Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGOÁI NHÌN NĂM CŨ…

Trần Đăng Khoa
Thứ tư ngày 11 tháng 1 năm 2012 4:29 AM

Thế là năm 2011 đã đi qua. Còn nhớ đêm cuối cùng của năm Dương lịch, Đài Truyền hình Việt Nam đã điểm lại những ấn tượng nổi bật trong năm bằng một chương trình đã được chuẩn bị khá công phu “Dấu ấn 2011”. 365 ngày, với 8760 giờ - Một bức tranh toàn cảnh của Việt Nam và Thế giới - thành cuộc diễu binh kỳ vĩ diễn ra trước mắt ta chỉ trong hơn hai giờ đồng hồ. Đại hội Đảng. Cuộc bầu cử Quốc hội. Cuộc chiến tranh ở LiBi, cơn Đại sóng thần kinh hoàng tại Nhật Bản…Có một hình ảnh đã để lại trong tôi một ấn tượng rất đep. Đó là cuộc giải cứu hơn vạn người Việt Nam trong cuộc chiến tranh đẫm máu ở LIBI. Lần đầu tiên, chúng ta đã tổ chức thành công đưa hơn mười vạn người Việt Nam thoát khỏi lửa đạn. Một công việc không thể nói là dễ dàng, vậy mà chúng ta đã làm được một cách ngoạn mục. Đây cũng là dấu ấn đẹp nhất của Chính phủ ta trong năm vừa qua.
Ở phần cuối chương trình là những việc nổi cộm nhức nhối. Tai nạn giao thông. Bạo lực học đường. Những bộ mốt lố lăng của giới ca sĩ trên sân khấu…Các bạn đồng nghiệp của tôi gọi đó là lệch chuẩn. Tôi thấy không phải chỉ lệch chuẩn mà còn loạn chuẩn. Hình như chính chúng ta cũng đang đi lệch. Chúng ta quá quan tâm đến việc phát triển kinh tế mà lại sao nhãng, nếu không nói là bỏ quên văn hóa. Nhìn lại những thước phim tư liệu về Đại hội Đảng và các kỳ họp Quốc Hội trước đây, quây quần bên Bác là Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Trà Giang và rất nhiều nhà hoạt động văn hóa. Trong Đại Hội Đảng của chúng ta vừa rồi, có đến một ngàn bảy trăm đại biểu, mà không có đại biểu nào đại diện cho giới văn chương. Nhà thơ Hữu Thỉnh, một tác gia lớn, Chủ tịch của cả hai hội lớn: Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, mà cũng không phải là đại biểu đến dự. Trong số hơn 500 Đại biểu Quốc Hội, trong đó có đầy đủ các thành phần xã hội, đặc biệt có rất nhiều các nhà Doanh nghiệp, nhưng cũng không có đại biểu nào Đại diện cho giới Văn hóa, Văn nghệ sĩ. Trong khi chúng ta có đến 7 Hội chuyên ngành. Đó là điều rất không bình thường.
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của văn nghệ sĩ trong tiến trình phát triển của lịch sử. Mặc dù số phận họ rất mong manh. Mong manh như cái đẹp. Mong manh như kiếp người. Nhưng họ lại là Hàn thử biểu của cả xã hội. Đằng sau họ là Nhân dân. Đặc việt với những tài năng lớn, họ yêu ai, người đó sẽ bất tử, họ ghét ai, kẻ đó sẽ bị nguyền rủa đến hàng trăm năm, thậm chí là ngàn năm. Bằng sự mẫn cảm đặc biệt, nhiều nghệ sĩ còn đi trước cả thời đại. Người đầu tiên chính thức gọi tên Thành Phố Hồ Chí Minh là Tố Hữu. Ngay sau khi Giải phóng Điện Biên Phủ, năm 1954, Tố Hữu đã gọi Sài Gòn là “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”. 18 năm sau, mùa hè 1972, Chế Lan Viên nhắc lại: “Một Thế hệ Hồ Chí Minh - ấy là lực lượng/ Một Con Đường Hồ Chí Minh- Đó là phương hướng/ Một Thành phố Hồ Chí Minh là đích phía chân trời…”. Ba câu thơ Chế Lan Viên có thể xem như tư tưởng chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Mãi năm 1976, Thành phố Hồ Chí Minh mới chính thức có tên. Bây giờ chúng ta mới học Tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng Chế Lan Viên đã đề xuất từ những năm kháng chiến. Lúc ấy, chúng ta đâu đã nhìn ra. Chúng ta học là học “ Chủ nghĩa Mác Lênin. Tư tưởng Mao Trạch Đông và Đạo đức Hồ Chí Minh”. Vẻ đẹp của Bác, lúc bấy giờ chúng ta mới chỉ nhìn thấy ở phạm trù Đạo đức. Những văn nghệ sĩ đích thực thường đi trước thời đại. Nhiều khi một bài thơ, hay một câu hát có sức mạnh bằng cả một binh đoàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra sức mạnh ấy. Người đã quy tụ được những tinh hoa dân tộc từ những bến bờ cô lẻ: “Ta là một. Là riêng. Là thứ nhất” để hòa vào đời sống chung của toàn dân tộc: “Tôi cùng xương thịt với Nhân dân tôi”. Nhiều văn nghệ sĩ, nhiều trí thức lớn đã từ bỏ những tháp ngà nghệ thuật, đến với cuộc sống cần lao gian khổ, cùng với nhân dân. Không ít người đã chiến đấu dũng cảm và đã hy sinh như những người anh hùng: Nam Cao, Trần Mai Ninh, Nguyễn Thi…và nhiều lắm. Có người đến nay vẫn không tìm được hài cốt.
Một nhà thơ đã viết: “Mẹ nuôi cái lẽ ở đời - Sữa nuôi phần xác. Hát nuôi phần hồn”. Và như thế, đứa trẻ lớn lên bằng sữa mẹ và câu hát. Rồi đến cả người trưởng thành cũng vẫn không thể thiếu hai bầu sữa vật chất và tinh thần. Đấy là hai cánh giúp chúng ta bay. Nếu thiếu vật chất, cơ thể còi cọc còn dễ nhìn thấy và cũng dễ khắc phục. Nhưng đứt gãy văn hóa thì hiểm họa khôn lường. Nhiều người trông bề ngoài rất béo tốt nhưng lại ẩn chứa trong tâm hồn một cơ thể tàng tật, bệnh hoạn mà căn bệnh nguy hiểm này lại không dễ nhìn ra. Và rồi, cái gì đến sẽ đến. Chưa bao giờ đạo đức xã hội lại xuống cấp trầm trọng: Hiệu trưởng mua dâm học trò. Học sinh giết cô giáo ngay trên bục giảng. Quan chức ở một tỉnh nghèo mà còn đánh bạc mỗi lần đến cả 5 tỷ đồng. Rồi bạo lực tràn lan ở học đường. Những vụ hận tình ở lứa tuổi nhí rồi “tỉ thí”, hạ nhục nhau tung đầy lên mạng cho cả thế giới “chiêm ngưỡng”. Thật không thể tưởng tượng được. Vụ cắt đầu người yêu của sinh viên  Nguyễn Đức Nghĩa đã làm ta ghê rợn. Vụ giết đến cả mấy mạng người trong một gia đình của Lê Văn Luyện mới làm ta thực sự kinh hoàng. Trong số những người bị giết một cách thảm khốc, có cả cháu bé mới mười tám tháng tuổi. Tội ác đã đến đỉnh điểm. Kẻ giết người tàn bạo nhất từ xưa đến nay ấy, vẫn đang còn ở lứa tuổi vị thành niên. Hôm nay (10-1-2012), vụ án sẽ được đem ra xét xử. Theo Bộ Luật hiện hành, mức phạt cao nhất đối với người ở lứa tuổi vị thành niên là mười tám năm tù giam. Bởi thế mà Luyện vẫn nhơn nhơn, lại còn vui vẻ đùa cợt trong lúc chờ ra pháp đình. Nếu có chút ân hận thì Luyện chỉ ân hận vì đã làm phiền đến bố mẹ hắn. Còn việc hắn xóa sổ cả một gia đình, để lại nỗi kinh hoàng cho cả mấy dòng tộc và niềm bất an cho cả một xã hội trong cái Tết này thì sao? Nếu Luyện thoát được án tử hình, mà chỉ phải chịu mức phạt 18 năm ấy thôi thì rồi sẽ dẫn đến những hệ lụy chúng ta không thể lường hết được: Sẽ xuất hiện hàng loạt những kẻ giết người rất tàn bạo ở lứa tuổi vị thành niên. Thì đã có bao nhiêu nhóm côn đồ nhí tự nhận mình là “Đàn em anh Luyện” ở trên mạng đó thôi. Rồi chính những kẻ giang hồ, những kẻ dã tâm sẽ lại mượn bàn tay các em để thanh toán các đối thủ của mình, nghĩa là có thể giết được người, giết nhiều mạng người mà vẫn có thể thoát được sự trừng phạt cao nhất của pháp luật, như thế có khác gì chính Bộ luật chưa phải đã hoàn thiện vì thiếu tính chuyên nghiệp cao của chúng ta đã “giải thoát” cho kẻ tội đồ. Đấy mới là điều đau lòng và đáng sợ nhất.
Một năm đã đi qua với bao nhiêu niềm vui nhưng cũng không ít những nguy cơ có thể dẫn đến những thảm họa tương lai, nếu chúng ta không có những biện pháp kịp thời ngăn chặn. Năm nay là năm CON RỒNG. Chúng ta đang mong ước sẽ thành một CON RỒNG của Châu Á phồn thịnh, an bình và phát triền. Cầu mong năm nay, cũng như những năm kế tiếp, cả dân tộc ta sẽ thực sự là một CON RỒNG đã cất cánh, để bay tới những đỉnh cao mới. Những đỉnh cao mà ở đấy, chỉ thấy lấp lánh ánh sáng của Trí tuệ và lòng nhân ái mà không có máu người…

Nguồn: VOV online