Trang chủ » Tản văn

THẤP THOÁNG TRƯỜNG SƠN 3

Trần Nhương
Thứ hai ngày 20 tháng 4 năm 2009 2:40 PM
Bây giờ đèo Đá Đẽo như một con đốc không đáng nhớ vì không hiểm trở gì cả. Đường nhựa phẳng tốt hơn đường Hà Nội. Dưới chân đèo vẫn con suối ngày xưa mà tôi cùng đồng đội đã bị một trận bom vừa sợ vừa buồn cười.
  Hôm ấy cũng vào cuối chiều, chúng tôi nghỉ lại nấu cơm bên bờ suối. Có lẽ vì khói bếp bay lên nên máy máy Mỹ ào đến ném bom. Chúng tôi nghe tiếng rít bổ nhào của máy bay biết rằng nó đánh rồi. Ba chân bốn cẳng chày ào vào vách núi đá, tìm các khe đá cố len sâu vào. Bom rung lên, những vách đá cũng cựa mình răng rắc, bụi đá rơi lả tả. Một lúc lâu thì bom ngừng, chúng tôi tìm cách chui ra. Kỳ lạ lúc này tôi không sao ép mình để chui ra được. Trên đầu tôi là một cái mông ấm nóng của em Ngân, một giọng chèo có hạng câ đội tuyên văn. Ai đời cái chỗ không lịch sự gì lại chụp lên đầu ông anh. Thời gian đó tôi được phân công đi cùng đội tuyên văn của Cục Vận tải quân sự, vừa tham gia vài tiết mục phụ vừa đi thực tế để viết bài tuyên truyền cho ngành. Tôi là loại già nhất đội nên các em đều thương ông anh như anh trai của mình. Em Ngân quê ở Thái Bình vào đội văn nghệ với giọng hát chèo ngọt lịm. Sau này em chuyển ngành về đoàn chèo Yên Bái.
  Loay hoay, ép người, nín thở cho người mình mỏng hơn để cố thoát khỏi kẽ đá. Rồi xây xước cả người để được tự do. Ra khỏi kẽ đá thì tôi bị các em xúm lại bôi thuốc đỏ lên vai lên gối. Em Ngân bị ngượng lui lủi chỗ nào không biết. Cả đội cười vỡ bụng, thì ra không chỉ riêng tôi, nhiều anh cũng bị ép dính vào các em. Lúc bom đạn nên mất hết cảm giác gần gũi với đàn bà nhưng khi ra ngoài bờ suối tôi mới thấy hình như trên đầu mình vẫn nóng bỏng như cả cái mông êm ái của em Ngân vẫn chụp lên. Không biết có phải từ cái lần ấy bị ám mà sau này đầu óc mình mụ mị, thơ viết lẩn thẩn không nổi tiếng như các bạn đồng nghiệp.
   Lại đi, lại đi xe qua xã Hoá Tiến, Hoá Thanh huyện Tuyên Hoá Quảng Bình, nơi đại bản doanh bộ tư lệnh 559 đặt ở đây vào những năm 1965-1966. Thế là hơn 40 năm trước tại đây bao nhiêu bạn bè tôi như Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Trọng Khoát, Đức Dụ đã sống và chiến đấu. Và cũng từ đây nhiều chuyến đi tới Seng Phan, Lùm Bùm, sông Bạc, đèo Phu La Nhích. Bây giờ nơi đây yên lành, hai bên đường hàng quán nối nhau. Con đường nườm nượp xe qua. Chúng tôi ngồi nghỉ tại một quán nước mía. Trời oi nồng, cốc nước mía của cô gái Quảng Bình làm chúng tôi dịu lại. Tôi ngồi nghĩ ngợi về cái thời chúng tôi ra trận lòng vui và tin tưởng ở tương lai. Giành lấy độc lập tự do là khát vọng của tất cả con dân nước Việt. Vậy mà sau hơn 40 năm lòng ta lại côm lên nỗi lo Bauxite Tây Nguyên. Biết đâu đấy lại là một việc “cõng rắn cắn gà nhà”. Thấy tôi ngồi đăm chiêu, Hà Nguyên Huyến bấm liền mấy kiểu ảnh. Không phải mình diễn như các nghệ sĩ nhân dân, một gương mặt hơi sáng lên, trầm ngâm nhìn ra con đường hun hút trước mặt…
 

 


























Ảnh; 1- Bản Vân Kiều trên đường 15A
           2- Cầu Khe Ve, một trọng điểm ngày đánh Mỹ
          3- Người cựu binh già trở lại Trường Sơn
       4- Chụp với Hoàng Minh Tường một kiểu bên cây cầu Trung Hoá, một trọng điểm ác liệt ngày xưa.