Trang chủ » Tản văn

THẤP THOÁNG TRƯỜNG SƠN 2

Trần Nhương
Thứ ba ngày 21 tháng 4 năm 2009 11:00 AM
Ghi vôi dọc đường
Buổi giao lưu văn nghệ với anh em công nhân khu quản lý đường bộ 4 rất vui. Anh em công nhân giao thông hoá ra rất mê văn chương. Tất cả thành viên trong đoàn đề lên đọc thơ và nghe thơ của cán bộ nhân viên khu quản lý đường bộ 4. Hoàng Minh Tường vừa từ thuỷ điện Sơn La về chiều 14-4 thì sáng 15-4-2009 nhập vào đoàn đi Trường Sơn. Tác giả Thời của thánh thần sau khi viết 640 trang đầy ắp những thăng trầm của một dòng họ Nguyễn Kỳ thì quay ra làm thơ. Buổi giao lưu này Hoàng Minh Tường đọc 2 bài thơ mới coóng vừa viết tại cầu Pá Uôn Sơn La. Sau đây là một bài:
      Trụ cầu từ đáy sông hun hút
      Như búp măng rừng đội đá lên
      Sông Đà dâng nước cao trăm mét
      Cầu lẫn trong mây, nắng lẫn em.
Đọc xong thì Trần Ninh Hồ kêu lên có tí cơm chim lại bị hắn cướp mất rồi. Vỗ tay rầm rầm tán thưởng, hội trường nóng lên với những bài thơ tình của Trần Đức Long, Trần Nhương.
 
  Rời thành phố Vinh chúng tôi lên đường 15A để đến Ngã ba Đồng Lộc. Đến ngã ba Lạc Thiện một tấm biển dựng cạnh đường ghi rõ ki lô mét số 0 đường Hồ Chí Minh. Thế là lại có một km số 0 nữa ngoài Tân Kỳ. Nơi đây là một trọng điểm hồi chống Mỹ, nơi xuất phát của nhiều binh đoàn cơ giới vận chyển vào miền Nam. Chả biết đâu là cột mốc đích thực nhưng cả một mạng lưới đường giao thông thì nơi nào chả là đường Hồ Chí Minh. Lúa hai bên đường đang thì con gái, xanh sáng dưới nắng. Vốn là anh nông dân tôi nhìn đồng lúa mà mê như nhìn người tình. Tôi nhờ Đào Thắng chụp cho một tấm ảnh ngồi bên ruộng lúa. Tấm ảnh đẹp và trong như ngọc.
  Chúng tôi đến Đông Lộc vào lúc gần trưa. Trời nắng như sôi. Chúng tôi ngồi nghe người thuyết minh tai văn phòng Ban quản lý di tích Đồng Lộc. Người thanh niên còn rất trẻ, giọng xưa Nghệ véo von và sắc lạnh. Anh nói một bài mà rất trơn tru như một phóng viên đài phát thanh. Anh hơi diễn khiến sức thuyết phục bị hạn chế. Với một nơi di tích anh hùng như nơi đây lẽ ra cứ chân tình mộc mạc thì sức lay  cả nước quen một giọng nói như tuyên huấn cả rồi có sửa chữa một thói quen cũng khó.
  Chúng tôi thắp hương cho 10 cô gái anh hùng Đồng Lộc. Nắng chói làm cho 10 ngôi mộ sáng loá lên. Mười cô gái còn trinh trắng, ngã xuống lúc đôi mươi. Các em hi sinh khi trong lòng niềm tin trọn vẹn vào sự thánh thiện của lý tưởng. Vậy mà…Bên cạnh mười ngôi mộ là một tấm bia ghi bài thơ của nhà thơ Vương Trọng. Một cây bồ kết ai trồng che bóng xuống các em. Chắc rằng các em vẫn thường gội tóc sau những lúc phá bom. Khi chúng tôi thắp hương bỗng ngôi mộ Hà Thị Xanh bát hương bốc cháy đùng đùng. Ngã ba này thời đánh Mỹ tôi đã mấy lần qua đây nhưng vào ban đêm. Chắc lúc ấy các em đang có mặt chỉ đường cho chúng tôi. Hồi ấy con đường như một vùng đất chết. Vượt qua được Đồng Lộc là biết mình còn sống.
  Tiếp tục hành trình chúng tôi vào Khe Ve, La Trọng. Tôi bỗng nhớ đến một chiều La Trọng năm 1971. Ngày ấy nơi đây là một trạm nghỉ giữa đường để tiếp tục vượt qua đèo Mụ Giạ vào phía tây đương Trường Sơn. Bất ngờ máy bay ập đến bỏ bom. Tôi chạy vào một căn hầm nhưng hầm đã chật. Tôi ngồi ngay cửa hầm lấy cái cặp da lộn che lên đầu mình. May quá bom bi nổ nhưng chỗ tôi không việc gì. Dứt đợt, tôi chạy tiếp vào phía núi, đến giữa đường tôi thất một căn hầm, tôi định xuống nhưng không biết do linh tính sao đó tôi lại chạy tiếp. Máy bay Mỹ lại quay lại. Bom nổ ùng ùng rung lên từng chặp. Dứt trận bom tôi quay ra, khi qua căn hầm tôi định xuống tránh bom thì đã tan tành vì một quả bom.
  Đêm hôm ấy tôi theo xe về Tân Ấp. Trên xe chỉ có một mình tôi đứng trên thùng. Trên xe có một liệt sĩ hy sinh lúc chiều đã bó trong túi nilông. Trời ơi một người bạn đồng hành đã nằm trên thùng xe. Không biết anh là ai, quê quán ở đâu. Con đường xoc. Lúc nghiêng bên này, lúc xô bên kia. Cái xác người đồngd đội lúc lăn bên này, lúc lăng sang bên kia thùng xe. Tôi cứ phải nhảy lên để tránh va vào người bạn đồng hành. Đến gần sáng xe đến Tân Ấp, đơn vị đón người liệt sĩ để đi an táng.
  Bây giờ con đường La Trong to đẹp hầu như dấu xưa không còn nhưng những ký ức của một thời đánh giặc thì không bao giờ quên.