Trang chủ » Truyện

Tầu hỏa đồ chơi

Hà Phạm Phú
Thứ năm ngày 12 tháng 4 năm 2012 8:07 PM

Truyện ngắn

Làng Hạ Đan có một con ngòi, gọi là ngòi Ván. Con ngòi ấy bắt nguồn từ núi Bụt, cắc cớ làm sao lại cắt chéo làng làm thành hai nửa, cao và thấp để rồi sẽ xẩy ra khối chuyện buồn vui,  trước khi đổ vào sông Thao. Lòng ngòi đầy đá, trơn nhẫy. Mùa mưa, nước dâng đến đùi, đến bẹn, chẩy xiết. Người lớn vén cao quần có thể lội qua. Đám phụ nữ ngượng không dám vén quần cao, lại hay trượt chân ngã, thường để nguyên quần áo lội nước ướt,  rồi về nhà thay. Đám học sinh nhóc chúng tôi ở xóm cao, đi học đến ngòi Ván, thường cởi truồng cuốn quần áo và đội sách lên đầu, cứ thế cả con gái con trai tồng ngồng lội qua để xuống trường ở xóm thấp. Trong đám học sinh mười hai, mười ba tuổi chúng tôi lúc đó có một đứa mà tôi chơi thân tên là Nguộc, khôn trước tuổi. Gia đình Nguộc ở gần nhà tôi. Bố nó làm thợ mộc. Làng tôi toàn làm nghề nông, lọt riêng nhà nó làm nghề mộc, thành thử mọi người nhìn với vẻ xa lạ.  Ngày đó ở làng, bố tôi là người có học nhiều nhất, lại là đảng viên nên được cử làm chủ tịch xã. Còn mẹ tôi vốn là con gái một cụ đồ ở làng Lâm bên kia sông, vừa đẹp vừa nói năng hoạt bát, được bầu là cán bộ phụ nữ. Gia đình tôi là một gia đình gương mẫu.
 Nguộc mới mười ba tuổi, nhưng cao lớn như đứa trẻ mười bốn mười lăm. Ngược lại, tôi nhỏ con, thấp. Hai đứa đi bên nhau y như đôi đũa lệch. Nguộc tinh quái, hay ăn trộm vặt. Nó đi qua nhà ai, ghé vào đâu đó là thế nào cũng thó được một thứ gì, quyển vở, cái bật lửa, sợi dây dù. Nguộc nhanh tay, nhanh mắt không chịu được. Một buổi tối, đội chiếu bóng huyện về  làng tôi, căng cái phông loang lổ vàng ở góc sân trường có cây bàng chúng tôi vẫn lấy đá ném cho quả vàng rụng xuống. Khi mặt trời chìm sâu sau dẫy núi Bụt thì chiếc máy nổ cọc cạch bắt đầu gầm lên. Tôi có tiền mẹ cho để mua vé trong túi, nhưng vẫn theo Nguộc trốn vé,  chui rào vào sân. Hai đứa chạy loăng quăng chỗ này chỗ nọ cho đến khi chiếu phim. Thằng Nguộc kéo tôi đến đứng sau đám con gái, nhiều đứa ở làng bên nhưng nhìn quen mặt mà không biết tên. Thằng Nguộc giúi vào tay tôi một cái bánh rán.
 Tôi hỏi nó:
 - Mua lúc nào thế?
 Nó cười khùng khục bảo:
 - Tao khoắng của bà già mắt toét gần chỗ bán vé. Ăn, nhưng cấm nói với bố tao đấy!
 Bất ngờ có tiếng thét thất thanh của cô gái phía trước, kèm theo tiếng rủa :Đồ khốn nạn!Tôi ngó vào mặt thằng Nguộc, nhưng mặt nó lạnh như tiền.
 Đó là vào giữa những năm 1950, sau khi Pháp cút khỏi miền Bắc, người ta bắt đầu khôi phục lại con đường sắt Hà Nội- Yên Bái- Lào Cai. Thanh niên xung phong làm đường sắt dựng lán ở làng tôi. Chúng tôi hay la cà vào đó. Và cái việc thường xẩy ra đã xẩy ra. Thằng Nguộc lấy cắp chiếc đồng hồ đeo tay sáng lấp lánh của anh đội trưởng. Thời đó, chiếc đồng hồ đeo tay là của hiếm, làng tôi dường như chẳng ai có. Anh đội trưởng nghi thằng Nguộc lấy. Anh ấy không nghi tôi. Tôi là con một gia đình gương mẫu, bố là chủ tịch, mẹ là cán bộ phụ nữ, không thể là đứa ăn cắp.
 Vào lúc gia đình tôi chuẩn bị ăn cơm thì mẹ thằng Nguộc chạy sang gọi.
 Bà nói:
 - Cháu sang bên này, bác có việc nhờ.
 Mẹ tôi bảo:
 - Đi nhanh rồi về ăn cơm.
 Tôi theo mẹ thằng Nguộc đến cửa thì nghe thấy bố nó đang nói. Giọng ông chắc như từng nhát đục: Cháu nhà tôi từ bé không có tính tắt mắt. Cả họ nhà chúng tôi không có ai có tính như thế! Tôi đã nói, hễ ăn cắp là chặt tay.
         Mẹ thằng Nguộc đẩy tôi lên trước :
 - Thằng bé con ông chủ tịch chơi với cháu, từ tinh mơ đến chập tối không rời một bước. Có nó làm chứng.
 Tôi bắt gặp ánh mắt khẩn khoản của thằng Nguộc, nhớ lúc nó dúi vào tay tôi chiếc bánh rán, bèn nói:
 - Cháu chứng nhận, thằng Nguộc không lấy.
 Hôm sau anh đội trưởng tìm thấy đồng hồ ở đâu đó trong phòng ngủ, bèn đến xin lỗi bố mẹ thằng Nguộc. Đấy là do tôi bảo nó đem trả lại cho anh ta. Từ đó bố mẹ thằng Nguộc đâm ra rất quí tôi, thi thoảng có món gì ngon lại gọi tôi qua.
 Lại nói về con ngòi. Không ai cắt nghĩa vì sao con ngòi cắt chéo làng tôi chẳng lấy gì làm rộng, mỗi mùa nước lên đi lại rất khó khăn, mà dân làng Hạ Đan không chịu bắc cầu. Hay là cái việc nhỡn tiền như thế, nhưng lại chẳng ai nghĩ ra? Do chiến tranh, nhập học muộn nên năm đó tôi với thằng Nguộc mới học lớp bốn. Lũ học sinh nông thôn, buổi sáng đến trường, buổi chiều chăn trâu hoặc ra đồng làm phụ với người lớn. Nhà thằng Nguộc không có ruộng, nhưng nó vẫn ra chỗ ngòi Ván chơi đánh quay hoặc chơi cày suông (đánh khăng) với lũ tôi.
 Ở trường làng tôi có lệ, bắt nguồn từ sáng kiến của Ban giám hiệu, cứ chiều thứ năm hàng tuần là các thầy cô giáo chia nhau đi thăm các gia đình học sinh.
 Lần đó đến lượt cô giáo Ngọc Liên về thăm phụ huynh xóm tôi. Cô Ngọc Liên người thành phố, mới ra trường, xung phong lên miền núi. Cô trẻ và đẹp, đẹp đến nỗi lũ học sinh chúng tôi còn thích ngắm trộm cô soi gương chải đầu, trước mỗi giờ lên lớp. Cô giáo có tên gọi là sen ngọc (đấy là bố tôi nói tiếng Hán, Ngọc Liên là sen ngọc) tha thướt như một diễn viên điện ảnh Liên Xô, đứng tần ngần trước ngòi Ván giữa mùa mưa, nước lên cao, chẩy xiết. Sen mà sợ nước thì cũng lạ. Đang lúc cô giáo định liều mạng lội xuống nước, thì một bà già buông vội cuốc chạy tới.
 Bà bảo:
 - Cô giáo đừng lội. Nước sâu, chẩy xiết, đá trơn. Cô mà ngã, ốm thì các cháu nghỉ học à? Để tôi bảo học sinh cõng cô qua.
 Bà gìa quay gọi đám tôi với thằng Nguộc lại. Bà bảo thằng Nguộc:
 - Cháu cao lớn, khoẻ nhất bọn. Cháu cõng cô giáo qua ngòi!
 Thằng Nguộc nháy mắt với tôi, gật đầu tỏ vẻ phục tùng. Bà già dặn nó, rằng phải giữ chắc hai tay cô giáo, cấm không được để ngã. Như thế nghĩa là khi cõng, không được làm như kiểu chúng tôi vẫn cõng nhau mỗi lần đánh khăng bên thua phải cõng bên thắng, hai tay đỡ mông. Thằng Nguộc gật đầu ra chừng đã hiểu. Nó lội xuống nước, khom lưng  chờ đợi. Bà già năn nỉ cô giáo đặt hai tay lên vai, hai gối tì lên lưng thằng Nguộc. Rồi bà kiểm tra thấy chắc chắn, mới an tâm ra lệnh cho nó đi.
 Tôi nhìn tư thế gò bó của cô giáo trên lưng thằng Nguộc mà buồn cười, nhưng cứ phải nín lại. Thằng Nguộc bước những bước chắc chắn, nhưng ra đến chỗ nước sâu, chẩy xiết thì nó chao nguời giống như bị trượt chân, sắp ngã. Tôi nghe thấy cô giáo kêu thất thanh. Bà già thét: Cẩn thận đấy Nguộc! Cô giáo thấy thằng Nguộc trượt chân chắc là sợ lắm, nay nghe bà già thét, lại càng sợ thêm. Sự sợ hãi làm cô giáo không còn giữ được bình tĩnh, hai tay vội ôm chặt lấy cổ, hai chân quặp cứng lấy hông thằng Nguộc.
 Rồi thằng Nguộc cũng lấy được thăng bằng, đứng một lúc lâu như để trấn tĩnh, sau đó bước từng bước chắc chắn sang bờ bên kia.
 Sau đó tôi hỏi nó:
 - Mày cố tình làm thế à?
  Nó nhe răng cười:
 - Hai tay cô giáo trắng thơm như hai búp hoa lan, khiến tao phát thèm. Người cô áp chặt lên tao nóng như cái hầm đốt than.
 Nghe thằng Nguộc nói, cười một cách khoái trá, lòng tôi cũng xốn xang. Tôi bảo nó:
 - Lúc về, mày giữ cô lâu thêm, rồi kể tao nghe.
 Nhưng khi về, cô giáo không để thằng Nguộc cõng nữa. Cô lội qua ngòi, mặc cho quần áo ướt, đi thẳng về trường.
 Tôi với thằng Nguộc chơi với nhau kiểu ấy, có lúc tôi a dua theo, có lúc tôi xúi nó, nếu không xẩy ra chuyện chiếc xe hoả đồ chơi, thì chẳng biết sẽ còn đi tới đâu.
 Con đường sắt chạy qua làng tôi khôi phục xong. Người ta xây nhà ga ở ngay đầu làng. Hàng ngày những đoàn tầu chở hàng, chở khách kéo còi tu tu chạy qua làm cho cái làng Hạ Đan nhỏ bé, hẻo lánh của tôi rộn rã, văn minh hẳn lên. Tôi ngó con tầu hàng ngày chạy qua làng, mơ tưởng đến những chuyến đi xa, đến những chân trời mới.
 Ông trưởng ga, người dưới xuôi, mang cả gia đình vợ con theo lên, muốn xin đất, làm nhà ở riêng. Ông tới gặp bố tôi mấy lần, cuối cùng không chỉ xin được đất, mà còn xin được cả cọ lợp nhà nữa. Nghe nói ông trưởng ga học ở Trung Quốc về, chúng tôi phục lắm. Thỉnh thoảng lũ chúng tôi lại ghé qua nhà ông hóng chuyện, ngó nghiêng mấy bức tranh vẽ đám con gái vừa xinh vừa đẹp treo trên tường.
 Một hôm tan học về, thằng Nguộc thì thầm bảo tôi:
 - Đi, tao cho mày xem cái này.
 Nghe giọng nó, tôi biết chắc sẽ có điều gì thú vị lắm. Nó dẫn tôi đến nơi nó vẫn cất giấu những thứ mà nó khoắng được, gọi là kho báu. Đó là xưởng chế dầu giọc của cụ Hà Trực từ thời chống Pháp, bây giờ bỏ không, mốc meo. Ngày đó dầu Tây (dầu hoả) hiếm như vàng. Dân làng tôi phải nhặt hạt giọc phơi khô, đồ chín như đồ xôi, ép lấy dầu để thắp sáng. Kho báu của thằng Nguộc được đặt giữa đống dụng cụ dùng để ép dầu, cả chục năm nay chẳng ai đụng đến. Loay hoay một lúc lâu, nó lôi ra một cái túi vải, trang nghiêm bầy ra trước mặt hai đứa, trước hết là cái đầu tầu hoả mầu đen, sau đó là hai toa khách sơn xanh rồi móc chúng lại thành một đoàn tầu. Đường ray cho đoàn tầu chạy là những đoạn nhựa cong, cũng được nối với nhau bằng những chốt cứng làm sẵn. Một đoàn tầu hoả bé tẹo và xinh xắn. Thằng Nguộc giảng giải cho tôi biết cách lắp ráp.  Nhưng tất cả việc lắp ráp, thằng Nguộc tự mình làm, nhất nhất không cho tôi chạm tay tới. Nhìn đôi mắt hau háu của tôi, thằng Nguộc mỉm cười một cách thần bí.  Nó bảo tôi lùi ra xa, rồi móc túi lấy ra một vật nhỏ chìa ra trước mặt tôi. Nó nói: Mày có biết cái gì đây không? Phép lạ đấy. Nó luồn cái vật nhỏ đó vào cái lỗ nhỏ bên hông cái đầu tầu và vặn, như vặn dây cót đồng hồ. Thằng Nguộc bảo,  con tầu chạy bằng năng lượng lò so. Chắc nó học lỏm từ ông trưởng ga, nhưng nghe những lời ấy từ miệng nó nói ra, không hiểu sao tôi thấy vừa ghen tỵ vừa khâm phục.
 Đường ray nối vòng tròn, lý ra con tầu có thể chạy vòng tròn, hết dây cót mới dừng lại. Nhưng con tầu chạy một đoạn lại đổ. Tôi xông đến định đỡ con tầu, thì thằng Nguộc dứt khoát chặn lại.
 Nó bảo:
 - Chỉ cho mày xem thôi.
 Rồi nó tự mình thu dọn, gói ghém cất cái của báu độc nhất vô nhị ấy vào kho báu. Đã mười ba tuổi đầu, nhưng cái con tầu chạy bằng cót ấy như thỏi nam châm hút chặt lấy tôi. Tôi lờ mờ biết nguồn gốc cái tầu hoả đồ chơi ấy, nhưng vẫn hỏi thằng Nguộc:
 - Ở đâu ra thế?
 Nó đáp :
 - Chỗ nhà ông trưởng ga- Thấy tôi lặng im, nó nói thêm- Con bé nhà ông ấy ngu bỏ xừ, tao bảo nó đưa ra hè chơi, thế mà nó cũng đưa.
  Thôi đúng rồi, chiều hôm trước, chẳng rõ có việc gì, khi qua nhà ông trưởng ga, tôi thấy con bé khóc như mưa như gió.
 Tối đó, tôi ngủ mê nghe thấy tiếng còi của con tầu có chiếc đầu sơn đen kéo theo hai toa sơn mầu xanh hết sức đẹp mắt. Tiếng còi tu tu âm vang dấp dính lạ lùng làm sao! Hôm sau, tan học tôi bảo thằng Nguộc cho chơi tầu hoả, nhưng nó gạt phắt. Ngẫm nghĩ một lúc, tôi bảo nó trả chiếc tầu hoả lại cho con bé, nó không chịu.
 Trong đầu tôi lờ mờ nẩy sinh một ý nghĩ, chầm chậm mỗi ngày mỗi rõ.
 Buổi chiều mưa to. Tôi xé một mảnh giấy, dùng tay trái viết mấy chữ gửi cho ông trưởng ga, nói rằng kẻ viết lá thư này biết chiếc tầu hoả của con bé gái nhà ông vì sao bị mất. Đó là do thằng Nguộc con nhà ông thợ mộc lấy cắp. Tôi lén ném tờ giấy đó vào nhà ông trưởng ga. Hôm sau nữa, cũng vào buổi chiều, tôi thấy bố con ông trưởng ga lội qua ngòi Ván đến thẳng nhà thằng Nguộc. Tôi hiểu chuyện gì sắp xẩy ra, bèn chui vào nhà, đóng cửa lại. Nói như các bà nhà quê, đợi ăn giập miếng trầu thì bà mẹ thằng Nguộc chạy sang nhà tôi.
 Bà nhìn tôi như một vị cứu tinh, nói:
 - Chỉ có cháu mới cứu được thằng Nguộc!
 Tôi không thể từ chối, đành đóng cửa theo sang nhà bà. Giữa đường thì gặp mẹ tôi ở uỷ ban về.  Nghe ra là chuyện nghiêm trọng, mẹ tôi liền cùng tôi theo vào nhà thằng Nguộc. Không khí im lặng đáng sợ. Các bậc cha mẹ ngồi, mặt nặng như chì. Tôi quyết định ngậm miệng như hến. Mẹ tôi vốn nghiêm khắc, không chịu được thái độ lỳ lợm của tôi. Bà nghiêm khắc cảnh cáo, nếu tôi không nói thật thì hậu quả đối với tôi chắc chắn không có gì tốt đẹp.
 Ông thợ mộc bảo:
 - Cháu không phải nói. Nếu thằng Nguộc lấy thì gật đầu, nếu không lấy thì lắc.
 Tôi thấy ông nhìn tôi với vẻ chờ đợi và tràn đầy tin tưởng. Cảm giác phản bội khiến đôi tai nóng bừng, tôi cúi gầm mặt, không sao làm chủ được bản thân.
 Mẹ tôi giục:
 - Con có nghe thấy gì không?
 Tôi ngẩng lên liền nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe của đứa con gái ông trưởng ga, sau đó là nhìn thấy gương mặt nghiêm khắc của mẹ tôi. Biết chắc là vợ chồng ông thợ mộc đang nhìn chằm chằm vào tôi, nhưng tôi lảng tránh. Tôi nhắm mắt, mường tượng thấy con tầu nhỏ xíu tự động chạy trên đường ray nhựa, rồi lặng lẽ gật đầu. Hành động của tôi khiến ông bố thằng Nguộc thất vọng kinh khủng.
 Giọng ông cất lên như tiếng gầm của con cọp bị thương:
 - Thằng Nguộc đâu?Thằng Nguộc?
 Lúc đó mọi người mới nhớ đến thằng Nguộc. Nhưng thằng Nguộc đã biến đâu mất. Bà mẹ thằng Nguộc lu loa khóc:
 - Con ơi, sao con ngu thế, mẹ đã dặn con bao lần rồi, chọn bạn tử tế mà chơi.
 Câu nói cạnh khoé của mẹ thằng Nguộc làm mẹ tôi tức điên, nhưng là cán bộ phụ nữ, bà phải gương mẫu, không thể cãi nhau với người đàn bà lạc hậu này. Bà dồn tức giận vào tôi. Chao ơi, tôi ngỡ cái tai bên phải của mình sắp bị đứt rời.
 Mẹ tôi lôi tôi một mạch về nhà, đẩy vào buồng, nhốt lại. Tuy nhiên tôi vẫn nghe tiếng gọi của bố thằng Nguộc vọng tới:Nguộc ới, Nguộc ơi! Sau đó là sự im lặng. Tôi biết bố thằng Nguộc là người vô cùng trọng danh dự, đã nói là làm nhưng cũng vô cùng nóng tính. Sự im lặng làm tôi sợ. Nhân lúc mẹ tôi xuống vườn hái rau, tôi nhấc cánh cửa sổ, trèo ra ngoài. Rồi len lén chuồn ra cổng. Đến chỗ khuất, tôi cắm cổ chạy. Được một đoạn thì nghe tiếng la của thằng Nguộc từ phía ngòi Ván.
 Tiếng thằng Nguộc lanh lảnh:
 - Con không lấy. Con không biết cái tầu hoả nào hết. Con xin thề!
 Tôi vội nép vào bụi cây bên đường. Thằng Nguộc ướt như chuột lột, bị bố nó lôi xềnh xệch trên đường. Tôi bám theo về đến tận cổng nhà nó. Bố nó vớ lấy cái đục tràng. Tiếng ông trầm xuống, chứa chất nguy cơ:
  - Có đứa viết thư tố cáo mày, thằng con ông chủ tịch cũng xác nhận. Mày dùng tay nào để ăn cắp?
 Im lặng mấy giây. Chợt thằng Nguộc thét lên thất thanh, tiếp đến là tiếng gào khóc của mẹ nó. Tôi nấp trong bụi cây, không dám cục cựa. It phút sau đó, bố thằng Nguộc bế nó trên tay, đạp cửa phóng đi.
 Khuya hôm đó, qua bố tôi, tôi mới biết bố thằng Nguộc dùng tràng chặt đứt mấy ngón tay trái của nó.
 Thằng Nguộc phải nằm bệnh viện huyện. Hôm sau đó tan học, tôi cố nán lại để không ai nhìn thấy, rồi rẽ vào cái xưởng ép dầu của ông Hà Trực. Tôi xục vào cái kho báu của thằng Nguộc, nhưng con tầu với cái đầu sơn đen cùng hai toa sơn xanh đã không cánh mà bay.
 Sự việc diễn ra rất nhanh, làm sao thằng Nguộc kịp đem giấu vào nơi khác? Chỉ có một khả năng, ngay sau hôm cho tôi xem, thấy tôi còn mê cái đồ chơi có một không hai ấy hơn nó, sinh nghi nên nó đã chuyển đi nơi khác? Tôi thẫn thờ tìm loanh quanh ở xưởng ép dầu, nhưng chỉ mất công vô ích. Thằng Nguộc vẫn còn phải nằm viện. Tôi lang thang đến tất cả những nơi mà tôi với nó vẫn thường chơi nghịch. Tuy nhiên con tầu như có phép lạ,  lặn đâu đó vào trong đất.
 Một hôm, do tan học về muộn, tôi không đưa trâu lên núi mà để ở nhà, cho ăn rơm khô đã được cha tôi đánh thành cây ở góc vườn, sát phía nhà thằng Nguộc. Ở quê tôi, sau vụ gặt mùa thu, người ta thường thu rơm khô đánh thành đống cao vống, gọi là cây rơm, để dành cho trâu ăn mùa đông vì hiếm cỏ. Cây rơm bố tôi đánh, tròn cao, nom thật đẹp. Đây là lần đầu tiên tôi rút rơm cho trâu ăn. Thật người có công trời không phụ, sau bao lâu tìm kiếm thì vào lúc vô tình nhất, tôi đã tìm thấy chiếc tầu hoả đồ chơi, với chiếc đầu sơn đen kéo theo hai cái toa sơn xanh. Thằng Nguộc đã đem nó giấu vào cây rơm nhà tôi. Tôi sững người khi lôi ra con tầu lẫn trong ôm rơm, không còn tin nổi mắt mình. Sợ có người nhìn thấy, tôi vội nhét trở lại và lấy rơm phủ kín .
 Chờ tối xuống, nhân lúc vắng người, tôi rời chiếc tầu hoả đi cất giấu ở một nơi kín đáo khác.
 Tôi mang chiếc tầu hoả giấu đi nơi khác, không phải là để gửi trả cho cô con gái cưng của ông trưởng ga. Không, nhà nó giầu, mất cái tầu hoả vẫn còn ối cái khác để chơi. Tôi muốn giữ cho riêng mình.
 Nhưng tôi không có nhiều cơ hội để chơi con tầu, thi thoảng chỉ có thể lôi ra ngắm rồi lại cất đi. Bởi điều quan trọng là tôi không có chìa khoá để vặn dây cót. Chắc chắn thằng Nguộc vẫn còn giữ chiếc chìa khoá ở bên mình.
 Rồi thằng Nguộc về nhà, đi học. Tay nó vẫn còn băng. Nó không thèm nhìn mặt tôi, còn tôi cũng tránh mặt nó. Chiều ấy, đi học về, sau khi vét nồi kiếm bát cơm nguội, tôi chui vào gầm giường moi ra chiếc rũa và mảnh sắt dẹt lén nhặt ở lò rèn gần nhà ga, quyết định tự mình chế cho con tầu chiếc chìa khoá, theo hình dạng mà tôi còn nhớ mang máng. Đang hì hục rũa thì cửa bật mở. Thằng Nguộc hầm hầm bước vào. Tôi vội giấu các thứ vào gầm giuờng, nhưng chắc có thể nó đã nhìn thấy. Thằng Nguộc nhìn chằm chằm vào tôi không nói gì. Tôi giữ miệng im như thóc. Rồi đột nhiên nó văng tục, chửi tôi là đồ phản bội. Tôi vẫn không hé răng, sẵn sàng để cho nó đánh. Nhưng nó không động đến người tôi.
 Chửi chán rồi nó nói:
 - Con tầu tao giấu ở cây rơm nhà mày mất rồi. Mày lấy phải không?
 Tôi không đáp. Nó nói tiếp:
 - Mày phản bội, làm tao mất mấy ngón tay. Nhưng tao cũng lừa được ông bô, tao lấy đồ bằng tay phải, nhưng lại nói là tay trái. Giữ được tay phải tốt hơn tay trái đúng không?
 Tôi vẫn câm như hến. Thấy khó mà cậy được miệng tôi, nó nhổ một bãi nước bọt rồi bỏ đi.
 Sau đấy bố tôi được điều động lên huyện làm cán bộ,  rồi ít lâu sau ông được đề bạt làm phó phòng thuỷ lợi. Bố tôi xin cho mẹ tôi làm nhân viên bán hàng ở công ty bách hoá. Cả hai ông bà quyết định không trực tiếp làm nông nghiệp nữa. Thế là gia đình tôi dọn nhà lên huyện, ở phố. Tôi nhớ dịp đó đang tiết heo may, trời lún phún mưa. Bố tôi mượn được chiếc xe tải của huyện, chạy về  đỗ bên kia ngòi Ván. Đồ đạc nhà tôi chả có gì nhiều nhặn, nhờ hàng xóm và thanh niên xã chuyển đánh loáng cái là xong.
 Ở quê tôi có tập quán, hễ gia đình nào có công có việc là hàng xóm sẵn sàng gác việc nhà lại để tới làm giúp, giống như kiểu làm đổi công. Nhà tôi chuyển nhà, bố mẹ thằng Nguộc cũng tới làm giúp. Tôi để ý suốt buổi, nhưng không thấy bóng dáng thằng Nguộc đâu.
 Giờ phút chia tay rồi cũng đến. Hàng xóm dừng lại bên này bờ ngòi Ván. Tôi theo bố mẹ lội ngòi qua bên kia để lên xe. Tự nhiên tôi thấy lòng mình trống vắng làm sao, như vừa đánh mất một cái gì quí báu.
 Người lái xe đã nổ máy. Bố tôi bảo tôi lên ngồi cùng mẹ ở cabin. Nhưng tôi nhất quyết đòi ngồi trên thùng xe. Bố tôi bèn trèo lên cabin ngồi cùng mẹ tôi. Ông nói với người lái xe:
 - Ta đi thôi chú!
 Xe chuẩn bị chuyển bánh thì tôi thấy một thằng bé hớt hải chạy lao như mũi tên, vượt qua ngòi, nước bắn tung toé. Đó là thằng Nguộc.
 Tôi kêu to:
 - Bố ơi, cho xe dừng lại!
 Thằng Nguộc lao đến bên xe, tay cầm cái gì đó cố vươn lên đưa cho tôi. Tôi chỉ kịp đón vội lấy thì xe rú ga vọt đi. Thằng Nguộc tụt lại phía sau, khuôn mặt ướt đẫm. Tôi không biết đó có phải là do nước mưa hay nước ngòi Ván không?
 Xe chạy được một đoạn, tôi mở tay ra nhìn. Thì ra đấy là một cái túi vải nhỏ mầu đỏ. Thằng Nguộc đưa cho tôi cái gì vậy?Tôi run run mở ra. Chao ơi, đó là cái chìa khoá để lên dây cót chiếc tầu hoả. Nó giữ đến cả một học kì.
 Nhờ nỗ lực công tác, giành được tín nhiệm của cấp trên, bố tôi leo lên cao dần. Nhà tôi từ huyện rời lên tỉnh. Tôi cũng theo đó học hết cấp ba, rồi vào đại học. Tốt nghiệp được nhận một chỗ làm tốt, bây giờ là chủ một tổng công ty. Đám bạn bè đánh giá tôi thuộc vào loại thành đạt. Còn thằng Nguộc ra sao ư ? Tôi chỉ biết, học hết cấp hai nó nhất quyết xin đi bộ đội, nhưng không ai nhận vì bị cụt mấy ngón tay trái. Cậy cục mãi không được cuối cùng Nguộc nộp đơn thi vào sư phạm. Nghe đâu bây giờ Nguộc vẫn đang làm nghề gõ đầu trẻ.
 Những người quen biết Nguộc bảo, con người của cậu ta như thế thì cũng chỉ có thể như thế mà thôi.
 Tôi biết thế nào các bạn cũng hỏi: Còn chiếc tầu hoả của con gái ông trưởng ga? Lẽ dĩ nhiên, châu về Hợp Phố, bố tôi đã nện cho tôi một trận nên thân, rồi bí mật chuyển trả cho chủ nó sau khi nhà tôi dọn về huyện được ít lâu. Bố tôi quyết tâm đào tạo tôi trở thành một đứa trẻ ngoan, trở thành một người hoàn hảo.

                    HPP