Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÁ THƯ ĐẦU NĂM

Vũ Xuân Tửu
Thứ hai ngày 2 tháng 1 năm 2012 11:02 AM

Tuyên Quang, ngày 01 tháng 01 năm 2012

Bác Trần Nhương kính mến
 
Nhân loại bắt đầu bước vào năm 2012. Văn chương lại mở ra một cánh cửa mới cho các nhà văn khai bút. Em thường khai bút vào ngày đầu năm mới, âm lịch. Sách xưa dạy: văn nhân khai bút, từ mùng một đến mùng ba tết nguyên đán.
 Như thường lệ, vào ngày cuối năm dương lịch, em ngồi kiểm lại, một năm qua đi, mình đã sáng tác và xuất bản được gì? Năm qua, em được xuất bản hơn 60 tác phẩm, gồm: tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, thơ; trong đó, một phần ba in trên sách, báo, tạp chí, còn lại, đăng trên mạng in-tơ-nét, gồm: vanvn.net, trannhuong.com, quechoa.info, nhathonguyentrongtao.wordpress.com, phamvietdao2.blogspot.com, blog Làng Đồn và mấy bài trên Cổng thông tin điện tử Tuyên Quang, Đảng Cộng sản điện tử… Đối với người khác, đây là chuyện nhỏ, nhưng đối với em lại là thành quả của một năm đầy sóng gió. Thậm chí, có người còn lo cho em, không cẩn thận sẽ bị đập bể nồi cơm. Nhưng em cũng được nhiều người lặng lẽ giúp đỡ. Đêm rồi, mơ thấy mình nhặt được rất nhiều giày. Theo sách Bí ẩn giấc mơ, thì nhặt được giày là có những người bạn chân thành.
 Năm rồi, máy tính của em bị chặn dữ quá, không liên hệ được với các website Hợp lưu, Da màu, Tiền vệ và Sông Cửu Long… nên có nhiều điều không bày tỏ được, nghĩ cũng tiếc. Có những trang viết trên mạng, cuối năm đọc lại vẫn cảm thấy ưng ý: Cửa Đá (Hội Nhà văn), Sâu chúa là con nhà giời, Từ chuyện ông Bùi Tùng, Từ những giọt nước mắt khóc ông Kim Ngọc (Trần Nhương), Lấy cái cong queo mà đặt trên cái ngay thẳng (Phạm Viết Đào), Lãnh đạo trung ương nên đi thăm và làm việc ở đâu (Nguyễn Quang Lập), Tâm sự người mẹ mang thai đi biểu tình, Đừng bắn vào nhân dân, Ngôi sao đầu văn nhân, Khúc hát chiến binh (Nguyễn Trọng Tạo), vv… Kể ra những trang tâm huyết, không phải để khoe khoang, mà là muốn nói đến cái giá của văn chương. Bác ạ, các nhà văn nước ta, khi hội nhập với thế giới, chỉ cần một lần lột xác, còn đối với em, thì phải lột xác hai lần. Không phải ngẫu nhiên, mà lời tự bạch, trong cuốn kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại, em ghi: “Ngòi bút của tôi luôn hướng về dân”. Đó là cả một quá trình nhận thức; từ chỗ được xác định: chỉ còn búa liềm mới còn nông phu, cho đến khi ngộ ra, trên đầu còn có dân, rồi đồng hành với những người trí thức, văn nghệ sỹ trên phố phường, đâu phải một sớm một chiều, đâu phải cứ muốn là được. Có nhà văn nước ngoài, khuyên các bạn văn hãy đi xe lửa hạng ba, tức là hãy hòa đồng với tầng lớp nghèo khổ trong xã hội, rồi hãy viết. Em hiểu, không phải chỉ viết để cho họ đọc đâu, mà viết điều gì đó, để cải tạo xã hội. Tất nhiên, nhà văn không phải là thày thuốc, nhà văn chỉ là nỗi đau.
 Những năm chiến tranh biên giới, bọn em có nhiệm vụ phải phát hiện những kẻ chỉ điểm, dẫn đường, tiếp tay cho giặc. Công việc khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, nhưng thật vẻ vang, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp bảo vệ biên cương tổ quốc. Mới đó mà đã mấy chục năm rồi, tưởng như chuyện cổ tích vậy. Bởi vì, bây giờ, các giá trị đảo lộn đến ngỡ ngàng. Nhân dịp năm Nhân Thìn, bác hãy cùng cưỡi rồng lên thượng giới, ngó xuống hành tinh này, xem có quốc gia nào, mà người yêu nước bị quy là bất mãn, phản động, để có cớ đàn áp, còn kẻ nối giáo cho giặc thì lại xênh xang không? Cầu mong, đó chỉ là ác mộng, trong thế kỷ 21 này. Lòng yêu nước là hòn đá thử vàng, giúp dân phân biệt rõ trắng đen, chính tà. Các đấng minh quân xuất hiện, bao giờ cũng khơi dậy lòng yêu nước, tập hợp lực lượng. Chẳng thế mà thời xa xưa, có những thủ lĩnh đã phát động phong trào thi đua ái quốc, để lấy nước và giữ nước, đấy thôi.
 Văn chương là một áp lực đặt lên vai nhà văn. Họ phải tự mà gồng gánh như trời đày. Nhưng liệu còn có áp lực nào ngoài văn chương đối với nhà văn không? Nhiều khi, em phải viết trong đau đớn và sợ hãi. Nhưng viết xong, cảm thấy thảnh thơi, như vừa cày xong thửa ruộng vậy. Em đã từng là nông dân, biết việc vỡ ruộng, cày, bừa, cấy, gặt, xay lúa, giã gạo, nấu cơm, rửa bát; nên hiểu chuyện cày xong thửa ruộng, sung sướng biết ngần nào.
 Thôi, chẳng nói chuyện văn chương nữa, nói chuyện tết cho vui. Em nhớ lõm bõm, một bài thơ của ông Xuân Thủy, thời chiến tranh:
  Mở lịch mới kính chào năm mới
  Chào bảy mươi phơi phới những ngày vui
Sắc hoa đào tô thắm nước non tươi
Bừng pháo nổ cười vang nhân loại…
Bài thơ còn dài lắm, đầy sức xuân, bác nhỉ? Tiếp theo âm hưởng ấy, nhân dịp năm mới, em chúc bác và gia đình dồi dào sức  khỏe, thu được nhiều thành tích trong công tác, sản xuất và chiến đấu. Chúc bác vững tay web, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Kính thư
Em
Vũ Xuân Tửu

Tái bút: Em xin gửi bài thơ Phác thảo sông Lô, để nhớ lên xứ Tuyên, bác nhé.

sông Lô
sóng vỡ tơ vò
gió rụng hoa lau tàu chuối tướp
mênh mang nương nước
bến đền tiếng mõ mướt sườn non
thuyền đậu duềnh sông lung lay sóng
những bưởi bòng tô ngực áo giêng hai
sông Lô
sóng vỗ vào mây mây giỡn sóng
phù sa tràng hạt hát long bong.

VXT