Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đây nữa, Trần Quang Khải

Vũ Binh Lục
Thứ bẩy ngày 14 tháng 4 năm 2012 9:31 PM

(Về bài thơ XUÂN NHẬT HỮU CẢM của Trần Quang Khải)

I
Vũ bạch phì mai tế nhược tì,
Bế môn ngột ngột toạ thư si.
Nhị phần xuân sắc nhàn tha quá,
Ngũ thập tri ông dĩ tự tri.
Cố quốc tâm hoàn phi điểu quyện,
Ân ba hải khoát túng lân trì.
Sinh bình đởm khí luân khuân tại,
Giải đảo đông phong phú nhất thi.

II
Nguyệt sắc vi vi dạ hướng lan,
Đông phong đặc địa khởi xuân hàn.
Phiên không liễu nhứ niêm cao các,
Giảo mộng tương quân phốc hoạ lan.
Bi vật nhuân tòng thiên ngoại vũ,
Kinh tâm hồng thốn tích thi nhan.
Khư sầu lại hữu tam bôi tửu,
Phủ kiếm du du ức cố san (sơn).
 (Hoàng Việt thi tuyển-Bùi Huy Bích)

Dịch nghĩa:
CẢM XUÂN

I
Những hạt mưa nhỏ như sợi tơ gội những bông mai trắng xoá,
Một người “say mê sách” khép cửa ngồi ngay ngắn trong phòng.
Ba phần ngày xuân thì đã bỏ uổng hai phần,
Năm mươi tuổi tự biết mình đã suy yếu.
Lòng mơ màng về quê hương như chim bay mỏi muốn về tổ,
Ân trạch triều đình mênh mang như bể khơi, khiến cho mình như con cá không bơi nhanh được.
Chí khí dũng cảm lúc bình sinh hãy còn ngang tàng hăng hái,
Muốn quật ngã ngọn gió đông mà ngâm lên một bài thơ.

II
Bóng trăng lờ mờ đêm đã hầu tan,
Một trận gió đông thổi hơi lạnh mùa xuân tới.
Những xơ của bông liễu phất phơ trên không rồi bám vào gác cao,
Những cây trúc đập vào lan can như quấy rối giấc mộng của mình.
Hơi mưa mát dịu làm cho cảnh vật thêm tươi,
Nét mặt hồng hào hồi tuổi trẻ đã phai lạt, luống những giật mình.
Mượn ba chén rượu để tiêu sầu,
Gõ kiếm lòng bâng khuâng nhớ cảnh núi cũ.

Dịch thơ:

I
Lâm râm mưa bụi gội hoa mai,
Khép chặt phòng thơ ngất ngưởng ngồi.
Già nửa phần xuân cam bỏ uổng,
Tới năm chục tuổi biết suy rồi.
Mơ màng nước cũ chim bay mỏi,
Khơi thẳm nguồn ân cá khó bơi.
Đảm khi ngày nào, rày vẫn đó,
Đè nghiêng ngọn gió đọc thơ chơi.

II
Đêm xuân hầu hết, bóng trăng mờ,
Lành lạnh hơi xuân mượn gió đưa.
Dinh gác, chùm bông tan trận múa,
Đập hiên, cành trúc quấy hồn mơ.
Hơi mưa xa gửi ơn đằm thắm,
Vẻ mặt buồn phai nét trẻ thơ.
Tiêu khiển may nhờ ba chén rượu,
Vỗ thanh kiếm cũ, nhớ non xưa.
  
Ngô Tất Tố dịch

Trần Quang Khải (1248-1294) là một danh nhân văn võ toàn tài. Cùng với  Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh Vương Quang Khải là trụ cột vững chắc của triều Trần. Về văn chương, chưa rõ ông viết nhiều hay ít, nay chỉ còn tập thơ chữ Hán, có tên là Lạc Đạo, cũng chỉ còn thấy một số bài. Tuy là ít, nhưng thơ Trần Quang Khải rất đặc sắc. Chúng tôi đã bình giải mấy bài, như Lưu gia độ, Phúc Hưng viên. Riêng bài Tụng giá hoàn kinh sư của Quang Khải, đã được đưa vào chương trình văn học trong nhà trường. Đọc lại cuốn Văn học Việt nam, thế kỷ X-XVII-Nxb Văn hoá-1962, lại thấy bài Xuân nhật hữu cảm, chưa thấy nhắc tới nhiều, có lẽ bởi những lý do ngoài văn chương, có tính lịch sử chăng? Nhưng thật sự đây là một bài thơ đặc sắc, không thể không tìm hiểu kỹ càng hơn. Bản dịch thơ của Ngô Tất Tố cũng tương đối trung thành với tình ý của nguyên tác, dẫu chưa là bản dịch thật hay, chúng tôi giới thiệu đầy đủ để bạn đọc thưởng lãm.
 Chung một tựa đề Xuân nhật hữu cảm, nhưng thực ra là hai bài thơ chữ Hán, thất ngôn bát cú luật Đường, liên kết chặt chẽ với nhau về ý tưởng chủ đề Xuân cảm…
 
Bài I

Tả cảnh xuân ở thời điểm buổi chiều, chiều muộn. Nói thế bởi vì tác giả viết rằng “Ba phần ngày xuân thì đã bỏ uổng hai phần”…Buổi chiều, có mưa xuân nhè nhẹ như rắc phấn, Những hạt mưa nhỏ như sợi tơ đang tắm gội cho những bông mai xinh đẹp, trắng muốt (Vũ bạch phì mai tế nhược ti). Đây là câu thơ mở đầu, đã thấy mưa xuân và hoa mai rất hữu tình hữu ý. Một câu thơ đẹp nao lòng, gợi hình gợi tứ, sống động và tràn đầy mĩ cảm. Bên ngoài là thế, nhưng trong nhà lại có Một người “say mê sách” khép cửa ngồi ngay ngắn trong phòng (Bế môn ngột ngột toạ thư si), như đang nung nấu điều tâm sự gì thầm kín?...Tác giả mượn một điển trong sách vở bên Tàu, ở Đường thư, kể rằng anh em Đậu Uy vốn chuộng võ. Chỉ riêng có Đậu Uy thì lại mê văn chương, nên những người anh em khác bảo Đậu Uy là kẻ “thư si”, nghĩa là “Người say mê sách”…
 Sao vậy? Vương đang làm việc hành chính, hay ngồi đọc sách trong phòng, say mê đến quên cả thời gian đang bịn rịn trôi đi, rồi bất chợt nhìn ra ngoài song cửa, thấy mưa xuân tươi tốt đang tắm rửa cho hoa mai chăng? Nhìn lại quá khứ, ta biết rằng, vào lúc Trần Quang Khải năm mươi tuổi, thì cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của Đại Việt đã hoàn tất (1288), non sông đã trở lại thanh bình. Tuy nhiên, với trách nhiệm nặng nề của vị hoàng thất giữ chức Thượng tướng Thái sư, Chiêu Minh Vương vẫn còn phải lao tâm khổ tứ, góp phần vun xới cho gốc rễ triều Trần, dựng xây đất nước, nên chưa được nghỉ ngơi di dưỡng tinh thần. Cũng nên biết thêm rằng, Thượng tướng dưới triều Trần là hàm cao nhất. Đại Vương Trần Quốc Tuấn, trong kháng chiến thì là Quốc Công tiết chế, thống lĩnh toàn quân, chỉ khi ông mất, mới được truy tặng Thượng tướng Thái sư thôi đấy!
 Ba phần ngày xuân đã bỏ phí hai phần,
 Năm mươi tuổi, tự biết mình đã suy yếu.
 (Nhị phần xuân sắc nhàn tha quá,
 Ngũ thập suy ông dĩ tự tri).
Hai câu thơ đối ý, phảng phất nỗi buồn của người đã ở tuổi “tri thiên mệnh”, tự biết (tự tri), tự cảm nhận về cái giới hạn của đời người, và cả sức khoẻ của chính mình. Câu Ba phần ngày xuân đã bỏ phí hai phần, có nghĩa thực, chỉ thời gian một ngày, nhưng còn có nghĩa rộng hơn chăng? Về cái tuổi xuân một đời người chẳng hạn, khi mà tuổi trẻ của Vương phải cống hiến rất nhiều cho đất nước trong hai ba cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, quyết liệt, với một kẻ thù quá mạnh như giặc Nguyên Mông? Bây giờ thì Năm mươi tuổi, tự biết mình đã suy yếu rồi! Cách đây khoảng tám trăm năm, tuổi thọ trung bình của người Việt còn thấp lắm. Vả chăng, chính Vương đã cảm nhận được sự chuyển hoá theo chiều hướng suy giảm trong cơ thể của chính mình, nên ông tự biết (tự tri) sự hao mòn của sức lực mình, nên cũng chỉ mấy năm, sau khi viết bài thơ này, vị Vương khả kính của dân tộc Đại Việt đã ra đi (1294), để lại tiếc thương cho muôn người…
 Biết thế, giờ đây dù là đang còn làm việc ở triều chính nơi kinh thành Thăng Long, Trần đại nhân nhìn cảnh xuân mà chợt nhớ quê hương:
 Cố quốc tâm hoàn phi điểu quyện,
 Ân ba hải khoát, túng lân trì.
Ân trạch của triều đình đối với Chiêu Minh Vương mênh mang như bể khơi thật đấy, nhưng nó cũng ràng buộc tự do, như thể con cá quý trong bể không sao bơi nhanh được. Là Thái sư, em ruột vua, danh vọng cực cao, công lao cực lớn, ân sủng dầm dề, mênh mang như bể khơi, mà ông cảm thấy như vẫn bị ràng buộc vì trọng trách, con người cá nhân của mình vẫn phải lệ thuộc, làm sao mà khoan khoái cho được. Thế nên mới hơi buồn, và Lòng nhớ về quê hương như chim bay mỏi, muốn về tổ, cũng là tâm sự dễ cảm thông…
 Lại nhớ, ở bài thơ Phúc Hưng Viên, Trần Quang Khải nói về cảnh ông nghỉ ngơi ở vườn Phúc Hưng, chính là thái ấp của gia đình ông, nay thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam định. Khi Thái sư Chiêu Minh Vương đang làm việc ở Thăng Long, thì vợ ông, công chúa con gái thái sư Trần Thủ Độ là người cai quản thái ấp (Ấp được phong) ở quê nhà (có tài liệu nói là ở huyện Mĩ Lộc?) Câu thơ cho thấy rõ tâm trạng của tác giả, như chim bay mỏi muốn về tổ. Có lẽ sau khi viết bài thơ này không lâu, thì Trần quang Khải xin về thật, nghỉ ngơi ở vườn cũ Phúc Hưng dưỡng bệnh, nhưng lòng lo nước của ông thì vẫn không hề ngơi nghỉ. Hai câu kết, tác giả viết:
 Chí khí dũng cảm lúc bình sinh hãy còn ngang tàng hăng hái,
 Muốn quật ngã ngọn gió đông mà ngâm lên một bài thơ!...
 (Sinh bình đảm khí luân khuân tại,
 Giải đảo đông phong phú nhất thi).
Đó là hai câu thơ kết thúc bài Xuân cảm của Đại Vương Trần Quang Khải, khiến ta bất ngờ, sửng sốt. Ý thơ từ trầm tư suy nghĩ, man mác buồn, bỗng như vụt đứng lên, hiên ngang sừng sững như chính khí phách của người anh hùng vĩ đại. Hào khí tuổi trẻ “Chương Dương cướp giáo giặc, Hàm Tử bắt quân thù” (Tụng giá hoàn kinh sư) lẫm liệt của ngày xưa, như vẫn còn đây, đang thức dậy, đang sôi lên cuồn cuộn trong cơ thể này, những muốn Quật ngã ngọn gió đông kia (giải đảo đông phong), chỉ để mà Ngâm vang lên một bài thơ ! Một câu thơ vào hàng kiệt tác, hừng hực hào khí Đông A, mà tinh tế sảng khoái vô cùng! Nếu như ở câu thơ “Đoạt sáo Chương Dương độ / Cầm hồ Hàm Tử quan”, Trần Quang Khải nổi danh là tướng võ, thì với câu “Sinh bình đảm khi luân khân tại / Giải đảo đông phong phú nhất thi”, ông lại là tướng văn, mà là tướng văn vào hàng tài tử, chẳng phải thế sao?
 
Bài II

Cũng là cảnh xuân, cảm xuân, nhưng bây giờ là thời điểm đêm đã hầu tàn (Dạ hướng lan), bóng trăng đã lờ mờ (nguyệt sắc vi vi). Bỗng đâu một trận gió đông thổi hơi lạnh mùa xuân tới (Đông phong đặc địa khởi xuân hàn)… Đấy là hai câu mở đầu của bài thứ hai, khái quát chung về vẻ xuân ở ngoài trời.
 Hình như thi nhân đêm qua ít ngủ. Bây giờ thì quan sát, nhìn ngắm cảnh vật ngoài song, thấy Những xơ của bông liễu phất phơ trên không, rồi bám vào gác cao (Phiên không liễu nhử niêm cao các), lại thêm những cành trúc đập vào lan can, như quấy rối giấc mộng của mình (Giảo mộng tương quân phốc hoạ lan)…Thế là nhìn ngắm đã rất tỉ mỉ, chi tiết. Sớm xuân, gió đông mang theo hơi lạnh thổi tràn qua đất khu vườn trong khuôn viên lầu gác của quan Thái sư, thi sĩ Trần đại nhân, xua những xơ li ti của bông liễu tản mát bay ngang, rồi nhẹ nhàng  bám vào gác cao (niêm cao các). Gió đông buổi sớm nổi lên, cũng đồng thời làm cho những cành trúc (tương quân) lắc lư đập vào lan can, như thể chúng cố ý quấy rối giấc mộng của thi nhân. Cảnh động, và rất có hồn. Chung quy chỉ tại anh chàng gió đông kia đa tình quậy phá lung tung, phá bĩnh, khiến “ta” phải vỡ giấc mộng xuân, nhưng cũng chẳng phải vì thế mà “ta” bực mình đâu!
 Là bởi vì Hơi mưa mát dịu làm cho cảnh vật thêm tươi, khiến cho Nét mặt hồng hào hồi tuổi trẻ của ta hình như cũng có phần tươi lại? Nhưng mà thực ra không phải vậy. Nét mặt hồng hào phơi phới hồi tuổi trẻ(của ta) đã phai lạt rồi,(khiến ta) luống những giật mình (Kinh tâm hồng thốn tích thì nhan). Đó chẳng phải là một sự đau lòng ư? Cảnh xuân thì hổn hển non tơ, sắc xuân mơn mởn tươi xanh, còn ta thì sắc trẻ nhạt dần, tuổi tác nặng trĩu đôi mi mắt, sao không giật mình kinh hãi? Thế nên phải thở dài mà “Mượn ba chén rượu để tiêu sầu” (Khư sầu lại hữu tam bôi tửu), xua đuổi cái sầu đi, mà “vớt cái xuân xanh cạn đáy li”… (Thơ Vũ Bình Lục). Rồi thì Gõ kiếm lòng bâng khuâng nhớ cảnh núi cũ (Phủ kiếm du du ức cố san)…
 Núi cũ là núi ở đâu? Ở quê hương tác giả chăng? Ở Hoan Châu, nơi xưa kia Thựơng tướng Thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải thống lĩnh đạo quân tì hổ trấn giữ phía Nam hiểm yếu của nước Đại Việt, như một “thê đội dự bị chiến lược”, khi cần thì kéo quân ra Thăng Long, hợp binh tiêu diệt quân Nguyên ở chiến trường Chương Dương, rồi Hàm Tử, để có chiến thắng “Chương Dương đoạt giáo giặc / Hàm Tử bắt quân thù” chăng? Nhưng giờ đây giặc đã tan rồi, chỉ còn việc gõ kiếm mà lòng bâng khuâng những cảm xúc hào sảng của một thời oanh liệt mà thôi!
 Cảm xuân của Trần Quang Khải là một bài thơ trữ tình đặc sắc, khi mà thi nhân đã bước vào tuổi “tri thiên mệnh”. Thơ phát khởi tự trong lòng người ta, tình ý chân thành, giản dị mà tinh diệu, có thể đĩnh đạc vượt lên sự ngăn trở nghiệt ngã của gió đông, mà ngân nga mãi không thôi!
  
Hà Nội-Xuân 2012
       V.B.L