Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGÔN NGỮ CỦA LÃNH ĐẠO

Hà Văn Thịnh
Thứ ba ngày 2 tháng 6 năm 2009 7:16 AM
 
Thời gian gần đây, có không ít vị lãnh đạo từ cấp cơ sở đến cấp cao hơn, phát ngôn trước công chúng nhưng lại giống như đang nói trong nhà mình, khiến dư luận bức xúc, dở khóc, dở cười. Những vị lãnh đạo đó không chịu hiểu rằng, hành xử theo cương vị, phát ngôn đúng mức, đúng chỗ phải là tiêu chí số một của bậc “quan chi phụ mẫu”.
Trước hết, khi làm lãnh đạo, phải thuộc nằm lòng rằng điều mình nói ra là thay mặt Đảng, Nhà nước để phát ngôn nên cần phải uốn lưỡi không những 7 lần mà phải là 77 lần. Lý do “giản dị” lắm: Các vị nói sai ý, mập mờ hoặc tối nghĩa sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường bởi hàng triệu người dân sẽ diễn đạt theo rất nhiều cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn, trong lúc có rất nhiều những thông tin đa chiều về bauxite, một vị là Cục trưởng Cục Thương mại điện tử Bộ Công thương giải thích về trang web có tên miền của Chính phủ Việt Nam (gov.vn) nhưng lại đăng những thông tin sai lạc, rằng: “Trang web của mình nhưng Trung Quốc phụ trách”(?) Nói như thế có khác gì tạo điều kiện để lòng dân hoang mang thêm không? Một vị khác, là Thứ trưởng Bộ Công thương, lại tuyên bố thật hùng hồn: “Nhiệm vụ đặt ra là phải khai thác hết tiềm năng sẵn có của Tây Nguyên....”. Nói như thế thì người dân làm sao hiểu đủ chữ “hết”? Nếu khai thác hết tất cả mọi tiềm năng rồi thì con cháu chúng ta còn lại những gì? Chẳng lẽ là số không ư? Mới nhất, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn tuyên bố hôm 18.5 (khi Quốc hội chưa họp) là “Chắc chắn Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bauxite”! Đành rằng, sau khi xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề, rất có thể Quốc hội sẽ phê chuẩn dự án đó. Nhưng bất kỳ ai, dù có quyền lực đến đâu cũng không có quyền khẳng định về sự chắc chắn của riêng mình đối với phán quyết của cơ quan quyền lực tối cao là Quốc hội. Đó là nguyên tắc của luật pháp, là tiêu chuẩn thứ nhất của một người làm lãnh đạo. Nếu không hiểu điều đó thì không đủ tư cách để tham gia vào việc lãnh đạo đất nước.
Bên cạnh những sai sót vì “nói nhầm”, “nói lỡ”; còn có một thứ “ngôn ngữ” thường xuyên sai là “ngôn ngữ của... sự im lặng”. Rất nhiều vị lãnh đạo đã sai bằng cách không nói gì cả. Chẳng hạn, việc người nước ngoài  đến Việt Nam bằng visa du lịch, rồi ở lại lao động một cách bất hợp pháp là điều ai cũng biết vì nó có ở khắp mọi địa phương, nơi ít, nơi nhiều. Thế nhưng chưa một vị lãnh đạo nào nói là cần phải trục xuất để bảo đảm kỷ cương, phép nước. Tại sao ta duy trì luật pháp của một quốc gia có chủ quyền, nhưng lại e ngại khi bộc lộ nó? Nếu không minh giải được điều này để tạo nên những tiền lệ đầy hậu họa thì những chuyện lớn hơn sẽ ra sao?
Loại ngôn ngữ sai thứ ba là người lãnh đạo “nhờ” người khác nói(!). Điển hình là vụ trang web có tên miền của Chính phủ Việt Nam (gov.vn), nhưng lại đăng toàn những tin tức bất lợi, vi phạm chủ quyền và an ninh của Việt Nam. Khi được một người dân thường phát hiện, thì Bộ Công thương trả lời là do trình độ công nghệ thông tin kém! Lời giải thích đó không thể thỏa đáng. Bảo vệ chủ quyền quốc gia mà kém thì hậu quả sẽ ra sao? Cha ông dạy học ăn, học nói, học gói, học mở. Đó cũng là 4 tiêu chí phản ánh 4 giai đoạn sống của một đời người. Trước khi gói hay mở được những điều cần thiết của cuộc sống, mỗi người phải học nói cái đã. Tất nhiên, có những lúc người ta không “nói” nhưng người khác “nói hộ” thì việc chịu oan sai, định kiến là chuyện thường tình. Nhưng loại sai này trong cách nói và hiểu, ít khi xảy ra. Vả lại, nó thuộc về một phạm trù khác của quyền lực, hiểu biết.
Người lãnh đạo là người phải biết nói hay, mạch lạc, rõ ràng. Đó là nguyên tắc. Ngôn ngữ nói là một trong những tiêu chí cần và đủ để đánh giá chất lượng của trí tuệ. Người lãnh đạo đương nhiên phải có trí tuệ, nếu không thì quả thực là tai hoạ. Gây nên sự hiểu lầm của người dân, tạo nên sự bức xúc của dư luận; thậm chí làm hỏng hình ảnh của một dân tộc trong ngoại giao là những điều tối kỵ. Rất mong các vị lãnh đạo – dù là lãnh đạo ở cấp nào, cũng nên cẩn trọng, giữ gìn.
 
HC, HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập