(Văn Nghệ số tết Nhâm Thìn - 2012)
Thưa ông,
Theo sự hiểu của tôi thì khi viết truyện thì tác giả có quyền tự do sáng tạo, tự do hư cấu. Song, các nhà lý luận phê bình văn học đã lưu ý các nhà văn rằng: Nếu đề tài nào có liên quan, đụng chạm đến các nhân vật và sự kiện lịch sử thì nhà văn nên trung thành với sự thật của lịch sử. Và tôi cũng tán thành quan điểm ấy. Trong truyện ngắn “Hoa lìa cành hương mãi còn thơm” của ông có hai sự kiện lịch sử khiến tôi không tin, và chắc chắn nhiều bạn đọc cũng không thể coi đó là sự thật được.Đó là việc năm 1952, ông Bảo Đại bay sang Pháp gặp vợ. Bà Nam Phương nói với chồng:…Ngày cụ Hồ thăm Pháp. Chính phủ Pháp cắt tấm séc ba mươi tỷ Fran “mua Cụ”, Nhưng Cụ không gật không lắc mà thản nhiên trở về nước…”.
Tôi chắc chắn những người đứng đầu Chính phủ Pháp không thấp kém đến nỗi thế. Mà trái lại, họ thừa hiểu Cụ là một nhà cách mạng, một sĩ phu yêu nước có lập trường kiên định, có phẩm chất, khí phách của một nhân sĩ Phương Đông, coi trọng triết lý sống: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Mà cũng chính vì lập trường kiên định của Cụ, nên các mục tiêu của Chính phủ Pháp trong cuộc hội đàm với Phái đoàn Phạm Văn Đồng ở lâu đài Phông-ten-nơ-bơ-lô (Fontainebleau) năm 1946 đã hoàn toàn thất bại.Cho nên họ chẳng dại gì mà đem tiền ra làm cái trò hề mua bán như bọn cờ đường bạc chợ như vậy.Tôi nghĩ, trong sự kiện này ông đã bịa ra lời bà Hoàng nói với chồng để miêu tả thái độ phản ứng của cụ Hồ: “Không gật không lắc”.Chắc ông cũng biết và còn nhớ chuyện năm nào cụ Hồ trả lời phỏng vấn của một nhà báo Pháp: “Tướng Giáp không tốt nghiệp trường võ bị nào. Nhưng đã đánh thắng đại tướng Pháp, cho nên được phong hàm đại tướng”.Qua câu trả lời đó, ai cũng hiểu cụ Hồ là một nhà lãnh đạo nhậy bén và tinh tế.
Hay như chuyện “Quả cam Hồ Chí Minh” ở hội đàm Fontainebleau cũng vậy. Chính phủ Pháp mở tiệc chiêu đãi phái đoàn ta. Xong tiệc, cụ Hồ cầm quả cam ra cửa đưa cho một cháu bé người Pháp. Cử chỉ bất ngờ đó khiến báo chí cả nước Pháp xôn xao bàn tán. Và báo nào cũng phải công nhận Cụ là nhà chính trị, nhà ngoại giao tài giỏi.Một người đã có kiến văn ứng xử cao đẹp và nhậy bén như vậy, thì trước sự mua bán tầm thường kia (nếu có), chắc chắn phải có sự phản ứng tương xứng, chứ sao lại: “Không gật không lắc” như người bị bệnh tâm thần, hay một kẻ thiểu năng trí tuệ như vậy? Cho nên tôi không tin chuyện đó là có thật.
Trứơc đây mấy năm, ông Nguyễn Đắc Xuân đã có bài: “Những văn bản liên quan đến chế độ quân chủ cuối cùng ở Việt Nam” (Văn nghệ số 38+39, ngày 17 – 9 – 2005), và ông Lê Nhị Hà, tác giả phim truyện truyền hình: “Ngọn nến hoàng cung”, Đài truyền hình Việt Nam phát sóng tháng 3 – 2006, đã cho bà thứ phi của Bảo Đại đem ấn kiếm Triều Nguyễn sang Pháp trao cho bà hoàng Nam Phương bảo quản. Bây giờ ông cũng làm theo họ, cũng cho thứ phi đem “bảo vật truyền quốc” sang Pháp. Vì ở Việt Nam “chiến tranh ngày càng ác liệt, quốc bảo giấu đâu cũng không an toàn”. Ông chỉ khác hai ông kia là bà thứ phi này không phải là “Ngọc Diệp”, mà là “Mộng Diệp”. Chẳng biết có phải là ông “vua gái” ấy lại vừa mới “nạp” thêm một thứ phi nữa, hay là nhà văn nhầm, chữ “tác” thành ra chữ “tộ”?
Trong truyện ngắn “Hoa lìa cành…” ông đã viết:“Mộng Diệp có thư uỷ nhiệm của “Quốc trưởng” mang hai “bảo vật truyền quốc” là ấn và kiếm sang Pháp trao cho cựu Hoàng hậu bảo quản. Quốc ấn 12,9 ki lô gam vàng và kiếm thiêng chuôi ngọc, Bảo Đại đã trao cho ông Trần Huy Liệu ngày Hoàng đế thoái vị thì lấy đâu ra ấn kiếm nữa? Nhân gian điều gì cũng có thể xẩy ra. Ấn kiếm Triều Nguyễn mà chính quyền mới quản lý đã rơi vào tay người Pháp hồi sáu mươi ngày đêm Hà Nội mịt mù khói lửa. Năm 1950, người Pháp trả lại ấn kiếm cho Bảo Đại. Chiến tranh Việt Nam ngày càng ác liệt, quốc bảo giấu đâu cũng không an toàn…”.
Theo tác giả, như vậy là chiến tranh xẩy ra bất ngờ, khiến Chính phủ ta không kịp trở tay, không kịp đưa ấn kiếm ra vùng tự do, mà phải giấu quanh giấu quẩn ở đâu đó trong “nhân gian”. Và vì ở chỗ : “Nhân gian điều gì cũng có thể xẩy ra”, cho nên ấn kiếm đã rơi vào tay quân Pháp!Viết như vậy là cố tình nhắm mắt trước sự thật lịch sử. Hay nói cách khác là cố tình bịa đặt. Vì ai cũng biết rằng thời điểm nổ ra cuộc chiến tranh ấ
y, Chính phủ ta đã biết trước, và đã chủ động chuẩn bị từ trước. Có thể nói ngay từ khi cuộc hội đàm Fontainebleau chấm dứt, trong tâm trí cụ Hồ đã có quyết định thành lập “Chiến khu Việt Bắc”.Và chắc ông cũng hiểu, trong cái chiến khu bạt ngàn rừng núi ấy, còn có cả “An toàn khu” nữa. Và trước khi cụ Hồ đọc lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” ở làng Nghĩa Đô, ngoại thành Hà Nội (Địa điểm dự phòng của Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam), thì tất cả những gì cần thiết cho cuộc trường kỳ kháng chiến, mà khả năng của ta lúc ấy có, như lương thực, vũ khí, nhà máy in, xưởng quân khí, vải vóc, chăn màn, thuộc chữa bệnh, thậm chí cả muối ăn cũng được bí mật vận chuyển lên chiến khu Việt Bắc, trước khi chiến sự nổ ra.
Vậy có lẽ nào hai báu vật kia, trọng lượng chỉ có hơn chục cân, mà ta lại không chuyển đi được? Thưa cả ba ông nhà văn, sợ chiến tranh ngày càng ác liệt, cho nên năm 1952 cà ba ông cùng “cử” bà thứ phi của ông Bảo Đại đêm ấn kiếm “sơ tán” sang Pháp. Có lẽ ba ông lo xa quá và cũng sớm quá đấy. Vi thời gian ấy ta chưa mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng kháng chiến tuy đã lớn mạnh, nhưng mới làm chủ được vùng rừng núi. Còn các đô thị và vùng đồng bằng vẫn nằm trong tay quân Pháp. Ông Bảo Đại vẫn đang là “Quốc trưởng”, trong tay có ban có bệ hẳn hoi. Sao lại bảo là: “quốc bảo giấu đâu cũng không an toàn…”? Thiển nghĩ rất có thể, kể cả khi ông “Quốc trưởng” bị ông Tổng Diệm lật đổ, nếu báu vật còn để ở Sài Gòn, thì ông Bảo Đại cũng vẫn có thể đeo túi ấn lên vai và cài bảo kiếm vào dây lưng mà bay sang “mẫu quốc” một cách an toàn cơ mà !
Vậy xin hỏi nhà văn, ông căn cứ vào văn bản lịch sử nào, tài liệu nào, hay nguồn thông tin nào mà biết rằng báu vật của nước ta “…mà chính quyền mới quản lý đã rơi vào tay người Pháp…”? Phải chăng đó là tin tức của Viện lịch sử Việt Nam, của Vụ Bảo tàng, của các vị lão thành cách mạng, nhân chứng của lịch sử đã cung cấp cho ông?Và, nếu đúng như vậy thì ấn kiếm Triều Nguyễn đã trở về với gia đình cựu Hoàng Bảo Đại. Vợ chồng cựu Hoàng qua đời, chắc báu vật đang được cựu Thái tử Bảo Long lưu giữ? Nếu vậy, sao Bộ Văn hoá – Thông tin – Du lịch và Thể thao không cử người sang Pháp thương lượng với ông Bảo Long, bằng cách nào đó đưa báu vật về nước?...
Trước đây, sau khi đọc và xem tác phẩm của hai ông Nguyễn Đắc Xuân và Lê Nhị Hà viết về chuyện ấn kiếm, tôi đá viết hai bài phản biện ý kiến của hai ông ấy: “Chuyện mất ấn kiếm Triều Nguyễn” (1 và 2). Hai bài này đã in trong tập “Kiếp luân hồi”. Do NXB Văn Học xuất bản, nộp lưu chiểu thang 7 – 2011. Để khỏi mất thì giờ của bạn đọc, xin cho tôi được thuật lại sau đây: Ngày kháng chiến chông Pháp, tất cả các cơ quan của Đàng và Nhà nước đều rút vào trong rừng. Các phương tiện thông tin đại chúng chưa có gì, ngoài tờ báo Cứu Quốc và một vài tờ nội san, một hai tháng mới có một kỳ. Mọi tình hình, tin tức thời sự và chiến sự chỉ được nghe kể từ người này truyền sang người kia…
Một hôm, vào khoảng cuối năm 1950, hay đầu năm 1951, tại cơ quan Công an tỉnh (ở trong rừng), bọn nhân viên chúng tôi được nghe thủ trưởng đi họp Trung ương về kể chuyện. Trong đó có chuyện ấn kiếm Triều Nguyễn. Ta vừa mới cướp được chính quyền, lực lượng còn non yếu, mà đã phải đối phó với thù trong giặc ngoài. Hàng vạn quân của Chính phủ Tưởng Giói Thạch, được thay mắt Đồng Minh kéo vào nước ta, giải giáp, tước khí giới quân Nhật.
Bọn Quốc dân đảng Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần theo chân quân Tầu về nước. Chúng dựa vào thế lực quân Tầu, ra sức hoạt động chống phá ta, nhằm đảo chính, lật đổ chính quyền còn non trẻ của ta. Để bảo vệ chính quyền, ta phải tìm cách gạt mũi giáo nhằm đâm từ phía sau lưng ấy. Biết bọn tướng Tầu rất hám lợi, ta đã khéo léo ngoại giao và thí cho bọn Tôn Văn, Lư Hán một số vàng, trong đó có ấn và kiếm Triều Nguyễn. Ta coi đó như một nhúm “gạo muối” để tống khứ bọn “Tầu ô” ấy ra khỏi biên giới nước ta, để ta rảnh tay đối phó với quân Anh, quân Pháp.Rồi sau hai bài viết đó, tôi được đọc bài tốc ký ghi lời nói chuyện của nhà văn Sơn Tùng, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhà văn cho biết, trong cái nhúm “gạo muối” ấy, bọn Lư Hán cậy thế mạnh, chúng còn sách nhiễu ta phải cho chúng một cô gái trinh làm “thiếp” đi theo chúng về nước. Ta chẳng tìm đâu ra. Mãi sau mới có cô con gái của một đồng chí đảng viên ỏ Thái Bình tình nguyện làm việc đó.Cô gái ấy không là công chúa, nhưng cũng làm được cái việc mà ngày xưa công chúa Huyền Trân đã làm!
Chẳng biết những thông tin đó có hoàn toàn là sự thật không? Song tôi tin thủ trưởng của tôi, và tin nhà văn Sơn Tùng. Họ là những người có vị trí xã hội, và có ý thức trách nhiệm trước những người nghe lời họ kể. Vả chăng,, chuyện họ nói có lý, có tình và có căn cứ, chứ không như những tác phẩm hư cấu vu vơ của mấy ông nhà văn trên kia.
Vậy, nếu đó là sự thật, thì ấn kiếm Triều Nguyễn của ta đã thuộc về tay người Tầu. Nhân dân ta mất vật kỷ niệm của quá khứ lịch sử, nhưng đổi lại chính quyền non yếu của ta được an toàn. ĐƯỢC và MẤT, nếu ta đem so sánh, thì cái ĐƯỢC chẳng phải là vô giá đó sao?./.
Ngày 10 - 2 – 2012
THĐ