Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tái bản “NGANG QUA CUỘC CHƠI”

TN
Thứ bẩy ngày 31 tháng 12 năm 2011 6:33 AM

tập tạp văn và truyện ký của Trần Huy Thuận

NXB VĂN HỌC VÀ CÔNG TY VĂN HÓA SÀI GÒN VỪA CHO TÁI BẢN TẬP TẠP VĂN VÀ TRUYỆN KÝ “NGANG QUA CUỘC CHƠI”(*) CỦA TÁC GIẢ TRẦN HUY THUẬN, MỘT CỘNG TÁC CỦA TRANG NHÀ. NHÂN DỊP NÀY, XIN GIỚI THIỆU BÀI VIẾT CỦA NHÀ BÁO NGUYỄN NHƯ MAI (ĐÃ ĐĂNG TRÊN TỜ BÁO “VĂN NGHỆ TRẺ”), CÙNG MỘT VÀI Ý KIẾN TRÍCH TỪ THƯ BẠN BÈ GỬI TÁC GIẢ, SAU KHI CUỐN SÁCH ĐƯỢC XUẤT BẢN LẦN ĐẦU (NĂM 2009):
BẤT NGỜ “NGANG QUA CUỘC CHƠI”
(Trích Bài đăng trên VĂN NGHỆ TRẺ số 39 ngày 27-9-2009)
           Nhà báo NGUYỄN NHƯ MAI
           
Trần Huy Thuận lý giải về cái tên sách của mình là mượn từ câu nói của nhà viết kịch Tào Mạt: “Cuộc đời này chẳng qua cũng chỉ là một cuộc chơi” (thì trước tác giả bộ chèo “Bài ca giữ nước” hàng mấy trăm năm, Banzăc cũng đã gọi cả một trước tác đồ sộ của mình là “Tấn trò đời” rồi sao!). Nhưng Trần Huy Thuận tự thấy mình không thể nhập được vào cuộc chơi đầy may rủi này, mà chỉ coi mình là kẻ “đi ngang qua”. Và việc viết văn cũng chỉ là chuyện của kẻ tay ngang mà thôi.
Trần Huy Thuận vốn làm công tác kỹ thuật ngành xây dựng nhà xưởng , nhưng lại ham đọc và thích láng cháng chuyện văn chương. Vốn tính hài hước, nhân có cuộc thi viết văn thơ trào phúng ở địa phương, ông nhảy vào dự thi và ẵm luôn hai giải đầu cả về văn và thơ từ năm 1984. Ông trở thành hội viên Hội văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh.
Ngoài một vài năm công tác ở Hà Nội, hầu như suốt cuộc đời Huy Thuận sống “thúc thủ”ở Thành Nam từ khi mới sinh cho đến khi “đầu bạc răng long”. Người ta nói “ Nam Định nhỏ như một bàn tay con gái”, cho nên ông trở thành thổ công, thổ địa của cái mảnh đất này cũng không có gì lạ.
Bẵng đi một thời gian, sự viết của ông hầu như dừng lại, nhưng gần đây trên báo mạng bắt đầu xuất hiện nhiều sáng tác của Trần Huy Thuận. Ông viết đủ các thể loại, nhưng phần lớn là tản văn, phiếm đàm, ghi chép, hồi ký…Những bài viết của ông nhanh chóng nhận được sự phản hồi, sẻ chia và cộng hưởng từ phía bạn đọc.
Ông tự ý thức, với tuổi của mình,  gặp đâu viết đấy, hứng lúc nào viết lúc ấy, trăn trở điều gì viết điều ấy. Có nghĩa là ông viết hoàn toàn không chịu một sức ép nào từ bên ngoài, mà từ sự “trăn trở” của chính mình. Cho nên ông viết thoải mái, thẳng tưng, nhưng có sự từng trải, sự chiêm nghiệm của cả một đời. Nói và làm. Ăn ( nợ miệng) và thở. Nghe ( cái tai và văn hóa nghe) và nói ( nói thẳng và nghe nói thẳng). Đứng và đi. Chiếc ghế ( chiếc ghế và văn hóa ngồi) và chiếc thang…Rồi đạo học và đạo làm thầy. Chuyện giáo dục và chuyện lương lậu. Tham nhũng và chống tham nhũng. Đúng là đủ chuyện, nhưng nếu chỉ nghe qua những cái “tít” thì có vẻ khô khan cả. Vậy mà người đọc vẫn bị lôi cuốn vì cách bàn luận vừa “đáo để” dẫn dắt cổ kim thâm thúy, vừa đậm chất “uy-mua” hóm hỉnh.
Cho dẫu là “gặp đâu viết đấy”, nhưng ta cảm thấy tác giả phản ứng rất nhanh nhạy với mọi chuyện trên đời, những bài viết có giá trị thời sự nóng hổi.
Song thực tình mà nói, những phần viết “sốt sột” như thế chưa chinh phục được tôi mấy. Tôi chỉ thực sự thú vị khi đọc phần “ Chuyện văn- chuyện đời” của tác giả . Những bài viết ở phần này có chiều sâu hơn, có chất văn hơn và do đó làm xúc động lòng người hơn. Không còn là những ghi chép đơn thuần nữa, một số đề tài đã được tác giả nâng lên thành tác phẩm văn học đích thực. Có thể kể ra một số truyện ngắn hay và độc đáo.
… Nhưng có thể nói,  gây sốc nhất là truyện“ Thằng đổ vỏ”. Những kẻ cơ hội không từ một thủ đoạn nào bợ đỡ cấp trên để được thăng tiến, thậm chí cả những trò loạn luân bỉ ổi. Điều kinh hãi là người đọc nhận ra đằng sau câu chuyện là sự thật trần trụi chứ không phải là  hư cấu của tác giả.
Những truyện ngắn như thế có tính hiện thực phê phán sâu sắc, như một hồi quang của xu hướng này một thời đậm nét trong văn học nước nhà.
Số tác phẩm được coi là truyện ngắn không nhiều ( tác giả xếp lẫn trong các thể loại khác), nhưng cũng như các bài viết khác đều có nguyên mẫu thực ngoài đời, tác giả như một người quan sát, một nhân chứng, nên đều có nét tự sự.
… Tác giả khép lại tập truyện bằng hai tác phẩm châm biếm của thời mới khởi viết: “Người có hàm răng chuột” và “ Con không giống cha- là nhà có phúc!”. Hóa ra truyện viết từ một phần tư thế kỷ trước đến nay vẫn còn mang “tính thời sự”.. Và dường như trong hầu hết các bài viết của Trần Huy Thuận đều phảng phất một nụ cười, một nét hài hước ngay cả trong những câu chuyện buồn! Thành Nam nhỏ bé và yên bình , nhưng cũng có đủ mọi chuyện nhân tình thế thái để một đời Trần Huy Thuận đi ngang qua và ghi chép lại với mong muốn gửi gắm tâm sự:
“ Cuộc đời còn mấy nữa đâu/Quăng đi mọi gánh u sầu/ Chén xuân xin mời rót tiếp/ Để tình chuếnh choáng trong nhau”.
                                                                   N.N.M
THƯ BẠN BÈ
* Tôi phải cảm ơn anh rất nhiều về những bài đóng góp có chất lượng của anh cho chuyên mục DIỄN ĐÀN DÂN TRÍ ĐIỆN TỬ. Tôi xin phép tự giới thiệu là Nhà báo Thao Lâm, vốn nhiều năm phụ trách TRANG KHOA GIÁO báo NHÂN DÂN. Về hưu đã lâu nhưng cái duyên nợ làm Báo cứ đeo đẳng mãi… Gặp được những cộng tác viên như anh làm tôi rất vui.
Hà Nội 25/12/2007
(Thao Lâm)
* Đọc truyện Thằng đổ vỏ của anh, buồn mà xót quá chừng. Có người đọc truyện anh viết mà thấy cứ như viết về họ. Tôi cũng bắt đầu thấy ra cây viết của anh một sự từng trải, viết như đã sống anh ạ.
(Nguyễn Hòavcv - vanchuongviet.org)
* “… Văn phong giản dị, có khi hơi lạnh lung, nhưng thấm thía và… đau! Chữ nghĩa thì hiện đại, ý tứ thì vẫn đau đời như thời cụ tú Xương. Hình dáng và cung cách thằng bạn Trần Văn Thủy – tác giả tập sách này thì vẫn hiền khô, nhưng đọc đi đọc lại, người tâ thấy ngay rằng: Đó là một người giải phẫu tinh quái…”
(Trần Văn Thủy – Đạo diễn điện ảnh, Nghệ sĩ Nhân dân)
* Đọc NGANG QUA CUỘC CHƠI mỗi truyện như một mẩu đời thường, sau một sự cố bật ra một triết lý nhân – quả, một tiếng cười bao dung thông cảm. Đôi nét chấm phá, không đao to búa lớn mà cứ như một tiếng chuông chùa cảnh tỉnh ta chớ có quá chìm đắm vào cái danh lợi để có khi chuốc họa vào thân…
(Nguyễn Khôi – Nhà thơ, nguyên phó vụ trưởng vụ dân tộc Quốc hội)
* “NGANG QUA CUỘC CHƠI” thuộc loại sách mỗi ngày chỉ đọc vài bài, tủm tỉm cười, rồi suy ngẫm, rồi thầm khâm phục, đồng cảm với tác giả. Hôm sau lại mở ra đọc tiếp mấy trang. Nó là loại cà phê buổi sang. Cứ ngủ dậy là muốn gọi cà phê ngay…
(TS Nguyễn trọng Mai)
* Đề tài trong NGANG QUA CUỘC CHƠI như ông tự bạch: “Gặp đâu viết đấy, hứng lúc nào viết lúc ấy, trăn trở điều gì viết điều ấy”. Có bao nhiêu chuyện trong cuộc sống đời thường đã và đang diễn ra được Trần huy Thuận quan sát, suy ngẫm và tạt ngang bàn luận. Nhưng qua tấ cả nhứng gì ông đã viết, ta nhận ra một bức tranh hiện thực nhiều mầu sắc. Ông viết bằng trái tim của một người còn rất nặng nghĩa với đời… (Trích LỜI GIỚI THIỆU trong lần xuất bản đầu tiên tập NGANG QUA CUỘC CHƠI).
(PGS TS Phạm Văn Tình- Hội Ngôn ngữ học Việt nam)
* Với sở trường trào phúng, Trần Huy Thuận rất có duyên với những tản văn châm biếm mang tính thời sự về những mặt trái của đời sống. Dù tuổi đã cao nhưng bút lực của ông vẫn mạnh mẽ, tác phẩm xuất hiện thường xuyên trên báo chí, nhất là các báo điện tử.
(Trang báo mạng của Hội Nhà văn Tp. HCM)
----------------------------------  
* PHÁT HÀNH: CTY TNHH VĂN HÓA SÀI GÒN – ĐỊA CHỈ: 239/9 ĐƯỜNG TÂN QUÝ - PHƯỜNG TÂN QUÝ - QUẬN TẬN PHÚ VÀ CÁC NHÀ SÁCH TRÊN TOÀN QUỐC.