Trang chủ » Truyện

Láng giềng

Nguyễn Chính Viễn
Chủ nhật ngày 10 tháng 6 năm 2012 5:29 PM

“Vắng anh em xa có láng giềng gần”. “Tắt lửa tối đèn xóm giềng có nhau”.Trong cuộc sống mỗi người đều có những bạn bè chí cốt, chia xẻ ngọt bùi, có với nhau những việc làm, những tình cảm mãi mãi là những kỷ niệm khó quên. Ông Vững đã có những người bạn như thế. Ông Vững là công chức đã về hưu, Ông có hai người bạn, một ông là thông gia, một ông là công chức vẫn đương nhiệm chốn công sở, nhưng 3 ông đều coi nhau như cùng trang lứa. Tuy ông Vững là người cao niên nhất. Họ tên đầy đủ của ông bạn đang làm việc công sở có tên là Ngô Trần Thức, chỉ đọc cái tên lên người ta đã thấy sự vinh dự rồi. Bạn bè  đã  đùa với ông, nhà nước chỉ có hai họ nổi đình nổi đám thì ông giữ cả. Hiện nay ông đang làm Sếp của một Công Ty than, vào loại lớn trong vùng. Người ta bảo lương tháng của ông xấp xỉ 4-50 triệu đồng. Đấy là người ta nói vậy chứ thực hư thế nào chỉ có Kế Toán Trưởng, phòng tài vụ Công ty ông biết.
Như một cái đồng hồ, rất chính xác và đều đặn, cứ 7 giờ sáng là ông ngồi vào xe đi ra khỏi nhà đến công sở làm việc, 17 giờ 40 phút là ông lại có mặt ở nhà. Buổi sáng ông dậy từ 5 giờ cho chim ăn, tưới nước cho mấy chậu hoa cây cảnh như lộc vừng, thiết mộc lan, sơn tuế, ông còn trồng cả 3 cây sưa cạnh tường rào trước nhà để làm kỷ niệm và tiện thể khoe với ông Vững cây sưa nó như thế đấy. Hàng xóm láng giềng nhìn thấy ông đi hoặc về là đoán được mấy giờ rồi, nếu là buổi sáng thì ông bố bà mẹ cứ thấy xe ông đi qua là nhắc con cái đi cho khỏi muộn, với lời nhắc : “Ông Thức đi rồi kìa!”.
Hàng xóm láng giềng rất thân mật với ông. Ông thường bỏ nhiều thời giờ nghỉ của mình để đến với mọi nhà thăm nom hoà giải đối với những đôi vợ chông trẻ “cơm không lành canh không ngọt”, nhắc nhở các cháu chăm ngoan học hành. Động viên an ủi nhưng gia đình có con chết vì nghiện hút. Ngày Tết nhất ông thường giành thời gian trước là đến với các cụ cao niên trong khu xóm, và thường có phong bì mừng tuổi các cụ, sau mới đến  là những người bạn bằng vai phải lứa. Những buổi họp của các tổ chức Xã hội như Hội Chữ Thập đỏ, Hội Người Cao tuổi, Hội Khuyến học mời ông, ông thường có mặt và có phong bì đóng góp với quỹ hội mặc dù ông chưa phải là Hội viên. Đối với gia đình ông là người tổng chỉ huy. Anh con cả là kỹ sư Nhà máy điện, còn cô con gái đang theo học lớp 12, vợ ông là công chức thuộc nhà máy xi măng của thành phố. Ông là niềm tin cậy của con cái. Ông Vững và ông thừơng ngồi đàm đạo với nhau về cuộc sống trước đây và hiện nay. Ông Vững nói : “Cứ bảo bây giờ ta nghèo khổ, không hiểu người ta nhìn vào cái gì để nói thế?”. Vì  Ông Vững cho rằng cuộc sống so với trước đây là một trời một vực, đường phố rộng rãi. sạch sẽ, phong quang, nhà của khang trang, nhiều nhà cao tầng, trước đây ở thành phố ta làm gì có nhiều nhà cao 5-7 tầng như bây giờ, xe máy xe đạp nhà nào cũng có, là “sếp” đi làm thường bằng ô tô riêng, nhà nào cũng 3 bữa, dù bữa sáng chỉ là gói mì tôm, con cái học hành đến nơi đến chốn ăn mặc đồng phục thật đẹp mắt. Ông Thức là  người chịu khó xem sách báo, sách Tây, sách Tàu đều có, những chuyến đi công tác vào hiệu sách thấy có sách hay là ông mua Ông đọc : Gorky, , Bacbuyt, Rô manh Rô lăng, Jôn Rit, Jắc Lơn đơn,Putin, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Mao Trạch Đông, Đăng Tiểu Bình, Diệp Kiếm Anh... Trên giá sách của ông bề bộn những sách... ông thường đem cho Ông Vững mượn đọc. Kể từ ngày đi lại với ông Thức trình độ ông Vững được nâng lên rõ rệt cả về xã hội học và nhân văn học, ông nhìn thời cuộc có khác hơn, phấn chấn tin tưởng hơn.
Ông Thức là người rất căn cơ, nề nếp, không tếu táo xô bồ như một số quan chức khác. Để bám sát thời cuộc, ngoài việc mua báo giấy để đọc. ông đã đến Bưu Điện trung tâm thành phố đăng ký gói cước 200.000 đồng để vào mạng xem những Blog, nhưng Web của bạn bè.Công ty của ông thuộc loại đang ăn nên làm ra. Là một công ty luôn đi đầu trong công tác đổi mới khoa học công nghệ và sử dụng thiết bị mới để không ngừng tăng năng suất lao động. Công ty luôn chú trọng đầu tư duy trì phát triển mỏ có chiều sâu để không ngừng tăng trưởng sản lượng ổn định và bền vững. Công ty luôn quan tâm chăm lo tốt đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho công nhân. Công nhân đi làm bằng xe ô tô có điều hoà, quần áo có phân xưởng giặt. Hàng năm công ty đều tổ chức cho công nhân, cán bộ có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất đi du lịch xuyên Việt hoặc đi tham quan, du lịch nước ngoài. Qua các phong trào thi đua, công ty ông đã được tăng nhiều bằng khen của Đảng và Chính phủ, có nhiều Huân Huy chương, đặc biết công ty đã được Nhà nước tặng thưởng Huân Chương Lao đông hạng hai.Trong cuộc sống ông luôn năng động và luôn có sự dịch chuyển về nhận thức để phù hợp và kịp thời với nhân tình thế thái.  Khi có sự căng thẳng vì thiếu điện. Ông Vững tỏ ra rất thích thú về việc làm “dự án tiết kiệm điện” của ông Thức. Trước khi ngồi vào bàn ăn, bao giờ ông Thức cũng tranh thủ thông báo với  mọi thành viên trong gia đình tình hình tốt xấu vừa xẩy ra trong khu vực và ở Công ty ông. Lần ấy ông đề cập thêm đến chuyện tiết kiệm điện. Cả gia đình đều công nhận ông nói về chuyện tiết kiệm điện rất nhiệt tình và say sưa. Đứa con gái phải khen ông “Bố nói hay như MC vậy”. Ông đã coi việc tiết kiệm điện là vấn đề bức xúc số một của gia đình, hàng tháng ông đã phải trả số tiền điện cao nhất xóm. Nhiều lần ông đã gay gắt với đứa con trai là kỹ sư điện. Ông đã yêu cầu anh là tái cấu trúc hệ thống điện, thay toàn bộ loại bóng đèn “Rạng đông” sang loại bóng đèn “Compắc”, các phụ tải đều có công tác bật, tắt, buổi tối hệ thống đèn thắp sáng chỉ được thắp đến 11 giò 30 phút là tối đa, buổi sáng chỉ được bật bóng đèn nào, máy vi tính chỉ được mở theo giờ, điều hoà nhiệt độ chỉ cho mở ở ngưỡng tù 16 đến 22. Ông đã giải thích cho vợ con về việc tính giá điện theo luỹ tiến hiện nay...cả nhà chỉ biết ngồi nghe vì cái điều ông nói ai cũng biết cả rồi. Ông yêu cầu  tất cả mọi thành viên trong gia đình khi đi ra khỏi nhà phải tắt đèn., các phụ tải cũng phải tắt trừ tủ lạnh vì nó phải giữ cho rau quả và thức ăn khỏi ôi thiu. Lúc đầu, ông phân công việc này cho cô con dâu quý của ông, vì nó là cử nhân kinh tế, đang chuẩn bị là thạc sĩ kinh tế, Quản Trị Kinh doanh. Ông nói phân công cho con là đúng sách, vì làm kinh tế phải biết căn cơ tiết kiêm chi tiêu. Cả gia đình  đã phải cuốn hút vào công việc tiết kiệm điện của ông. Bà vợ đã kêu lên về việc tiền nong do ông yêu cầu, bà luôn mở két , dốc hầu bao để chi tiền nào công tắc, cầu chì,phích cắm, bóng đèn, giây dợ, cắt cái này, nối cái kia tốn kém hàng triệu có ít đâu. Bà cằn nhằn: Việc đầu tư tiết kiệm điện của bố con ông, tôi không phản đối, chỉ mong sao đừng có “sôi hỏng bỏng không”, “Đầu voi đuôi chuột” thế thôi. Ông đã cười và tuyên bố, bà có công nhận chúng tôi cải tạo giây dợ để tiết kiệm là đúng hướng không?. Đứa con gái đi học về là bật máy chơi “Game”, “chát”, “nghe nhac” kể cả anh chàng Kỹ Sư cũng thế... Ông đã định mức, mỗi đứa chỉ được chơi 1 tiếng thôi. Cô con gái cưng của ông đã vòi vĩnh ông  “Kể cả nghe nhạc, chát , chơi Game mà bố cho có 1 tiếng thì sao đủ cho một Game thủ kết thúc cuộc chiền hả bố?”. Chàng kỹ sư đồng tình ủng hộ. Ông đã tăng thêm cho 30 phút nữa. Đối với ông, ông cũng chỉ được quyền sử dụng máy tính 2 tiếng đồng hồ , quy trình của ông là, đầu tiên mở hai hộp thư điện tử, sau lướt Web, vào File cá nhân, xem tin tức....Các quy định ông ban ra cứ tưởng guồng máy cứ chay “ro ro”, nhưng nào có được thuận buồm suôi gió, mặc dù ông rất đằm tính những đã nổi đoá vì nhưng quy định của ông đã bị xâm hại : Máy điều hoà,, bình nóng lạnh, đầu câm, máy vi tính...vẫn “ri ri” khi cả nhà đi văng.. Ông đã quyết định từ nay ông có quyền ra  khỏi nhà sau cùng so với mọi người để ông làm công việc tiết kiệm điện thay cho cô con dâu của ông vì nó quá bận công việc ở công ty, đã thường xuyên đi sớm về muộn nên đã không hoàn thành phận sự. Bây giờ trước khi ông đi làm, ông đã kiểm tra cả 3 tầng nhà, buồng ngủ của con cái, buồng tắm, góc học tập của cô con gái, buồng trang điểm của đứa con dâu, bếp núc, nhà cầu...tắt tất cả công tác, ấy vậy nhiều khi vẫn bị nhầm lẫn đấy, cái nó đã tắt rồi nhưng ông lại bật lên. Ông lẩm bẩm “Nhân vô thập toàn mà!”
Những ngày ông đi công tác xa, ông giao nhiệm vụ này cho cô con gái cưng. Ông kiên quyết bắt mọi người trong gia đình phải thực hiện đúng những quy định mà ông ban ra. Việc ông làm đã được cả xóm bảo nhau noi theo. Tiền điện của cả xóm đều có xu hướng giảm xuống rõ rệt. Vì cả xóm đã làm theo cách thức của ông.
Ông kể lại cho ông Vững nghe : Sau một tháng thực hiện phương án tiết kiệm điện của ông, ông đã phấp phỏng hồi hộp chờ nhân viên thu tiền điện đến, để xem “thắng quả” của ông. Tờ Hoá Đơn  Tiền Điện GTGT đã đến nhìn con số giảm so với trước chỉ chiếm  khoảng 90%. Ông đã cười và thông báo với mọi người “Thắng lợi rồi!”, so với trước số tiền địên tiết kiệm được khoảng 200 ngàn đồng. Trong bữa cơm chiều hôm ấy, ông đã trịnh trọng tuyên bố với mọi thành viên trong gia đình “chương trình tiết kiêm điện của ông đã thành công!”. Ông biểu dương tất cả mọi người đã có sự đóng góp tích cực vào chương trình. Ông mong mọi người tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được. Cả gia đình bàn luận sôi nổi về việc sử dụng đồng tiền tiết kiệm được. Riêng cô con gái và anh chàng kỹ sư đề nghị “ Bố cho phép thời gian cho các “Game thủ  lên 2 tiếng cho đã!”. Ông đã cười một cách độ lượng : “Ừ có thể được đấy! Để bố cân nhắc!” Riêng bà “Nội tướng” của ông phấn khởi đề nghi được dùng số tiền này mua chú gà đồi làm bữa tươi liên hoan. Ông nhìn bà và ngạc nhiên về sự rộng rãi này. Còn tất cả mọi thành viên đều vỗ tay hoan hô bà!
Đối với bạn bè, ông luôn tỏ ra là người rộng lượng sẵn sàng giúp đỡ trong những trường hợp có thể. Một lần ông đến thăm ông Vững, thấy ông đang sử dụng chiếc máy vi tính đời cũ, màn hình nhỏ, “cây” có tốc độ quá chậm, bàn phím thì các chữ đều mờ.  Ông Vững là một cộng tác viên cho một số tờ báo viết, và thỉnh thoảng cũng viết bài cho một số...“com”( báo mạng)cho  vui...Ông hỏi ông Vững : “Ông có thích nâng tốc độ máy lên không? Ông Vững cười : “ Muốn nhưng lực bất tòng tâm làm thế nào được !”. Ông Thức đã nói :Tôi có ít đồng tiền thưởng , tôi sẽ gúp bác. Ông Vững cho rằng ông Thức tếu táo cho vui, nhưng hơn tháng sau, công ty dịch vụ Máy Tính đã đem dàn máy đến để lắp cho ông thật. Ông Vững đã tỏ ra rất lúng túng về chuyện này...Một số bạn bè đều cho Ông Vững là người  may mắn có một ông bạn quá tốt, vô tư.
Đấy là chuyện về người bạn “ láng giềng” thứ nhất của ông Vững. Về người bạn thứ hai của ông thì thuộc “cổ cày vai bừa”, nông dân 100%. Tên ông là Nguyễn văn Nhẫn, xóm phố đều khen ông là người ăn ở biết điều, có nền nếp, gia phong, cả hai ông bà đều là những người tham gia tích cực công tác xã hội. Bà có chân trong đội Văn nghệ của xã đã từng được đi hội diễn của thành phố và đã được tặng nhiều bằng khen. Ông ngoài việc biết chơi đàn nhị, gõ trống, ông còn là Hội viên thơ của hội NCT, đã có thơ in chung và xuất bản được nhiều tập, những bài thơ ông làm thường thuộc thể lục bát ca ngợi cảnh đẹp làng quê và những việc làm của người nông dân quê hương ông. Những lúc nông nhàn, ông còn là thợ xây có tay nghề cao. Nhà văn hoá xã, các nhà thờ họ, từ đường, các công trình nhà cửa của một số gia đình vợ chồng trẻ, mộ phần của một số gia đình trong dòng tộc đều có bàn tay ông góp sức.Tuy làm để tăng thu nhập nhưng ông luôn mang trong tâm một tình cảm đoàn kết giúp đỡ, tiền công bao giờ cũng phải chăng, có tiền thì trả ngay, không có thì ông cho chịu đến mùa thu hoạch. Để tạo hứng thú trong cuộc sống ông đã tự sắm 2 bàn cờ tướng để mời bạn bè đến chơi. Bà là người phụ nước nôi, ăn trưa cho các “cờ thủ” khi cần. Khi Công ty TNHH Đức Xuyên cần bảo về, ông đã xin vào làm. Ông tâm sự : “Đã hơn sáu mươi tuổi rồi, nghỉ ngơi là đúng, nhưng thuộc tầng lớp nông dân như chúng tôi cần kiếm ít tiền để giành và cũng là để có đồng tiền thăm bạn bè, gần xa khi ốm đau là cần lắm.”. Ông tập thể dục buổi sáng rất đều đặn, chiều tối ông đi bộ, có chế độ ăn uống rất điều độ, không bỏ bữa nhưng không bao giờ ông ăn quá no. Ông thường nói : “Đừng để để đói nhưng phải biết ăn đói”. Ông bà sinh được 3 người con đều là gái, người con cả tuổi Thìn, người thứ hai tuổi Thân, người con thứ 3 tuổi Dần. Ở nông thôn còn mang nặng tư tưởng “ trọng nam khinh nữ”, “Thập nữ viết vô”,nhưng ông bà không thế.Ba người con của ông đều học hành đên nơi đến chôn, đã có gia đình có con cái học hành ngoan ngoãn, không chơi bời lêu lông, nghiên hút. Cái đấy là quý nhất bây giờ, ông bảo thế. Các chàng rể đều có nghê và có công việc ổn định, biết bảo ban nhau đoàn kết giúp đỡ bố vợ : mắc điện thoại bàn cho bố vợ, mua ty vi, sửa sang công trình phụ cho bố vợ.Hàng quý họ bảo ban nhau tổ chức những buổi gặp mặt nhau tại nhà ông. Ông Vững, ông Nhẫn biết nhau khi thằng con trai ông Vững làm quen với đứa con gai thứ hai của ông. Rồi chúng thành gia đình. Quan hệ bạn bè trở thành thông gia. Hàng tuần ông đều đến với ông Vũng để chuyên trò về “Đắc nhân Tâm”, để “Đàm Thiên, Thuyết Địa, Luận Nhân”. Ông vẫn nhận là người nông dân thực thụ học hành ít, nhưng có tâm hồn “thi sĩ”. Ông đã tặng ông Vững hai tập thơ (một tập in chung, một tập in riêng bằng vi tính). Một lần ông hỏi ông Vững : Ông có tin là có thần thánh không? Đức năng thắng số không? Ở hiền gặp lành không?”. Rồi ông kể cho ông Vững nghe một câu chuyện thuộc về tâm linh. Ở làng nọ được xây dựng một công trình để thờ Bác Hồ , sắp sửa làm lễ khánh thành rồi nhưng vẫn bộn bề công việc: những đống cát chưa được thu gom, tre pheo con để rải rác, rác rưởi trông thật ngứa mắt...sân bãi còn lôm nhôm loam nhoam...người chủ xây dựng công trình trông thấy ngập ngụa mà đầu óc căng như sơi giây đàn, lo lắng. Thâm tâm ông ta nghĩ : “chỉ có Bác mới có thể giúp ta được!”.Nghĩ thế nào làm thế ấy ông đã thắp hương khấn Bác, cầu mong Bác giúp. Ông Nhẫn hỏi ông Vững , ông có biết thế nào không Trời đã đổ cơn mưa to cuốn đi phăng đi những rác rưởi .. Ông bảo có linh không? Rồi ông kể tiếp câu chuyện thứ hai, câu chuyên xẩy ra ở miền trung. Con cháu ra lập nghiệp ở miền Duyên Hải, về quê lấy chân hương nhà thờ tổ làm bát hương ở nơi ở mới. Mọi chuyện đã xong xuôi thì vị đại gia của dòng tộc về thấy bát hương thô không đẹp, ông đề nghị các vị bô lão trong họ là cần phải làm một bát hương khác to đẹp hơn, mặc dù bị các cụ phản đối, vì mọi thủ tục trình tự đã làm đúng bài bản rồi. Nhưng Vị đại gia không nghe vẫn kiên quyết làm theo ý mình. Kết quả việc làm của ông ta sau này về nơi làm việc chỉ một thời gian sau không những bị cách chúc mà làm ăn cũng bị lụn bại không ra gì. Nghe hai mẩu chuyện, Ông Vững cũng có thể giải mã được, nhưng ông chỉ cười để ông Nhẫn vui. Ông Vững nghĩ phải chẳng ông bạn ông đã tin là có thần thánh có tâm linh đang hiện hữu trong cuộc sống, ông đã luôn bảo mọi người trong đó cả ông Vững là có thờ có thiêng có kiêng có lành, cho nên ông đã quay sang làm nghề Thầy cúng chăng? Ông Nhẫn nói với Ông Vững : “Tôi chỉ dùng tâm để cầu khẩn cho người ta mạnh khoẻ an bình thôi chứ hoàn toàn không lợi dụng bịp bợm, giá cả phải chăng”. Biết ông thích thú đi vào lĩnh vực tâm linh, ông Vững đã mua tặng ông những sách “Diễn cầm tam thế”, Sách xem tuổi làm nhà, tuổi dựng vợ gả chồng, ngày lành tháng tốt, lịch vạn niên... để ông xem. Phải nói ông có chí nhớ tuyệt vời, ông xem cho đôi nào ông cũng lấy bút giấy ghi cần thận tuổi âm, tuổi dương, rồi lắp cung , mạng, can, chi vào xem... ông nói hết những điều sách nói. Nhưng bao giờ ông cũng nói thêm : Sách nói thế, nhưng trái đất đã lệch đi 23 độ rồi, như vậy cái gì cũng có sự dịch chuyển rồi, cho nên xem để biết thôi, vẫn có thể quyết tâm đến với nhau, biết nó thế để cùng giải quyết khắc phục. Bọn trẻ rất thích tìm đến ông để xem là vì thế.
Những bài thơ ông làm tuy còn mộc mạc thô giáp, nhưng khi đọc người ta đều thấy ở ông niềm tin yêu cuộc sống. Ông có những câu thơ rất tình cảm với bà: “Mỗi khi về đến đầu sân/ Nhìn không thấy bóng phu nhân tôi buồn/ Tâm tư trong nỗi phân vân / Bỗng nghe có tiếng ngoài vườn dạ thưa..” Khi đọc những vần thơ này. Ông Vững đã khoái trá hỏi : “Khi làm bài thơ này, ông đã đọc cho bà nhà nghe chưa?” Ông cười rổn rảng : “Rồi, Rồi...và đã được tặng một cái nguýt dài : Đúng là thơ thẩn...”
Ông Vững suy tư nhiều về thế sự, về cuộc sông muôn màu muôn vẻ đang diễn ra hàng ngày ở mọi chỗ mọi nơi. Đúng là mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, vậy là mỗi người hãy tự chọn lấy một nghề để mưu sinh.Cái quan trọng là con người biết điều hành cho nó phù hợp với thời cuộc, làm sao cho cuộc sống luôn đậm đà tình người...Cuộc sống dạy : Giầu vì bạn, sang vì vợ, còn ông Vững cho răng giầu lên vì láng giềng . Láng giềng tốt đã đem lại cho ông  những cảm xúc vô bờ ở tất cả mọi lĩnh vực. Giầu về cảm xúc là sự vô giá nhất... Ông Vững đã nghĩ như thế.

Nguyễn Chính Viễn
Tổ 9, K 6, P.Thanh Sơn Uông BÍ Quảng Ninh