Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẤY SUY NGHĨ VỀ “NGANG QUA CUỘC CHƠI” CỦA TRẦN HUY THUẬN

Phạm Mạn
Thứ bẩy ngày 31 tháng 12 năm 2011 9:48 PM

 Nhà văn nào cũng khai thác nguyên mẫu từ cuộc đời để dựng lên nhân vật cho tác phẩm.Với Trần huy Thuận cũng làm thế. “N.Q.C.C.”, tôi thấy có cái gì đó hơi khác thường. Để nhận ra cái đó có lẽ phải là người trong cuộc. Hoặc ít ra là người “sát gần trong cuộc”.
    Tôi với T.H.T. lúc chưa nghỉ hưu vốn  cùng làm nghề quản lý nhà máy ơ hai đơn vị .Vì thế, tôi có điều kiện hiểu sâu vài nguyên mẫu vốn sinh hoạt gần gũi với chúng tôi.
     Nhân xét đầu tiên của tôi là, cái gì làm cho những bức “biếm hoạ” bằng ngôn từ súc tích và sinh động như vậy.Xin thưa, đó chính là sự thực. Một lần tôi hỏi anh:  “sự thực đến thế sao! ?”anh trả lời: “Tôi cam đoan với ông là 100% sự thực! Còn nhiều sự thực nữa nhưng tôi không đưa vào”.Tôi thật sự sửng sốt, khi có nhân vật từng cùng ăn, cùng ở  với tôi thời sơ tán tránh bom Mỹ đánh phá. Nhân vật có vỏ bọc “bền chắc” hàng chục năm đến người cháu ruột cũng không nhìn thấu! Khi tôi nghỉ hưu rồi được đọc NQCC và gặp lại bạn bè thì tôi mới nhìn rõ chân tướng đã lột vỏ bọc. Hoặc như khi tôi đọc xong, có truyện tôi muốn thêm vào sau tên truyện…. “trò lừa đời xuyên thế kỷ”. Biết đâu trăm năm năm sau, con cháu chúng ta, có những nhà xã hội hoc,nhân văn học, nghiên cứu lịch sử nhânvật…tìm đến truyện .Họ đến với truyện để tìm một cứ liệu lịch sử đáng tin cậy, lột trần sự thật từng bị che lấp,đã từng đánh lừa cuộc đời từ lâu.Vũ trọng Phụng tạo ra nhân vật Xuân Tóc Đỏ sống động, hài hước. Trần huy Thuận “ký, biếm hoạ”theo sát mẫu thực . Đời nay còn đó nhan nhản những XuânTóc Đỏ, những Thằng Đổ Vỏ,Tùng Chột, Chàng Mốc…
     Một điều nữa , T.H.T. đã dụng công với bút pháp mang dấu ấn cá nhân: lời văn sáng sủa, diễn đạt “chua cay, châm biếm” vừa phải, không ồn ào, không chính luận đao to búa lớn. Cung cách ấy đưa người đọc lặng lẽ chậm rãi đi sâu vào suy tư và xúc cảm. Một tác phẩm vừa có chiều sâu văn học, vừa có giá trị tư liệu xã hội học. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến câu kết luận cuối cùng của quyển “Phiếm luận về Aguste Compte” của tác giả Nguyễn Aí Lang ,đại ý: sách này có thể khô cứng với một số người như mẩu xương. Nhưng ai có công cắn vỡ xương ra sẽ thấy tủy. Mà tủy thì hẳn là ngon lắm!
    Ngoài những bức chân dung sinh động và rất đời thực ra, NQCC còn nhiều bài hài đàm, phiếm luận về nhân tình thế thái,thời cuộc…
                       …. Để cho hoài vọng mai sau:
                   Giang sơn yêu dấu sạch làu gian manh.

     Rồi năm tháng dần trôi. Những nhân vật bằng xương bằng thịt sẽ cùng chúng ta đi vào cõi vĩnh hằng. Biết đâu các thế hệ sau sẽ tìm lại bóng dáng ngày nay(lúc đó đã thành lịch sử) và ngạc nhiên hỏi nhau: “Có thật thế sao?!
Hay nhỉ?!!”Chức năng “thư ký thời đại” của nhà văn là vậy.
 Cuối năm 2011