Trong tiểu thuyết dã sử khá thành công “Hoàng Sa Vạn Lý” của Nhà văn Nguyễn Quang Vinh có trường đoạn nói về hai chữ Tổ Quốc thật cảm động. Trên blog Cu Vinh ngày 26/2/2012, Nhà văn này mới có bài “Đất đai và Tổ quốc” và dẫn lại trường đoạn Tổ Quốc, có thể tạm lược trích như sau:
“…*Tổ Quốc đôi khi chỉ là con còng gió, chạy trên cát vàng, trong ráng chiều, chạy tự do trên hòn đảo, đơn giản như vậy thôi…
*Tổ Quốc đôi khi như những vạt rau muống biển, nở hoa màu tím, mọc dày trên cát,…Lung lay trong gió nhẹ, những cánh hoa muống biển màu tím nhạt, lại điểm thêm chút nắng hồng chiều tà, đẹp đến ấm lòng.
*Tổ Quốc là cát, là đá, là những con sóng trào vỗ bờ trắng xóa, bao quanh những hòn đảo nhỏ…
*Tổ Quốc là những giọt nước mắt của quân binh, thủy binh, của các cô gái, đêm đêm âm thầm khóc vì nhớ quê, nhớ nhà, nhớ bàn tay ấm áp của người mẹ, nhớ cái mùi khói thuốc của người cha, nhớ cả tiếng gà gáy vang vang trong những buổi chiều khói vương rơm rạ trên cánh đồng vào mùa gặt. Họ khóc vì nhớ. Mà nếu không biết khóc vì nhớ thì sẽ không biết khóc vì nhục...
*Tổ Quốc giản dị như những giọt nước mắt ấy thôi, nhưng đó là giọt nước mắt nhớ đất liền đến quặn lòng, đến tan tác, đến bàng hoàng, nhưng không phải là giọt nước mắt khóc vì nhục...”
Giữa câu chuyện nóng hổi thời sự về đất đai Tiên Lãng (Hải Phòng), bài “Đất đai và Tổ quốc” (kèm theo đường dẫn tới bài ca Chuyện tình Thảo Nguyên và Lời tạm biệt lúc lên đường) đã gợi mở nhiều cảm xúc khôn tả về tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, gợi nhớ lại hào khí một thời cả nước ra trận bảo vệ biên cương trước và sau những năm 1980. Ngay lập tức, bài viết “Đất đai và Tổ quốc” trên blog nhận được hàng trăm phản hồi và cư dân mạng lại dẫn thêm khá nhiều bài ca về quê hương đất nước. Cảm động quá, mà cũng nghẹn ngào quá! Có người, và có thể nhiều người Việt nữa, đã khóc khi Đọc trong âm hưởng ca khúc mà thế hệ Cu Vinh khoác ba lô hát và lên đường vì sinh mệnh Tổ Quốc đang bị đe dọa: LỜI TẠM BIỆT LÚC LÊN ĐƯỜNG
Đã một tháng và 22 ngày trôi qua, kể từ khi TIẾNG SẤM HOA CẢI mang tên “Đoàn Văn Vươn”, mang tên “Tiên Lãng”, mang tên “Nông dân Việt thời nay”…đã vang lên (5/1/2012), và cũng ngần ấy thời gian, nước Việt chuyển mình trong những cơn sốt “ỉ, ố, ái, ộ”, để rồi nhiều người Việt chợt bật khóc mong sao vận nước khải hoàn ca sau chấn động Tiếng sấm Hoa Cải.
Trong gần 2 tháng qua, có thể Nhà văn Trưởng thôn Khoai Lang ấy khi đi thực tế, đi tác nghiệp, đi công cán xa lâu ngày mà chợt lắng lòng khóc vì nhớ nhà, nhớ vợ hiền đã mất, nhớ con thơ trẻ, nhớ bầu bạn và nhớ bà con xóm láng… Điều đó là tình cảm con người mà, thế nên bàn dân thiên hạ ở trong và ngoài thôn Khoai đều chia sẻ được, chỉ mong sao “Trưởng thôn Khoai vững vàng chân cứng đá mềm!”.
Là chuyện con người mà, nên có thể người ta nhiều lúc khóc thầm, khóc khe khẽ, khóc ô hô nuốt nghẹn vào tâm can, khóc tô tô làm đất giật nảy mình…! Thiên hạ người ta cứ nghe, nghe tiếng khóc sao như thao thức trong lời ca “Chuyện tình Thảo Nguyên”, nghe sao như khóc thổn thức âm hưởng tình yêu Tổ quốc theo giai điệu bài ca “Lời tạm biệt lúc lên đường”. Nghe da diết quá vì đó là những nỗi niềm sâu lắng trong tình cảm con người bình dị đâu đó trên khắp dải đất nước Nam này.
Có ai đó tạm dịch tiếng khóc của Trưởng thôn Khoai, hay của người dân ở trong thôn Khoai, kể cả có ai đó tạm dịch Tiếng khóc Cu Vinh như của biết bao bà con ai ai đó ở những làng xã bên ngoài thôn Khoai, rằng là:
KHÓC vì nhớ mái ấm gia đình
KHÓC vì tình yêu quê hương
và nỗi niềm muôn triệu đồng bào Tổ quốc
KHÓC vì đau đáu trông đợi Nghị quyết TW 4 của Đảng ta
đến bao giờ mới đi nhanh vào cuộc sống?
Quả là giai điệu bài ca “Chuyện tình Thảo Nguyên” sâu lắng quá, hơn thế nữa, bài ca “Lời tạm biệt lúc lên đường” càng nghe càng bất hủ, như người đời thường ca tụng sống mãi cùng tháng năm!
Hà Nội, 27/2/2012
ANH LƯU