửa biển Hải Phòng theo Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946. Nội tình thì các phe phái đối lập trong Chính phủ Liên hiệp lâm thời như Việt Quốc, Việt Cách câu   kết với ngoại bang nhằm thủ tiêu những người cách mạng, và thủ tiêu luôn thành quả cách mạng. Vở kịch lấy tựa đề
“ Về Hồ” còn mang một hàm nghĩa sâu xa khác nữa. Tôi hỏi nhà văn Hoàng Công Khanh:
- Năm 1946, anh viết vở “ Về Hồ” cụ Hồ có biết không?
- Biết chứ! Tớ đem lên tận Phủ Chủ tịch biếu ông cụ.
- Cụ có đọc và có ý kiến gì không?
-  Ông già hóm lắm. Vài ngày sau Cụ cho mời mình sang văn phòng ở Bắc Bộ phủ. Cụ mỉm cười ý nhị rồi bảo:
- Chú viết được đấy. Tổ chức biểu diễn cho đồng bào xem để khơi dậy lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc.
Nói xong, ông cụ đẩy đĩa kẹo bày ở bàn để tiếp khách về phía mình và bảo:
-  Bác thưởng chú đĩa kẹo này đem về chia cho anh em. Thế là mình đưa kẹo về khoe và chia cho mọi người.

Vở kịch ngắn chỉ có một hồi, một cảnh mà có đầy đủ các yếu tố của một vở kịch cổ điển. Có mở đầu, có cao trào, có thắt nút, mở nút. Vở kịch lấy đề tài từ lịch sử trải hơn nửa thế kỷ, bây giờ đến lượt nó cũng trở thành lịch sử, nhưng sao tôi thấy tính thời sự vẫn còn tươi rói, tựa như ông mới  viết trong những tháng năm này.
Ta thử nghe một vài đoạn trích về     viên Thái uý, mệnh quan của triều Hồ Quý Ly thuyết phục mấy thủ lĩnh họ Trần muốn khởi sự diệt Hồ để lấy lại cơ nghiệp cho nhà Trần, trong khi giặc Minh đang lấp ló khắp biên thuỳ. Viên Thái uý vạch rõ sự suy tàn và bất lực của chính quyền nhà mạt Trần:
 …Để dân chúng sống trong vòng đói khổ
 Giặc cướp nổi tứ tung trên bốn lộ
 Nịnh thần đua ton hót giữa triều đình
 Ngoài biên cương lấp ló lũ giặc Minh
 Trong cung điện rã rời nền quốc chính
 Nối ông cha đã không tròn sứ mệnh
 Nhục muôn thu còn để nghĩa danh ô…
Thái uý lên án tên Trần Thiêm Bình giả danh con của Trần Nghệ Tông cúi mình đi cầu giặc:
 Ôi! Cõng rắn cắn gà nhà!
 Quân Minh kia nhòm nhỏ nước Nam ta
 Đâu có phải vị tình hay vị nghĩa!
 Muôn vạn kiếp chịu tiếng đời mai mỉa
 Vẻ vang chi những kẻ mượn tay người
 Để gieo mầm tàn phá khắp non khơi
 Để được sống trong vũng bùn nô lệ…

Và đây là lời Trần Quang Dực, cháu họ Trần Quang Khải khi đã nhận ra bộ mặt thật của kẻ thù:
         - Những lời hứa ngoài môi
Đường quân thù xếp chật những thây người
Tay lũ giặc ướt đầm đìa những máu
Bắt trẻ già, hốt thu muôn vật báu
Cắt quan liêu, định kế hoạch lâu dài
Khắp bốn phương khói lửa bốc tơi bời
Tiếng than khóc đã vang lừng cõi Bắc
Cả trăm họ đã oán hờn quân giặc
Và kẻ rước voi về để giầy mồ
Nhiều sĩ phu đã về với họ Hồ
Vì họ đặt giang sơn lên tất cả
Cùng góp sức diệt thù chung trước đã!...
 Ông già Trần Côi, cha của tráng sĩ Trần Kiên, đồng chí với nhóm Tôn thất Trần Quang Dực đã nấp nghe cả đôi bên tranh cãi, cuối cùng ông xuất hiện và lên tiếng:
  Con ơi!
  “ Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”
  Con nghe cha! Các tráng sĩ nghe già!
  Mối thù chung phải đặt trên mối thù nhà
  Nếu nước mất thì nhà sao toàn vẹn?
  Ta không thể an nhiên nhìn giặc đến!
  Vung kiếm lên cho đầu giặc rụng rơi!
  Vung kiếm lên giết giặc khắp muôn nơi
  Cho giặc rõ hồn trai Nam hùng dũng!
  Cho bách tính biết rằng ta lượng rộng!
  Là khi cần đoàn kết giữ giang san
  Lòng dân Nam chỉ nổi một cung đàn!
  Già như trẻ và trai cùng như gái
  Không phân họ, phân tên và phân tuổi
  Một giống nòi, chỉ một giống nòi thôi!
  Là Việt Nam ngạo nghễ dưới gầm trời
  Hay tan tác dưới gót giầy xâm lược?
  Phải về Hồ, không về Hồ không được!...

 Phải là người yêu nước đến cháy lòng, phải là một tâm hồn nghệ sĩ cao thượng mới viết nổi lời thơ như lời hịch này.
 Trong hầu hết các tác phẩm của nhà văn Hoàng Công Khanh mà tôi đã đọc, đều sáng lên một tấm lòng yêu nước, thương nòi. Ấy vậy mà cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, ông đã bị chính quyền bắt và cầm tù hẳn hoi, nghe đâu ba năm ròng rã.
 Tôi hỏi ông vì sao bị bắt?
 Ông cười như méo xệch cả môi và chậm rãi đáp:
-  Làm sao mà tớ biết được. Bởi toà nó không xử, không kết án, không tuyên án thì làm sao mình biết được mình mắc tội gì và phải tù bao lâu. Cho đến khi được tha tù, mình hỏi tay quản giáo: “ Ông có thể cho tôi biết tôi mắc tội gì được không ạ ?”. Lão ta cười hề hề đáp: “ Làm sao mà tôi biết ông mắc tội gì. Đây là trại giam, người ta gửi người đến để giam giữ thì tôi giam giữ. Bây giờ người ta bảo tôi không giam nữa, thả ra. Đủ giấy tờ thì tôi thả. Thôi ông về đi cho vợ con mừng còn hỏi lý do lý chấu làm chi cho mệt ”.
-  Nhưng ít ra cũng phải có cái cớ gì gì chứ. Hoặc là anh có cộng tác với nhóm “ Nhân văn”, “ Đất mới” không?
- Tớ chẳng cộng tác với thằng nào hết. Các nhóm ấy họ đã xử lý xong từ năm 1957 rồi.

Suy nghĩ một lát rồi nhà văn Hoàng Công Khanh như sực nhớ ra, ông bảo: “ Tớ nhớ là mình có dịch bài viết của Lỗ Tấn phê phán bài nói chuyện ở Hội nghị văn nghệ Diên An của Mao Trạch Đông, nhưng chưa in ở đâu cả. Chỉ có vậy thôi chứ mình không dính líu vào bất cứ một điều cấm kỵ nào hết”.
Tôi lại hỏi:
- Anh   bị tù không có tội, không có án. Vậy tại sao anh được tha?
 Đôi mắt Hoàng Công Khanh chợt sáng, gương mặt ông tươi hẳn lên, rồi ông kể:
- Quả tình tớ cũng không tin   được      Đầu  đuôi là Cục Trại giam họ tổ chức “ Hội diễn toàn quốc các nhà giam”. Giám đốc trại gọi mình lên, tiếp đón khác thường. Có thuốc lá Điện Biên bao bạc, nước chè Hồng Đào, kẹo Hải Châu bọc giấy bạc là snhững thượng phẩm của miền Bắc ngày đó.
Giám đốc trại đon đả thân tình mời mình uống nước và thưởng thức kẹo, thuốc lá. Cứ như mình là thượng khách của ông chứ không phải thân một thằng tù nữa. Trong bụng mình thấy hơi run. Vì mình biết các tù nhân trước khi thi hành án tử, đều được cho ăn uống ngon lành, ăn uống theo yêu cầu và bỏ hình phạt  như trói, xích, cùm. Lại nghĩ, thật ra mình có tội gì đâu mà phải chịu tử hình. Mạnh dạn mình hỏi:
- Thưa cán bộ, nếu tôi không được biết lý do biệt đãi, tôi không dám dùng các thứ mà cán bộ mời.
Lão giám đốc trại cười thân thiện, rồi giải thích:
-  Bác không có tội, chỉ tạm giam thôi, không có gì phải lo sợ

 cả. Rồi lão nói yêu cầu của trại, phải có một vở kịch để tham gia Hội diễn toàn quốc. Lão đốt thuốc và tự tay rót nước mời mình, lại vui vẻ nói:
-  Thật may, trong trại có bác là nhà văn. Mà đối với nhà văn điều đầu tiên là phải được tôn trọng và phải được tự do. Bắt đầu từ hôm nay bác được ở phòng riêng như cán bộ trại, ăn cơm theo tiêu chuẩn cán bộ. Còn phần bác, bác có yêu cầu gì cứ đề xuất.
Trong bụng mình vui như mở cờ, thầm khen cha này nói hay như Trường Chinh, Tố Hữu. Hắn biết đối với nhà văn là phải “ tôn trọng”, lại phải “có tự do”. Hay mình cứ đề xuất hắn thả mình ra rồi về nhà mình viết cho hắn. Mình liền thăm dò:
- Thưa cán bộ, thế tôi viết ở đâu ạ ?.
-  Chúng tôi bố trí cho bác một phòng làm việc ngay cạnh phòng ở, cung cấp đầy đủ giấy, bút, sách báo, cả một chiếc đài bán dẫn để bác nghe tin tức. Kể cả đi thực tế, nếu bác muốn đi đâu, bác cứ yêu cầu, chúng tôi sẽ thoả mãn hết.
- Dạ thưa, cán bộ nói đi thực tế là nghĩa như thế nào ạ?
- À, là tôi nói thực tế trong các phòng giam của trại với các loại tội phạm khác nhau. Ngoài ra, nếu bác muốn đi thưc tế qua các trại giam khác, tôi tạo điều kiện không khó khăn gì cả, các đồng chí lãnh đạo trên Cục sẵn sàng giúp đỡ.
Trong lòng mình chớm thất vọng - Tự do sáng tác ở trong một cái lồng sắt. Đi thực tế cũng trong một cái lồng sắt to hơn. Nhưng dù sao vẫn còn hơn ở trong phòng giam. Mình lại hỏi:
- Thưa cán bộ về vấn đề đi thực tế, tôi muốn hỏi trong trại giam của ta có những thành phần nào bị giam giữ. Tôi hỏi cán bộ như vậy là để lấy tài liệu sáng tác cho trại thôi chứ không có ý điều tra gì đâu ạ.
- Ồ không, lão quản giáo   cười có vẻ như dễ thương. Lão nói thật cởi mở - Tôi đã bảo bác  được tự do tìm hiểu cơ mà. Đã gọi là nhà văn đi thực tế lại còn giám sát thì viết làm sao được. Bây giờ tôi nói các thành phần giam giữ trong trại và cả sự tiến bộ của một số cá nhân điển hình. Bác nghe xong rồi bác muốn gặp thành phần nào cũng được.
Nghe quản giáo nói xong, mình thấy thành phần trong trại cũng phong phú như ngoài đời. Mình chọn gặp một phạm nhân trẻ tuổi nhất trại, một phạm nhân cao tuổi nhất trại, một phạm nhân là nữ, một phạm nhân là linh mục Ki tô giáo, một phạm nhân là nhà  sư    bên Phật giáo.
-  Những đối tượng anh chọn gặp đó có để lại cho anh ấn tượng gì không? Tôi hỏi.
- Sao lại không. Đặc biệt là hai vị tu sĩ Ki tô giáo và Phật giáo, chính họ đã dạy cho mình cách sống vị tha, cao thượng và dũng cảm đương đầu với những gian nan trên đường đời, mà họ gọi là kiếp nạn. Điều lạ lùng là mình hỏi cả hai vị tu sĩ xem họ có oán giận gì không. Tuyệt nhiên không. Cả hai vị đều đặt trọn niềm tin vào Chúa và Phật.
Ông linh mục bảo:
- Chúa sai tôi vào đây thì tôi ở đây. Bao giờ Chúa gọi tôi ra thì tôi ra. Hàng ngày tôi thường cầu nguyện cho anh chị em trong trại, cầu nguyện cho cả ban lãnh đạo trại. Không, tôi không oán giận ai vì Chúa biết tôi không có tội. Tôi hạnh phúc nữa là khác, bởi Chúa cho tôi cơ hội tiếp cận với những người cùng khổ, và tôi sẽ trình Chúa để Người cứu vớt họ.
Còn nhà sư thì nói:
- Thế gian lầm lạc là bởi con người vô minh. Vì vô minh nên tham đắm dục lạc. Tham đắm dục lạc nên con người sân hận, u mê.
Sân hận u mê nên phạm vào tội ác mà không tự biết. Muốn thoát khỏi tội lỗi con người phải được khai minh. Chỉ khi trí tuệ sáng suốt người ta mới giác ngộ để từ bỏ cái tham đắm mê lầm. Khi đã từ bỏ mọi dục lạc, tức người ta xa lìa tham- sân – si mà đi vào cõi giác ngộ. Vậy chỉ khi nào con người tỉnh thức thì mới giác ngộ được. Và đã giác ngộ cũng tức là đã giải thoát…Tôi biết ơn ông quản giáo trại này lắm, vì không cấm tôi đọc Kinh Phật. Tôi được đọc Kinh Phật, tức là tôi còn cơ hội cầu cho chúng sinh được giải thoát. Hạnh phúc của người tu Phật là được hoá độ chúng sinh, tôi đang làm việc đó cho cả trại này, kể cả những người quản giáo. Vâng, người tu hành chúng tôi không có sân hận, oán thù. Dù ở trong trại giam hoặc ở chốn tu hành, người có đạo hạnh đều phải hành trì, giữ giới; đó là lẽ sống thường hằng của một tu sĩ Phật giáo.
Nhà văn Hoàng Công Khanh mỉm cười nhìn tôi, gương mặt ông bừng sáng, tôi có cảm giác chính ông đã tự giải thoát cho mình. Đoạn ông tiếp:
-  Cậu biết không, mình viết được một vở kịch cho trại thấm đượm tinh thần nhân ái và cao thượng. Mấy ông lãnh đạo trại đọc mà kinh ngạc, bởi toàn bộ vở kịch không hề có một chút gợn của sự sân hận. Họ dàn dựng và đưa đi dự hội diễn được huy chương vàng.
Thế rồi chính họ làm nhận xét thật tốt cho mình và họ đề nghị trả tự do cho mình.
Nhớ lúc thay xong quần áo trả lại cho trại, lấy giấy đi đường và tiền phụ cấp xong, mình cứ băn khoăn không biết còn thiếu một cái gì đó nên chưa bước ra khỏi trại. Đúng rồi, chỉ ba bước ra khỏi trại là cả một bầu trời tự do. Mình như con chim bị nhốt trong lồng lâu ngày trở nên ù lì, ngay cả khi được tháo cửa lồng vẫn còn nghi ngại không dám vỗ cánh bay đi. Chợt lão quản giáo xuất hiện. Lão cười toe toét:
- May quá, tôi còn kịp chia tay bác. Chúc bác về xum họp gia đình hạnh phúc, có nhiều sáng tác hay. Khi nào có dịp về Hà Nội, tôi sẽ ghé thăm bác..
Mình ngần ngừ một lát rồi hỏi lão giám đốc trại, mình mắc tội gì. Lão trả lời như  lúc trước mình đã nói đấy.
Thảo nào trong tập thơ “Ba Bảy Chín” nơi bài “ Tự tình khúc”, ông kết bởi hai câu nói lên sự bất công vĩ đại của cuộc đời:
  “ Ai cũng có quyền bắt bí
Tự hỏi mình tội tình chi ”.

 Với tôi, nhà văn Hoàng Công Khanh là bậc đàn anh đúng nghĩa về cả tuổi tác lẫn phương diện văn đàn.
 Chúng tôi quí trọng nhau và thân nhau. Ông là người rất dễ gần. Bởi ông sống chân thực và chan hoà. Tâm ông trong sáng và độ lượng như một vị Bồ tát. Khuyết điểm lớn nhất của ông là bày tỏ lòng yêu nước hết mình ở mỗi trang văn. Có nhẽ ông yêu nước không đúng phép tắc nên thường vấp ngã.
 Có lúc vui tôi chợt hỏi ông xem ông có bị lúng túng:
- Tại sao anh bị Tây bắt tù?
- Cái cậu này hỏi dở. Nó bắt vì mình yêu nước chứ còn tại sao nữa.
- Yêu nước thế tại sao ta cũng bắt tù anh?
- Cái này thì tớ chịu không giải thích được. Gương mặt ông phảng phất một nét buồn.
Nhớ có lần tôi hỏi ông:
- Anh bị tai nạn ít nhiều có dính dáng đến chữ nghĩa. Sao ra tù anh lại viết hăng thế? Anh không sợ à?.
- Sợ chứ. Ở tù về, mình tâm niệm, phải đoạn tuyệt với văn chương thôi. Nhưng trước khi mình nhận ra điều này thì bà vợ đã khuyên răn ngay. Bà ấy rủ rỉ:
- Ông Kiểu ạ ( tên củ  của tớ) văn chương chỉ đem lại tai hoạ thôi. Mẹ con tôi đói, rách đều chịu được. Chúng tôi không đòi hỏi ông phải làm cái gì ghê gớm đâu, chỉ mong ông đừng viết văn nữa, để cái tổ con chuồn chuồn này không bị ai đập phá. Tôi nói thật, nếu ông còn dở dói viết lách nữa, là mẹ con tôi bồng bế nhau đi đấy..
Đúng là mấy năm liền mình không dám sờ đến cây bút. Nhưng ở trong đầu cứ quay cuồng. Mình cảm thấy bơ vơ quá, như người thừa của xã hội . Bi phẫn tới mức, mình coi ở ngoài và ở tù cũng chẳng khác nhau. Tâm trạng ấy mà không dồn lên cây bút thì điên mất. Dường như nó là cái nghiệp. Thế là mình lại lén lút viết. Khi phát hiện ra, bà vợ mình gào khóc:
- Ông lại viết lách đấy à? Ông định giết mẹ con tôi một lần nữa sao?
Không trải qua kiếp nạn thì không hiểu thế nào là kiếp nạn. Tâm sự này mình dồn trút cả trong tập thơ “ Ba Bảy Chín”.
Tức là Ba chìm, Bảy nổi, Chín lênh đênh. Tôi nhớ trong câu kết của bài
 “ Ngậm miệng” nhà văn Hoàng Công Khanh cay đắng viết:

  “ Bao giờ đậy nắp áo quan
Mang theo xuống huyệt nỗi oan tày đình”.


 Láng Thượng  ngày 12  /12/ 2012
 
Ảnh: Nhà văn Hoàng Công Khanh cùng đạo diễn Doãn Hoàng Giang và diễn viên Thanh Thanh Hiền trao đổi về vở diễn Cung phi Điểm Bích (kịch bản của ông)