Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hai tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ tư ngày 30 tháng 5 năm 2012 9:00 PM

1-  MỘT NGƯỜI LYBI ANH HÙNG
Chẳng ai biết đội nữ vệ sĩ của Tổng thống Libi có bao nhiêu người. Nhưng cô nào cũng trẻ trung, xinh đẹp và lộng lẫy như các nàng tiên vừa giáng trần. Cô nào cũng chững chạc, oai phong đến thánh thiện trong bộ quân phục rằn ri, mũ lưỡi trai, vai mang quân hàm, hông đeo súng ngắn.Người ta chọn người đẹp làm vệ sĩ, có lẽ là để trang bị thêm cho công việc quan trọng này một loại vũ khí nữa, độc đáo và sắc bén hơn các loại vũ khí thông thường., Đó là sắc đẹp. Kẻ thù dù sắt đá đến đâu, trông thấy người đẹp cũng phải sững sờ, bối rối…Trong những ngày cuối cùng còn ở ngôi quyền lực, một hôm Tổng thống Muama – Gađaphi gọi hai nữ bác sĩ trong đội cận vệ đến bảo: “Hai em làm giúp ta việc này. Hai em hãy khám các nữ vệ sĩ, từng cô một, xem họ có còn trinh không? Nếu có cô bé nào không còn, các em cũng đừng hỏi tại sao? Vì sự mất còn này có nhiều lý do lắm, Nếu các em tra xét sẽ chạm vào danh dự của các em ấy.Khi khám xong, hai em cấp cho mỗi cô bé một giấy chứng nhận, có dấu của Bộ tư lệnh cận vệ Phủ Tổng thống, và chữ ký của bác sỹ giám định là hai em. Rồi hai em truyển lệnh của ta cho Tư lệnh trưởng bộ này phát lương và phụ cấp tác chiến một năm cho từng em. Lương và phụ cấp bằng vàng thỏi, chứ tiền giấy thì sau này chỉ là giấy lộn thôi. Để khi về quê họ sẽ được sống sung túc, có vốn buôn bán, và nhất là có của hồi môn khi đi lấy chồng”.Gần một ngày sau, hai nữ bác sĩ đến gặp Tổng thống, nói: “Thưa Tổng thống, rất mừng là tất cả các cô vệ sĩ đều còn trinh, và chúng tôi đã thực hiện đúng như lời dặn của Tổng thống về tài chính, và cấp giấy chứng nhận pháp y cho các cô ấy rồi ạ”.Tổng thống Muama-Gađaphi mỉm cười rạng rỡ, và nhỏ giọng gần như nói thầm: “Ta Dâng lời cảm tạ Đấng Allah. Ngài đã giữ gìn ta trong sạch, thanh khiết với các nữ vệ sĩ yêu dấu của ta”. Hai nữ bác sĩ cũng nhỏ giọng nói: “Chúng em vô cùng cảm phục đức độ của Tổng thống”. Gađaphi lại nói: “Một lần nữa ta Dâng lời tạ ơn Đấng Allah”.Nói rồi, ông đi vào căn phòng rộng lớn, có tất cả nữ vệ sĩ đang ngồi ở đấy. Đứng trước các cô gái, phong độ của Tổng thống vẫn rất uy nghi, và giọng nói vẫn chân tình, cởi mở: - Các em thân yêu của ta ! Nhiệm vụ của các em chấm dứt từ giờ phút này. Các em sẽ vĩnh biệt ta, về với cha mẹ và quê hương. Rồi các em sẽ lấy chồng. Các em có gia đình và sẽ sinh những đứa con ngoan. Và hãy nhớ rằng, từ nay các em không được phép quan tâm gì đến ta nữa.Bỗng các nữ vệ sĩ khóc oà lên. Trước cảnh tượng buồn rầu ấy, Gađaphi cũng lặng người đi, đầu cúi xuống giây lát. Nhưng rồi ông lại ngẩng lên và nghiêm giọng hô: “Đứng lên!”. Tất cả cùng bật dầy. Ông hô tiếp: “Nghiêm!”. Cả căn phòng im phăng phắc. Rồi người ông chùng xuống. Tiếng ông nhỏ nhẹ gần như thầm thì, hoà giọng cùng các cô gái thành kính đọc lời cầu nguyện: “Nhân danh Đấng rât mực Độ Lượng! Rất mực Khoan Dung. Ôi Allah! Chúng con chỉ thờ phụng Ngài và với riêng Ngài…”.Cầu nguyện xong, Tổng thống Gađaphi nói tiếp: “Nào các em! Bây giờ chia tay. Cho ta được hôn các em, mỗi người một nụ hôn đầu tiên, và cũng là nụ hôn cuối cùng. Ta rất yêu thương các em, và bao giờ cũng coi các em là những viên ngọc quý của đất nước Libi. Các em sẽ mãi mãi toả sáng”.Nói rồi, ông đến bên cửa đứng, và lần lượt đặt cặp môi dầy đã héo úa đi vì trận mạc lên từng đôi má đỏ căng, nóng bỏng và ướt đẫm nước mắt của các cô gái. Hôn xong, ông nói mấy lời cuối cùng: “Hãy biết quên ta đi. Và hãy hoàn toàn mở lòng để Đấng Allah tế trị. Vĩnh viễn tế trị!”.
(Lược trích bài “Muama – Gađaphi một cái chết tự chon”, của Bùi Bình Thi , Văn nghệ số 12, ngày 24 – 3 – 2012)
Sách cũ (còn gọi là sách Thánh Hiền) có câu: “Anh hùng nan quá mĩ nhân quan”. Chẳng biết những chữ ấy ở văn bản nào, và do ai soạn thảo ra. Nhưng chắc chắn sự đúc kết đó phải là cả một quá trình hàng nghìn năm quan sát cuộc sống mới đúc kết được.Người ta thấy rằng người đẹp cũng y như của ải ở biên giới các quốc gia, đầy gian nan, hiểm trở, mà kẻ anh hùng rất khó vượt qua được. Câu nói ấy vừa đề cao phẩm giá của người đẹp, vừa thấu hiểu cái yếu điểm có tính chất bản năng muôn thuở của kẻ mày râu, quân tử. Cho nên từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đã biết bao kẻ anh hùng phải cúi đầu khuất phục trước cửa ải mĩ nhân.Nước Tầu ngày xưa là quê hương của Đạo Khổng, là xứ sở của Kinh Lễ. Kinh ấy đã phân định ngôi thứ, trên dưới, trước sau rất rõ ràng và chặt chẽ giữa: Vua – tôi, cha – con, chồng - vợ, anh – em… Thế mà vẫn có kẻ chẳng phải dân thường, mà là bậc đế vương, là ông vua đã từng được suy tôn là bậc “Minh quân” như Đường Minh Hoàng, cũng vì “:ải mĩ nhân” mà muôn đời sau phải mang tiếng xấu của kẻ loạn luân. Vì ông ắy đã cố tình chiếm đoạt con dâu mình là Dương Ngọc Hoàn. Rồi phong cho nàng là “Quý Phi” (Dương Quý Phi)!Nhưng rồi cuộc tình ngang trái ấy đã phải kết thúc một cách hết sức bi thảm. Vì vua quá say đắm mĩ nhân, triền miên trong hoan lạc, bê trễ công việc triều chính. Khiến quan quân bất bình, lòng người li tán. Giặc giã nổi lên khắp nơi. Quân triều đình đi đánh dẹp luôn luôn thất bại. Rồi đến khi phải rút chạy, dời bỏ kinh thành, triều thần và quân lính đã ép vua phải ban dải lụa cho Dương Quý Phi tự vãn trên gò Mã Yên!Ở nước Việt ta ngày xưa cũng có một cuộc tình khiến muôn đời sau, người trong cuộc cũng phải mang tiếng xấu tương tự như vậy. Đó là trường hợp của chúa Nguyễn Phúc Ánh, khi ông đem quân ra đánh kinh thành Phú Xuân của Nhà Tây Sơn. Vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản (Hậu duệ của Hoàng đế Quang Trung) không chống cự nổi, phải bỏ kinh thành, và bỏ cả người vợ yêu quý của mình là Công chúa Ngọc Bình (con vua Lê Hiển Tông, em Công chúa Ngọc Hân).Khi tiêu diệt xong Quang Toản và đội quân cuối cùng của ông ấy, ngoài việc trả thù Nhà Tây Sơn một cách hết sức dã man và tàn bạo, như dân ta ai cũng đã biết, Gia Long còn cậy thế mình là kẻ chiến thấng, đã bắt ép Công chúa Ngọc Bình phải làm vợ ông ta. Bất chấp búa rìu của miệng tiếng thế gian chê cười kẻ “sát phu hiếp phụ”!Vậy, Đường Minh Hoàng và Gia Long có phải là kẻ tiểu nhân tầm thường không? Chắc chắn là không. Họ vẫn là bậc vương giả, là kẻ anh hùng. Ở nơi hậu cung của họ chẳng hề thiếu mĩ nhân. Nhưng trước những trang quốc sắc thiên hương như Dương Quý Phi và Lê Ngọc Bình, thì họ đã hoàn toàn bị khuất phục.Tuy nhiên, chẳng có gì là tuyệt đối, là không thể, dẫu rằng rất hiếm hoi, nhưng cũng có kẻ anh hùng đã vượt qua được cái cửa ải muôn trùng gian nan, hiểm trở đó. Người ấy, thời xưa, theo kẻ đang viết những dòng này, thì chỉ có quan Tổng đốc Hồ Tôn Hiến của cụ Nguyễn Du mới thật xứng đáng. Vì khi nghe nàng Kiều gẩy đàn: “…Nghe càng đắm, ngắm càng say/ Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình…”. Nhưng khi tỉnh rượu thì “cái mặt sắt” ấy vẫn còn biết nghĩ: “…Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trông vào…”. Cho nên Hồ Tôn Hiến cũng là kẻ chiến thắng như Gia Long, nhưng ông ấy đã vượt qua được của ải Kiều mĩ nhân.Còn thời bây giờ thì chỉ có Tổng thống Libi, ông Muama – Gađaphi mới đích thực là kẻ anh hùng. Ông đã vượt qua được hàng loạt cửa ải mĩ nhân. Nhưng lại không cho đó là khả năng phi thường của mình, mà bảo đó là Đấng Allah đã giữ gìn cho ông được trong sạch, thanh khiết với các nữ vệ sĩ xinh đẹp và yêu quý của mình./.    
.
2 - ÔI…THƠ!..
                                                       
- Ông chủ có nhà không đấ..âý?.. Nghe tiếng người quen, tôi ra ngoài sân đón khách:
- Ôi bác! Có việc gì mà bác đi gữa trưa nắng?
- Đi từ sớm bây giờ về mới vào chú đây. Tôi nắm tay lái chiếc xe đạp “tộc tộc” của khách, dựng xe, đưa khách vào trong nhà, bấm số quạt to hơn, rồi tráng ấm pha trà. Ông khách nhễ nhại mồ hôi, mặt mũi đỏ gay, vừa lau mặt vừa nói:
- Trời nóng quá! Bão đang đổ bộ vào PhiLípPin, chú nghe tin chưa?
- Vâng. Khí hậu trái đát đang nóng lên. Các nước hàn đới như Anh, Pháp mà cũng ba tám, ba chín độ có người chết nóng thì chưa thấy bao giờ.
Uống hết chén nước, khách mở túi lấy ra một tập sách đưa cho tôi:
- Tôi mới có tập thơ được in, tặng chú đọc cho vui. Tôi vui mừng đưa cả hai tay ra nhận: ”Ôi..thơ!..”. Bìa vẽ rất đẹp. Một vùng núi non đỏ tím ánh hoàng hôn, với dòng sông và một con thuyền mảnh mai như chiếc lá, đậu trên lớp lớp sóng đỏ pha vàng lấp lánh. Và hai chữ ”Chiều Tím”, mầu trắng viền đen, tiêu đề tập thơ. Tôi bắt tay ông, cảm ơn và cả chúc mừng ông nữa. Ông cười. Nụ cười mãn nguyện của người thành đạt.Ông nguyên là cán bộ lãnh đạo của thị xã về nghỉ hưu, được phường mời ra làm Chủ tịch Hội người cao tuổi. Rồi từ ngày nổi lên phong trào thơ, ông kiêm luôn cả “chức”chủ nhiệm câu lạc bộ thơ của phường, nơi ông đang cư trú.Cũng phải thưà nhận rằng từ ngày có phong trào thơ rầm rộ, nhiều cụ cán bộ hưu trí đã bỏ tổ tôm, cờ tướng, bỏ cả những cuộc chuyện trò tào lao vô bổ. Và nhất là bỏ cái việc cũng vô ích không kém là đi tìm tòi, xét nét hành vi của các cán bộ đương chức đương quyền, xem ai tham ô lãng phí, ai ăn của đút, ô dù hay chiếm dụng tài sản, đất đai của Nhà nước và nhân dân để đơn từ tố cáo Mà vị nào cũng nhận thấy thơ không chỉ là bàn tay dịu dàng, an ủi, vỗ về sự hẫng hụt của các cụ khi về hưu, thôi chức, mất quyền. Mà thơ còn có thể đem lại cho các cụ tiếng tăm, danh vọng chẳng thua kém gì khi cỏn tại chuc, đương quyền. Nên cụ nào cũng lăm lăm giấy bút, ngày đêm suy tư, nghiền ngẫm, tìm chữ, tìm vần, đặt câu… Viết được một bài thì khấp khởi đem đọc cho bạn nghe, rồi chờ ngày sinh hoạt, lại đọc ở câu lạc bộ thơ. Cụ thêm chữ này cụ bớt từ kia, sửa chữa, trau chuốt cho thật hoàn hảo.Rồi khi đã gom góp được một số bài nào đó, thì bắt tay vào việc thực hiện sự mong mỏi, ước mơ đã lâu là ra tập.Nhân lúc chuyển đổi nền kinh tế, các nhà xuất bản đươc quyền tự quyết kinh doanh. Họ đọc bản thảo, nếu không có sai phạm gì thì xin Cục xuất bản cấp giấy phép xuất bản cho tác giả. Nhà xuất bản thu “lệ phí”. Tác giả đem bản thảo đi thuê in.Thế là các cụ bèn đi Ngân hàng rút tiền tiết kiệm, chấp nhận bỏ tiền túi ra in thơ. Âu đó cũng là một kiểu như thời xưa cổ nhân đã nói: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” Vì: “Đã mang tiếng ở trong trời đất / (thì) Phải có danh gì với núi sông”. Như cụ Nguyễn Công Trứ đã dậy. Cho nên các cụ ở câu lạc bộ thơ phường kia cũng vậy. In xong lấy sách về, cụ nào cũng sung sướng phấn khởi, thấy mình đã thành một tác giả, dẫu chưa dám nhận là ”nhà thơ”, thì mình cũng khác trước chỉ nguyên là…Nên chẳng quản nắng mưa, nóng bức, các cụ đạp xe đi tặng thơ.Khách về rồi tôi mở thơ ra đọc: “...Trẻ mãi không già khi đã già /Già rồi già nữa vẫn lo xa /Say sưa sáng tạo hồn thơ khỏe /Tích cực duy trì giọng hát ca…” “…Đẹp thay người hội tuổi cao /Cùng chung tuổi tác cùng trao ân tình /Khi xưa chung gốc đa đình /Giờ đây xóm phố chung tình Quang Trung…”Đọc đén đây tôi lại nhớ bài thơ “Vịnh cóc”trong truyện “Tiếu lâm”thời xưa:“Con cóc trong lỗ /Con cóc nhẩy ra /Con cóc nhẩy ra /Con cóc ngồi đáy/Con cóc ngồi đáy/Con cóc nhẩy đi…”.Và nhớ mấy câu thơ của Bút Tre:.. “Anh Thanh ơi hỡi anh Thanh /Anh về làng xóm phân xanh đầy nhà/Anh về gà lợn hát ca…”. “…Giống ruồi là giống hiểm nguy/Đôi chân của nó rất vi trùng nhiều…”.
Ấy thế mà những câu thơ như khẩu ngữ, nôm na thô thiển của bài “Vịnh cóc”, lại cắm được cái mốc vững chắc trong ”Truyện cười Việt Nam”.Và cả những câu thơ lục bát vừa mới lạ, vừa hồn nhiên đến mức ngây thơ, ngộ nghĩnh của tác giả Bút Tre cũng đã làm cho ông không chỉ thành danh một thời, mà có thể còn lâu dài chưa biết đén bao giờ. Vì tác giả đã sáng tạo ra một giọng điệu, một kiểu riêng thơ Bút Tre.Là người ngoại đạo đói với thơ, song tôi nghĩ thơ là nhạc của lòng, là hương của hoa, thơ phải tinh tế và quyến rũ, làm say đắm lòng người đọc. Còn những bài viết vẫn được gọi là thơ (chỉ vì có vần) của các cụ ở Câu lạc bộ thơ thì thật khó xác định đó có phải là thơ không? Hay chỉ như giống dơi, nửa chim, nửa chuột. Cầm chẳng ra cầm, thú chẳng phải thú. Bảo cầm thì không có lông vũ. Bảo thú thì sao lại bay?./.
THĐ