Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Văn hóa là định mệnh

Hà Văn Thùy
Thứ tư ngày 11 tháng 4 năm 2012 4:50 AM

(tiếp theo)

Cảm ơn ông Nguyễn Hòa đã trả lời tôi. Kể ra câu chuyện dừng lại cũng được rồi nhưng do “tơ vương” vẫn còn, tôi xin thưa tiếp đôi lời.
1. Tôi không đọc Nghệ thuật mới nên không biết nhan đề chính thức bài viết của ông Nguyễn Hòa. Nhưng khi được ông cho biết “Đông và Tây - từ khác nhau trong văn hóa đến khác biệt tư duy”, trong óc tôi bỗng thấy gợn gợn…
Đúng như ta thấy trong xã hội người hiện nay, văn hóa hướng dẫn tư duy. Nhưng văn hóa là sản phẩm của hoạt động xã hội chỉ xuất hiện khi con người đạt tới mức tiến bộ nào đó, nên được hình thành muộn hơn. Vậy khi chưa có văn hóa thì cái gì dẫn dắt tư duy?
Theo tôi, sự thể có lẽ đã diễn ra như thế này:
10.000 năm cách nay, khi băng tan, những cánh đồng băng biến thành rừng thưa xen lẫn cỏ xanh. Điều kiện sống tốt hơn trước nhiều nhưng cố nhiên, châu Âu, Sahara, Gôbi… vẫn săn bắn, hái lượm. Người phụ nữ vẫn làm chủ gia đình mẫu hệ. Rồi với sự cần mẫn và dịu dàng của Người Mẹ, chính người đàn bà đã thuần hóa con cừu con dê đầu tiên và chăn nuôi gia đình ra đời. Dần dà, thú hoang giảm đi, săn bắn khó khăn hơn, trong khi chăn nuôi gia đình mang lại thu nhập quan trọng. Địa vị người đàn bà lên cao cực điểm.
Nhưng khi đàn gia súc đông thêm, bãi chăn thả trở nên cằn cỗi, đời sống bị đe dọa. Lúc này, người ta thấy cần “tổ chức lại” bộ lạc để có thể đưa đàn gia súc đi xa, tìm bãi chăn thả mới. Phương thức sống du mục ra đời. Du mục là cuộc sống khó khăn, nguy hiểm: khám phá vùng đất mới, chống lại thú dữ luôn rình rập. Trong tình trạng cạnh tranh khốc liệt, mỗi bộ lạc phải tự bảo vệ để chống lại những người láng giềng hùng mạnh đồng thời ra sức đánh phá các bộ lạc yếu để cướp mục súc, bãi chăn thả và bắt người làm nô lệ... Muốn sống còn, con người phải nhanh nhạy phát hiện những thay đổi dù nhỏ nhất của ngoại cảnh để ứng phó, “tiên hạ thủ vi cường.” Từ đó phương thức tư duy phân tích ra đời. Sau sự xuất hiện công cụ lao động thì đây là yếu tố quan trọng nhất để phân biệt con người với thú hoang. Đó cũng là bước chuyển vô cùng quan trọng trong lịch sử phương Tây mà chưa được chú ý nghiên cứu. Phải chăng điều này được phản ánh trong kinh Thánh: “Khởi thủy là lời”? Và cũng chính là cơ sở cho mệnh đề nổi tiếng của Descartes: “Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại”? Xin nhớ lúc này văn hóa chưa hình thành. Như vậy, phương thức tư duy phân tích trở nên yếu tố chủ đạo dẫn dắt cộng đồng du mục và tạo ra văn minh.
Trong điều kiện sống như vậy, bộ lạc cần những thủ lĩnh mưu trí, can trường, có uy quyền tuyệt đối cùng những chiến binh dũng mãnh, trung thành. Mặc nhiên, vai trò của thủ lĩnh, của chiến binh, của người đàn ông tăng lên, trong khi người phụ nữ vốn chân yếu tay mềm lúc này không đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, ngày càng trở nên phụ thuộc, địa vị bị sút giảm. Nữ quyền chuyển sang cho nam giới rồi theo đó, mẫu hệ chuyển thành phụ hệ. Văn minh du mục hình thành với những đặc trưng: duy lợi, duy lý, tôn sùng thủ lĩnh, đề cao vai trò đàn ông, áp chế phu nữ, chế độ phụ hệ và phụ quyền, khai thác thiên nhiên, cướp bóc đồng loại và chế độ nô lệ…
Khi thiết chế văn minh du mục ổn định, nó trở thành một tính trạng di truyền (di truyền học gọi là di truyền quần thể) được truyền cho các thế hệ sau qua tập quán sống. Đó chính là điều mà ông Nguyễn Hòa cho rằng văn hóa dẫn tới tư duy. Điều này dễ nhận ra. Và do bằng lòng với nó nên người ta không tìm hiểu sâu hơn để biết rằng: ban đầu, chính là tư duy phản ứng trước ngoại cảnh đã làm nên văn hóa. Khi văn hóa định hình thì tư duy lùi vào tiềm thức, trở thành bản năng. Thí nghiệm khảo sát các trung khu thần kinh dẫn ở bài trước còn có phần kết: khi người phương Tây sống lâu năm ở phương Đông sẽ tập nhiễm thói quen tư duy tổng hợp và ngược lại.
2.  Ông Nguyễn Hòa lo  “mai sau Hà Văn Thùy thành trò cười cho con cháu!” Cảm ơn nỗi lo của ông, nhưng quả là ông đã lo bò trắng răng. Tôi không lo con cháu cười bởi lẽ tai đã quen nghe tiếng cười của người hôm nay. Có người gọi tôi là “cuồng Việt”, lại có người cho rằng tôi điên (BBC and Hà Văn Thùy gone mad!). Người đương thời cười thay cho con cháu đấy!
Ông Nguyễn Hòa nói: “tôi thấy hình như các “tri thức” và luận chứng mà ông trình tấu lâu nay, vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của giới nghiên cứu?”
Quá đúng! Hơn tám năm, từ ngày công bố tiểu luận Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hóa trên BBC tiếng Việt đầu năm 2005, tới nay tôi đã có hơn trăm bài viết và ba cuốn sách, nhưng chưa hề nhận được cả sự đồng thuận cũng như bất thuận của giới nghiên cứu. Một sự im lăng đáng sợ!
Lẽ thường tình, muốn đồng thuận, trước hết phải hiểu. Mà trước cái sự hiểu ấy phải là sự có muốn hiểu hay không?
Đức Phật dạy, muốn ngộ đạo, phải gạt bỏ tạp niệm, tư kiến để tâm trí trống không như lòng trẻ thơ, như tờ giấy trắng. Gạt bỏ ngã chấp để trở về “không” đã khó. Nhưng gạt bỏ mình đi để rồi nhận được cái gì? Cay đắng thay, đó là sự sụp đổ: những công trình để đời, làm nên cân đai mũ mão vinh thân phì gia của nhiều người bỗng chốc trở thành hàng mã! Bắt con người tự giác phủ định mình là chuyện khó hơn tìm đường lên trời!
Cho đến nay, có lẽ cũng ít người ngộ ra rằng, khoa học nhân văn Việt Nam được xây chủ yếu trên Đông phương học của Trường phái Viễn Đông Bác cổ. Cái Đông phương học made by France này lại xây dựng trên thuyết Đa nguồn gốc của loài người. Thuyết thịnh hành suốt thế kỷ XX cho rằng, loài người được sinh ra từ nhiều khu vực khác nhau. Tại châu Á, người Việt, Hoa, Mông, Mãn… được sinh ra từ chân núi Thiên Sơn, tây bắc Trung Quốc. Khi băng hà tan thì di cư về phía đông nam, vào Trung Quốc rồi xuống Đông Nam Á. Người di cư mang theo văn minh. Cố nhiên, Đông Nam Á là “vùng nước đọng của lịch sử”, là khu vực cuối cùng hưởng xái văn minh nhân loại!
Trộn thuyết này với cổ thư Trung Hoa, học giả Pháp Aurousseau dạy rằng, khoảng năm 330 TCN, con cháu của Việt vương Câu Tiễn chay loạn xuống Việt Nam, sinh ra người Việt! Bằng khoa học ngữ văn tân tiến, Viện sĩ Maspéro phát hiện, tiếng Việt mượn 70% từ tiếng Trung Hoa! Các học giả tiên phong của chúng ta như Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh… nghe theo rồi truyền dạy cho con cháu! Kết quả là khoa học nhân văn nước Việt được dựng trên hệ quy chiếu con người từ Tây Bắc xuống!
Nhưng ngày 29 tháng 9 năm 1998, Giáo sư Y. Chu, nhà khoa học gốc Hoa của Đại học Texas Hoa Kỳ, sau nhiều năm làm việc cùng êkip 12 nhà khoa học khác, có sự tham gia của Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa trong Dự án Quan hệ di truyền của người Trung Quốc (Genetic Relation of Chinese Population), với số tiền 1.000.000 USD của Quỹ Phát triển khoa học tự nhiên Trung Quốc, công bố thông tin làm chấn động giới khoa học Mỹ:
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, người hiện đại Homo sapiens xuất hiện 160 đến 200.000 năm trước tại quê hương duy nhất là Đông Phi.” “Công trình của chúng tôi cũng cho thấy, khoảng 60-70.000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi men theo bờ biển Nam Á tới Việt Nam. Tại đây họ hòa huyết, tăng nhân số và khoảng 50.000 năm trước, di cư ra các hải đảo Đông Nam Á, sang Ấn Độ. Khoảng 40.000 năm trước đi lên Trung Hoa…”
Tiếp đó trong thập niên đầu của thế kỷ, xuất hiện nhiều nghiên cứu di truyền phục vụ Dự án lập Bản đồ gen người cho ra những kết quả ngày càng cụ thể hơn!
Bạn có tin hay không, tùy! Nhưng điều này thì không thể phản bác: di truyền học phát hiện, người Việt Nam có đa dạng di truyền cao nhất trong các sắc dân Đông Á. Có nghĩa là người Việt Nam cổ nhất trong dân cư Đông Á! Chưa nói tới các “rốn” khác nhưng Việt Nam chắc chắn là “rốn” gen!
Có thể nói là, từ năm 1998, một hệ quy chiếu mới cho khoa học nhân văn Đông Á được xác lập:
Con người từ đất tổ châu Phi, đặt chân tới Việt Nam trước nhất rồi lan tỏa khắp Đông Á và cố nhiên, theo đó, văn minh phải xuất phát từ Việt Nam!
Và tất yếu: hệ quy chiếu Đông phương học thống trị một trăm năm của người Pháp sụp đổ!
Nhận thức ra điều này là khó. Mà rũ bỏ nó để chấp nhận hệ quy chiếu mới càng khó hơn!
Tôi còn nhớ, khoảng tháng Năm năm 2005, ông Trần Quốc Vượng, vị giáo sư đứng hàng tứ trụ ngành sử Việt Nam tuyên bố bằng giọng đầy quyền uy trên BBC tiếng Việt: ”Tôi đã nói rồi, nói với ông Phạm Văn Đồng là, nước ta có một nghìn năm Bắc thuộc. Tính cách sao thì cũng một nghìn năm. Quan sang này, rồi lính tới này, chúng ta bị đồng hóa đứt đuôi.” Cũng trên đài phát thành danh tiếng ấy, lần khác ông nói: “Tôi khẳng định Việt Nam ủng hộ quan niệm Đa nguồn gốc của loài người!”
Như vậy, có nghĩa là trong thời đại internet, sau bảy năm, phát kiến có tầm quan trọng làm đảo lộn lịch sử phương Đông của nhóm Y. Chu chưa tới được với Giáo sư Vượng! Còn nhớ, cuối năm 2004, trước khi gửi cho BBC, tôi có gửi một phiên bản bài Tìm lại… cho ông Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng Ban Văn hóa tư tưởng Trung ương, kèm theo đôi dòng: “Đây là những phát hiện mới và đáng tin cậy. Với tư cách nhà thơ, anh
cần biết để có thêm cảm hứng sáng tác. Với vai trò người đứng đầu cơ quan văn hóa tư tưởng của quốc gia, anh càng cần biết để chỉ đạo công việc.” Nếu lúc đó, bằng động tác nhỏ của người đầy quyền năng, ông chuyển cho ngành Sử “nghiên cứu” hẳn sẽ cứu được giáo sư Vượng khỏi thất thố trước bạn bè quốc tế!
Không chỉ thế, từ năm 2006 tôi công bố phát hiện: “Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa” và sau này trên mạng, nhiều người Việt trong và ngoài nước cung cấp thêm nhiều bằng chứng, thì tại các đại học lớn nhất nước Việt, người ta vẫn đang rao giảng luận thuyết Maspéro (tiếng Việt mượn 70% tiếng Hán) qua công trình “Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt” của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn!
Một vị lão thành, cũng dân tai mắt trong làng văn hóa Sài Gòn kể với tôi câu chuyện. Cụ hỏi một giáo sư sử học: “Người ta phát hiện những điều mới như vũ bão về sử Việt mà sao ngành sử mấy ông im tiếng thế?” “Mấy ông sử học ở Hà Nội chỉ ủng hộ chính thống.” Vị giáo sư trả lời. Không nín được, cụ vặc lại: “Thế nào là chính thống? Aurousseau nó bảo mình là con cháu Việt Vương Câu Tiễn là chính thống sao? Maspéro nói tiếng Việt muợn 70% tiếng Tàu là chính thống sao?!”
Đọc tôi trên mạng rồi cụ mời tôi tới nhà. “Anh thứ lỗi, lẽ ra tôi phải tới thăm anh, nhưng xin anh thông cảm, tôi chân chậm, mắt mờ.” Tôi biếu cụ cuốn Tìm cội nguồn qua di truyền học. Nhìn sách, cụ tần ngần: “Di truyền học, có lẽ khó lắm đây. Khoa học sâu thế này chắc gì tôi đã hiểu được!” Tôi động viên: “Cụ cứ đọc, rồi cụ hiểu được mà!” Ít lâu sau, cụ gọi cho tôi: “Tôi hiểu được anh ạ. Anh viết ngắn gọn, rõ ràng, những kiến thức di truyền anh đưa vào cũng chỉ thoáng qua, vừa đủ làm rõ vấn đề. Nhờ vậy tôi hiểu được!”
Một chị bạn thời thơ trẻ, giờ là nhà văn có tên tuổi, bảo tôi: “Tớ đọc cậu rồi. Nói thực tình cũng chẳng hiểu được bao nhiêu. Nhưng này, thế giới nó có công nhận cậu không vậy?” Tôi cười méo miệng. Vẫn biết “thế giới công nhận” là một tiêu chuẩn của chân lý. Nhưng chả lẽ ta chỉ biết học mà không có gì dạy lại cho thế giới? Tạo sao những chuyện về dòng giống tổ tiên, về văn hóa của mình mà cũng chờ thế giới dạy? Một thế kỷ Đông phương học Pháp dẫn chúng ta lạc đường, xa gốc chưa đủ làm bài học sao?!
Một bạn đọc cao tuổi từ nước ngoài gửi điện thư: “Những tư liệu dùng trong sách của anh có cả ở trên mạng, ai cũng có thể tìm thấy. Nhưng nối kết chúng rồi đưa ra ý kiến riêng là điều chỉ có anh làm được. Nhiều điều anh viết, tôi không hiểu lắm nhưng vì thấy nó có lý, lại nhất quán nên tôi tin. Mong anh có sức khỏe và lòng kiên trì để làm việc có ích cho đất nước.”
Một người bạn khác, là giáo sư kinh tế. Ủng hộ việc tìm tòi của tôi nhưng bằng giọng hoạt kê, anh cũng thỉnh thoảng châm chọc “những ý tưởng điên rồ” của tôi. Mới đây, anh gọi cho tôi: “Lạ quá Thùy ạ, hôm qua, dự một hội nghị, bỗng tao nhận ra, càng ngày càng có nhiều thằng nói theo giọng của mày!”
Tôi cười thầm: tư tưởng linh thiêng lắm. Hạt tư tưởng chắc mẩy thế nào cũng tìm được đất tốt để nảy mầm, nhất là trong thời đại kết nốt toàn cầu này. Chợt nhớ câu nói nổi tiếng của Esope: “Cả Hy Lạp biết Esope là người tự do, trừ các vị nguyên lão trong đền Pantheon”!
Một ngày mai, bà mẹ dân quê Việt sẽ kể cho con cháu nghe câu chuyện cổ tích:
“Ngày xửa ngày xưa, người tiền sử từ châu Phi tới Việt Nam, sinh ra tổ tiên chúng ta. Rồi người Việt lan tỏa ra các đảo ngoài khơi Đông Nam Á, sang Ấn Độ, lên Trung Quốc, sang châu Mỹ thành ngươi da đỏ. Ở phía nam Hoàng Hà, người Việt hòa huyết với người Mông Cổ sinh ra người Hoa Hạ. Không chỉ nuôi người Hoa bằng sữa mà người mẹ Việt còn cho con cháu mình cả tiếng nói, chữ viết…”
Chỉ riêng các nhà thông thái sống trong tháp ngà khoa học thì chưa biết!
      Sài Gòn, tháng Tư năm 2012