Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGANG QUA CUỘC CHƠI” TÁI BẢN CÓ GÌ MỚI?

Trần Mỹ Giống
Thứ ba ngày 10 tháng 1 năm 2012 9:48 PM

NGANG QUA CUỘC CHƠI : Tạp văn và truyện ký / Trần Huy Thuận. – H. : Văn học, 2011. – 320 tr. ; 21 com. (In 1000 bản tại Tp. Hồ Chí Minh).
          Gần đây xuất hiện nhiều bài viết trên mạng giới thiệu về cuốn Ngang qua cuộc chơi, sách tái bản của nhà văn Trần Huy Thuận. Có một số bạn đọc quan tâm tới cuốn sách, muốn đọc nhưng lại chưa tìm mua được sách. Vậy cuốn ngang qua cuộc chơi có gì mới mà bạn đọc quan tâm như vậy?
          1 – Về nội dung và chủ đề tư tưởng của Ngang qua cuộc chơi, cùng những đánh giá của bạn đọc, xin cung cấp mấy địa chỉ để bạn đọc tự tham khảo:
- Mấy suy nghĩ về “Ngang qua cuộc chơi” của Trần Huy Thuận / Phạm Mạn
http://vn.360plus.yahoo.com/tranmygiong/article?mid=1178
- Đọc “Ngang qua cuộc chơi” của Trần Huy Thuận / Lê Thanh Dũng
http://nguyentrongtao.org/2012/01/05/d%E1%BB%8Dc-%E2%80%9Cngang-qua-cu%E1%BB%99c-ch%C6%A1i-c%E1%BB%A7a-tr%E1%BA%A7n-huy-thu%E1%BA%ADn/
- Đọc tản văn “Ngang qua cuộc chơi” của Trần Huy Thuận / Trần Mỹ Giống
http://vn.360plus.yahoo.com/tranmygiong/article?mid=37
http://newvietart.com/index391.html
- Chân dung văn nghệ: Trần Huy Thuận
http://vn.360plus.yahoo.com/tranmygiong/article?mid=274
- “Ngang qua cuộc chơi”... nào? / Dương Kỳ Anh
http://vn.360plus.yahoo.com/tranmygiong/article?mid=1157
- "Chúc mừng lão tướng THThuận"
http://lexuanquang.org/post/1496/
        Đối tượng mà NQCC đề cập đến thường là bọn quan tham ô lại mất nhân tính, bọn mua danh bán tước bằng mọi thủ đoạn, bọn thơn thớt nói "Học tập, noi gương Bác Hồ" sống  bình đẳng, dân chủ, liêm khiết, chí công vô tư... Nhưng hành động thì bộc lộ nguyên hình kẻ lợi dụng chức quyền luôn luôn toan tính một cuộc sống xa hoa đồi bại, luôn luôn cầu nguyện được "vinh thân phì gia"; sẵn sàng xâm hại một cách không thương tiếc đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân... - MỘT ĐỀ TÀI KHÁ GAI GÓC VÀ KHÔ KHAN, nhưng đã được tác giả sử dụng một cách tương đối nhuần nhuyễn công cụ CHÂM BIẾM vốn là sở trường truyền thống của Nhân dân mọi thời đại - đặc biệt là nhân dân đất "Non Côi sông Vỵ", để tạo nên những TIỂU PHẨM cười ra nước mắt, hấp dẫn người đọc một cách tự nhiên và đồng thuận... "Nó mộc mạc, nó có tiếng cười, nó chua cay nhưng nó thanh chứ không thô" - như lời nhận xét của dịch giả Lê Thanh Dũng"
          2 – Ngang qua cuộc chơi có gì mới?
          + Thứ nhất, hầu hết các bài trong sách đã được chỉnh lý, bổ sung hay hơn trước. Ngay cả các tiêu đề cũng được tác giả cân nhắc kỹ lưỡng, sao cho thể hiện chính xác và trúng vấn đề muốn nói. Chẳng hạn một số tiêu đề sau đây, từ chung chung sang chi tiết, nhấn mạnh được nội dung cần chuyển tải:
          - “Chuyện cái mắt, cái tai, cái mũi” (chung chung chưa xác định cụ thể) đổi thành “Chướng cái tai, gai cái mắt, ngạt cái mũi” (thể hiện rõ thái độ phê phán của tác giả).
          - “Đoàn kết chúng ta là sức mạnh” (lấy ý câu nói của Bác Hồ kêu gọi toàn dân đoàn kết...) đổi thành “Đoàn kết hai chữ quen mà lạ” (Gợi cảm hơn, sát với nội dung bài viết hơn).
          - “Ngang” đổi thành “Ngang... như cua”; “Tản mạn hai tiếng khóc cười” đổi thành “Cười... khóc, khóc cười”; “Sợ” đổi thành “Sợ - không chỉ do hèn”; “Thở” đổi thành “Ta thở nghĩa là ta tồn tại”; “Nhân tiết Thanh minh bàn đôi điều về chữ hiếu” đổi thành “Bàn đôi điều về sự hiếu thảo”; “Buồn vui hai chữ nghỉ hưu” đổi thành “Nghỉ hưu bao nỗi đoạn trường”; “Nợ miệng” đổi thành “Chúng ta đang xã hội hóa cái món nợ miệng” v.v...
          Rõ ràng là các tiêu đề mới chính xác hơn với nội dung bài viết, nhấn mạnh hơn và thể hiện rõ được chủ đề tư tưởng của tác giả, có tính định hướng hơn.
          + Thứ hai, nội dung các bài viết được chỉnh lý, thêm nhiều dẫn chứng, thay đổi kết cấu, tăng cường tính triết luận làm bài viết hấp dẫn, thuyết phục hơn. Chẳng hạn: bài “Thằng đổ vỏ” được đổi thành “Hắn! Thằng đổ vỏ”, đồng thời lại có bài (thêm mới) cùng tên “Thằng đổ vỏ” được viết dưới dạng đối đáp giữa hai nhân vật Kèo và Cột. Trong lần tái bản này, Ngang qua cuộc chơi được tác giả đưa vào một số bài có hình thức đối thoại Kèo - Cột làm cho câu chuyện tự nhiên hơn, nhẹ nhàng hơn, thú vị hơn. Ví như bài “Chín tác dụng của... ngậm miệng” được chuyển thể sang đối thoại Kèo Cột với tiêu đề “Công dụng của cái mồm”. Có độc giả bảo tôi: “Nói đến Kèo và Cột thì biết ngay là ông Trần Huy Thuận”... Biết đâu đấy, rất có thể đến một lúc nào đó hình tượng Kèo Cột lại chả trở thành “đặc sản” trong phong cách riêng của nhà văn Trần Huy Thuận. Hay như ba bài “Thằng Thủy”, “Anh chàng Mốc làm quan” và “Đồng môn? Quan anh và tôi... bé cái nhầm” được gộp lại trong một bài có tiêu đề chung là “Tôi và ba người khác”... Nội dung cụ thể từng bài viết được chỉnh lý thêm bớt ra sao, xin dành để bạn đọc tự tìm hiểu cho thêm phần thú vị, ví như bài “Chống tham nhũng không chỉ là chống nội xâm” được viết lại súc tích hơn, thêm nhiều chi tiết hơn từ bài “Vài suy nghĩ về tham nhũng và chống tham nhũng”...
          + Thứ ba: Lược bỏ một số bài như: “Mờ mờ nhân ảnh”, “Tội sống”, “Tình yêu hôn nhân và hạnh phúc”, “Nghịch lý những con hẻm”, “Tang là tang tính tình”, “Tại sao ngu?”, “Cái bóng của ngôn từ”, “Giáo dục và tự giáo dục”, “Giáo dục công dân”, “Thử cùng nhau xem tướng”, “Con không giống cha... nhà có phúc”, “Định Mít”, “Du đen”, “Thằng ngố”, “Chuyện kể về kẻ hát rong”, “Phó thường dân”, “Kết thúc một cuộc đời” v.v... Chắc chắn tác giả bỏ các bài này không phải vì nó không hay, mà có thể do dự định số lượng trang sách và để thay bằng những bài mới hơn... Tôi rất tiếc là trong số những bài lược bỏ ấy có những bài rất có ý nghĩa và tính thời sự vẫn còn nóng hổi, như bài “Chuyện văn chuyện đời”...
          + Thứ tư: Thêm một số bài mới như: “Đuổi gà cho cơ quan”, “Cuộc đấu trong nội bộ nhóm lợi ích... “bộ mặt”, “Thằng Kèo thằng Cột cùng làm nhập khẩu”, “Mẹo dùng tóc thay thủ cấp của Tào Tháo”, “Cấm ... chơi”, “Nói đằng tây chết cây đằng đông”, “Chạm nọc”, “Đồng tiền hai mặt”, “Văn hóa quyền lực”, “Hiện tượng “thâu tóm ngầm”, “Từ chức văn hóa, lương tri hay đạo đức”, “Luật bất thành văn”, “Người ta sinh ra vốn không bình đẳng”, “Dân chủ cái bánh không dễ làm, không dễ ăn”, “Nước Nam ta hiện làm gì còn bọn tham nhũng”, “Dân... hỗn”, “Chung quanh một chữ quyền”, “Ngự ngay giữa mặt là cái mũi”, “Chuyện phiếm chọn hướng xây nhà” v.v...
Đọc những bài mới bổ sung chúng ta sẽ vợi đi sự luyến tiếc một số bài bị lược bỏ, bởi các bài mới có tính thời sự nóng hổi, tính triết luận sâu sắc, tính hài hước chua cay, đề cập những vấn đề bức thiết của đời sống hôm nay. Xin dành sự thú vị khi đọc những bài mới này cho bạn đọc.
          3 – Bất kỳ một sự vật, hiện tường nào cũng có hai mặt, cũng như có người yêu, kẻ ghét. Cuốn Ngang qua cuộc chơi cũng vậy. Ngang qua cuộc chơi chủ yếu là phanh phui, mổ xẻ những tệ nạn xã hội với thái độ không khoan nhượng qua ngôn từ có tính chính xác, gần gũi với quần chúng, nhẹ nhàng mà sâu cay... Qua phê phán mạnh mẽ cái xấu, cái tiêu cực tỏ rõ thái độ xây dựng cái tốt, cái tích cực của tác giả. Một điều không thể phủ nhận là Ngang qua cuộc chơi được bạn đọc yêu mến bới nó nói trúng, nói thay cho họ những điều muốn nói mà không dám nói, hoặc không biết nói bằng cách nào. Tất nhiên, những kẻ là đối tượng phê phán của Ngang qua cuộc chơi như bọn tham nhũng chẳng hạn lại rất sợ và rất không thích cuốn sách, tác giả THT nữa...
          4 – Tại sao bạn đọc không tìm mua được sách, dù nó in tới cả ngàn bản? Xin thưa, nó in và phát hành chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh và một số Tỉnh Thành, nhưng hình như do Tổng Cty VĂN HÓA SÀI GÒN (đơn vị cùng NXB Văn học ấn hành cuốn NQCC) không có mối quan hệ kinh doanh với Cty sách Nam Định, nên bạn đọc ở Tỉnh ta khó kiếm được. Tác giả của nó cũng chỉ được nhận 30 cuốn tặng bạn bè thân tín thôi. Xin mách bạn nào muốn được xem sách ngay thì gặp ông Trần Thắng ở Câu lạc bộ thơ Đường Hành Thiện mượn hoặc photo. Tác giả bài viết này cũng đã photo 5 bản tặng các cụ hưu trí quê hương Trà Lũ...
Mấy phác thảo vội vàng do mới đọc lướt mà chưa có thời gian nghiên cứu, chắc có nhiều điểm chưa chính xác, xin được bạn đọc lượng thứ và bổ khuyết.
Bởi: Không có cách nào tốt hơn là chính bạn đọc tự đọc cuốn sách.
 TMG