Chiều ngày 21/2/2012 thôn Chuông tổ chức họp dân, tôi đã có bài phóng sự trên tamnhin.nét vào ngày 22/2 như độc giả đã theo dõi. Hiện bài báo đang được nhân dân in từ mạng intenet và phổ biến đến mọi người trong và ngoài địa bàn thôn, định hướng được dư luận để có biện pháp giải quyết mâu thuẫn.
Sau buổi họp dân, tình hình vẫn nóng lên. Trong số 49 hộ không chịu nhận đất mới chỉ có 4 hộ ra đồng. Cứ đà này, khi mạ đã được tuổi xuống ruộng mà ruộng thì đang bị băm ra, nguy cơ trên dưới 20 mẫu bờ xôi ruộng mật sẽ hoang hóa.
Thôn Chuông hiện ra trước ống kính máy ảnh và máy quay của tôi sớm nay 25/2 thật ảm đạm. Đã gần 8 giờ sáng mới có 2 người vác cuốc ra đồng, cánh đồng thiêm thiếp ngủ trong làn sương và loang lổ những ô thửa mỡ màu bỏ không. Theo nông lịch, vào tiết ấm này, mọi năm đã tưng bừng không khí mùa vụ. Mạ đã đủ tuổi xuống ruộng, trời ấm dần nhưng lòng người bất an bởi những điều bức xúc chưa được giải quyết khiến họ không ra đồng. Họ là những nông dân thuần túy yêu đồng ruộng như máu thịt thế mà chịu cảnh ruộng đang bỏ hoang…Ruộng chờ người và người lại chờ những quan chức cầm cơ nảy mực. Dân quê rất sợ bị quy tội chống lại đường lối,
Tôi đứng bần thần bên những tấm biển cắm ở những ô thửa với lời cảnh báo nhau và chụp được 13 bức ảnh.
Tôi lại nhớ đến những thước phim tài liệu nói về cảnh dân tưng bừng đi cắm đất, nhận chủ quyền đất do Đảng và Bác Hồ chia sau Cách mạng tháng Tám. Cũng lại những nông dân ấy, hôm nay gạt nước mắt đi cắm biển trái lương tâm mình. Họ ý thức được điều ấy mà vẫn làm, không ai xui giục, không ai chỉ đạo mà chính tiếng gọi áo cơm buộc họ như thế. Họ không có tội…Nông dân vốn dĩ ưa hòa bình. 20 mẫu ruộng bị “giũ rối chia đều” là một mệnh lênh chính quyền cơ sở trái lòng dân.
Những tấm biển nghuệch ngoạc chữ, bị gió xoay đi xoay lại trên nền đất bùn nhão như sự kêu cứu bốn phương tám hướng của người chủ đất, lời kêu cứu này vẫn bị làm ngơ. Họ không có lỗi gì cả, đây là phản ứng tiêu cực nhất để làm lỏng tình làng nghĩa xóm bao đời, cái sự cực chẳng đã ấy là lỗi của chính quyền xã Duy minh mà đầu têu là bà Dương Thị Hoài. Sau bà Chủ tịch có bàn tay thép này là những thế lực nào khác?. Bà Hoài là chủ mưu hay chỉ là công cụ?…nhiều câu hỏi lắm.
Sớm nay tôi lại đến ngôi đình làng mà chiều 21/2 đã có mặt trong buổi họp dân, tôi và nhóm PV bị ông Đông, trưởng công an xã, bất hợp tác, cho an ninh theo dõi, khống chế.
Đường làng vắng hoe, trưởng thôn Lê Như Tam vẫn biệt tích chưa về. Công tác chính quyền thì Chi bộ thôn vừa đá bóng, vừa thổi còi rất loay hoay…Theo nguồn tin tôi nghe được từ dân. UBND xã đã phải nhờ công an Duy tiên chi viện để ép dân ra đồng nhận ruộng nhưng bị khước từ vì họ không có chức trách khủng bố như thế.
Đình làng có hội trường, có cây đề tỏa bóng không ai dám tụ tập vui chơi như trước. Gặp nhau trên đường, người ta lánh mặt nhau vì nhiều nỗi…Cơn bão ruộng đất và tiền bạc đang bại hoại nhân tâm, phá đi sự đoàn kết ngay tại thân tộc, thậm chí ngay trong một gia đình…Lòng tin bị lở ra từng mảng, làng quê cũng đang lở ra từng mảng. Chi bộ Đảng của thôn có 46 đồng chí đều bị “gương mẫu” mà nhận đền bù, còn 2 đảng viên trong đó có một cựu trưởng thôn và phát thanh viên đài TT xã vẫn giữ lập trường: Không ký vì văn bản do xã ép dân sai luật pháp nhà nước cụ thể là nghị định 115 và 90 đã ban hành về luật đất đai.
Bằng nhiều nguồn tư liệu chính xác đã thu lượm được, tôi tiếp tục theo dõi và cung cấp thông tin cho dư luận, mong đôc giả quan tâm theo dõi ở những kỳ phóng sự điều tra sau…đề nghị quý báo tamnhin.net ủng hộ và đề nghị các nhà báo khác cùng tôi về Thôn Chuông, về với dân để phản ánh với Đảng và chính quyền hiện thực hôm nay.