Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đau đớn hơn ba mươi năm của người nghệ sĩ già

Phạm Nguyễn
Thứ tư ngày 2 tháng 5 năm 2012 3:51 PM

Ngồi trước mặt tôi là người đàn ông già nua, khắc khổ. Sự khắc khổ cùng với tuổi tác đè nặng làm đôi vai gầy như trĩu xuống. Ông là Nhà soạn nhạc Tạ Tường, người phải chịu nỗi oan suốt hơn 30 năm nay…
 
Chuyến đi định mệnh
 
Ông Tạ Tường là cán bộ của Nhà xuất bản (NXB) Văn hóa (nay là NXB Văn hóa - Thông tin) từ cuối năm 1959 và là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ tháng 9-1966, có nhiều tác phẩm phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Tháng 3-1977, Bộ Giao thông Vận tải có nhu cầu sáng tác về “Đường sắt thống nhất” mời một số nhạc sĩ và nhạc sĩ Tạ Tường tham gia. Để đi thực tế sáng tác, nhạc sĩ Tạ Tường được sự đồng ý của NXB Văn hóa (nơi ông đang công tác) bằng Công lệnh số 53/XBVH. Kết hợp đợt công tác này, Bộ Văn hóa và NXB Văn hóa chọn cử ông ở lại TP Hồ Chí Minh theo Công văn mời của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (lúc ấy là Bộ trưởng Bộ TT-VH Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) để sáng tác về Bác Hồ và TP Hồ Chí Minh thể hiện bằng Giấy ủy nhiệm do Tổng Thư kí Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Nhuận kí ngày 10-3-1977. Khi đi, ông để lại toàn bộ tiền lương nhờ NXB Văn hóa chuyển cho vợ con.
Trong suốt quãng thời gian công tác tại TP Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Tạ Tường thường xuyên liên hệ, gửi tác phẩm cho ông Phạm Ngọc Cần, phụ trách tổ chức của Văn phòng đại diện NXB tại đây. Vậy mà không hiểu vì lí do gì, ngay tại thời điểm ông bắt đầu chuyến thực tế sáng tác tại miền Nam (tháng 3-1977), NXB Văn hóa xóa tên ông khỏi biên chế, cắt lương không chuyển cho vợ con ông lấy một đồng (đây cũng là nguyên nhân chính để vợ ộng tự ý xin li hôn). Bị cắt lương, đuổi khỏi biên chế nhà nước, một việc tày đình lúc bấy giờ mà ông là đương sự lại không được biết, hoặc được thông báo hay nhận bất cứ quyết định, văn bản nào cho thôi việc. Bản thân ông cũng không bị kỉ luật hay vi phạm pháp luật.

Nhận được hung tin, ông tới gặp ông Phạm Ngọc Cần, Phụ trách Tổ chức tại Văn phòng đại diện của NXB tại TP Hồ Chí Minh để hỏi, thì được trả lời: “Tôi không rõ, không có văn bản nào. Nếu muốn rõ, anh cứ hỏi trên Bộ”. Năm bản khiếu nại của ông gửi đến Thanh tra Bộ Văn hóa đều… rơi vào im lặng. Đang lúc khó khăn, thì ông mất hết giấy tờ tùy thân, trong đó có Công lệnh và Giấy ủy nhiệm (bản chính). Tiền mất, giấy tờ không, việc ra Bắc làm rõ trắng đen không thực hiện được. Ông đành lận đận sống tại TP Hồ Chí Minh và vẫn tiếp tục sáng tác.

Lặn lội đi tìm công lí
 
Thấy việc làm của NXB Văn hóa quá vô lí, được bạn bè giúp đỡ, ông làm đơn trình bày với lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin. Qua ba thời Bộ trưởng nhưng không thể giải quyết vì không có cơ sở. Trong khi đó, không hiểu vì sao, cơ quan trực tiếp quản lí nhạc sĩ Tạ Tường là NXB Văn hóa lại không lưu giữ một chút hồ sơ nào về người nguyên là cán bộ cơ quan . Đây là một điều rất vô lí, thậm chí vi phạm nguyên tắc quản lí hồ sơ của cán bộ, nhất là đối với trường hợp của ông Tường, bởi xét về lí khi cơ quan đột ngột cắt lương, gạch tên bất cứ cán bộ nào, hẳn phải lưu rất cẩn thận những văn bản, giấy tờ để phòng bị kiện cáo. Vậy mà toàn bộ hồ sơ của ông “không cánh mà bay” là điều rất đáng nghi ngờ và cần đặt dấu hỏi về tính pháp lí của việc cắt lương, cho ông Tường ra khỏi biên chế.
Do không có bằng chứng nên dù mất nhiều công sức, nhạc sĩ Tạ Tường cũng không thể chứng minh mình được cử đi công tác tại miền Nam và được giao trách nhiệm ở lại cho đến khi tình cờ tìm được bản sao Giấy ủy nhiệm do nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Tổng Thư kí Hội Nhạc sĩ Việt Nam kí, được ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng Công an phường 5, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh sao y ngày 15-3-1977. Giấy ủy nhiệm nêu rõ: “Ông Tạ Tường là cán bộ của NXB Văn hóa đem theo Công lệnh số 53/XBVH. Đồng thời là đoàn viên đi sáng tác tại miền Nam do Hội Nhạc sĩ tổ chức”. Vậy là đã rõ, nhạc sĩ Tạ Tường được cơ quan cử đi công tác, chứ không tự ý bỏ cơ quan, tự ý xin thôi việc… NXB Văn hóa căn cứ vào đâu mà cắt lương, đuổi việc một cán bộ đang đi công tác?
Khi có bản sao Giấy ủy nhiệm, ông Tường xin được làm việc với lãnh đạo Bộ VH,TT&DL, ngày 1-10-2010, Bộ VH,TT&DL có Công văn số 5308/BVHTTDL-TCCB do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái kí: “Yêu cầu NXB Văn hóa - Thông tin làm việc với các cơ quan liên quan để giải quyết chế độ cho ông Tạ Tường theo quy định của pháp luật”. Thế là lại bắt đầu những tháng ngày ông lặn lội đi bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. Đến ngày 15-12-2010, Bộ VH,TT&DL có Công văn số 4442/BVHTTDL-TCCB gửi BHXH TP Hà Nội “Đề nghị giải quyết chế độ chính sách cho ông Tạ Tường”, nhưng chỉ tính thời gian công tác từ khi về làm việc tại NXB Văn hóa - Thông tin (tháng 11-1959), còn thời gian từ tháng 11-1947 đến tháng 11-1959, dù đã được xác nhận đầy đủ, rõ ràng cũng không được công nhận. Sau nhiều lần đi lại, ngày 11-1-2011 NXB Văn hóa - Thông tin mới có Tờ trình về việc giải quyết chế độ chính sách cho ông Tạ Tường, thời gian công tác liên tục được tính từ tháng 11-1947 đến tháng 3-1977 (29 năm, 11 tháng). Nhưng BHXH cũng không thể giải quyết vì dù thời gian công tác đã đủ, nhưng tính đến thời điểm tháng 3-1977, ông Tạ Tường mới 39 tuổi, nếu vì lí do sức khỏe không thể tiếp tục công tác phải có xác nhận của Hội đồng Giám định y khoa. Nếu vi phạm kỉ luật buộc thôi việc thì phải có văn bản của Hội đồng kỉ luật của cấp có thẩm quyền. Nhưng cả hai văn bản này đều không có nên việc giải quyết gặp khó khăn, bởi nhạc sĩ Tạ Tường không nằm trong hai trường hợp trên. Ông bị NXB Văn hóa tự ý cắt lương, cho ra khỏi biên chế một cách vô lí trong thời gian được cử đi thực tế sáng tác tại miền Nam. Việc làm này là vi phạm Luật Lao động, NXB Văn hóa phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần mà nhạc sĩ Tạ Tường đã phải chịu hơn 30 năm qua.
Oan sai chưa được giải quyết, ngày 3-4-2012, Bộ LĐ - TB&XH có Công văn số 950/LĐTBXH-BHXH do Vụ trưởng Vụ BHXH Trần Thị Thúy Nga kí có nội dung: “Theo quy định tại Thông tư số 13/NV ngày 4-9-1972 của Bộ Nội vụ thì những trường hợp không do yêu cầu của tổ chức mà công nhân, viên chức tự ý xin thôi việc… sau được trở lại làm việc thì thời gian công tác trước khi nghỉ việc không được tính là thời gian công tác liên tục để tính BHXH. Ông Tạ Tường có thời gian công tác từ tháng 11-1947 đến tháng 3-1977. Tháng 3-1977, ông Tạ Tường được cử đi công tác tại TP Hồ Chí Minh theo Công lệnh số 53/XBVH và Công văn của Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mời sáng tác về Bác Hồ và TP Hồ Chí Minh, sau đó ông ở lại TP Hồ Chí Minh đến tháng 2-1983 và không quay trở lại cơ quan cũ làm việc. Như vậy, theo quy định trên, trường hợp ông Tạ Tường không có căn cứ để xem xét giải quyết chế độ BHXH”. Nội dung của công văn này vô cùng mâu thuẫn: Thời gian công tác của ông Tạ Tường được tính đến tháng 3-1977. Vậy những tháng ngày ông đi công tác ở miền Nam (từ tháng 3-1977) theo Công lệnh số 53/XBVH và Công văn của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mời viết về Bác Hồ và TP Hồ Chí Minh được tính là thời gian gì? Các cơ quan chức năng đã xác định thời gian ông ở lại TP Hồ Chí Minh để sáng tác là bao lâu chưa mà đã vội kết luận là ông không trở lại cơ quan cũ làm việc?
Ai cũng biết sáng tác về Bác Hồ và TP Hồ Chí Minh là đề tài rất lớn, người nghệ sĩ không thể hoàn thành trong một chốc một lát mà phải cần rất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm… Lấy đó làm lí do để không giải quyết BHXH cho ông là không thỏa đáng. Đó là chưa kể, ông Tường không phải là người tự ý bỏ cơ quan mà ông được cử ở lại TP Hồ Chí Minh để làm việc, để sáng tác, tức là ông không nằm trong “trường hợp không do yêu cầu của tổ chức tự ý xin thôi việc” nên áp dụng Thông tư số 13/NV ngày 4-9-1972 của Bộ Nội vụ vào trường hợp này là không đúng.
Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết quyền lợi cho nhạc sĩ Tạ Tường một cách thấu tình đạt lí, đừng để một người đã “gần đất, xa trời” ngày ngày phải “đội đơn” gõ cửa các cơ quan công quyền một cách vô vọng như hiện nay.
Phạm Nguyễn
Nguồn: Báo Người cao tuổi số 1056-1057