Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Khi "Con chim vành khuyên" tròn nửa thế kỉ

Tô Hoàng
Thứ năm ngày 31 tháng 5 năm 2012 5:13 PM
 
 Trong vài chục bộ phim truyện nhựa ngợi ca lòng yêu nước, quyết tâm giành giữ độc lập tự do cho giang sơn nòi giống- xét về sự hòa hợp nhuần nhuyễn, khớp khao các yếu tố cấu thành, xét về sức thuyết phục người xem, cho đến tận hôm nay, có lẽ chưa một bộ phim nào sánh được với “ Con chim vành khuyên”.
 Ấy thế mà “ Con chim vành khuyên “ ra mắt vào mùa hè năm 1962. Tính đến mùa hè này bộ phim đã tròn nửa thế kỷ … 
Hai tác giả của “ Con chim Vành khuyên”- đạo diễn Nguyễn Văn Thông,  đạo diễn Trần Vũ, nhà quay phim tài ba Nguyễn Đăng Bẩy cùng nhiều người tham gia bộ phim đã vĩnh biệt chúng ta để qua bên kia với thế giới người hiền. Trông trước ngoảnh sau, chỉ còn lại nữ diễn viên Thúy Vinh trong vai nữ cán bộ Hiền, cô bé chim vành khuyên Tố Uyên và dòng sông Chu nhiều kỷ niệm  ngày nào….
Làm công việc giảng dạy tại hai cơ sở đào tạo người làm phim trong Nam ngoài Bắc, tôi thường đem chiếu “ Con chim vành khuyên” cho các em sinh viên xem.Xem để tìm ra những ví dụ về học vấn điện ảnh. Xem để cùng nhau  trút một tiếng thở dài vì sự “phú quý giật lùi” của nền điện ảnh nước nhà.
Bằng cặp mắt , cách cảm cách nghĩ của ngày hôm nay, nếu phải gắp ra một hạt sạn từ bộ phim này thì đấy chính là…con chim vành khuyên. Trong những gì liên quan tới ngày tháng thanh bình của bố con ông thuyền chài, cô bé chỉ một lần không hơn chạm tới cái lồng và con chim vành khuyên bên trong. Còn sau đó là ngôi miếu hoang đầy hoa đầy bướm, bãi dâu, trò nhẩy giây, cả cái thú chèo thuyền cuốn hút lấy cô bé. Vì thế sẽ là khiên cưỡng khi cha đã bị giặc trói, tiếng gọi đò của cán bộ đang ơi ới cất lên phía bên kia sông, cánh diều báo yên vẫn lơ lửng trên trời xanh, nếu bé Nga định chạy xuống bờ sông, liệu em còn đủ bình tĩnh mở cửa chuồng chim, bắt chú vành khuyên cho vào túi gài kim băng lại không? Càng áp đặt hơn, khi cô bé đã ngã sấp mặt bên mí nước, trong lằn ranh của sự sống chết, cô cất tiếng gọi cha như tìm một sự bấu víu, liệu cô bé còn đủ tỉnh táo để mở miệng túi áo thả chú chim ra, cho chú cất cánh bay lên bầu trời cao không đây? Dĩ nhiên, âm nhạc của nhạc sỹ Hoàng Vân được thể hiện bằng cả dàn nhạc giao hưởng ở đoạn cuối phim này cộng thêm tiếng chip chip của chú chim đã xóa đi chỗ giả tạo đó và đoạn kết phim vẫn gây xúc cảm mạnh. Thuở chúng tôi còn trẻ, đoạn kết này được rất nhiều cây bút phê bình ngợi ca và chúng tôi cũng đã từng rơi nước mắt. Bây giờ nghĩ lại…
May sao, đấy cũng là dấu vết duy nhất của thói áp đặt chủ quan, của căn bệnh ấu trĩ một thuở có thể tìm thấy được trong bộ phim.Nói về những điều cực kỳ lớn lao như tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc, may sao “ Con chim vành khuyên” không cao giọng hô hào hoặc thuyết lý. Bộ phim đã tìm được cách bộc lộ chủ đề ấy qua một câu chuyện giản dị, với một bối cảnh cũng giản dị mà nên thơ, với những xung đột không quá căng thẳng, gay gắt để cha con bé Nga-những người nông dân sống bằng nghề chài lưới,  bộc lộ được tình cảm yêu ghét của mình bình dị và bình thường. Cả cái điều lòng yêu nước, chí căm thù giặc đi từ tự phát tới tự giác mà chúng ta nghe quá quen tai ở các cấp trung học, đại học, qua tình cảm và cách hành xử của bé Nga cũng hợp lý, hợp tình, dễ gây được lòng tin ở người xem.
Phim thể hiện được gout thẩm mỹ cao trong từng khuôn hình, từng góc quay, từng chuyển cảnh. Những người làm phim đã giành toàn bộ tâm huyết và công sức để tìm tòi, khám phá nét lạ, nét mới trong từng khuôn hình.Xin không đi sâu thêm vào những thành công trong diễn xuất, chỉ đạo diễn xuất, trong công việc dàn dựng, đặc biệt là trong nghệ thuật quay phim…điều này sách báo đã tốn nhiều giấy mực. Điếu đáng nói, hay đáng ngạc nhiên là tất cả những yếu tố đó hài hòa, nhuần thuyễn với nhau tựa như không còn tìm ra chỗ còn gợn, còn chưa sạch để chê trách. Tất cả tạo nên một chỉnh thể. Tất cả tạo ra một style duy nhất trong cả cốt truyện kể, cấu trúc phim, dàn cảnh, tạo hình, âm nhạc.
Chính điều này hôm nay xem lại phim, quả là chúng ta hết sức ngạc nhiên. Vào tuổi anh, tuổi tôi chắc đều nhớ rõ thuở ấy người ta để tâm coi sóc một bộ phim như thế nào. Vì ông thủy tổ của cách mạng vô sản chẳng đã dạy rằng: “ Điện ảnh là môn nghệ thuật quan trọng nhất trong các ngành nghệ thuật” mà. Phải cảnh giác với điện ảnh, bởi nó có khả năng chuyển tải những gì muốn nói, muốn tuyên truyền, cổ súy được tới cả.. người mù chữ. Thế mà tội nghiệp cho điện ảnh, nó là thứ nghệ thuật có thể chọc mũi vào ở rất nhiều khâu, rất nhiều công đoạn; từ khi nó còn nằm trên trang giấy, qua giai đoạn nó diễn ra trước ống kính, tới giai đoạn nằm trên bàn dựng, tới giai đoạn vào tiếng vào hình. Nhiều người để mắt tới là “ngon” nếu đồng cấp hiểu biết, đồng cấp cảm xúc. Nhưng trên thực tế lại xẩy ra tréo ngoe khi có những cấp duyệt hoàn toàn i-tờ ít về các niêm luật nghệ thuật.Họ đòi cắt bỏ chỗ này, xén gọt chỗ kia chỉ bởi sự hiểu biết nông cạn của họ hoặc đơn giản hơn họ chỉ muốn “ ra oai” quyền lực. Những “ sự cố” như vậy đâu khó tìm thấy trong đời sống văn nghệ suốt mấy chục năm bao cấp?
 “ Chim vành khuyên” là tác phẩm báo cáo tốt nghiệp của lứa đạo diễn đầu tiên của nền điện ảnh Việt nam. Chúng ta thừa hiểu nó phải được soi qua rất nhiều, rất nhiều cặp kính lúp đủ loại thông số.
Vậy sẽ giải thích sự nhuần nhuyễn hòa quện thành một chỉnh thể; cái giọng điệu kể chuyện tinh tế, nhẹ nhàng, dễ lọt tai, cái gout thẩm mỹ tốt, cái style lồ lộ trong “ Chim vành khuyên” là do đâu mà có được? Cái tài, cái đẹp đã làm rung động cả những trái tim sắt đá chăng? Tiếng nói đồng tình ủng hộ cái mới, cái khai phá đã đè bẹp cái thủ cựu, sự áp đặt thô thiển? Hay cái uy của ông thày Nga A. Ibraghimov đã cứu được “ Con chim vành khuyên”?
Hỏi để mà hỏi, vậy thôi ! Ngày hôm nay sự duyệt, sự nắn dòng đã thưa thoáng, khá giả, trở nên có chữ, có học hơn ngày xưa nhiều. Giới kiểm duyệt cũng đã lung lay niềm xác tín và luôn sợ hãi phơi ra sự dốt nát, kém cỏi của mình. Người có tiền hầu như toàn quyền quyết định lấy sinh mệnh bộ phim họ bỏ tiền làm ra. Quyền uy hôm nay quả là đã tập trung vào tay của người có tiền. Ấy vậy mà mỗi bộ phim mới xuất xưởng đấy thôi đã  ví như một con thuyền tơi tả, tan tành, buồm bay một nơi, tay chèo rơi một chỗ…
Đò giặc, dừng qua! Đò giặc đừng qua! Duy tiếng kêu cảnh tỉnh của bé Nga vẫn có sức đồng vọng đến tận ngày hôm nay…
Ghi chú ảnh:
Một cảnh từ phim “ Con chim vành khuyên”