Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Buồn vui trong Lễ hội làng

Bến Văn
Thứ hai ngày 30 tháng 4 năm 2012 6:41 PM
 
Sau vụ cưỡng chế đất đai động trời xảy ra tại Văn Giang, tôi lại về quê dự lễ hội làng. Lễ hội làng tôi được tổ chức ba năm một lần vào ba ngày từ mùng 8 đến hết ngày mùng 10/4 âm lịch tại Đình Ngò, xã Phụng Công - Văn Giang, nơi cùng chung số phận với hai xã Xuân Quan và Cửu Cao đã và đang bị thu hồi đất cho dự án Ecopark. Đi trên con đê làng từng có thời mười tám năm liền bị những “tổ mối hổng” làm “sụt toang” gây lũ lụt trắng đồng, nghĩ đến lịch sử một vùng quê mà không khỏi ngậm ngùi, xa xót. Con đê bây giờ cao gấp nhiều lần so với trước, lại là đường giao thông liên tỉnh nên được chăm sóc thường xuyên, vững chãi lắm rồi, không tổ mối nào làm hổng được. Nhưng biết đâu nhưng con mối ấy vẫn không biến mất mà hiện đang trú ngụ nơi nào, có khi ở chỗ rất cao, có sức làm nghiêng đổ cả đất trời, tạo nên những trận hồng thủy mới?
Qua cống Bắc Hưng Hải một thời vang bóng, tôi cho xe đi chậm lại, đưa mắt nhìn bao quát khắp vùng đồng đất mênh mông, nhớ hôm nào khói lửa mịt mù khi quân ta đối mặt dân ta, tưởng đâu cái vòng vây dui cui súng ống kinh người ấy giờ đây lại bất ngờ xuất hiện. Bất giác tôi cho xe chạy nhanh hơn. Và ý nghĩ trong đầu dường như cũng gấp gáp hơn. Không biết ở quê lúc này những ai còn bị giam giữ? Người thanh niên bị đánh rất dã man hôm ấy giờ ra sao? Hội làng mở ra vào đúng dịp này, làm sao vui được nhỉ? Trăm mối ngổn ngang cứ bám riết lấy tôi trên suốt dọc đường.
Về đến đầu làng gặp một người anh họ đang lụng thụng áo the khăn xếp chuẩn bị ra đình rước hội, tôi túm ngay, nói tuột ra luôn điều mình vừa nghĩ. Ông anh họ gật đầu:
- Hẳn thế rồi. Có cũng là vui gượng thôi chú ạ! Ngay các cháu nội cháu ngoại nhà tôi một đống đây, mọi khi vào Hội đứa nào đứa nấy đều hớn hở, ới gọi nhau từ gà gáy, thế mà bây giờ chúng nó im re, nằm ệp trên giường đến giờ chưa thèm dậy.
- Vậy thì mở Hội làm gì cho tốn tiền ra?
- Thì việc nào ra việc ấy mà. Với lại, nghe mấy cụ Chủ tế, Tả văn nói thì dù gì cũng cứ nên làm, nhân tiện khẩn cầu Hai Bà linh thiêng gỡ mối cho, may ra qua được kiếp nạn này. Ý tứ là thế, từ hôm qua đã ngầm truyền khắp làng trên xóm dưới rồi.
Tôi gật đầu:
- Thế cũng phải!
Có lẽ vì thế mà hội làng năm nay, tuy không được đông đủ như mọi lần, vẫn tạo được không khí khá rộn ràng nhộn nhịp. Đường thôn ngõ xóm cờ dong trống mở. Các đoàn vào đình Ngò dâng hương mang y phục cung đình rất đỗi nghiêm trang. Người đứng vòng trong vòng ngoài cũng nghiêm cẩn thế. Mắt ngước lên cao, tay vòng trước ngực, nhẹ nhàng rê bước chân tiến lùi theo nhịp trống và tiếng hô dõng dạc của cụ Chủ tế từng được tiếng đức cao vọng trọng nhất làng. Những gương mặt người hôm nào còn phờ phạc lo âu, lúc này ánh lên một niềm hi vọng khi hướng về phía Hậu Cung, nơi đặt bức tượng Hai Bà Trưng bằng đá.
Xin tạt ngang một chút để nói về nguồn gốc lễ hội này. Tương truyền rằng khi Hai Bà Trưng, trên đường rút lui khỏi cuộc tấn công ồ ạt của quân Mã Viện, đã dừng chân tại cánh đồng Ngò ở làng tôi. Dân làng thấy vậy liền kéo nhau ra đón, đem lương thực ra tiếp tế suốt đêm. Cảm kích trước tấm lòng của dân làng, trước khi lên đường về Châu Phong, Hai Bà đã cho mở yến tiệc tại đây, rồi đặt tên cho làng là làng Phụng Công (ý nghĩa thế nào chắc không cần giải thích). Cánh đồng nơi Hai Bà dừng chân được gọi là đồng Chầu, con đốc Hai Bà mở yến tiệc khao quân được gọi là dốc Yến. Hiện các tên địa danh ấy vẫn còn ở xã này.
Sau đó, dân làng tập trung xây cất đình Ngò, thờ Hai Bà Trưng, hàng năm mở hội rước tượng Hai Bà đi một vòng trong xã. Lệ ấy được truyền cho mãi đến bây giờ.
Có một chi tiết rất lạ, tưởng chừng không tin nổi nhưng lại có chứng cứ rõ ràng khó ai bác bỏ được, ấy là khi Hai Bà Trưng bị quân Mã viện đuổi riết, nhảy xuống dòng Hát giang, trẫm mình rồi trôi dạt về làng Đồng Nhân (Nay là phường Đồng Nhân - Hà Nội), người Đồng Nhân hôm ấy ra bờ sông thấy có hai bức tượng đá, liền kéo nhau ra vớt nhưng hàng chục người xúm vào vẫn không vớt nổi. Đêm đó được Hai Bà báo mộng, tộc trưởng Đồng Nhân phải đích thân về làng Phụng Công mời người ra làm lễ rước, Hai Bà mới chịu lên bờ. Từ  đó hai làng kết nghĩa anh em, như ruột thịt, trai gái hai làng không được lấy nhau. Và lệ ấy cũng truyền cho mãi đến bây giờ.
 Nếu đi sâu tìm hiểu về lễ hội này sẽ thấy khá nhiều điều lý thú. Như việc làm lễ Cấp thủy, tức là cử người ra lấy nước sông Hồng về tưới lên mặt ruộng, cầu cho mưa thuận gió hòa, lúa màu tươi tốt, rồi các hội thi cây cảnh, thi nấu ăn, làm bánh “răng bừa”, thường gọi là bánh tẻ vốn là món ăn đặc sản làng. Nhiều trò vui khác cũng phong phú vui tươi hào hứng không kém các lễ hội truyền thống ở mọi vùng trên đất nước ta.
Nhưng điều tôi muốn kể ở đây không phải là chuyện đó. Đi lẫn trong dòng người rước tượng Hai Bà từ thôn nọ đến thôn kia, tôi cố len lỏi chỗ này chỗ khác, gợi hỏi người nọ người kia về chuyện cưỡng chế đất vừa rồi. Họ mới làm đến Xuân Quan, nay mai đến làng ta, bà con định thế nào?
- Còn định thế nào được nữa? - Một bà chị họ xa, học cùng lớp phổ thông với  tôi từ cấp I, nói - Họ ác như hùm ấy, chống làm sao được.
- Nghe nói dân làng ta cùng với mấy xã trong huyện đã có đơn khiếu nại lên Trung Ương, kết quả thế nào?
Bà chị thở dài:
- Chuyện ấy thì…khác nào con kiến kiện củ khoai. Chả hi vọng gì đâu chú ạ!
- Lãnh đạo xã không có ý kiến gì sao?
- Họ là những người thực thi, bị cấp trên sai bảo, có cho kẹo cũng không dám nói. Đấy như chú Tắng trước đây là chủ tịch xã mình ấy, người đã có công cùng với Đảng ủy xã mời được các giáo sư từ Hà Nội về đây thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ trồng lúa sang trồng cây cảnh, tăng thu nhập cho dân gấp mấy lần so với trước, rồi cho tu sửa đường thôn ngõ xóm phong quang sạch đẹp hơn hẳn ngày xưa, thế mà bây giờ người ta rút lên huyện, cử làm Phó ban cưỡng chế, kéo người về phá chính cái thành quả của mình. Chú bảo thế có ngược đời không? Rõ là cười ra nước mắt.
- Giống chuyện ở Tiên Lãng nhỉ?
- Thì việc này ở đâu chẳng giống nhau. Khi người ta đã lấy lợi nhuận làm đầu thì việc gì họ chẳng dám làm. Rút cục chỉ có dân thuần nông như chúng tôi là mất trắng thôi chú ạ.
- Nếu nay mai mất đất, chị định cho các cháu làm gì?
- Đi ăn mày! Xin giấy chứng nhận của xã vào Nghệ An, Thanh Hóa…
Tiếng cười rộ lên phía sau lưng, tôi ngoái lại. Toàn những gương mặt quen nhưng chẳng nhớ tên ai cả. Cứ gật đầu chào phứa đi rồi hỏi chuyện. Qua đó được biết thêm khá nhiều điều. Một trong những cái khó của dân trong việc khiếu kiện thu hồi đất ở làng tôi, cũng như các xã Xuân Quan, Cửu Cao, là có khá nhiều hộ gia đình đã nhận tiền bồi thường từ trước đó. Họ có biết nhận thế là thiệt không? Biết! Nhưng họ là Đảng viên, phải gương mẫu đi đầu, lại có người vì con cái họ có tham gia công tác ở địa phương, làm ở các văn phòng hoặc giáo viên, công chức… chống lệnh trên có thể bị điều đi hoặc cho nghỉ việc như chơi, nên họ sợ.
- Nghĩa là khẩu phục nhưng tâm không phục?
- Tâm thì chẳng ai phục cả. Không phục ngay từ đầu chứ không phải là… Bây giờ giá đất mỗi ngày một tăng, đồng tiền mỗi ngày một mất giá. Ba mươi sáu triệu đồng thì làm được việc gì? Tiếc đứt ruột ra ấy chứ!
- Nếu bây giờ Nhà nước cho họp mặt toàn dân tổ chức đối thoại trực tiếp, bà con mình có dám nói thẳng nói thật không?
- Chỉ sợ họ không tổ chức thôi, chứ chúng tôi sợ gì mà không dám!
Một thanh niên, cỡ tuổi con thứ hai của tôi, nói chen vào:
- Thôi đi các cụ, không có cái mùa xuân ấy đâu, đừng tưởng bở!
- Sao lại không?
Tôi quay sang phía cậu ta, hỏi lại. Anh chàng ghé tai tôi, nói nhỏ nhưng tôi có cảm giác mọi người nghe thấy hết:
- Cháu hỏi thật, chú ở trong giới văn chương báo chí, chắc nắm được nhiều thông tin mật, chú có biết ai đứng sau vụ này không? Nghe nói họ có thế lực lắm, và giàu lắm, góp cổ phần những mấy trăm tỷ cơ mà!
- Vậy là cháu biết rồi còn gì nữa!
- Nhưng cháu chỉ nghe loáng thoáng thôi.
- Chú cũng thế. Cũng chỉ nghe loáng thoáng thôi mà!
- Thế thì khó nhỉ? Hết đường rồi!
Mấy người đi bên cạnh lắc đầu:
- Đành trông vào sự phù hộ của Hai Bà vậy!
Lại cười.
Một hồi trống vang lên. Đám rước đã đi hết một vòng quanh xã, trở lại đình Ngò. Đám đông tản ra, đi qua chiệc cầu cao bắc ngang một cái ao to, rồng rắn vào đình. Tôi dừng lại trên cầu, tranh thủ chớp lấy vài kiểu ảnh. Nhìn những hàng cờ đuôi nheo phấp phới bay trong gió, những đoàn người dâng hương y phục cung đình sang trọng nhẹ nhàng rê bước chân tiến lùi theo nhịp trống, tôi thầm mong rồi đây có điều gì kì diệu đến với dân làng, cho đời bớt khổ. Chả gì họ cũng là hậu duệ của những người đã có công “cứu giá” hai vị Nữ Vương lững lấy anh hùng từ hai ngàn năm trước, để muôn đời con cháu noi theo.
 Phụng Công 29/4/2012
B.V