Trang chủ » Truyện

Bà ngoại

Lê Bá Hạnh
Thứ bẩy ngày 26 tháng 5 năm 2012 8:04 PM

 Bà ngoại tôi một tay chèo chống vượt nhiều thác ghềnh mới giữ được cơ nghiệp và trả giá bằng sinh mạng của chính mình. Vì thế chúng tôi sinh ra đã không được nhìn thấy bà ngoại, không được chia quà, không được nghe kể chuyện...
 Ông bà ngoại hiền lành chịu khó. Nhà mấy mẫu ruộng đủ thóc ăn cả năm. Sào vườn gần nhà trồng rau xanh mùa nào thức ấy... Mấy sào vườn dâu đủ cho tằm ăn cả lứa. Chuồng lợn một năm hai lứa; cùng mấy chục nén tơ tằm bán đi là tiền để dành...
 Bạn gần khách xa, ai đến chơi cũng được tiếp đãi tử tế: bữa ăn bao giờ cũng có thức ăn ngon và rượu quý... Nhưng sinh hoạt hàng ngày ở nhà lại vô cùng tằn tiện. Mấy con tôm he kho với củ cải, ai tình cờ đi qua nhìn vào bữa ăn cũng phải kính nể, nhưng xong bữa ăn chỉ hết toàn củ cải, tôm he thì vẫn y nguyên để kho lần sau cho đến hết cả vườn rau...
 Ông bà tôi đã dành được khoản tiền kha khá, đã nghĩ đến chuyện dựng cái nhà đàng hoàng rồi mới mua chức sắc để ông có chiếu ngồi ở đình. Một bè gỗ lim đã ngâm kỹ kéo lên, tìm hai ba tốp thợ, nhận tốp thợ khá nhất dựng rạp khởi công...
  Ông thợ cả mặt lầm lỳ, nghiện thuốc lào nặng, ngừng tay đục là vê thuốc lào châm lửa hút. Một đống gỗ ngổn ngang khoằm khoèo mấy ngày soạn lựa đã vào nề nếp: Cây gỗ to, gỗ dài làm cột cái cột quân; cây cong cưa làm “bẫy” tiền, “bẫy” hậu; cây ngắn làm con đội xà đầu... Tất cả bật mực bốn cạnh cho thợ trẻ lấy rìu vạc hết bìa, hết “rác” để trơ lại lõi lim đen sậm rắn như đá. Mỗi sáng ông thợ cả lướt qua các tốp thợ một lượt bảo ban những gì cần thiết, rồi về chỗ chạm khắc tiếp công việc hôm trước. Cái cổ tay dẻo kẹo cầm dùi vồ gõ đều giòn giã vào cán đục, mũi đục dẻo quẹo lướt đi theo chiều uốn lượn của hoa lá. Chữ “Phúc- Lộc- Thọ- Trường” nét đục khoáng đạt như rồng bay phượng múa. Đường chỉ kẻ, đường soi thẳng tắp, các khối âm dương hài hoà thống nhất; mộng đực, mộng cái ghép thử khít khịt đổ nước không rò.
 Thợ xẻ thợ bào cả ngày quần quật đẫm mồ hôi, ăn cơm đũa khua “rào rào” như tằm ăn “rỗi”. Gạo mới, giống ngon, nấu to lửa, mở vung nồi cơm thơm nức mũi; thợ rửa tay ở giếng chưa gọi đã vào vồ bát đũa... Thức ăn: rau xanh thì thường xuyên, thịt lợn thì thi thoảng; cá kho, cá riêu thì ngày nào cũng có, nhưng chỉ có đầu và bụng... còn thịt vai và lưng cá thì bà chủ phơi đầy nong đầy nia, chất lên gác bếp bọc lớn bọc bé... Mấy chàng trai đã rì rầm chê bà chủ keo kiệt. Ông thợ cả cảnh báo, đám thợ trẻ phải im mồm...
 Mấy ngày sau ông thợ cả đột ngột thay đổi, hối thúc mọi người nhanh tay để tháng sau kịp ngày đẹp “cất nóc”. Công việc tuần tự suôn sẻ khi lắp dựng. Từng hàng cột song song thẳng tắp, đặt lên hàng đá tảng được kê chèn bằng phẳng. Chỉ còn chờ đến giờ đẹp, rạng sáng ngày mai, chủ nhà một đầu, thợ cả một đầu đặt cây nóc nữa là xong. Một mâm cỗ đầy đặn đúng nghi lễ đã chuẩn bị. Chân gà giò chụm lại ai xem cũng phải khen nức nở. Khi đặt nóc, ông thợ cả bị đứt tay chảy máu được rịt bằng thuốc lào, nhưng không ai để ý. Ngôi nhà năm gian cao ráo sừng sững giữa nền đất rộng càng giá trị. Nét đục, đường bào không ai chê điều gì. Ông lý, ông bá làng bên mặt khó đăm đăm mà phải gật gù khâm phục...
 Bữa tiệc chia tay thịnh tình. Bát rượu đã nâng lên hạ xuống mấy lần. Bà ngoại tôi ôm ra một đống cá khô gói sẵn cho từng người, món quà quý giá ở vùng quê. Cánh thợ trẻ sửng sốt cảm động. Ông thợ cả tái mặt xua tay không nhận, nhưng từ chối sao được lòng tốt của gia đình giữa không khí vui vẻ vô tư này...
 Ông ngoại tôi từ ngày có nhà to, có chỗ ngồi ở chiếu đình, tính tình  đâm ngang tàng phá phách, ngồi thâu đêm ở bàn tổ tôm, xóc đĩa... Cậu ấm độc nhất còn ăn chơi trác táng hơn nhiều, cái bệnh “tứ chứng nan y” tai ác, ăn vào trong máu, phá ra ngoài da, rồi nổ cả hai con mắt... Hy vọng cứu lấy đứa con, ông bà tôi đổ tiền đổ của ra chạy chữa, phải gọi bán ngôi nhà, niềm tự hào cao quý nhất cho người khác tháo dỡ mang đi, nhìn mà tiếc đứt từng khúc ruột, cũng không giữ được đứa con nối dõi. Thậm chí phải gán cho chủ nợ người con gái đảm đang nhất là mẹ tôi, nhiều năm sau mới chuộc về để gả chồng, mới có chị em tôi...
 Năm gian nền nhà đã được trồng khoai lang, dây lá dành cho lợn, củ khoai độn vào bữa ăn thay gạo. Ông ngoại đã bỏ hẳn “tổ tôm, xóc đĩa” Bà ngoại cũng thành tâm khấm lễ “cầu tự”, may mắn sinh hạ được cậu út khi ấy bà đã ở tuổi bốn nhăm. Vì tham công tiếc việc, bà vượt cạn chưa được một tháng đã phải lội xuống ruộng cấy lúa, làm cỏ bón phân; gặt đập xay giã mới có hạt gạo nấu cơm; mới có tấm có cám cho lợn. Ngôi nhà to đẹp bán đi, nhưng chuồng lợn phải nối dài thêm, lợn nuôi cũng nhiều gấp hai ba lần... Tận dụng hết phân lợn, phân tằm bón cho lúa cho rau nên bội thu hơn hẳn mọi người... nhưng cũng là việc tổn hại cho sức khoẻ ghê gớm...
 Tằm giống trước chỉ úp một mẹt nhỏ, giờ phải làm ba bốn mẹt gối đầu; lứa này qua tằm ăn “rỗi” thì lứa mới đã nở ăn lần đầu. Lứa đầu đã thành kén quay tơ, thì lứa sau đã lên ổ “bòng bong” từng con tằm cần mẫn nhả ra những sợi tơ vàng óng cuộn lại thành tổ, rồi được kéo thành sợi cuộn vào “sa” ép thành “nén” làm đến đâu bán hết đến đấy. Ông phó, ông lý ra đình đều phải mua một bộ quần áo bằng tơ lụa óng mượt đài các, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát sang trọng như vua chúa...
 Ông bà ngoại dốc sức để khôi phục lại gia thế. Một hôm bà cắp rổ ra chợ đã gặp người hành khất ở cổng, thọt chân khèo tay, bà hơi khó chịu nhưng cũng mủi lòng tháo ruột tượng cho ít tiền lẻ. Một thôi dài ở chợ, bà về nhà vẫn thấy người hành khất ở đấy, thấy lạ, nhìn kỹ thấy khuôn mặt ngờ ngợ thì ra đó là ông thợ cả làm nhà cho ông bà năm xưa, được gọi vào nhà mời ăn đĩa khoai luộc. Người hành khất nhai củ khoai chảy nước mắt. Ông ngoại tôi đi thăm đồng về, trịnh trọng mời uống rượu. Ông phá lệ vì đã lâu không uống. Được mấy chén rượu cổ vũ lương tâm, ông thợ cả thú nhận đã hiểu lầm ông bà chỉ cho ăn đầu cá, nên dựng nhà khi đặt nóc đã làm bùa phản chủ-  nên ông bà mới gặp tai hoạ, mong ông bà tha thứ để lương tâm được thanh thản.  Mấy năm đã qua là mấy năm day dứt dằn vặt, tâm trí cuồng loạn hoang tưởng.  Phân tâm khi làm việc, nhiều mực thước sai phạm không thể tha thứ. Một lần dựng nhà, thước mực ngớ ngẩn, đầu óc choáng váng, giơ tay với đỡ xà không nổi mà ngã xuống, không chết là may, chỉ mang tật thế này lương tâm vẫn cắn rứt...
  Ông ngoại tôi chăm chú lắng nghe, cau mày, rồi cười phá lên: “Tôi đua đòi cờ bạc, con tôi nghiện ngập tàn phá đến bán nhà bán ruộng là lỗi của tôi, chứ đâu phải tại ông...” Ông thợ cả hốt hoảng van lạy khóc sướt mướt van xin tha thứ... Nhưng bà ngoại tôi không thể bỏ qua, bà gầm lên xỉa xói, uất hận giằng xé con người đã rũ ra như tàu lá. Lòng tốt của bà bị hiểu lầm, bị phản bội; để bà phải gồng mình lên lo toan gánh vác công việc giữ lấy cơ nghiệp đến cùng kiệt sức lực. Sau lần sinh cậu út bà đã sút cân, ho khan, buổi chiều lại lên cơn sốt, dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng... Bà chịu đựng như thế làm sao bỏ qua được... Mẹ tôi đang băm rau lợn ngoài sân cũng chạy vào, trên tay sẵn con dao muốn xông vào muốn băm vằm lão thợ cả ra trăm mảnh mới hả giận, mọi người can ngăn mãi mới thôi. Vì gã mà mẹ tôi phải đi ở không công, để trừ vào tiền lãi mà ông bà tôi đã vay mượn, những ngày đi ở ấy, cay đắng cơ cực biết chừng nào.
 Sau ngày đó, ông bà tôi lần lượt ra đi nhanh chóng nên chúng tôi không nhìn thấy mặt, không được chia quà, không được nghe chuyện cổ tích...
 Mẹ tôi vẫn duy trì trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ khi đã lấy chồng ở riêng. Chúng tôi đã lớn mà vẫn chưa dựng được cái nhà cứng cáp... Mẹ tôi day dứt khó hiểu: “Cái xã hội đẻ ra con người thợ như thế, hay những người thợ ấy đẻ ra cái Xã Hội như vậy...” Cái xã hội PHONG KIẾN THỰC DÂN đã kéo dài trăm năm, sau đó mới bị xoá bỏ - Đó là cuộc Cách mạng Tháng Tám - Năm Ất Dậu - 1945  ./.
          LBH
Địa chỉ: Lê Bá Hạnh: Đại Đồng; Vạn Sơn; Đồ Sơn; Hải Phòng
      ĐT: 01666 098 354 /  Blogs:  lebahanh.blogspot.com