Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Giao lưu và tiếp nhận văn hóa thời hội nhập

PGSTS.Nguyễn Trường Lịch
Thứ tư ngày 22 tháng 2 năm 2012 8:23 AM

 Ngày nay chúng ta đang sống giữa thời đại được mệnh danh là “thế giới phẳng”; đây là thời kỳ phát triển bão táp của nền khoa học kỹ thuật tự nhiên song song với khoa học xã hội. Nếu như ở thời đại cổ xưa, tư tưởng của nhân loại được trao đổi - tiếp nhận theo hành trình năm tháng của đôi chân, của vó ngựa, của lạc đà, hoặc bằng con đường tơ lụa, hoặc qua những cuộc hành quân của các binh đoàn thập tự chinh, các đoàn truyền giáo, thậm chí các đoàn nô lệ… thì ngày nay ở thế kỷ XXI, tư tưởng được giao lưu rất đỗi dồn dập tính bằng giây, bằng phút theo thông tin nối mạng toàn cầu (W.W.W) qua internet. Đúng là cuộc cách mạng về truyền thông đã xuất hiện, song song với quá trình phát triển mãnh liệt của nền nghệ thuật điện ảnh.
Từ đấy, quá trình giao lưu hội nhập giữa các nền kinh tế - văn hóa đối với các dân tộc trở thành một tất yếu và cấp thiết trong đời sống hàng ngày, mà đậm nét nhất phải kể đến lĩnh vực ca vũ nhạc, phim ảnh… dồng hành cùng các luồng tư tưởng khắp bốn phương vừa phong phú, vừa phức tạp từ các quốc gia khép kín được mở rộng ra toàn cầu. Thực chất, suốt hàng ngàn năm lịch sử, các mối quan hệ văn hóa giữa các nền văn minh nhân loại đã được thiết lập khá sâu sắc, tuy không ít xung đột, cấm đoán và đứt gãy liên tục.
Đi sâu vào địa hạt khoa học xã hội, biết bao vấn đề tế nhị cần sáng tỏ, không thể tránh né, nhất là đối với giới nghiên cứu phê bình. Bài viết này, qua một vài lát cắt nhỏ, chỉ muốn khảo sát một vài tác giả và tác phẩm tiêu biểu nhất thuộc văn hóa - văn nghệ nước ngoài, nhằm phác thảo sơ lược bức tranh giao lưu xưa và nay.
   Cũng từ đây, vấn đề phương pháp luận về tiếp nhận được đặt ra không kém phần sôi nổi. Trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng, khuynh hướng cổ điển thường chú trọng bảo tồn các thành tựu, các di sản văn hóa bản địa qúa khứ, mà coi nhẹ những phát kiến mới mẻ, hiện đại và hậu hiện đại, đến mức bảo thủ không chịu chấp nhận cái mới của thế giới đang phát triển. Ngược lại, các trường phái hiện đại lại muốn phủ nhận những thành tựu cổ điển từng được trân trọng, tôn sùng và khắc ghi từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, thậm chí  còn tìm cách tấn công, chê bai, dè bỉu, và muốn đoạn tuyệt với cái cũ.
Theo quan điểm khoa học đúng đắn, dù tiếp nhận hay phủ định, không có nghĩa là loại trừ tất cả, mà phải chọn lọc cẩn thận những di sản tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất với mục đích chủ yếu là làm sao cho kho tàng văn hóa nhân loại được phong phú hoàn thiện hơn, góp phần tô điểm cuộc sống tinh thần của quần chúng hưởng thụ ngày càng tốt đẹp hơn. Dẫn chứng gần gũi và dồi dào sức thuyết phục nhất là thể loại Hát ca trù và Hát Xoan Phú Thọ của Việt Nam vừa được UNESCO  công nhận là di sản văn hóa nhân loại cần được bảo tồn khẩn cấp.
Về mặt lý luận, ở nửa đàu thế kỷ XIX, nhà mỹ học dân chủ Nga Belinxki (1811-1848) đã nêu lên một nguyên lý quan trọng, mà đến nay vẫn còn giá trị:     
-“  Nếu như có tư tưởng của thời đại, thì cũng có những hình thức của thời đại”                                                                                                                         
    Vậy là sự chuyển biến về nội dung cũng như hình thức trong văn hóa - văn nghệ vốn là điều hiển nhiên trên mọi nẻo đường tiến hóa của loài người. Tuy thế, qua sự sàng lọc của thời gian vẫn tồn tại biết bao thành tựu quý giá của quá khứ vẫn cần được trân trọng, bảo tồn, và phát triển, nhằm phục vụ cho hiện tại và cả tương lai. Chẳng thế mà khi bàn về cái Đẹp, nhà triết-mỹ học Kant (Đức-1724-1804)từng   nêu lên luận điểm nổi tiếng: - “ Tự nhiên là đẹp, khi nó mang bộ mặt nghệ thuật, và và nghệ thuật  chỉ được coi là đẹp , khi chúng ta thấy nó vừa là nghệ thuật, nhưng lại mang vẻ bên ngoài của tự nhiên”.(1)
     Có thể lấy câu chuyện nóng hổi quanh ta. Giờ đây, mỗi người Việt không chỉ say mê thưởng thức và tấm tắc ngợi ca vẻ đẹp quyến rũ của vịnh Hạ Long –một thực thể phong cảnh diệu kỳ của tạo hóa ban tặng-, mà ngay cả khi ngâm đọc  những bài thơ, bài phú, rồi cất lên tiếng hát và ngắm nhìn những bức họa , bức ảnh về Hạ Long từ thời xa xưa đến nay, chẳng ai mà không cảm nhận được nét đẹp mê hồn của bức tranh thiên tạo đó. Đấy chính là quá trình tiếp nhận văn hóa, mà bao người từ bốn phương xa lắc đến chốn này cũng đồng cảm và bịn rịn, lưu luyến lúc ra về. Thế hóa ra là ở đây hiện lên một hằng số Đẹp, dường như bất biễn trước thời gian? Chẳng khác gì lúc ta đứng trước bức tượng thần Vệ nữ, hoặc bức tranh Mona Lisa của Leonard Da Vinci…Cớ sao chúng ta lại không sẵn sàng thưởng thức cái  đẹp muôn thuở đó? Làm sao ta lại không tiếp nhận luận điểm mỹ học cổ điển xuất sắc của Kant, dù đã cách xa thời nay hơn hai thế kỷ?
Giá như bạn khảo sát quá trình giao lưu-tiếp nhận rộng rãi các tác phẩm của đại văn hào Lev Tolstoi (1828-1910) trên văn đàn châu Âu và thế giới cũng như ở Việt Nam suốt thế kỷ XX và sang đầu XXI, chắc chắn bạn có thể hiểu rõ hơn tác động qua lại giữa các dòng văn hóa - văn nghệ cổ điển so với dòng văn nghệ hiện đại. Bởi lẽ L.Tolstoi tựa như “đỉnh cao Himalaya” chói lọi về văn hóa-văn nghệ thế giới, “ một bước tiến của nghệ thuật toàn nhân loại ” đủ sức tỏa sáng, vừa là tiêu điểm so sánh. Chả thế mà văn hào Pháp Romain Rolland(1866-1944-Nobel-1916) tự coi mình là môn đệ của nhà văn Nga từng tâm sự: - “ Tôi muón viết một câu chuyện hiện thực - tâm lý, câu chuyện của những tâm hồn. Bộ  Chiến tranh và hòa bình(1865-1869) đối với tôi là một mẫu mực.”… “ CTHB bắt tôi phải nghĩ đến sự lớn lao về cuộc sống. Nghệ thuật tuyệt vời của CTHB, tác phẩm đó đã vượt ra ngoài khuôn khổ của tinh thần dân tộc. Đó là sự cất cánh tuyệt vời của một thiên tài, với  cái nhìn của con đại bàng đối với toàn nhân loại; đó là một số đông con người, đó là hàng ngàn dòng suối nhỏ đổ vào một đại dương (…) Tất cả những cái đó đáp ứng bao ước vọng sáng tác máu thịt của tôi và đề ra cho tôi một khuôn mấu đầu tiên không thế so sánh được của một thiên anh hùng ca mới…”(2)
Tuy vậy, Siserin- chuyên gia văn học Nga Xôviết - vẫn lưu ý rằng: “ Những nhân tố tạo thành hệ tư tưởng và phong cách trong tiểu thuỵết Jean Christophe (1912) của Rolland bộc lộ rõ ảnh hưởng của CTHB không tách rời các truyền thống dân tộc Pháp và những truyền thống Tây Âu khác ”.(3)
Văn hào E. Hemingway (Mỹ-1899-1961-Nobel) khẳng định rằng: “ Với bộ anh hùng ca CTHB,  L. Tolstoi đứng ở cội nguồn viết về chiến tranh của tất cả văn học hiện đại viết về chiến tranh:; qủa thực là có ý nghĩa vô giá đối với các nhà văn thế kỷ XX…”
Nhà triết học vừa là nhà cách mạng vĩ đại Ganđi (1869-1848-Ấn Độ) từng khâm phục tiếp nhận tư tưởng nhân đạo, hòa bình của Tolstoi, say mê đọc các tác phẩm của văn hào Nga; ông kể rằng, đặc biệt yêu thích nhân vật Bezukhov trong bộ CTHB. Tuy không có điều kiện đến thăm nước Nga, nhưng ông đã đặt trại ấp của mình mang tên Lev Tolstoi.
      Gần đây nhất, nhà văn Mario Vargas Llosa (Peru-giải Nobel-2010) đã nói về ảnh hưởng sâu sắc của việc tiếp nhận văn nghệ như sau: “ Nghệ thuật có ảnh hưởng to lớn đến đời thực. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ chúng ta không cách nào, không thể nào đo đếm được sức ảnh hưởng đó. Chúng ta không thể nói rằng một pho tiểu thuyết tương tự như Chiến tranh và hòa bình tạo nên hiệu ứng như thế nào? Cái này không sờ được, không thấy được đâu. Nhưng tôi tuyệt đối tin tưởng rằng, mình đã có được sự hình dung hoàn chỉnh về con người và thế giới, bởi vì mình đã đọc bộ sách vĩ đại đó. Văn chương giúp ta nhạy bén lên rất nhiều đối với tất cả, từ khổ đau đến hạnh phúc. Với ý nghĩa đó, tôi hết sức nghiêm túc, mà tin tưởng rằng, văn chương nghệ thuật còn làm được nhiều hơn nữa, chứ không giải trí đơn thuần”. (báo Tuổi trẻ - 9/10/2010)
Ở nước ta, có thể nói Nguyễn Đình Thi là nhà văn thuộc buổi giao thời từng tiếp nhận sâu sắc nhiều dòng văn hóa - văn nghệ Đông Tây khác nhau, mà tiêu biểu nhất lại là L.Tolstoi. Trong cuốn tiểu luận Công việc của người viết tiểu thuyết, tác giả nêu lên những bài học sinh động từ đại văn hào Nga và đã 20 lần nhắc đến những kinh nghiệm sáng tác từ các trang viết quý giá của bậc thầy tiểu thuyết. Tại buổi nói chuyện với khoa Văn học ĐH Tổng hợp Hà Nội (ĐHQG) thời  sơ tán ở Thái Nguyên, tác giả truyện Vỡ bờ nói đại ý :- Khi viết Vỡ bờ, đoạn khắc họa chân dung người chiến sĩ cách mạng, sau những ngày bị tù được thả tự do, tác giả làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật qua đôi mắt to: “ Đôi mắt đen chớp chớp nhìn anh chiến sĩ cách mạng gầy gò hốc hác, má hóp lại, đôi mắt to nuốt hẳn cả khuôn mặt” ( I/ 114)  Ở đây, đôi mắt được khắc họa phảng phất bóng dáng đôi mắt to sáng, bộc lộ tâm hồn cao đẹp của nàng công tước Maria trong Chiến tranh và hòa bình.
        Mở rộng ra, với văn hào Sekhov (1861-1904), tuy mất sớm, nhưng tài năng của ông tỏa bóng khá rộng trên đất Tây Âu. Tại Paris, nhân lễ kỷ niệm lần thứ 50 Sekhov từ trần, Jules Vercor (1902-1991), nhà văn Pháp đã nói rõ ảnh hưởng từ các truyện ngắn và kịch Sekhov đối với các thế hệ nhà văn trên đất Pháp là rất lớn:     - “Vị tât ngày nay có một nhà tiểu thuyết Pháp nào dám khẳng định rằng, mình không chịu ảnh hưởng  trực tiếp hoặc gián tiếp từ Sekhov”. (tạp chí Europe-1954)                                   Qủa thật, hệ thống tác phẩm đồ sộ của Sekhov góp phần làm lay chuyển đối tượng sáng tác của các nhà văn Pháp, khiến họ không bó hẹp trong cuộc sống của tầng lớp thượng lưu, mà hướng về lớp người bình dân trong hoàn cảnh đời thường.
       Chưa đủ, từ đất nước Anh, quê hương Shakespeare, nhà viết kịch hiện đại nổi tiếng Bernard Shaw (1856-1950-Nobel) từng hết lời ngợi ca Sekhov: “ Trong đội ngũ danh nhân gồm những nhà soạn kịch vĩ đại ở châu Âu, những người kế nghiệp Henrik Ibsen (Na Uy-1828-1906), Sekhov hiện ra chói lọi như một ngôi sao lớn bậc nhất có thể sánh ngang hàng với L.Tolstôi, Turghnev. Do ảnh hưởng của Sekhov, mà tôi đã viết được vở kịch: - Ngôi nhà của những trái tim tan vỡ.
        Chuyển về phương Đông, ngay cả với văn hóa cổ kính Trung Hoa, chính nhà văn Lỗ Tấn (1881-1904) lúc còn học trên đất Nhật đã say mê đọc truyện của Sekhov, và rồi giống như văn hào Nga, Lỗ Tấn cũng rời bỏ nghiệp y khoa, hào hứng bước vào sáng tác văn chương nhằm mục đích cao đẹp là chữa bệnh tinh thần cho nhân dân quê hương ông.Nét giao thoa tiếp nhận giữa hai nhà văn lớn Đông Tây ấy đã phá vỡ hàng rào ngăn cách giữa hai dòng văn nghệ Nga và Trung Hoa vào đầu thế kỷ XX.
       Cũng vậy, nhà  văn  Nam  Cao  đã  đón nhận được nhiều  kinh nghiệm quý từ Sekhov thời kỳ trước năm 1945,  mà điểm gặp gỡ ngời sáng đáng chú ý là họ đều lấy “con  người nhỏ bé” làm đối tượng sáng tác, nhằm phơi bày cảnh cùng khổ và thức tỉnh lớp người nô lệ.
       Sức sống của giao lưu và tiếp nhận văn hóa - văn nghệ được bộc lộ rõ nét nhất trong thế giới điện ảnh hiện đại. Có thể khảo sát tiểu thuyết Cuốn theo chiếu gió (1936) của nữ văn sĩ Mỹ Margaret Mitchell (1900-1949),được dựng thành phim (1939). Ở nước ta, bộ phim hấp dẫn ấy được công chiếu khá nhiều lần trên cả nước, (cả trong thời kỳ Pháp tạm chiếm HàNội). Phải chăng hình ảnh các nhân vật tài hoa đó ít nhiều có tác động đến bước đi của điện ảnh  Việt Nam, bởi đó là một trong 10 bộ phim hay nhất của nền điện ảnh thế giới thế kỷ XX.
Từ những hiện tượng giao lưu – tiếp nhận về văn hóa- văn nghệ trên thế giới cũng như trong nước trải bao năm tháng, có thể khẳng định rằng, quá trình hội nhập ngày nay đang giục giã chúng ta hãy sẵn sàng đón nhận có chọn lọc những thành tựu nghệ thuật của bè bạn từ bốn phương trời, làm sao cho nền văn hóa dân tộc bản địa ngày càng đơm hoa kết trái với nhiều sắc màu phong phú hơn, hấp dẫn hơn và hiệu quả hơn…/.  
                                                                 ***                                                                                
HàNội tháng 12-2011
Nguyễn Trường Lịch 
   (tạp chí Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam-tháng2-2012)
 -H-
----
1- Mỹ học - Nxb. Thế giới-Hà Nội-1999-tr.314
2- Dẫn theo Motưleva- R. Rolland-Nxb.Vănhóa –HàNội-tr.314
3- Dẫn từ Siserin- Sự xuất hiện tiểu thuyết anh hùng ca-Moskva-1975.