Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Một chuyến đi viết báo ở Nghĩa Lộ

Hoàng Minh Tường
Thứ tư ngày 30 tháng 5 năm 2012 9:09 PM

Trong cuộc đời làm báo, có những chuyến đi không thể nào quên.
Tôi nhớ mãi chuyến đi bão táp, đi suốt đêm ngược đường 32, từ Hà Nội lên Nghĩa Lộ mùa hè năm ấy.
Chiếc xe Tyota màu cánh cam, tróc sơn, vỏ đã mọt ruỗng, nghe nói từng là con chiến mã của một ông chủ tịch thành phố Hà Nội, rồi chuyển qua vài chủ, chạy vài chục vạn cây số, khi về tay nhà báo Giàng Nhả Trần, thì nó đã già lắm rồi. Già tới mức, nếu không gặp một “kỵ sỹ” rắn tay cương và cao thủ cỡ Giàng Nhả Trần thì chắc hẳn nó đã bị đắp chiếu, hoặc bị xẻ thịt bán cho hàng đồng nát.
Chiếc xe suýt gây rắc rối khi chúng tôi vừa chạm ngõ thị xã Sơn Tây. Trong ánh đèn đỏ quạch vào lúc chập choạng tối, một bóng áo vàng bỗng lao ra chắn ngang đầu xe. Toi rồi, chắc ông tài nghiệp dư không có bằng lái hoặc giấy tờ xe. Tôi nghĩ thầm và ngao ngán nhìn chéo sang Nhàn, vợ Trần, ngồi ghế trên, bụng chửa vượt mặt, dáng vẻ mệt mỏi và lo lắng. Chuyến đi này, mặc dù sắp đến ngày sinh, nhưng Nhàn vẫn phải lên thăm mẹ chồng đang bệnh nặng, trước khi nàng về quê ngoại Quảng Bình nằm ổ.
Trần bình tĩnh cho xe ô tô đỗ sát lề đường, rồi đi đến chỗ đồng chí công an, xuất tình giấy tờ. Không thấy Trần rút ví lấy tiền. Chỉ thấy anh nói một điều gì đó. Anh công an đi lại, ngó vào xe, nhìn ba hành khách đi cùng: tôi, Nhàn và cô bạn học thanh nhạc của Nhàn, tên Thủy, nhìn cái biển số 31 màu xanh, vỗ vỗ vào hông xe và nói với Trần:
- Thay xe đi. Xe này nếu không phải của nhà báo thì không được phép lưu hành đâu…
Đến lúc ấy tôi mới hiểu vì sao Trần cố tình chùng chình muốn chạy về đêm. Cái xe tã quá rồi. Đi ban ngày từ Hà Nội lên Nghĩa Lộ, phải “làm luật” hàng chục lần là cái chắc.
- Con xe này, chỉ cần chục triệu mông má lại là ngon lành. Máy cực tốt đấy anh ạ - Trần bảo - Nhiều đứa bạn gạ em sang tên vài chục triệu, em không bán. Em thích lái con xe biển này vì nó gắn bó với nghề nghiệp làm báo. Bọn phóng viên bạn em, đứa nào muốn tập lái đều đến mượn, có khi cả tháng…
- Nghe nói hồi Trần viết cái phóng sự nấu cao thịt người, nửa đêm Trần phóng một cái xe không biển số về Phú Thọ? - Khi xe qua cầu Trung Hà, để vào địa phận huyện Thanh Sơn, tôi gợi chuyện, cốt để Trần đỡ buồn ngủ. Cả bộ đèn pha và cốt của chiếc xe cecond - hand rất tù mù. Ngồi trong xe căng mắt hết cỡ mà chẳng thấy rõ tim đường .
- Đó là cái xe Landcruise của thằng bạn em vừa mua xong, chưa kịp đăng ký. Nghe một nguồn tin từ Phú Thọ báo xuống, ba giờ sáng em bảo thằng bạn đưa chìa khóa xe, một mình phóng lên Thanh Sơn ngay. Cũng con đường này, nhưng ngày ấy chưa có cầu, phải đi phà Trung Hà. Lát nữa em sẽ chỉ lối lên lâm trường cho anh…
                                          ***
Nhà báo Giàng Nhả Trần vốn là thượng úy công an chuyển ngành. Từ một chiến sỹ trinh sát quân đội từng lăn lộn ở biên giới phía bắc những năm 1980, từng trèo núi vượt rừng vào sâu đất đối phương hàng chục cây số để nắm tình hình, góp phần kiến tạo nhiều trận đánh kinh hồn…, năm 1984, Trần chuyển ngành về công an Hoàng Liên Sơn, làm ở phòng cảnh sát kinh tế, cảnh sát điều tra, rồi ở đội đặc nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh. Cha anh, ông Trần Đức Thành, người Đức Thọ, Hà Tĩnh, là một chiến sỹ Điện Biên chuyển ngành xây dựng vùng chè đầu tiên ở Nghĩa Lộ. Được cha truyền nghề võ, năm 10 tuổi Trần đã có thể quật đổ những gã trai tơ cao gấp đôi mình. Vào trường Cao đẳng cảnh sát, Trần tự học lái xe ô tô, sử dụng điêu luyện các loại vũ khí, khí tài trinh sát. Anh có tố chất thiên bẩm về trí nhớ, về khả năng phán đoán, về tính kiên quyết và khẩu khí áp đặt. Mười năm năm liền Trần là đại khắc tinh của bọn buôn lậu thuốc phiện, đá đỏ, gỗ pơmu và bọn đầu trộm đuôi cướp ở Hoàng Liên Sơn. Từ Than Uyên đến Bảo Thắng, từ  Trấn Yên đến Yên Bái, Văn Chấn đến Yên Bình...các con nhang đệ tử của xã hội đen nghe đến tên Trần Râu đều chạy dạt, hoặc nằm bẹp như gián. Có lẽ vì biết quá nhiều về giới giang hồ, hiểu quá rõ về mảng đề tài hình sự mà Trần gác súng, chuyển sang cầm bút. Giữa khẩu súng và cây bút, chắc chắn cây bút nhân văn hơn, nếu người sử dụng nó có trái tim nhân ái và dũng khí chân thực. Anh nghĩ vậy.
Ban đầu Trần viết các mẩu tin về chống tội phạm, về kết quả các vụ điều tra phá án. Rồi anh thử sức trên các mảng phóng sự, điều tra. Bài phóng sự bốn kỳ “Ăn nhầm thịt người” in trên trang nhất trên một tờ báo  số Tết dương lịch năm 1998, như một quả bom giữa mùa Xuân khiến dân chúng nháo nhào tìm mua, rồi phô tô chuyền tay nhau đến nhàu nát.
- Bài phóng sự ấy em đặt tên là “ Chuyện kinh hoàng trên vùng sơn cước” - Trần kể -  Ông Tổng biên tập báo phát hiện ra của độc, sướng quá, gọi điện xin mua đứt bản quyền và xin được đổi tít để câu khách...
Nhớ lại bài phóng sự“ Ăn nhầm thịt người” ấy, tôi bỗng ớn lạnh. Câu chuyện xảy ra ở lâm trường Thanh Sơn, nơi xe chúng tôi sắp qua. Một phụ nữ chừng hơn bốn mươi tuổi, chưa chồng, quê gốc ở Thái Bình, theo gia đình lên khai hoang ở Phú Thọ. Sau chuyến đi thăm em trai công tác ở miền Nam, được em tặng chiếc nhẫn hai chỉ vàng, trên đường về Thanh Sơn, bỗng bị mất tích. Hơn một tuần sau, tại một khu rừng cháy, hai người thợ săn bỗng phát hiện ra xác một con đười ươi bị cháy thui, liền mang về nấu cao. Có người nghi xác đười ươi chính là xác người phụ nữ mất tích, liền mật báo với Giàng Nhả Trần. Và nhà báo Trần, một mình một xe, một chiếc máy ghi âm và quyển sổ, cây bút, đã vào cuộc, phá án...
Xe chúng tôi dừng lại ở ngã ba Thanh Sơn. Cái thị trấn vùng trung du dưới ánh điện đêm đỏ quạch, có vẻ ngái ngủ và mệt mỏi.
- Kia là đường lên lâm trường - Trần dừng xe, chỉ về phía dốc - Đi chừng bốn chục cây số thì đến một bản người Mường, nơi người ta đã nấu cao người phụ nữ xấu số. Từ người già đến trẻ em ở đây đều biết tiếng phổ thông cả, nhưng hỏi ai cũng chỉ lắc đầu. May mà em biết tiếng Mường. Em mở máy ghi âm ghi hết lời bà mẹ của hai thợ săn. Bà cụ bảo, con đười ươi bị cháy thui, to bằng người thật. Cả mấy người cùng xúm vào róc thịt, rồi cho vào nồi nấu cao mấy ngày liền...(!)
Hôm ấy là một ngày chủ nhật. Để có đầy đủ chứng cứ, Trần phải gặp trưởng hạt kiểm lâm, trưởng phòng lâm nghiệp, công an huyện... cùng dịch đoạn băng từ tiếng Mường ra tiếng Việt, rồi cùng ký biên bản xác nhận. Muốn chắc ăn hơn, Trần đánh xe đi mấy chục cây số tìm cô văn thư, lấy dấu áp triện đỏ chói vào biên bản.
- Không có cuốn băng và tờ biên bản ấy, có lẽ em và mấy ông lãnh đạo báo cho đăng bài đã bị tống giam vì tội dựng chuyện vu khống và gây kích động...
- Viết phóng sự điều tra như thế thì xin... bái phục sát đất - Tôi nhìn Trần như lần đầu tiên phát hiện ra kích cỡ của anh - Phải là một người từng nhiều năm làm lính trinh sát, rồi dạn dày trong ngành công an như Trần mới có một thiên phóng sự điều tra chấn động như thế...
- Dọc con đường lên Nghĩa Lộ này, em có biết bao nhiêu kỷ niệm... - Trần như phả hơi vào cõi xa xăm - Lát nữa qua Đèo Khế, em sẽ kể anh nghe một câu chuyện còn kinh dị hơn nữa...
Tôi nhìn Trần đầy nghi ngờ. Trần không biết rằng anh đang nói chuyện với một cử nhân địa lý đích thực.
- Làm gì có Đèo Khế ở đây? Đèo Khế chính là con đèo giáp giới hai tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang. Con đường 37 từ Bờ Đậu, qua Đại Từ, vượt núi Hồng ở Đèo Khế , sang Sơn Dương để vào An toàn khu Tân Trào thời kháng chiến chống Pháp...
- Trời ơi, thế thì anh sai rồi - Trần quả quyết - Con đèo giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Thọ và Nghĩa Lộ chúng mình sắp qua mới chính là Đèo Khế. Đây chính là con đèo mà nhà thơ Tố Hữu đã viết: “ Gió qua rừng Đèo Khế gió sang”...
Tôi phát cáu:
- Tớ tốt nghiệp khoa Địa lý Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1970. Tốt nghiệp loại ưu. Nếu tổ chức cho được làm khoa học, bây giờ tớ đã là giáo sư - tiến sỹ. Cho nên tớ bảo Đèo Khế ở Thái Nguyên và Tuyên Quang thì cậu đừng có cãi... Thời ấy ông Tố Hữu ở Đại Từ, Định Hóa, thường qua Đèo Khế để vào ATK, cho nên ông ấy mới đưa con đèo lịch sử ấy vào thơ...
Trần không nói gì. Anh rú ga cho xe lao lên những đoạn cua gấp. Có tiếng nước chảy phía trước. Rồi một mó nước hiện ra bên đường. Trần bỗng dừng xe đột ngột.
- Xin mời ông anh xuống và đọc kỹ tấm biển này.
Tôi mở cửa xe và sững sờ: Trước mắt tôi là tấm biển xi măng dựng giữa một khoảng đất bằng. Trong ánh trăng thượng tuần rờ rỡ, tôi đọc thấy dòng chữ ĐÈO KHẾ được đắp nổi bằng bê tông.
- Đích mục sở thị chưa?- Trần chỉ tấm biển, dương dương tự đắc -Đây mới chính là Đèo Khế thực, còn Đèo Khế bên Thái Nguyên là đèo dỏm...
Tôi không cãi nhau với Trần. Đúng là có hai Đèo Khế, cũng như có hai sông Đáy ( thực ra là sông Đáy và sông Phó Đáy). Nhưng bảo rằng nhà thơ Tố Hữu viết về Đèo Khế này thì tôi sẽ phản đối đến cùng.
 Nhưng thôi, cứ để cho nhà báo Giàng Nhả Trần có riêng con Đèo Khế của anh.
                                          ***         
Chúng tôi đến Ngã Ba Khe, giao cắt giữa đường 32 và đường 37, cửa ngõ vào Nghĩa Lộ, lúc hai giờ sáng.
Tôi nói Trần tìm một quán phở nào nghỉ ngơi và bồi dưỡng cho lại sức. Cho ông tài xiêu hạng đã đành, cũng phải dưỡng sức cho hai chị em Nhàn và bé con trong bụng nữa. Trần dạt xe vào một quán bên đường.
Tưởng giờ này, chốn thâm sơn cùng cốc, người ta đã đi ngủ hết. Tôi nhầm. Ngã Ba Khe dường như thức thâu đêm.
Ông chủ quán như ngồi sẵn trong hốc tối nào đó. Khi Chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế băng, liền xồ ra một giọng ồ ồ:
- “Trần râu” sao lại đi vào giờ khuya khoắt thế này? Có nhận ra nhau không?
Trần vớ chiếc điếu cày, vừa thử điếu roen roét, vừa liếc xéo về phía chủ quán.
- “Chợp sẹo” hả? Tao còn lạ gì? Hồi ở Sơn Thịnh mày chúa hay bắt nạt mấy đứa em gái tao…
Mấy câu bỗ bã đã kéo họ về tuổi thơ tít tắp, khi Trần còn là thủ lĩnh bọn nhóc con ở đội chè nông trường.
- Lúc nãy mấy thằng xì xầm có xe công an từ Hà Nội lên, hóa ra cái xe ghẻ kia của ông…
Trần rỉ tai tôi:
- “Chợp sẹo” nó đang nói đến bọn buôn lậu gỗ. Dọc đường từ Đèo Khế lên đây, anh có thấy thỉnh thoảng lại có một vài người trùm áo mưa, dừng xe máy đứng bên đường quan sát đấy không? Bọn “thám báo” buôn lậu đi dọn đường đấy. Chúng đi trinh sát trước. Thấy xe mình mang biển số xanh, tưởng công an, liền thông báo với đồng bọn…
Chà, cái ông nhà báo này, nhìn đâu cũng thấy tội phạm. Tôi thầm cảm phục Trần và hiểu ra rằng, Trần đang trở về vùng quê thân thuộc của mình.
Trước khi đến ngã ba, Trần đã chỉ cho chúng tôi khu trung tâm của nông trường chè Văn Chấn cũ, nơi cha anh đã từng làm cán bộ chuyên trách Đảng xây dựng vùng chè công nghiệp đầu tiên. Đó là những năm sau hòa bình, 1954. Những người lính Điện Biên trụ lại nơi này, thành lập nông trường. Ông Thành quê Đức Thọ, Hà Tĩnh, cùng làng, cùng xã với những nhân vật kiệt hiệt, vang danh trong sử sách: Phan Đình Phùng, Hoàng Cao Khải, Hà Huy Tập, Trần Phú vv…Tràn ngập lý tưởng trong tim, trong óc, năm 1956, ông về quê đưa cả bầu đàn vợ con ra xây dựng quê hương mới Nghĩa Lộ. Xóm chè Sơn Thịnh, Văn Chấn trở thành khu tập thể của mấy chục gia đình bộ đội chuyển ngành, quê tứ xứ. Và cậu bé Trần, mười tuổi đã trở thành thủ lĩnh của đám trẻ con trong xóm, với món nhu quyền do cha truyền dạy.
                                          ***
Tôi chợp mắt được một tiếng buổi sáng ở nhà khách huyện Văn Chấn. Khi mọi người còn đang mê mệt vì cuộc hành trình đêm qua thì tôi tranh thủ đến thăm thầy giáo Độ, ông anh con ông bác ruột tôi, đang bị tai biến mạch máu não nằm bẹp gần năm nay ở trung tâm thị xã.
Nghĩa Lộ, với tôi thân quen từ ngày tôi còn học ở trường làng. Khi nhà thơ Bùi Minh Quốc viết những câu thơ nổi tiếng: “Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi/ Lên miền Tây vời vợi ngàn trùng…”, cũng là khi ông anh Hoàng Dương Độ của tôi xung phong lên vùng cao Mồ Dề, Mù Căng Chải dạy học. Những lá thư viết bằng mực tím, chữ đẹp như viết giấy khen, bao giờ cũng mở đầu bằng câu: “Mồ Dề ngày…”. Tôi thuộc lòng từng dòng anh tôi mô tả về vùng núi cao chất ngất Mù Căng Chải. Từ thị xã Nghĩa Lộ, đi bộ hoặc đi ngựa cũng mất bốn ngày trời, đường dốc, cheo leo, muỗi vắt từng đàn. Lớp học chỉ bốn, năm đứa trẻ người Mông. Trường học gồm vài ba thầy cô giáo người xuôi, dựng lán ở tạm đầu bản. Muốn dạy chúng biết chữ phổ thông, thầy giáo phải học tiếng Mông, chữ Mông. Biền biệt ở Mồ Dè gần mười năm, anh Độ đột ngột đưa về làng một cô giáo Tày quê Yên Bái, tên Tâm, nói rằng hai người đã phải lòng  nhau trên vùng cao Mù Căng Chải.
Khi họ có đứa con đầu lòng, anh Độ chị Tâm được chuyển về trường Sư phạm Nghĩa Lộ, dạy tiếng và chữ Mông cho giáo sinh. Từ đây họ sống trong vương quốc có tên Mường Lò. Nhất Thanh (Mường Thanh, Điện Biên Phủ), nhì Lò (Mường Lò, Nghĩa Lộ, Yên Bái), tam Than ( Mường Than, Than Uyên, Lai Châu) tứ Tấc (Mường Tấc- Phù Yên, Sơn La). Đó là sự xếp hạng bốn cánh đồng giàu có và thơ mộng nhất vùng Tây Bắc.  Thị xã Nghĩa Lộ lọt giữa thung lũng lòng chảo, có dòng Ngòi Thia như dải lụa mềm chảy vắt qua với những bản người Thái thấp thoáng dưới tán cây, mùa xuân xanh biếc, mùa hạ vàng rực đồng lúa, đứng từ trên rừng chè san tuyết Suối Giàng ngập trong mây nhìn xuống thung lũng, ngỡ như đang lọt vào cõi bồng lai.
Nhờ bản năng và một chút gì đó giống như tâm linh, anh Hoàng Dương Độ nhận ra tôi, nhưng không thể nói ra lời. Căn bệnh não quái ác đã biến người thầy giáo đẹp trai, thông tuệ ngày nào trở thành một phế nhân…
Ngồi với ông anh đến quá chiều thì Trần lái xe đến đón tôi. Chúng tôi để xe ở ngã ba, đi bộ hai cây số qua những vạt chè đã cỗi, qua lúp xúp những bụi cây rậm, nhiều đoạn phải lấy dao phạt cây, tìm đường. May mà  trí nhớ của Trần đã mách bảo anh, chúng tôi đã tìm thấy phần mộ ông Trần Đức Thành trong bạt ngàn cỏ dại. Người chiến sỹ Điện Biên năm xưa đang thanh thản nằm với đất đai cây cỏ vùng quê mà ông đã gắn bó quá nửa đời người.
Trần dẫn chúng tôi về căn nhà thời niên thiếu, khi mẹ con anh từ Hà Tĩnh ra lập nghiệp. Căn nhà thưng gỗ, mái lá, lâu ngày không có người ở đã thành khu nhà hoang, chứa đầy ký ức của sự sống chứ không hề có sự sống. Mẹ Trần mới mắc chúng bệnh Pakinsơn và đang ở với vợ chồng chú  em ruột,  cách đó một vạt đồi.
Cũng chẳng hơn gì ông giáo Độ của tôi, bà Nguyễn Thị Thanh, nông trường viên, hơn năm mươi tuổi Đảng, từng gắn bó gần năm mươi năm với vùng đất này, cũng đang ngồi trong chiếc ghế cũi, chân tay run rẩy tựa hồ đang tiếp tục một điệu múa từ rất lâu rồi.
Rất may là bà Thanh còn nhận ra con trai, con dâu và những người khách của con. Giọng Nghệ Tĩnh sau bao năm ly hương mà vẫn còn nặng như tiếng thở dài của xứ sở.
- Em đồ rằng dưới lòng đất Văn Chấn này có mỏ sắt anh ạ - Trần nắm bàn tay của mẹ, nhưng lại nhìn tôi, kể bằng một giọng hài hước, cốt để mẹ vui - Mẹ em  đã một lần tưởng chết ngoài đồi chè kia, mà còn sống đến ngót tám mươi thế này là kỳ tài lắm đấy. Người ở quanh đây cứ bảo mẹ em đeo chữ Thọ trên đầu, trời đánh không chết…
Câu chuyện của Trần, còn quá cổ tích. Chuyện rằng, bà Thanh đi làm cỏ chè. Gặp cơn mưa rừng đột ngột. Sấm chớp kinh hoàng. Sét nổ xé trời. Không còn cách nào khác, bà Thanh phải trú mưa dưới gốc cây to. Bỗng một tia sét sáng rực phóng xuống, phạt ngang gốc cây, đất đá cháy xém. Thật kỳ lạ. Chiếc nón và một vạt áo cháy đen, nhưng bà Thanh chỉ ngất đi chứ không hề bị thương tích gì…
         Người mẹ nghe con kể lại câu chuyện của mình mà cứ nhìn lơ đễnh ra xa như đang nghe một câu chuyện huyền thoại.
 Tôi biết, không xa đâu, vài chục năm nữa vùng đất này cũng sẽ trở thành vùng  huyền thoại. Sẽ rất ít người tin rằng, nơi đây, nhà báo Giàng Nhả Trần, quê gốc Đức Thọ, Hà Tĩnh, đã từng sống những năm ấu thơ, đã từng từ đây ra trận, từ đây đến với nghiệp chữ nghĩa, đã từng gửi lại đất đai xương cốt cha mẹ, người thân của mình…
Nghĩa Lộ, 2004
 Hà Nội, 5/ 2012