Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ HAI LẦN “ THỦ KHOA” THƠ

Vũ Từ Trang
Thứ sáu ngày 29 tháng 5 năm 2009 6:39 AM

             Lần theo ngõ nhỏ quanh co  nhiều khúc ngoặt bất ngờ, không cần hỏi thăm, nhìn chiếc lồng chim nhỏ treo bên cửa, tôi nhận ngay ra nhà của ông. Ông là nhà thơ đã hai lần chiếm giải cao trong hai cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ, lại có một thời  mê chơi chim như  mê thi ca. Đó là nhà thơ Thái Giang.
                Nếu nói chuẩn xác, năm 1960, ông được giải nhất  với  trường   ca “ Lửa sáng rừng ” do tạp chí Văn Nghệ, tiền thân của báo Văn Nghệ tổ  chức. Tiếp đó, cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ , năm 1965. bài thơ “ Vào đêm ” của ông được giải nhì. Kỳ thi  đó không có giải nhất, vì thế, anh em viết vẫn quý mến suy tôn ông là nhà thơ hai lần “ thủ khoa ”.
               Nhà thơ Thái Giang có tên thật là Thái Đình Thụy. Ông sinh năm 1933, tại quê xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông gia nhập quân đội rất sớm. Hơn mười năm trong binh ngũ ( 1950-1960 ), ông có may mắn được hành quân và dự nhiều trận đánh giặc dọc Trường Sơn. Chính vì thế, cảm hứng đời sống đã khơi nguồn cho cảm hứng thi ca luôn hừng hực và đắm say xuyên suốt trường ca “Lửa sáng rừng” của ông. Trường ca này , đã đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tạo của nhà thơ, ngay từ khi còn rất trẻ.
                 Tôi được biết ông vào những năm đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ. Khi đó, ông đang làm việc ở báo Lao Động. Trang văn nghệ của báo dạo đó thường xuyên giới thiệu các tác phẩm thơ, truyện ngắn của anh em viết trẻ. Lứa anh em viết trẻ ở Hà Nội dạo đó, thường qua lại nhà ông,  đọc ông nghe những sáng tác mới và nhờ ông góp ý. Ônh góp ý rất chân tình và nhiệt tình giới thiệu những sáng tác nào xứng đáng trên báo. Một loạt cây bút được ông dìu dắt ngày đó, nay đã là những cây bút vững vàng trên văn đàn. Đấy là  thời người biên tập rất vô tư và rất chăm đỡ người viết. Tình cảm vô tư, chân tình và ấm áp của người biên tập, tôi thấy hình như chỉ có được ở thời điểm đấy, về sau này như thiếu hụt đi rất nhiều.
                   Sự nghiệp văn học của ông rất sớm được khẳng định. Cuộc thi thơ năm 1960 đã sớm phát hiện những tài năng trẻ. Ông viết trường ca “ Lửa sáng rừng ” khi  hai mươi sáu tuổi. Ở độ tuổi đó, thời điểm đó, thơ ông đã có tầm khái quát cao. Một giọng thơ cuộn chảy và hào sảng. Những câu thơ chắc khỏe, băm bổ, khác hẳn giọng  thơ nặng  về kỷ niệm của một thời. Bài thơ “ Vào đêm ” của ông viết  tại bến phà Ghép ở Tĩnh Gia , Thanh Hóa, năm 1965. Đó là những năm đầu của cuộc chiến tranh phá hoại. Khu vực miền Trung được coi là tuyến lửa khốc liệt. Ông vẫn nhớ như in khung cảnh sôi động công trường bờ sông Yên, bến phà Ghép  ngày đó. Trên trời, máy bay giặc điên cuồng gầm réo. Dưới mặt đất,  cuồn cuộn từng dòng quân,  dòng xe ra trận. Những người thợ quả cảm, bất chấp đạn bom,  trần lưng thông đường, thông phà. Không khí chiến tranh hừng hực và khẩn trương, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của người ra trận, người ở hậu phương,  đã đi vào thơ của ông với những vần thơ sống động.  Hơi thơ liền mạch,  những câu thơ tài hoa,  cho đến hôm nay đọc lại,  vẫn thấy xao xuyến “ Vít cong sào chống cả bão mưa ”.
                   Ông kể lại,  ông và nhà thơ Nguyễn Đình Hồng đã làm đơn đề nghị  Ban biên tập cho đi vào tuyến lửa. Thực tế chiến trường khi ấy, là nơi hấp dẫn với bất kỳ người cầm bút nào. Ngoài việc viết báo phản ánh tinh thần hăng say lao động sản xuất phục vụ chiến đấu, ông đã viết được chùm thơ và kịp thời gửi về dự thi báo Văn Nghệ. Chính nhà thơ Xuân Quỳnh đã báo cho ông biết, bài thơ của ông được giải. Ông rất vui, vì đây là lần thứ hai ông được giải cao của báo. Nhà thơ Nguyễn Đình Hồng  cùng chuyến đi thực tế đó, cũng viết được  “ Bài thơ tình trên sông Nhật Lệ ” mà anh em viết cũng rất khen ngợi.
                   Dạo đó, ông như được mùa về trường ca. Sau trường ca “ Lửa sáng rừng ”  Thái Giang đã viết tiếp trường ca “ Sóng đất ”, giải thưởng đề tài văn học công nhân, năm 1972; trường ca “ Điều  không thể mất ”, giải thưởng đề tài thương binh liệt sỹ, năm 1974; trường ca “ Khi con người có Tổ quốc ”, in năm 1973. Ngoài ra, ông còn viết hàng loạt truyện hình sự, với bút danh  Phương Yên, từng in dài kỳ trên báo Lao Động, rồi xuất bản thành sách. Đó là cac tập “ Kỳ đà mốc ”,  năm 1978; “ Người thoáng hiện ”,  năm 1986; “ Cánh hạc đêm ”,  năm 1989.
                    Tôi không rõ ông có niềm vui thú chơi chim và săn chim tự năm nào. Chỉ biết miền quê rừng núi Hương Sơn của ông có rất nhiều  chim. Tiếng chim  vang rừng, vang làng xóm. Ông  có người bác ruột chơi chim nức tiếng khắp vùng. Những buổi theo chân ông bác đi săn chim, những bữa ngồi xem ông bác sửa cánh sửa mỏ cho chim hót và chim chiến, đã khơi gợi niềm đam mê và cho ông bao kinh nghiệm chơi chim sau này.
                     Ông đam mê chơi chim  đến kỳ lạ. Không biết có phải giữa phố phường chật chội, giữa áp lực công việc căng thẳng, hoặc trong thẳm sâu tâm hồn ông có nỗi cô đơn nào đó, mà ông tìm đến niềm vui thú này?  Tuổi thơ của ông từng gắn bó với từng bầy chim sẻ sập sè tha rơm làm tổ bên trái nhà, với đám chào mào hót líu lo ầm ĩ sau vườn ổi vườn khế.  Tiếng  chim ngói gù giữa đồng lúa trưa bình yên, như tiếng thổ mộc. Tiếng  họa my lảnh lót ban mai như một ca sỹ giọng cao. Mỗi lần nhớ lại, luôn làm ông thổn thức. Nỗi niềm ấy đã thôi thúc ông đi tìm chim, chơi chim. Nếu có dịp đi công tác tỉnh xa, sau khi hoàn thành công việc cơ quan giao, ông lại tranh thủ đi tìm gặp những người chơi chim  cùng sở thích ở địa phương đó. Ông có thể dành cả buổi ngồi ngắm một chú chim trong vườn chim của mình. Hoặc ông có thể phủ phục suốt trưa nắng cùng bạn giăng bẫy chim. Hễ bắt gặp một giọng hót nào đó bật lên từ một chú chim lạ bay vụt qua, cũng làm ông ngẩn ngơ tràn nước mắt. Trong giới  chơi chim, đã từng nhắc tới ông như một “cao thủ”. Ông nói, mình chả tài cán gì trong nghề chơi, nhưng  đã sa vào chơi cái gì thì say đến cùng, tìm hiểu đến cùng cái thú chơi đó. Ông  chơi chim theo lối chơi riêng của mình. Chim đã giải tỏa tâm trạng ông, chim cũng nâng đỡ tâm hồn thơ  ông cất cánh.
                       Tôi nhớ, một dạo căn hộ tập thể của ông như chật cứng vì lồng chim. Có đến sáu bảy chục chiếc lồng chim to nhỏ khác nhau. Có lồng một chim, lồng hai  chim. Với nhiều loại chim, tiếng hót trầm bổng khác nhau, như tạo nên bản hợp xướng lung linh,  mà mình ông có. Tôi  nhớ , trên một tờ báo nào đó, đã nói về nhà thơ Nga Ba-zit-xky một thưở cũng rất mê chơi chim. Giữa thời kỳ  đất nước Nga khốn khó, nhà thơ Nga tài ba này đã dốc hết những đồng cô-pếc cuối cùng của mình để mua thức ăn cho chim. Ông từng nhường cả khẩu phần bánh mỳ của mình để cho chim ăn. Trên quần áo,  trên mái tóc nhà thơ này, thường thấy trắng cả phân chim. Chim đã cho nhà thơ Nga này những vần thơ yêu nước, yêu thiên nhiên  bất tử. Nhà thơ Thái Giang thì chưa dám  so sánh thơ của mình với thơ của nhà thơ Nga nổi tiếng kia, nhưng ông tự nhận, lòng say mê chơi chim của ông thì không chịu thua kém.
                       Vì say mê chơi chim và tài chơi chim của mình, một thưở, ông  được suy tôn làm Chủ tịch Hội chim cảnh  Hà Nội. Một nhà thơ nữ, cùng làm việc ở tờ báo với ông,  thấy ông quá say mê chim, quên nhãng  thơ,  phải kêu lên, rằng anh là nhà thơ, hay gì sa đà  cái chức danh chủ tịch  hội  chim  cảnh ấy? Ông cự lai, rằng cô chẳng hiểu gì cả. Nghề chơi nào chả cần trí tuệ, chả lắm công phu, chả nhiều đắm say?!
                     Nhiều bạn bè văn thơ, từng được ông say sưa kể về thú chơi chim chiến, chim hót. Chim chiến, là chim chọi nhau đến giọt máu cuối cùng. Chim hót, là hót đến tình yêu sự sống cuối cùng. Thì ra chim cũng như con người, đã sống là phải sống hết mình. Hạnh phúc chỉ dành cho người dũng cảm. Tôi thấy ông đã từng say mê chơi chim với lòng dũng cảm của chính mình. Ấy rồi ông cũng bị phiền toái, lâm nạn vì thú chơi chim của mình. Ông không nói, nhưng bạn bè biết chuyện đó. Vì muốn lấy lòng một cán bô cấp cao, một người cùng cơ quan đã đặt điều oan trái cho ông về quanh một con chim họa my  bé nhỏ. Ông cán bộ cao cấp kia cũng dễ tin lời đơm đặt,  trù úm ông đến mấy năm trời.
                      Con người say chơi chim đến vậy, rồi bỗng dưng đùng đùng chán chim. Ông gọi bạn bè thân ai thích chơi chim, đến nhà,  cho tất. Người trong gia đình thấy vậy, ngỡ ông như có điềm trở chứng gì, không  dám khuyên can. Có người  hỏi,  không thích chơi nữa, sao ông không bán đi lấy ít tiền tiêu, mà lại đem cho  như vậy? Ông gạt đi. Mấy tay  buôn chim  biết tin, mang tiền tới gạ ông nhượng lại, ông xua tay đuổi tất. Ông cho bạn bè và người thân hết sạch cả chim và lồng chim, không một luyến tiếc.
                     Có lẽ, chỉ những người bạn cùng làm thơ mới hiểu tâm trạng  bất thường của ông. Thì ra, thú chơi chim của ông một thời gian dài, chính là để lấp đậy, để khuây khỏa nỗi niềm đau đáu và ẩn khuất trong tâm hồn ông. Dẹp hết chim và lồng chim, ông quay ra lấy giấy bút, viết sàn sạt từng chùm thơ, từng chùm truyện ngắn hằng ấp ủ lâu ngày. Thì ra chữ nghĩa, nó vẫn ẩn khuất trong con người ông. Nó vẫn chuyên chở, vẫn giải tỏa tâm trạng ông  thật nhất, đắm say nhất, quyết liệt nhất.  Bạn viết, sau gần hai mươi năm, lại thấy tên ông  xuất hiện trở lại trên các báo . Rồi  hàng loạt thơ và truyện của ông  in trên  báo Văn Nghệ, báo Người Hà Nội, tạp chí Thơ, tạp chí Nhà Văn … Thấy vậy, tôi rất mừng. Vậy là ông không đoạn tuyệt với văn chương như một số người lầm tưởng. Dù lâu tôi không được gặp ông, nhưng thâm tâm tôi vẫn nghĩ, tạng ông  làm sao mà bỏ thơ được?!
                      Thực ra, những năm tháng,  ông vắng bóng trên báo chí, nhưng ông vẫn lặng lẽ đoc, âm thầm nghĩ và viết. Có thể ông  chưa hài lòng với những gì ông viết. Hoặc ông muốn đổi khác giọng điệu  thơ của mình. Hoặc tâm trạng ông có gì chán chường chăng? Đã là người cầm bút có trách nhiệm, muốn viết câu chữ đúng với lương tâm mình, thì sao có  thể dễ vui hơn hớn được. Đời người, may mắn và bất hạnh vẫn luôn song hành. Ông là người nổi danh  sớm, nhưng đời sống riêng tư lại không mấy phần suôn sẻ. Cuộc chiến tranh chống Pháp, ông  theo đoàn quân đi xa nhà đằng đẵng, bi kịch đã xảy ra với gia đình  của ông. Mãi sau này, khi xuất ngũ và thuyên chuyển công tác về Hà Nội , ông mới lập lại tổ ấm hạnh phúc bé nhỏ của mình. Ông làm rể một gia đình Hà Nội gốc có gia phong nề nếp. Một người cũng làm rể gia đình đó, lại là thầy giáo của tôi. Đấy là thầy giáo Luận, anh em đồng hao với nhà thơ Thái Giang. Thầy giáo Luận về quê Từ Sơn, dạy toán thời tôi học cấp hai. Đó là một thầy giáo mẫu mực về cốt cách và tác phong sư phạm. Tôi còn nhớ thầy Luận,  mỗi  khi lên lớp, bao giờ cũng mặc com-lê chỉnh tề. Thứ hai đầu tuần, thầy đạp xe đạp Pô-giô có chở  va-ly đầy sách  và quần áo giặt là thẳng tắp từ bên Hà Nội sang quê tôi, đủ dùng cho cả tuần lễ. Dù chỉ là thầy giáo làng , nhưng trong thâm tâm tôi, đấy là người thầy giáo mẫu mực mà ngày nay khó tìm thấy.  Sau này, tôi đã đôi lần được nghe thầy  Luận kể chuyện về niềm say mê thơ của nhà thơ Thái Giang,  với tấm lòng kính trọng. Thì ra, mỗi người công việc khác nhau, nhưng lại trọng nhau về ý chí. Cái gốc  của quan hệ, cũng là bắt nguồn từ gốc rễ văn hóa.
                     Cuộc thi thơ , với trường ca “ Lửa sáng rừng ” đã lui lại gần năm mươi năm trời. Những người đạt giải cao cuộc thi thơ ấy, đều đã là những nhà thơ nổi tiếng. Nhà thơ Ca Lê Hiến ( Lê Anh Xuân ) với bài    thơ “ Nhớ mưa quê hương ”, nhà thơ Giang Nam, với bài thơ “ Quê hương ”; rồi cuộc thi  thơ năm 1965, nhà thơ Văn Thảo Nguyên với bài thơ “ Đường lên bản Muốn ”, giải nhì, là những tác phẩm tiêu biểu một  thời.
                    Thế hệ cầm bút cùng lứa, họ xứng đáng  được người đọc dành cho tình cảm quý mến và kính trọng. Những tác phẩm mang lòng yêu nước, yêu thiên nhiên với tính công dân cao cả, nó vẫn tồn tại cùng năm tháng. Nhưng có lẽ sự cảm thụ, sự đồng cảm của người đọc, và ngay  với chính  người viết ra, cũng đã đổi thay  rồi. Lớp người cầm bút cùng thời thưa vắng dần. Những vần thơ đắm say và chói sáng một thời, rồi sẽ dần đi vào quá khứ. Có phải nhà thơ cảm  nhận thấy điều này, nên tự muốn lui vào sự lặng lẽ. Và  không tránh khỏi bùi ngùi.
                     Sau bao  biến động , nhà thơ hai lần “ thủ khoa ” thưở nào, nay đã là ông già bẩy mươi sáu tuổi. Ngày ngày , ông ngồi lặng lẽ trong gian phòng khuất nẻo. Hình như ông đã chán  mọi danh vọng hão huyền. Những thú chơi thường nhật dạo nào, nay  chẳng  màng nữa. Chỉ có những câu thơ vẫn âm ỉ và nhoi nhói trong tâm trí. Thỉnh thoảng, ông lại giở sổ tay, gạch gạch xóa xóa,  ghi ghi chép chép.  Đến thăm ông  một trưa mưa, tôi thấm hiểu sự cô đơn của người cầm bút khi tuổi về già. Tôi muốn nhẩm đọc  lại câu thơ vang vọng,  đắm say một thời của ông. Tôi  biết, những câu thơ này cũng  vắng dần người tri âm tri kỷ. Mỗi giai đoạn , mỗi con người, mỗi thế hệ, như có những cảm thụ khác nhau. Điều này, không dễ gì chế ngự đươc. May ra, để chiến thắng và sống vượt  thời gian, chỉ có tài năng lớn và những cơ duyên lớn. Nhưng  điều này, thời nào cũng ít ỏi làm sao. Vì thế, tôi càng trân trọng niềm tin của ông với thơ ca. Ông từng viết “ Thơ không chấp nhận sự dễ dãi, vô thưởng vô phạt…Nhà thơ không được phép chống gậy lụ khụ trong thơ. Tôi suôt đời đi theo con đường đó, để đến với thơ ”
                     
                                                                    
                                                                          Tháng 5 năm 2009