Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Một khoảng xanh trong thơ Thành Dũng

Trần Đắc Hiển Khánh
Thứ năm ngày 31 tháng 5 năm 2012 8:05 PM
 
            (Đọc “Lục bát hái trong vườn nhà tôi”- Thơ của Trần Thành Dũng)
 
         “Lục bát hái trong vườn nhà tôi” là tập thơ của Thành Dũng vừa được Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng – Nhà xuất bản Phương Đông ấn hành tháng 3-2012. Thành Dũng đã “hái”, lượm, thu hoạch những hoa trái trong vườn nhà mình một vụ lục bát trúng mùa.
      Giữa vòm trời xanh cao, dưới đó có một khoảng trời, một vòm cây trái đã sinh ra, nuôi dưỡng người thơ bằng hoa thơm trái ngọt, bằng dưỡng chất vi diệu. Hầu như mỗi chúng ta, ai cũng có khoảng trời như thế mà ta vẫn gọi là quê hương.
       Giữa nhịp sống khẩn trương, rộn rã hôm nay, nhiều người mãi mê bươn chải với cuộc sống có thể vô tình đã quên đi khoảng xanh êm ả thưở sinh thời. Mỗi khi đọc lại những vần thơ lục bát, tôi thường thấy tâm hồn mình lắng lại. Nó làm chậm lại nhịp sống, cho nhịp điệu cuộc sống tao nhã hơn…Có thể ví lục bát như lời người con gái dịu dàng, duyên dáng và tinh tế. Đọc lục bát của Thành Dũng cũng thấy có sự tìm tòi thể hiện đặc điểm đó. Kết quả đến đâu thì do bạn đọc tự thẩm định. Về phần mình, tôi chỉ xem hoa trái lục bát Thành Dũng “hái” được ấy có đặc điểm và hương vị như thế nào?
       Trước hết là những suy tư trước cuộc sống, nghĩ về nhân tình thế thái qua lăng kính của tác giả. Đó là niềm trăn trở trước cuộc đời bao ẩn số: “Niềm trắc ẩn, nỗi chung chuyên/ Đầy vơi một mảnh tình riêng.. khéo là”.(Không đề). Tuy tác giả chưa chỉ trích ra đích danh những niềm trắc ẩn ấy. Nhưng cái mong manh và chung chuyên ở đời này đâu phải lúc nào cũng đối mặt với ta. Nó khuất mặt, khuất mày, khó mà chỉ mặt đặt tên. Nhưng tất cả cũng bởi tại con người: “Bon chen cũng bởi lòng người đó thôi”. Sự bon chen sinh ra ghen ghét là “thuộc tính” của con người. “Ghét nhau đay nghiến lòng người chua ngoa” (Ru). “Yêu nhau củ ấu cũng tròn/Ghét thì quả bồ hòn cũng ngọt”. là nói về cách cư xử chưa khách quan, thiếu trung thực. Rồi tác giả tự an ủi, tự thoả mãn với tâm thế bất chấp:
‘Sang hèn chi bến nhân gian
Trăm năm cũng hạt bụi
Xoàng
Bay đi”
(Nghĩ)
         Cuộc đời như bến đậu. Đến rồi đi. Đời là thoáng chốc. Mỗi người chỉ như là hạt bụi nhỏ nhoi. Chất “thiền’ với chủ thuyết “vô vi” sẽ làm cho con người bớt sân si, ghen ghét, cay cú. Sống độ lượng, vị tha, bao dung là điều mà cuộc sống thiên về vật chất hôm nay cần điều chỉnh: “Thiên đường hay ngục trần ai /Dưới ba tấc đất, vắn dài như nhau” (Độc thoại đêm)
       Tình yêu trong những “trái lục bát” của Thành Dũng là ký ức vui buồn. Anh hạnh phúc trong cuộc sống. Một vài ký ức xa, gợi ra nỗi niềm gần. Người thơ có thể tưởng tượng, hư cấu. Chỉ có điều là nỗi buồn ấy đã thực sự não lòng, buốt nhói hay chưa.
        Đáng kể hơn là những “trái lục bát” về tình yêu quê hương của Thành Dũng. Với nỗi niềm sâu nặng của người xa quê, hoài niệm về nơi đã sinh ra. Tác giả đã bơi trong dòng sông quê “Xuôi về ký ức chảy trong đời người”. Những dòng sông có thể lở, bồi, có thể đổi dòng…Nhưng lòng người có tình yêu với quê hương thì không thay đổi mà nó càng trĩu nặng khi xa xứ: “Sông quê bên lở, bên bồi/ Lòng quê, người biết lở bồi thật sao?”
    Tiếng hát điệu hò chính là tiếng quê hương: “Điệu đàng dải lụa làng ta/ Mượt như dải yếm sơn hà chia đôi” (Điệu hò). Và đi xa rồi, khi trở về: “Tôi về lặn ngụp sông quê/ Rửa trôi phù phiếm nặng nề lo toan”. Dòng sông quê chính là nơi gột rửa những gì vướng bận, để trở về với sự trong sáng nhất. Tuổi thơ với tiếng cười trong trẻo, với những trò chơi con trẻ bên dòng sông hay dưới vòm cây xanh trĩu trái…thì người nặng tình nghĩa với quê, nhớ lắm, thèm lắm, muốn: “Về quê mót lại tiếng cười /Neo vào dạ để thành thời trẻ thơ”.Tác giả muốn làm cái việc kéo lại thời gian, trở về quá khứ. Điều đó cũng như một nhà thơ đã ao ước, làm trẻ hoá cả thiên hà vũ trụ: “Ngày như ngày vẫn còn son /Trăng như trăng thưở chưa mòn nhân duyên”.(Hữu Thỉnh)
     Có thể nói, bằng những vần thơ lục bát, Thành Dũng đã bộc bạch, đối thoại với chính mình. Ngẫm ngợi và hướng nội, tránh được việc làm lục bát một cách vần vè, dễ dãi. Qua những bài có ý suy tư trước cuộc sống, tôi thấy con người cười cợt, tưởng như sống bề nổi ấy lại có nhiều ngẫm ngợi, ưu tư đến thế. Tác giả buồn nỗi buồn thiên hạ hay chính mình: “Tôi là tôi bạc mái đầu/ Nửa triền sóng vỗ, nửa màu xanh non.” Hồn nhiên đấy mà sâu sắc đấy. Non tơ mà già dặn đấy.
     Về hình thức, Thành Dũng đã cố làm mới lục bát bằng cách vắt dòng, bẻ nhịp, ngắt câu để biến tấu, tạo ra sự đa thanh. Ngoài ra anh còn đưa ngôn ngữ đời sống vào thơ, làm sinh động thêm mỗi cảnh huống trong thơ. Tuy nhiên cũng cần tránh lạm dụng.
    Vốn dĩ lục bát là giọng điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển nên dễ đều đều. Hình như Thành Dũng thường thể hiện từng bài thơ theo cảm xúc, chứ không cấu tứ toàn bài. Mỗi cách có cái hay khác nhau. Để bài thơ phát triển một cách chặt chẽ, cấu tứ toàn bài có hiệu quả hơn, thường gây được ấn tượng mạnh mẽ. Từ khi đọc bản thảo tập thơ này, tôi có ý muốn Thành Dũng tạo ra một vài tình huống “phản biện”, tranh cãi, biện luận những vấn đề xã hội.
     Điều đáng bàn thêm: Giá như những hình tượng và ngôn ngữ đa chiều trong không gian thơ nhiều hơn nữa, để bài thơ, câu thơ không bị “phơi” ra sự đơn nghĩa. Câu thơ rất cần sự đa nghĩa. Được như vậy, khó lắm thay! 
     Thành Dũng đã thu hoạch một vụ lục bát trúng mùa. Xin chúc mừng tác giả.
 
              Trần Đắc Hiển Khánh