Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hà Nội tiếu lâm truyền kì (kì 60)

Vũ Duy Chu
Thứ ba ngày 12 tháng 6 năm 2012 5:25 AM
 
(Sưu tầm & sáng tác)
 

ĐẶC SẢN KÍNH THƯA

Lễ Khai mạc Euro 2012 ngày 8.6 diễn ra tại sân vận động quốc gia ở thủ đô Warsaw của Ba Lan, đã trôi qua gần bốn ngày. Vậy mà những ý kiến khác biệt, thậm chí xung khắc nhau của người hâm mộ bóng đá khắp hành tinh vẫn tới tấp gửi về Tiểu ban Tổ chức giải. Tựu trung lại, người hâm mộ phàn nàn rằng cái giải Euro to uỵch như thế, quy tụ 16 đội tuyển quốc gia có nền bóng đá ưu tú nhất châu Âu tranh tài, thế mà thời lượng lễ khai mạc bèo quá, nhõn 12 phút, không bõ. Nào là từ năm 2007, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã quyết định trao quyền đăng cai EURO 2012 cho Ba Lan và Ukraine, là quyết định mang tính biểu tượng, nhằm xóa nhòa ranh giới Đông – Tây thời kỳ chiến tranh lạnh. Vậy mà thời lượng lễ khai mạc bèo quá, nhõn 12 phút, không bõ...
Lại có người góp ý theo kiểu rất Hai Lúa: Cái hay, cái đẹp của xã hội Ba Lan, Ukraine tự nó biết cách phô bày trên các con phố, trong cuộc sống thường ngày của người dân. Còn vẻ đẹp bóng đá thì phô diễn hết trên sân cỏ rồi, các vị đừng có mà bày đặt lắm điều. Mệt!
Nhưng các ý kiến gay gắt nhất đều cho rằng lễ khai mạc mà thiếu diễn văn hùng hồn, thiếu kính thưa các ngài lãnh đạo cao cấp của hai đất nước là không thể chấp nhận được. Phải kính thưa hai ngài Tổng thống và Thủ tướng. Phải kính thưa các ngài Phó Tổng thống, phó Thủ tướng. Phải kính thưa các ngài thuộc nội các hai nước. Phải kính thưa ngài Thị trưởng, phó thị trưởng Warsaw và Kiev. Phải kính thưa ngài Chủ tịch UEFA Michel Platini đã ủng hộ hết mình, vận động bằng được Liên đoàn Bóng đá Châu Âu chấp thuận cho Ukraine và Ba Lan đăng cai tổ chức. Đó là những yếu nhân cùng các nhân tố then chốt khác làm nên thành công của EURO 2012. Tiếp nữa phải kính thưa các vị khách quý, các quý bà, quý ông. Phải kính thưa các nhà tài trợ, các cầu thủ 16 đội… Và cuối cùng, đương nhiên phải kính thưa khán giả trên sân, tiện thể kính thưa luôn 150 triệu khán giả khắp thế giới theo dõi lễ khai mạc qua màn ảnh truyền hình…
***
Dư luận xã hội nóng bỏng, buộc các thành viên Tiểu Ban Tổ chức phải họp khẩn để kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc vấn đề kính thưa có nhiều thiếu sót quá.
Một thành viên kêu lên:
- Trời ơi trời, diễn văn dài lòng thòng, ai mà nghe cho nổi. Xin hỏi, các vị ngồi đây có nghe nổi không? Nếu không thì đừng mang ra sân vận động đọc trước 40, 50 vạn người đến chỉ để xem bóng đá nhé!
Thành viên khác phản pháo:
- Tôi tán thành đọc diễn văn. Diễn văn thể hiện tầm văn hóa một nước. Diễn văn càng hay, tầm văn hóa càng cao đấy.
Thành viên khác nhanh nhẩu:
- Ối giời ơi! World Cup năm 1994 to hơn Euro 2012 của mình nhiều lắm. Thế mà ông Tổng thống Bill Clinton nói vo mỗi câu: Thay mặt nước Mỹ, tôi tuyên bố khai mạc World Cup 1994. Thế chả lẽ bảo tầm văn hóa nước Mỹ thấp ư?
Một thành viên khác nhăn nhó:
- Tôi thấy cái đoạn kính thưa là phức tạp nhất. Kính thưa từ Tổng thống tới cầu thủ, làm sao nhớ hết. Một người được kính thưa hai lần càng tốt, nhưng quên không kính thưa một ông phải kính thưa nào đó là có chuyện. Mà bộ sậu nội các hai nước cộng lại, bao nhiêu kính thưa, đã có vị nào thống kê nổi chưa?
****
Trưởng Tiểu ban Tổ chức giải dõng dạc:
- Thôi, để tăng cường sự đoàn kết, sự hiếu khách, tránh mọi suy diễn hiểu lầm bất lợi, tôi quyết định chúng ta sẽ viết diễn văn…
Một thành viên lập tức chen ngang:
- Lễ khai mạc xong rồi, viết diễn văn gì nữa?
Trưởng Tiểu ban bực bội:
- Ơ hay cái nhà ông này. Ngày 1.7 tới lễ bế mạc tại Ukraine mình kính thưa đâu đã muộn. Giả sử khi ấy nhiều vị quan trọng vắng mặt mình vẫn kính thưa, thì sự trọng vọng càng giá trị chứ sao!
Mọi người vỗ tay rào rào tán thưởng ý kiến quá hay của ông Trưởng.
Ông Trưởng hắng giọng, hỏi:
- Ai xung phong viết diễn văn lễ bế mạc đọc trong khoảng 45 phút, với tối thiểu ước chừng 100 lần kính thưa? Ai? Ai?
Tất cả các thành viên cuộc họp nín khe. Người giả bộ lơ đãng nhìn ra cửa. Người vờ cúi xuống sổ tay, người giả bộ nhấn phím laptop. Người nới lỏng cà vạt… Không khí nặng nề bao trùm. 10 phút…15 phút… trôi qua…
Bỗng một giọng nói vô cùng phấn khích của một ông từ cuối phòng họp cất lên sang sảng:
- Ô, Việt Nam! Việt Nam! Thế mà tôi nghĩ mãi mới ra. Tuyệt!
Mọi người đang ngơ ngác không hiểu ông nói gì, ông bồi tiếp:
- Tôi là Lubanxki. Tôi nhớ ra rồi, xin Trưởng Tiểu ban hãy cho tôi sang Việt Nam gấp. Cách đây vài năm, tôi đã từng vinh dự có mặt trong buổi Lễ Khai mạc Giải Vô địch Bóng đá Nhi đồng toàn quốc của họ. Giải cũng be bé chứ không lớn bằng giải của chúng ta đâu, thế mà họ cũng kính thưa được tới hai mươi mấy, ba chục lần. Diễn văn Lễ Khai mạc giải của họ rất trầm bổng, hùng hồn và rất dằng dặc. Tên tuổi các vị được kính thưa khó nhớ đã đành mà còn kèm theo nhiều chức vụ, học hàm, học vị nữa. Ấy thế mà người đọc diễn văn trơn tru, không hề vấp váp, nhầm lẫn. Tôi vẫn còn mối quan hệ rất tốt với các nhà tài trợ cho giải đấu ấy. Tôi có thể xin nhượng lại bản quyền các diễn văn khai mạc, bế mạc giải của họ. Tôi tin các quý ngài Việt Nam sẵn lòng giúp đỡ. Vì ai mà chả vui, chả tự hào khi xuất khẩu được một thứ đặc sản văn hóa mà không nơi nào trên thế giới có được. Các vị ở nhà hãy lập sẵn danh sách kính thưa cho tôi nhé.
Ông Trưởng lập tức chạy phăm phăm xuống cuối phòng họp ôm chầm và nâng bổng Lubanxki lên cao, trong tiếng hò reo không ngớt: Việt Nam!....Việt Nam!.... Việt Nam!...
Hí…hí…

Sài Gòn, 11.6.2012
VDC
(Còn tiếp)