Trang chủ » Tản văn

THẤP THOÁNG TRƯỜNG SƠN 5

Trần Nhương
Thứ ba ngày 28 tháng 4 năm 2009 4:44 AM

Đêm 16-4-2009 chúng tôi nghỉ tại khách sạn Sài Gòn trong khu Phong Nha. Một ngày dong duổi mấy trăm cây số khá mệt mỏi. Tôi mừng vì khách sạn có wifi nhưng khi mở máy thì không sao vào mạng được. Tôi vác laptop xuống phòng giám đốc nơi đặt modem cũng không vào được mạng. Anh Hảo người phụ trách ở đây nhường máy bàn cho tôi tác nghiệp. Vội mở email xem có thư từ gì không. Trong inbox khá nhiều thư nhưng có một lá thư quan trọng của GS Huệ Chi. Ông Huệ Chi và nhóm biên soạn kiến nghị với nhà nước về vụ khai thác bauxite Tây Nguyên. Trước đó mấy ngày tôi đã nhận được email của anh Huệ Chi hỏi tôi rằng anh có đồng ý kí tên vào kiến nghị không. Tôi trả lời đồng ý. Hôm nay nhận kiến nghị và lời đề nghị của anh Huệ Chi và nhóm biên soạn tôi hăm hở cho lên mạng ngay. Thế là đêm 16-4 kiến nghị tung lên mạng toàn cầu.
  Sáng 17- 4 tôi dậy sớm vào mạng kiểm tra thì bản kiến nghị đã có mấy trăm lượt người đọc từ nhiều nước trên thế giới. Trong inbox email của tôi tới gần 100 thư đến. Vì bản kiến nghị lấy con web của tôi là hòm thư ghi tên vào kiến nghị. Thế mới biết sự đồng thuận của xã hội trong một vấn đề lớn của sự an huy đất nước rất cao. Nhân dân và những nhà trí thức của ta vẫn ăm ắp lòng yêu nước.
  Chương trình hôm nay chúng tôi đi lên đường 20 Quyết Thắng. Con đường này tôi đã qua đây nhiều lần. Trong chiến tranh con đường này thuộc Binh trạm 16 quản lý. Và chính trên con đường này người chính uỷ đức độ, tài ba của Cục Vận tải quân sự Nguyễn Danh Phan đã hy sinh. Trên con đường 20 mà Xuân Quỳnh đã viết bài thơ “Thơ viết trên đường 20” nổi tiếng ngày nào. Trong chiến tranh chị có qua đây và sống cùng các cô gái TNXP ít ngày. Đường 20 rất nhiều kỳ tích của những người giữ đường nhưng hang Tám cô vẫn làm cho lòng ta quặn thắt. Nói là 8 cô nhưng thực ra chỉ có 4 cô và 4 anh. Không biết vì sao ai đó đã gọi là hang Tám cô để bây giờ thành tên. Trong một trận bom, cửa hang bị sập. Tám người không có lối thoát và họ chết dần từng ngày trong hang đá đó. Nghe các anh từng ở đây kể lại rằng tiếng kêu cầu cứu của họ cứ đuối dần, đến ngày thứ 9 thị tắt hẳn. Tại sao ngày ấy không có cách gì để cứu họ ? Máy khoan, máy xúc, thậm chí có thể đánh bộc phá với lượng nhỏ để mở cửa hang. Chắc có một lý do nào đó nên không thể cứu sống được 8 người. Tám người chết cùng trong một hang, táng chung trong một hang đá phía tây Quảng Bình, cách biên giới Việt Lào 44 cây số. Nhưng điều làm chúng ta đau xót nữa là sau 20 năm 8 bộ hài cốt ấy mới được tìm thấy và an táng họ trên đất mẹ. Chiến tranh rất nhiều điều kỳ lạ đến phi lý nhưng trong hòa bình tại sao lại có chuyện đến 20 năm sau mới tìm đến hang này ?
  Câu hỏi đó cứ quặn trong lòng tôi suốt chặng đường mà không ai trả lời được.
  Đoàn chúng tôi đi tiếp để đến viếng mộ các chiến sĩ Trường Sơn.. Ngay từ năm 1972 vừa giải phóng Quảng Trị, tướng Đồng Sĩ Nguyên đã cho xây dựng nghĩa trang này. Bây giờ tôi mới có điều kiện đến viếng mộ các anh. Hơn một vạn người ngã xuống tuyến đường Trường Sơn được quy tập về đây. Nghĩa trang được phân theo tỉnh thành. Riêng khu vực Hà Nội đã có đến mấy ngàn ngôi mộ chưa kể Hà Tây. Không biết bây giờ Hà Tây về Hà Nội thì những người quản trang có nhập hai khu làm một không. Trần sao âm vậy mà lị.
  Tôi đến khu mộ vô danh. Trước khi đến khu ấy tôi thấy ngôi mộ của đại tá Đặng Tính, Chính uỷ của bộ đội Trường Sơn. Đại tá Đặng Tính đã hy sinh trên đường đi triền trạm cho quốc vương Xihanúc vượt Trường Sơn về Campuchia. Ông Đặng Tính còn là nhà thơ, tôi nhớ có một số tạp chí Văn nghệ quân đội tôi và ông cùng in thơ. Ở khu mộ vô danh tôi đọc thấy nhiều ngôi mộ tấm bia ghi “chưa có tên”. Lại có một ngôi mộ dán một tờ giấy ghi họ tên liệt sĩ Đoàn Văn Nguyệt, Nam Sách Hải Dương. Chăc là vừa tìm được tên tuổi nhưng chưa kịp khắc bia. Còn khá nhiều ngôi mộ không tên,  không biết quê quán ở đâu ? Chắc gia đình đau đáu vẫn đang đi tìm . Các anh ngã xuống cho đất nước về một mối, liệu các anh có yên lòng khi những kẻ tham lam và cuồng vọng vẫn lăm le bờ cõi nước mình, đang ăn trên ngồi chốc bòn rút của cải, tiền bac, tài nguyên của nhân dân ???