Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Món giả cầy !

Minh Nguyễn
Thứ hai ngày 9 tháng 4 năm 2012 9:15 PM
Vui một tí

Trời Hà Nội hôm nay thật đẹp, nắng mới và gió mới mát rượi. Trong quán cà phê nổi tiếng Hà Thành phố Hàng Giầy có 4 vị cao niên, họ là những người có “tỉ phú thời gian” đến đây nhâm nhi tách cà phê buổi sáng và tâm sự trong lúc nhàn dỗi, âu cũng là văn hoá đối ẩm lịch lãm của người Hà Nội. Đang ngồi nhâm nhi tách cà phê, bỗng ti vi trước mặt truyền hình cảnh Festivan Huế. Một cụ hỏi: “Bét ti van là gì nhỉ?” Cả 3 người còn lại lắc đầu “Chắc là tiếng Tây chỉ liên hoan liên hiếc lớn gì đó cho người nước ngoài”. Một cụ tức khí “Kệ họ, uống cà phê đi cứ nghe đến chuyện lai tiếng Tây bây giờ mà lợm giọng”. Đang uống, một cụ đứng dậy hỏi nữ nhân viên “Vê đúp cê (WC) ở đâu hả em?”. Cô gái lắc đầu “Cháu không biết vê đúp cê ạ”. “Con bé này mới ở quê ra à? Hỏi Vê đúp cê mà không biết. Nhà đi tè ở đâu?”. Cả ba cụ cười phá lên. “Ai bảo ông hỏi nó mới ở quê ra bằng tiếng Tây”. Trở lại bàn, 3 cụ đang sôi nổi “đàm đạo” về cái thời tiếng Tây lấn át tiếng Việt. Bây giờ người ta nói, viết ra rất nhiều thứ tiếng mà chính họ cũng không hiểu nổi trách gì đến nông dân lao động. Nào gọi nhà vệ sinh là “Toilet”; “xin chào” bằng “hello”, “hi”; cảm ơn  bằng “thanks”; chia tay “bai bai” lớp trẻ là “teen”, nóng là “hót”…rồi bên âm nhạc thì Li vơ sâu, fans ca sĩ A, hay sàn catwalk, bên vawnhoas nghệ thuật thì Album, ảnh nud, bên bóng đá thì V-League, phạt Penalty... Một cụ  “tức khí” nói to: Tại sao người việt là chê tiếng Việt? Có phải khi chúng ta sử dụng tiếng Việt thì sẽ không sang trọng không đẳng cấp? Hay là tiếng Việt thô tục, không văn minh khó dùng? Hay lí do nào khác mà người Việt lai quay lưng với chính tiếng mẹ đẻ?   Lịch bàn, lịch tường bán toàn cho người Việt dùng thì Mon, Tue, Wed, Fri, Sat, Sun, chẳng thấy chữ thứ 2 đến chủ nhật đâu.  Rồi họ đố nhau: Li vơ sâu, em si, fans , plây oóc, Pai pờ lây…là gì? và tất cả đều lắc đầu “chịu”. Một cụ phá lên cười: “Đến đình làng ở làng Đông Xã phường Bưởi chỗ tôi trên cổng 3 chữ to đùng bằng chữ nho, lũ trẻ nó chẳng biết tên đình làng mình, người lạ đến hỏi đình Đông Xã ở đâu chúng chịu”. Một cụ chen vào: “Nhà ông bạn đại gia của tớ treo rất nhiều hoành phi câu đối. Nhưng khi hỏi ông những chữ gì ông lắc đầu bảo người ta làm thì mình treo cho phải đạo vả lại thấy các cụ xưa treo thì mình cũng tre”. Có người treo chữ “Nhẫn” bên trái, treo chữ “tâm”bên phải (tất nhiên đều là chữ nho) người thạo đọc chữ Hán (đọc bên trái sang) giật mình chủ nhà khuyên mình “nhẫn tâm”… 
4 cụ dẫn chứng ra 1001 kiểu viết và nói chữ ngoại lai thời “chữ nghĩa hàng bồ” đến tiếng đồng hồ, 4 tách cà phê hết lúc nào  mà chuyện chưa hết. Cô chủ quán cà phê mặc chiếc váy lửng đi đến: “Các cụ có uống thêm không ạ? Nếu không thì bai bai cho khách mới vào”. “Thôi thôi…để mai nhé!”. Chia tay mấy vị khách chủ hàng giơ tay, miệng thốt lên giọng the thé “bai bai” nghe ngắn gọn và dễ phát âm hơn tiếng mẹ cộc lốc, nhạt nhẽo…“chào…chào” nhiều. Thế mới biết, xã hội càng văn minh tiếng Việt càng “khiêm tốn” nhún nhường,  đúng là món “gỉa cầy” bây giờ càng ngon!