Cách đây mấy năm, có một vị trong hàng “tứ trụ” sang dự họp Đại Hội Đồng LHQ. Trong buổi gặp gỡ nói chuyện với bà con người Việt (yêu nước) và bạn bè quốc tế, ông này có nói về những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước và phương hướng phát triển trong thời gian tới. Nhân nhắc đến tình trạng thiếu trường lớp khiến trẻ con phải đi học ba ca, ông vui miệng kể sang chuyện ở Nhật. “Tôi sang Nhật thấy nhiều trường học bỏ trống vì không có trẻ con đi học. Người Nhật họ ngại đẻ quá. Chẳng bù cho chị em phụ nữ Việt Nam cứ sòn sòn, hề hề…”. Quả thật là mình không thấy gì đáng “hề hề” ở đây. Tỷ lệ sinh đẻ ở các nước phát triển càng ngày càng giảm vì phụ nữ có điều kiện hưởng thụ cuộc sống và họ muốn đảm bảo một tương lai tươi sáng cho những đứa con do mình sinh ra. Chỉ những nước nghèo, con người luôn phải canh cánh về miếng cơm manh áo mới nghĩ đến chuyện “già cậy con”. Con đàn cháu đống cũng là một cách chia đều gánh nặng chăm sóc cha mẹ lúc xế chiều mãn bóng. Dây cà ra dây muống, ngài lãnh tụ lại vắt qua chuyện Mỹ: “Mới đây, tôi vừa ký kết một hiệp định cho và nhận con nuôi với chính phủ Mỹ. Chị em mình chỉ thích đẻ mà lại không thích nuôi, hề hề”. Cuối buổi nói chuyện, một chị cán bộ LHQ gặp mình phàn nàn: “Lãnh đạo của các bạn đã ‘hạ nhục’ chị em phụ nữ. Ông không hiểu được nỗi đau của người mẹ khi phải mang đứa con rứt ruột đẻ ra cho người khác nuôi và không biết được tương lai của nó sẽ ra sao…”
Vài năm sau, ngài chủ tịch nước cũng đăng đàn một buổi tương tự. Lần này ông giải thích về “đa nguyên” và “đàn áp bất đồng chính kiến”. “Các nước phương Tây cứ đòi hỏi chúng ta phải ‘đa nguyên’. Nước Mỹ và nước Pháp cũng chỉ có hai đảng…” hơ hơ. Lần này thì buồn cười thật. Rồi bác ấy lại bảo: “Các bạn cứ đòi chúng ta tuân theo luật pháp quốc tế. Con nhà tôi hư, tôi dạy nó là quyền của tôi chứ…”. Nhân chuyện kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long, bác í hồn nhiên giơ hai ngón tay cao quá đầu rất xì-tin: “ Tôi mời Obama hai lần, ông ấy OK hai lần”.
Ngay sau buổi tiếp kiến thứ nhất, mấy anh chị em làm việc ở LHQ phải ra quán bar gần đó uống bia cho hạ hỏa. Sợ mình hậm hực về nhà lại oan gia cả lũ chó mèo.
Lần thứ hai thì mình phải trấn an con gái mãi. Giải thích với nó, không phải lãnh tụ ai cũng thế. Cũng có thể bác í chỉ nói cho vui (he he).
Ở nước mình từ xưa đến nay, lời lãnh tụ thường được coi là “khuôn vàng thước ngọc”. Chính trị gia hoặc thằng tay chém gió hoặc ngẫu hứng hồn nhiên, coi cử tọa như tôm như tép.
Từ hôm xảy ra vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, mình vẫn khăng khăng bảo vệ cái sự học hành của anh Thành, vì mình và anh ấy “đồng môn”. Đấy cũng là cố gắng trong tuyệt vọng của mình để khỏi bị “hội chứng đám đông” lôi xềnh xệch. Bọ Lập bảo: “Anh Thành (bí thư) ngày xưa học chung lớp tiếng Anh tại chức với em. Rứa mà bây chừ tiếng Anh guk gồ của anh...làm em thương anh trào nước mắt. He he”. Có người bảo đừng cười anh Thành cái vụ lỡ miệng “Gúc-gờ chấm Tiên Lãng”. Khối người cao bằng mấy còn nói trẹo ghê hơn. Cô giáo dạy văn mình hồi lớp tám thảng thốt qua điện thoại: “Em ở Mỹ à? Làm sao để cô liên lạc với em đây?” Mình hỏi: “Cô có yahoo không?” Cô bảo già rồi, chẳng biết mạng miếc gì hết. Đành chịu. Cô về hưu lâu rồi. Nhưng anh Thành chưa già, và còn đương chức. LHQ còn đang đề nghị nâng tuổi về hưu lên thành 65. Nhìn các cuộc họp Quốc Hội, mỗi nghị sĩ được trang bị một laptop Sony Vaio nà nuột mà kinh! Chả thiếu gì công chức đến cơ quan bật máy tính lên chỉ để chơi “lines”. Các bác ấy vào được Face Book, Ba sàm, hay Bô-xit là dân còn có cái để mà hy vọng. Nhưng nói thật, “Guc-gờ chấm Tiên Lãng” còn chưa ghê bằng gọi dân là “thằng” - “Thằng Vươn”. Bọn “giãy chết” bảo đấy là politically incorrect”. Lãnh đạo Thành phố, “tâm” thế, “tầm” thế nên Hải Phòng cứ nghênh ngang tụt hậu, hu hu…
Nguồn:
http://guihuongchogio.vnweblogs.com/post/4523/351912