Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cần hủy bỏ việc "Phục hồi nhân phẩm" với phụ nữ bán hoa

Luật gia Trần Đình Thu
Thứ năm ngày 31 tháng 5 năm 2012 8:00 PM
Dự luật “Luật xử lý các vị phạm hành chính” đang được quốc hội cân nhắc để thông qua với nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến phụ nữ bán hoa. Đây là một vấn đề có ảnh hưởng lớn lao trong xã hội, vì vậy chúng tôi xin góp một tiếng nói vào cuộc tranh luận thông qua các diễn đàn mạng.
*Về ý kiến của đại biểu Đặng Thị Kim Chi:
Tôi muốn nói đến ý kiến của vị đại biểu quốc hội ở tỉnh Phú Yên này trước khi đi vào nội dung chính. Theo tường thuật trên báo, vị này đề nghị đưa cả người mua dâm vào cơ sở chữa bệnh vì “không có cơ sở nào nói rằng người bán dâm thì bị bệnh mà người mua dâm thì không”. Phát biểu này gây thú vị ở nghị trường, nhiều người cười ồ, không rõ đại biểu Chi nghĩ thế nào. Nhưng thật ra vị đại biểu quốc hội này không hiểu về những khái niệm pháp lý mà mình đang sử dụng.
Chúng ta hãy xem lại Khoản 1 Điều 20 Pháp lệnh phòng chống mại dâm năm 2003 để thấy đại biểu Chi hiểu thế nào về khái niệm “cơ sở chữa bệnh”:
Điều 20. Trách nhiệm của cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm
Cơ sở chữa bệnh được thành lập theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm:
1. Tổ chức học tập, giáo dục đạo đức, lối sống; tổ chức dạy nghề, lao động sản xuất và hướng nghiệp; chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ và tôn trọng danh dự, nhân phẩm, tính mạng, tài sản của người bán dâm được đưa vào cơ sở chữa bệnh.
Như vậy “cơ sở chữa bệnh” hoàn toàn khác với bệnh viện. Trong khi đó đại biểu quốc hội Đặng Thị Kim Chi coi “cơ sở chữa bệnh” gần như là bệnh viện. Theo đề nghị của vị này, tôi hình dung rồi đây sẽ có hàng vạn hàng triệu đàn ông trên cả nước được đưa vào “chữa bệnh”, bởi vì số lượng người mua dâm đông gấp hàng trăm lần số lượng người bán dâm. Nếu có nhiều người cùng nghĩ như vị này thì dự luật dần dần được đẩy đi theo một hướng xa rời thực tế.
Nhân đây tôi có ý kiến, quốc hội nên có quy định bắt buộc các đại biểu quốc hội phải tìm hiểu kỹ các khái niệm liên quan đến các văn kiện luật mà quốc hội sẽ bàn thảo trong mỗi kỳ họp để tránh xảy ra tình trạng đại biểu quốc hội phát biểu xây dựng luật kiểu như thế này.
*Vai trò của các cơ sở chữa bệnh đối với công cuộc phòng chống mại dâm:
Tới đây tôi xin nói đến nội dung chính là vai trò của các cơ sở chữa bệnh đối với xã hội, đối với công cuộc phòng chống mại dâm. Nói về tổng thể, công cuộc phòng chống mại dâm của Việt Nam chưa bao giờ đạt kết quả gì đáng kể. Đây là nhận định của nhiều người có trách nhiệm. Còn nói về việc “chữa bệnh” cho phụ nữ bán hoa, có lẽ cũng tương tự. Theo tinh thần của văn bản luật, phụ nữ bán hoa được đưa vào các cơ sở chữa bệnh là nhằm mục đích giúp cho họ hòa nhập cộng đồng bằng các biện pháp thức tỉnh lương tâm của họ, dạy nghề cho họ, chữa bệnh truyền nhiễm cho họ. Chính sách nghe qua thì rất là nhân văn, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Phụ nữ bán hoa coi nơi này như là nơi cầm tù họ chứ không phải “chữa bệnh” cho họ. Họ rất sợ hãi khi bị đưa vào đây. Đó là điều mà những đại biểu có quan điểm như đại biểu Kim Chi cần suy nghĩ lại. Bộ luật hình sự không xếp phụ nữ bán hoa vào nhóm tội phạm, nhưng trên thực tế phụ nữ bán hoa khi bị bắt quả tang lại bị đưa đi cầm tù như tội phạm. Tôi không dùng ngoặc kép cho 2 chữ cầm tù vì nó không khác những người đang thụ án tù là mấy. Cũng bị cách ly khỏi xã hội, cũng phải lao động sản xuất học tập đường lối chính sách như nhau. Sẽ có người lý luận, ở các cơ sở chữa bệnh còn có dạy nghề và chữa bệnh cho học viên, sao có thể so sánh như đi ở tù. Thực ra dạy nghề cũng có, nhưng tính chất “dạy” không nhiều. Đa phần các cơ sở này nhận hàng gia công về cho học viên làm thêm để tạo thu nhập cho cơ sở. Dĩ nhiên sau 18 tháng vào đây, thì tất cả các học viên nữ đều biết thêm ít nhất 1 nghề thủ công. Nhưng cái nghề này họ hoàn toàn không sử dụng sau khi ra khỏi đây. Tôi lấy ví dụ, một diễn viên điện ảnh bị bắt đưa vào đây chẳng hạn, họ có cần phải học một nghề như nghề đan giỏ không? 
Nói về chữa bệnh thì cũng không mấy ý nghĩa. Bởi vì những người vào đây chỉ là những người bị bắt, chiếm một tỷ lệ nhỏ so với tổng số. Mà chúng ta biết, muốn đẩy lùi một căn bệnh truyền nhiễm nào đó, thì phải tiến hành trên toàn bộ cộng đồng chứ không thể trên một thiểu số. Thí dụ muốn tiêu diệt bệnh đậu mùa, thì phải chủng ngừa trên cả nước, cả thế giới. Ở đây lâu lâu bắt được vài người để chữa bệnh thì việc chữa các căn bệnh truyền nhiễm nào có ý nghĩa gì?
Chữa bệnh không xong, dạy nghề không ổn, chỉ còn lại ý nghĩa cầm tù và khai thác sức lao động của các học viên. Thế nhưng hàng năm nhà nước phải tốn ngân sách không ít cho các hoạt động này.
Tôi nghĩ những đại biểu như đại biểu Kim Chi chưa bao giờ suy nghĩ thấu đáo vấn đề như thế này đâu nhưng khi ra nghị trường lại phát biểu thật mạnh mẽ thật hùng hồn và thường lấy quan điểm này kia thay thế cho luận cứ khoa học. Hồi năm ngoái tôi có tham gia một cuộc hội thảo lấy ý kiến cho dự luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, có người trong hội thảo thậm chí xem hút thuốc lá ngang với tội phạm ma túy. Kiểu phát biểu này, kiểu tư duy này là kiểu của người bình thường chứ không phải của người làm luật.
*Nhắc lại đề nghị “không coi mại dâm là tệ nạn xã hội”. 
Hồi năm ngoái, tại Quảng Ninh, đích thân Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đặt vấn đề đã đến lúc không nên coi mại dâm là một tệ nạn xã hội. Lập tức vị Cục phó Cục phòng chống tệ nạn xã hội (đơn vị này thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phản đối ngay. Nhưng sự phản đối này tôi cho rằng nó dựa trên sự ích kỷ của lợi ích nhóm là chính, chứ không phải vì lợi ích cộng đồng. Vị cục phó này phản đối vì sợ “thất nghiệp”. Quả là như thế thật. Một đơn vị làm nhiệm vụ phòng chống tệ nạn xã hội thì khó có thể chấp nhận đề nghị không coi mại dâm là tệ nạn xã hội.
Sau phát biểu của vị này, những đề nghị cấp tiến có vẻ rụt lại. Vị cục phó chơi đòn quen thuộc là nhân danh đạo đức, nhân danh truyền thống của người Việt chúng ta để ôm mãi cái nhiệm vụ phòng chống mại dâm bất khả thi ấy. Thành ra bài toán này cứ rối mãi và ngân sách nhà nước cứ chảy mãi một cách vô ích. Tôi nghĩ các cơ quan ban ngành, đặc biệt các vị đại biểu quốc hội nên nghiền ngẫm ý kiến của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân để làm lợi cho cộng đồng một cách thiết thực hơn, chứ không nên nương theo cái bài ca đạo đức truyền thống đã quá cũ của vị cục phó nọ. Nếu chưa xóa bỏ mại dâm ra khỏi danh mục tệ nạn thì ít nhất cũng nên xóa bỏ sự cầm tù những phụ nữ khốn khó phải đi bán thân nuôi miệng.