Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÌNH ĐONG ĐẦY TRONG THƠ ĐẶNG HỒNG THIỆP

ThIên Linh
Thứ năm ngày 23 tháng 2 năm 2012 9:45 PM
 
 
Đọc cuốn “Đặng Hồng Thiệp tác phẩm và công luận” người ta đã khai thác khá đầy đủ những cái hay, cái đẹp trong thơ ông khiến tôi thấy chẳng còn gì cho mình viết. Thế nhưng, khi đọc xong, gấp cuốn sách lại, tôi cứ thấy trong mình một sự bứt rứt không thể giải tỏa, buộc lòng phải ngồi trước máy tính, viết lên bài viết này.
Tôi không có tham vọng viết như một nhà phê bình, lý luận để khen, chê thơ ông mà chỉ muốn bộc bạch hết thảy những cảm xúc đang xôn xao trong lòng mình sau khi đọc tập thơ của Đặng Hồng Thiệp.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về thơ Đặng Hồng Thiệp là với gần bốn trăm bài thơ thế mà khó tìm thấy sự trùng lặp trong những tác phẩm này. Từ ấn tượng đó đã khiến tôi đọc kỹ và nghiền ngẫm thơ ông, nghiền ngẫm rồi tôi lại ấn tượng bởi những bài thơ của Đặng Hồng Thiệp đong đầy tình người, tình quê, tình đời. Nói vậy thì chung chung quá, có biết bao nhà thơ đã viết về quê hương, cuộc sống và con người xứ sở của họ cũng dạt dào tình yêu chứ đâu phải riêng Đặng Hồng Thiệp. Thế nhưng, ít thấy nhà thơ nào lại có thể tạo nên từng lớp sóng yêu thương như nhà thơ này.
Đặng Hồng Điệp đau đáu nỗi niềm với quê, bởi đó đã ấp ủ tuổi thơ của ông và còn là nơi bao bọc thịt xương của cha, mẹ nhà thơ. Bởi vậy, những vần thơ ông viết trong bài “Viếng cha mẹ” vừa tha thiết yêu thương lại vừa da diết đau buồn. Hiện thực và ký ức trộn lẫn trong nhau, nhà thơ vừa sống trong tình mẹ ăm ắp lại chập chờn giữa những mất mát hiện tại của mình: “Đồng quê âm vọng rì rào/ Nao nao giọng mẹ rót vào diết da/ Học xa mẹ gói cơm cà/ Sáng đi mạ dặn chiều tà mẹ trông”. Những câu thơ không hoa mỹ nhưng lại có khả năng tác động rất mạnh vào những tế bào xúc cảm của những ai đọc thơ. Người đọc đâu chỉ cảm thông cho nỗi niềm của nhà thơ mà còn giật mình nhớ tới mẹ cha kính yêu của mình. Ai chẳng có một thời cắp sách tới trường, nhất là những người sống ở vùng nông thôn lại càng quen hơn với cảnh mang cơm nắm, dưa cà đến trường mỗi khi phải học cả ngày. Con gái còn chăm chỉ chứ con trai vụng về, có mấy người tự lo được cho bản thân. Vậy là người mẹ chẳng những dậy sớm nấu cơm mà còn phải tất bật gói gém cơm cà cho con đi học trường xa. Cũng bởi vậy, đọc những câu thơ này của Đặng Hồng Thiệp dường như ai cũng thấy mình ở trong đó để rồi khắc khoải nhớ về một tuổi thơ không bao giờ trở lại và nôn nao nỗi niềm hướng về mẹ, những ai không còn mẹ trên đời thì ngậm ngùi, xót xa…
Tình của Đặng Hồng Thiệp không chỉ dành cho những người ruột thịt, máu mủ mà ông còn dành cho hết thảy người đời với những sắc thái khác nhau. Đó là cái tình nhà thơ dành cho đồng đội vừa mang niềm tự hào, thương xót lại vừa êm ái, thân thương: “Gió ngập tràn nghĩa trang/ Các bạn xếp hàng lặng lẽ/ Trao tận tay bạn nhành hương lẻ/ Không hiểu vì sao ngọn lửa cứ phừng phừng/ Những tấm bia những mặt người thao thức/ Nhưng trái tim lấp lánh hóa sao trời”. Hay một nỗi bâng khuâng nhớ về một người con gái lái đò thuở nào: “Ta mang tuổi thơ đi suốt nam bắc đông tây/ Đêm đêm mơ về dòng sông thao thiết chảy/ Cô gái sông Lam xưa giờ ở nơi nào” (bài thơ “Cô gái sông Lam xưa”). Còn nữa, nhà thơ có khi lại hân hoan cùng với niềm vui của những người ông gặp: “Bé cười rung lưng mế/ Nắng mai trong mắt người” (bài thơ “Rẫy nương ơi”).
Đặc biệt, trong bài thơ “Hàn Mặc Tử”, Đặng Hồng Thiệp đã trải ra những đợt sóng lòng để tự hào, ngả nghiêng, khóc cười và chơi vơi cùng Hàn thi sỹ: “Câu thơ trăm năm còn đó/ Ghềnh Ráng lòng Hàn mênh mông/ Mây ảo trăng lạnh hồn ứa/ Nắng ran tình giữa hư không”.
Có thể nói, đến nay, Hàn Mặc Tử đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều cây bút nhưng có lẽ Đặng Hồng Thiệp là một trong số ít người có thơ thực sự đi sâu và đi trúng vào hiện tượng Hàn Mặc Tử đến vậy. Đặng Hồng Thiệp cứ như một tri kỷ của Hàn thi sỹ khi ông thấu đến tận xương tủy tâm sự của Hàn. Thơ như trải dài trong không gian, gánh theo một nỗi niềm bâng khuâng, chới với và xót xa. Chỉ bốn từ “lòng Hàn mênh mông” mà mang bao hàm ý, lời ít ý nhiều, cảm động biết bao. Chúng ta có thể ngắt nhịp 2/2/2 cho câu “Mây ảo trăng lạnh hồn ứa”, lúc đó ta sẽ thấy nhịp thơ nhanh như cuốn trôi đi cuộc sống vốn ngắn ngủi của Hàn thi sỹ. Nếu không am hiểu, không yêu thương, không đồng cảm sâu sắc và không dốc hết tâm can với hàn Mặc Tử liệu Đặng Hồng Thiệp có viết được những câu thơ da diết và tha thiết như thế này?
Có thể giải thích được khả năng biểu cảm trong thơ Đặng Hồng Thiệp một phần bởi nó được viết lên từ những rung động chân thành của nhà thơ.
Không chỉ cái tình trong thơ Đặng Hồng Thiệp khiến tôi thích thơ ông mà cái đọng lại trong tôi sau khi đọc “Đặng Hồng Thiệp tác phẩm và công luận” còn bởi chất hư ảo và lãng mạn đậm trong thơ ông.
Trong bài thơ “Hoa sữa”, chỉ với hai câu nhưng hiển hiện lên một cảnh huyền hoặc, đậm chất trữ tình: “Nồng nàn hoa sữa vương vương/ Vầng trăng đắm đuối chùm thương trắng đầu”.
Cảnh thu hiện ra nhưng không vằng vặc trăng soi mà là trăng “đắm đuối”. Vầng trăng trong thơ đã được nhân cách hóa thành một cô nàng kiều diễm và đa tình. Trăng không chỉ quện vào từng cánh hoa sữa tạo ra một thứ màu bàng bạc, huyền hoặc mà còn quện trong làn hương của hoa, hay nói cách khác, Đặng Hồng Thiệp đã hình tượng hóa mùi hoa sữa để ta có cảm giác như nhìn thấy mùi hoa sữa lẫn trong trăng làm cho cảnh thu thực mà ảo, đầy quyến rũ.
Có thể nói, trí tưởng tượng của  Đặng Hồng Thiệp chẳng có bờ khi ông một lần nữa tạo ra một khung cảnh, một thế giới ảo. Nhà thơ phóng trí tưởng tượng của mình mà hình dung ra một ngày thế giới ở bờ vực của ngày tận thế: “Mưa bụi thiên hà chảy vào trái đất/ Ngày nối ngày bão tố vô minh/ Rối nghìn tuổi siêu nhân đông chật/ Có còn không thế thái nhân tình?” (bài “Vũ trụ”). Nhà thơ dùng một loạt các hình ảnh như: Mưa bụi thiên hà, bão tố, siêu nhân đông chật… để nổi bật một thế giới ngổn ngang, hỗn độn, ngột ngạt… không còn chỗ cho sự sinh sống của loài người. Phải chăng, Đặng Hồng Thiệp hình dung ra một tương lai hãi hùng để cảnh báo, thức tỉnh loài người hãy trân trọng và hãy sống hết mình cho cuộc sống này?
Còn bài “Tóc hát” là một thi phẩm thực mà ảo, ảo mà thực, cùng với hình ảnh thơ đầy chất lãng mạn. Đẹp biết bao: “Tóc em dài/ Mọc lên từ biển biếc/ Sóng vẫn vỗ bên em/ Và gió hát/ Bồng bềnh mây thanh xuân.”
Đặng Hồng Thiệp quả là tinh tế trong việc lựa chon hình ảnh thơ. Mái tóc dài bản thân nó đã là một biểu tượng đẹp thế mà còn mọc lên từ biển biếc thì mái tóc càng mềm mại, trải đẹp biết chừng nào! Đã vậy, nhà thơ còn đặt mái tóc của người con gái yêu kiều đó đối sánh với hình ảnh chim thiên nga tạo nên một vẻ đẹp hài hòa, hữu tình. Dẫu tả người con gái của biển nhưng nhà thơ không đi vào mô tả cuộc sống vất vả, tần tảo một sương hai nắng của con người vạn chài, mà ông lại tiếp cận với con người nơi đây ở một góc độ khác để rồi khám phá ra nét đẹp ngọt ngào và đầy cuốn hút của họ. Không chỉ vậy, Đặng Hồng Thiệp còn sử dụng những câu thơ ngắt nhịp ngắn, dài xen kẽ nhau, nhìn vào như những đợt sóng uốn lượn trên mặt biển khơi, càng tô thêm nét đẹp huyền bí của người con gái vùng biển.
Với những gì Đặng Hồng Thiệp thể hiện trong thơ mình đã cho thấy ông không chỉ là một nhà thơ có tài, có tình mà còn là một con người đa tài và đa tình. Thơ ông có một năng lượng bí ẩn tác động được đến tâm lý của cả những người dường như vô cảm nhất. Đọc thơ Đặng Hồng Thiệp một loạt những cảm xúc của tôi lần lượt dội ra: Nào là hừng hực, rộn ràng, thoắt lại lành lạnh, se sắt, có lúc hồ hởi, hộp hộp, có khi lại xao xuyến, bâng khuâng…
Hà nội  tháng 2/2012
 T.L