Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT CHÚT NẮNG XUA ĐI NGÀN NỖI NHỚ

Đỗ Trường
Chủ nhật ngày 26 tháng 2 năm 2012 5:12 PM
(Viết thay lời cảm tạ đến nhà thơ, thầy giáo Nguyễn Duy Xuân)

Có lẽ phải sống thật lâu ở Châu Âu, ta mới cảm nhận hết cái buồn của tuyết rơi và cái lạnh của mùa tuyết tan. Khi mùa đông về, con đường chạy trong thành phố nhìn như những dải lụa,  đất và trời hòa vào một mầu trắng trong. Trời tảng sáng, hơi lạnh phảng phất quyện lên như làn khói thuốc mỏng. Mờ mờ qua khung cửa, những chùm tuyết treo trên cành cây run rẩy, lung linh như những bông hoa thủy tinh. Thấp thoáng sau mái nhà bên, những thân cây cổ thụ trơ trụi, khẳng khiu, nhọn như mũi dao, đâm thẳng vào lòng người. Mùa này, lũ chim đã đi trốn đông, dòng suối sau nhà cũng ngưng tiếng nước chảy. Ta chỉ có thể nghe được tí tách đâu đó của những giọt nước thoát ra từ ống khói sau nhà, chưa kịp rơi xuống đã đóng băng, kéo dài ra trông như sợi tơ, sợi cước.  Trong cái giá lạnh, mông nung đất trời, niềm hoài vọng về nơi cố hương của buổi sớm mai ấy, dường như ta nghe đâu đó tiếng sẻ chia, đồng cảm làm cho lòng người ấm lại:
“ Trời Tây nhiệt độ dưới không
Giá  băng mọi nẻo, lạnh lùng tuyết rơi
Ở nơi ấy đồng bào tôi
Chìm trong cái rét xứ người cắt da..
Tây Nguyên đang nắng chan hòa
Ai sang ta gửi chút qùa quê hương
Gói theo một chút nắng hường
Ấm lòng ai giữa giá sương xứ người”
Tôi đã bắt gặp bài thơ “Gửi Nắng Cho Ai” của nhà giáo Nguyễn Duy Xuân trong hoàn cảnh như vậy. Bài thơ chỉ vẻn vẹn có tám câu chia làm hai khổ, theo thể lục bát đơn giản, dễ hiểu. Nội dung và nghệ thuật, cũng như câu từ của bài thơ không có gì mới, nếu như không muốn nói là rất cũ. Và như anh bạn tôi, một người yêu thơ ở quê nhà, đánh giá không cao bài thơ lục bát trên. Âu đó cũng là điều dễ hiểu, vì anh không có cái cảm giác lạnh đến tê tái, đau và nhớ thương đến vô hạn như chúng tôi. Hình như chỉ với một tin thời sự nhỏ, đâu đó quanh anh cũng làm tâm hồn nhậy cảm của người nghệ sỹ hòa vào cái giá rét, xót xa cùng đồng loại. Sự đồng cảm ấy là nắng, gió là hơi ấm đã hóa vào thơ.  Với chúng tôi, nó không chỉ còn là những câu thơ đơn thuần, mà nó còn là những bánh đa, bánh đúc hồn quê được gói trong lá dong lá chuối mà nhà thơ đã trải lòng sẻ chia.
Viết và làm thơ khá lâu, nhưng người thưởng ngoạn ở hải ngoại mới biết đến Nguyễn Duy Xuân qua bài thơ “Nếu Tổ Quốc Mai Này Không Còn Biển” của anh vừa được nhạc sỹ Trần Chí Phúc phổ nhạc. Lời thơ như những nốt nhạc trầm buồn, tự sự về quê hương, đất nước. Như lời nhạc sỹ Trần Chí Phúc(đại ý), thoáng đọc qua bài thơ, hồn đã rung lên, cầm đàn, ông hát, những nốt nhạc như có ngàn con sóng chợt vuột ra. Tôi nghe đi nghe lại ca khúc này, trong tâm trạng vô cùng bồi hồi, xúc động. Dường như âm nhạc đã tải hết hồn cốt của bài thơ. Tôi ít thấy có bản nhạc nào phổ từ thơ, tác giả giữ nguyên lời, (không thêm cũng như bớt)  của cả bài thơ như ca khúc trên.
Cả bài thơ là những câu hỏi giả định, thay cho một lời cảnh báo:
Nếu Tổ Quốc  mai này không còn biển
Về đâu những con sóng vỗ bờ
Những cánh chim hải âu chao liệng
Những con còng vẽ cát vu vơ?
Nếu  Tổ Quốc mai này không còn biển
Những con tàu chẳng thể ra khơi
Đâu những chiều hoàng hôn cập bến
Cá đầy khoang rạng rỡ mặt người?
Nếu Tổ Quốc mai này không còn biển
Bỗng thấy hoang vu những bến bờ
Ba ngàn cây số trong câm lặng
Những bến tàu trống vắng chơ vơ?
Nếu Tổ quốc mai này không còn biển
Bình minh thôi mọc ở đằng đông
Phía ấy chỉ có dông bão đến
Mặt tiền đất nước sóng triều dâng!
Nhưng lịch sử chẳng bao giờ có nếu
Bởi ta yêu Tổ Quốc vô cùng
Dâng trọn cuộc đời ta chiến đấu
Cho người - muôn thuở vững non sông!
Bài thơ “Tổ Quốc Nhìn Từ Biển” của Nguyễn Việt Chiến và “Nếu Tổ Quốc Mai Này Không Còn Biển” của Nguyễn Duy Xuân, theo tôi là hai bài thơ viết về biển đảo hay nhất trong thời gian gần đây. Nếu bài “Tổ Quốc Nhìn Từ Biển” là những vần thơ khẳng định chủ quyền biển đảo, khí phách quật cường của cha ông, thì “Nếu Tổ Quốc Mai Này Không Còn Biển” như một lời cảnh tỉnh, hiệu triệu tinh thần cho con cháu hôm nay. Tổ Quốc ta mấy ngàn năm qua, triều đại nào, thế hệ nào cũng phải căng mình chống giặc phương Bắc. Biển là mặt tiền, nơi ông cha ta mở mang bờ cõi. Biển cũng là hậu phương vững chắc cho mấy mươi lần chống giặc ngoại xâm. Là một nhà giáo nên lời thơ Nguyễn Duy Xuân nhẹ nhàng  nhưng cũng rất rạch ròi, quyết liệt. Với anh biển mất là chúng ta mất tất cả:
“Nếu Tổ Quốc mai này mất biển
Bình minh thôi mọc ở đằng đông
Phía ấy chỉ có dông bão đến
Mặt tiền đất nước sóng triều dâng”
Điệp khúc- Nếu Tổ Quốc mai này không còn biển - đọc lên ta cảm thấy rưng rưng nghẹn ngào. Nỗi đau này không phải của riêng người nghệ sỹ, mà nó là cái đau chung cả dân tộc.
Nếu bốn khổ thơ đầu là một câu hỏi, thì khổ kết của bài là lời câu trả lời chắc nịch, hồn dân tộc mấy ngàn năm không bao giờ chịu khuất, chúng ta vẫn như những con tầu vượt sóng để ra khơi.
“Nhưng lịch sử chẳng bao giờ có nếu
Bởi ta yêu Tổ Quốc vô cùng
Dâng trọn cuộc đời ta chiến đấu
Cho người - muôn thuở vững non sông”
Tuyết vẫn rơi như táp vào kính xe, nền trời đen như sập. Cái gạt nước cũng chẳng xua đi được nỗi nhớ. Tuyết phủ trắng những ô ruộng bên đường, vun thành từng đống, tưởng mình đang đi trên những cánh đồng muối ở quê nhà. Ba mươi năm xa quê là bấy mươi năm thương nhớ, mang trong mình một nỗi đau dường như không bao giờ vỡ mủ. Có lúc ta ủ sâu nỗi đau kia vào trong lòng tuyết, nhưng rồi một ngày tuyết tan, vết thương đau trở lại.
Đọc lại hai bài thơ trên của Nguyễn Duy Xuân, làm cho ta bồi hồi khắc khoải. Tôi không phải là thi sỹ, nên không biết làm thơ, nhưng cảm xúc từ đâu chợt ùa tới.
“Tuyết vẫn rơi vẫn rơi
Thảm cỏ xanh trắng xóa
Nền trời đen như sập
Lòng người như trống rỗng
Còn lại giải khăn sô.
Tuyết vẫn rơi vẫn rơi
Bàn chân gầy cô độc
Chôn chặt những thương đau
Vùi sâu trong lòng tuyết.
Em ơi! Biết bao giờ
Tình ta vui trở lại?
Dải ngân hà chia đôi
Và những lời ly biệt
Hòa chung một dòng chảy
Như biển khơi cùng sóng.
Tuyết vẫn rơi vẫn rơi
Trên xứ người xa lạ
Lòng con đầy sám hối
Đứa con nhiều tội lỗi.
Biết bao giờ trở lại
Giải khăn tang con thắt
Một lần con tưởng niệm
Để linh hồn của mẹ
Bớt đi những thương đau
Năm tháng dài chờ đợi…
Tuyết vẫn rơi vẫn rơi
Biết bao giờ trở lại…”
Một chút đọng lại của cảm xúc, tôi chưa biết đặt tên. Nhưng ông phó cối, hàng xóm nhà tôi bảo, thế là thơ.
Có lẽ nào tôi lại biết làm thơ?

Đức quốc, 25-2-2011
Đỗ Trường