Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THẾ HỆ CHÚNG TA MẤT GỐC HOÀN TOÀN?

Nguyễn Văn Thịnh
Chủ nhật ngày 14 tháng 8 năm 2011 8:53 PM

Cổ nhân nói Ngôn dực trường phi (Lời nói có cánh bay xa) hàm ý như một lời khuyên rằng nên thận trọng khi nói và người phương tây cũng có một lời khuyên gần giống thế.
Qua sáu tuần trăng rồi, lời nhận xét xanh rờn của ông Dương Trung Quốc – Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam: “Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn!” vẫn như cánh chim bay xa, bay xa… chưa biết lúc nào dừng!
Chẳng là ngày 29/1/2011, Giáo sư Vũ Đình Hòe – vị Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của nền cộng hòa dân chủ Việt Nam ra đi ở tuổi tròn trăm. Với lòng kính trọng tiếc thương bậc lão thành trí giả khả kính, nhà báo Hương Giang của báo điện tử Vietnamnet làm cuộc phỏng vấn nhỏ. Sau khi đánh giá thế hệ trí thức hàng bá phụ là “thế hệ vàng”, nhà sử học độc đáo nổi tiếng đương thời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lý giải rằng bởi các vị được hưởng một nền giáo dục khá căn bản bao gồm nền quốc học truyền thống còn sâu đậm, lại được tiếp nhận nền văn hóa phương tây khá đầy đủ, đã đào tạo ra lớp trí thức đặc biệt mà trước và sau đó chưa từng có như: Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường… Có nghĩa là các vị sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh xã hội có đặc trưng riêng cho việc hình thành người trí thức?
Lớp học trò xưa, nay qua tuổi lục tuần đều ít nhiều được thực chứng sự học, sự dạy, cách sống và làm việc cùng đọc sách của các vị đều thấy tự hào với lòng kính trọng, cảm phục và coi như tấm gương sáng soi suốt đời mình.
  Tuy nhiên nhận định “Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn” lại là chuyện khác. Trước hết, cần định rõ cái gốc đây là gì?
Mất gốc có đồng nghĩa là vong bản không? Tự điển Hán-Việt Đào Duy Anh giải nghĩa là “quên gốc của mình, quên tổ tiên của mình”! Có thật là thế hệ chúng ta đã quên đi nguồn cội, không cần biết mình là ai nữa? Đúng là đang có những kẻ bằng mọi cách bôi nhọ và xuyên tạc lịch sử của tổ tiên mình, dân tộc mình khác chi kẻ đồng lõa với ai hòng phủ định sức sống trường tồn của một dân tộc, của một nền văn hóa phát triển từ buổi sơ khai của loài người ngay trên giải đất này. Không! Chúng ta đã và đang đấu tranh quyết liệt, kiên trì dù rất vất vả gian truân đã không và sẽ không để ai bật đi được cái gốc Việt của mình.
Cái gốc đây là bản thể, là bản thân sự vật! Với một dân tộc, nó biểu hiện bằng những con người chung một nòi giống, một nền tảng văn hóa được hình thành từ buổi sơ khai lập nước, bồi đắp lâu dần thành truyền thống lưu chuyển từ đời trước sang đời sau như cái gien di truyền bất biến?
Trong lịch sử loài người có dân tộc bị đồng hóa và đã bị lãng quên. Như cây lai ghép qua nhiều thế hệ, họ đã mất đi tiếng nói, bản sắc và cả nơi thổ cư tổ tiên họ từng sinh sống. Một dân tộc giữ được nguồn cội nghĩa là qua những thăng trầm của lịch sử mà vẫn giữ gìn được nền tảng văn hóa đạo đức và lưu truyền mãi tới những đời sau. Họ hiển nhiên là một thực thể độc lập với những đặc tính, đặc trưng không thể lẫn trong cộng đồng thế giới đa quốc gia dân tộc. Gốc nào cây nấy và ra trái khác nhau. Chúng ta đang sống trong một cộng đồng hơn 80 triệu con người, có lịch sử riêng, tiếng nói và chữ viết riêng, có bản sắc văn hóa không lẫn với ai, đang cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh hạnh phúc và quyết giữ gìn bờ cõi giang sơn. Nếu thế hệ chúng ta mất hoàn toàn gốc Việt Nam rồi vậy thì trái trên cây kia và cộng đồng người đó là gì?
Cái gốc của một người, một dân tộc là một khái niệm bao gồm nhiều lĩnh vực, như các nhân tố hình thành cốt cách một con người, đặc tính của một cộng đồng người đã gắn bó cùng nhau hình thành một dân tộc có sức mạnh tồn tại vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của thời gian và lịch sử. Chính ông Dương Trung Quốc giải thích ở đây sự mất gốc của lớp hậu sinh là dù có được biết đến văn minh phương Tây nhưng chỉ là tiếp cận bề ngoài về phương tiện sống và kiến thức, trong khi dòng chảy từ “thế hệ vàng” đã không thể chảy tiếp bởi tư tưởng ấu trĩ và nhận thức hạn hẹp do bị chi phối bởi lợi ích (?) – Tất nhiên là từ cơ cấu tổ chức của một thể chế xã hội. Phải chăng ông muốn nói tới một nền giáo dục ngày càng sa sút? Có thể hiểu ông đã qui tụ lại, coi nó như một cái rễ – dù là rễ to trong chùm rễ đùm đề của cái gốc khổng lồ một cây đại thụ? Chẳng lẽ ông không thể diễn đạt rõ ra ý của mình hay ông thích tung ra những dị ngôn mù mờ như tung ra một chưởng?
Người mất gốc không còn gắn bó với dân tộc mình, không giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc mình và không có trách nhiệm với tổ quốc mình. Thực tế không hiếm người ít học mà không mất gốc trong khi người có học lại mất gốc hoàn toàn. Cái gốc không chỉ ở một sự học. Và ai cũng hiểu sự học không chỉ là được ngồi trên ghế nhà trường với những học hàm học vị khoa trương. Người ta nói chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài là ý đó. Thế cho nên cổ nhân mới dạy tu thân tại chính kỳ tâm. Gốc của một con người là cái tâm, của một dân tộc là truyền thống giữ nước và dựng nước. Hồn của nước là người. Còn người mới còn nước còn non, mới làm cho dân mạnh nước giàu. Sự thật đó ai cũng thấy, vậy sao có thể nói thế hệ ta mất gốc hoàn toàn?!
Thật tình, kiểm lại nền giáo dục nước nhà hơn nửa thế kỷ qua ngày càng xuống cấp mà chưa có điểm dừng (!), khiến mỗi người được coi là có học đều cảm buồn cho sự thiệt thòi của nhiều thế hệ và càng lo cho lớp cháu con. Đó là sự thực hiển nhiên không thể và không cần che giấu.
  Đành rằng hiệu quả của giáo dục là nhìn vào con người, mối quan hệ của họ với nhau, trách nhiệm của họ với mọi việc riêng chung, tác động của họ tới sự ổn định và phát triển của xã hội… Nhưng cái gốc của một người, một cộng đồng, một thế hệ, một dân tộc không hẳn chỉ là như thế. Nhìn tổng thể xã hội ta hôm nay, phải thừa nhận rằng chất lượng kiến thức trong mỗi thành viên, ở nhiều lĩnh vực được nâng cao hơn rất nhiều, có mặt không thua người mấy. Tất nhiên không thể phủ nhận vai trò của hệ thống giáo dục. Tuy nhiên nhìn vào hành vi của không ít người gọi là có học, ít hoặc nhiều, thậm chí ngay ở một số người được coi như bậc tôn sư hoặc đứng vào hàng thể diện một ngành, một giới, một bộ phận, một địa phương hoặc cao hơn nữa đã không mấy cảm hóa được lòng người. Đó là nguyên nhân gây ra những sự lộn xộn, rối rắm, nhiễu nhương khiến lòng người ngao ngán bất an. Phân giải căn cơ để thấy rõ nguyên do thật quá tầm người viết và chính nhà sử học họ Dương cũng đã tỏ ra nông nổi, phiến diện, thiếu tầm sâu tư duy trí tuệ để nhìn thấu đáo đã đưa ra nhận xét hàm hồ! Sẽ giải quyết thế nào là việc của xã hội, của những người tâm huyết, đặc biệt là những bậc tri thức viên thông và của những người có trách nhiệm hoạch định chủ trương chính sách tầm cỡ quốc gia. Dù là việc cấp bách nhưng ai cũng hiểu không thể trong một sớm một chiều. Một điều rõ ràng rằng nước ta đã chịu hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm Tây thuộc. Kẻ ngoại bang đồng hóa dân tộc ta bằng đủ mọi phương cách từ việc triệt giống vô cùng tàn độc để độc quyền phối giống cho ra những đứa con lai vong bản, tới việc xóa sạch mọi dấu tích văn hóa kể cả sách vở và chữ viết nhưng sức sống Việt không gì khuất phục nổi và bật lên mạnh mẽ để phục hưng dân tộc, là bởi cái gốc Việt bám sâu chắc ngay tại nơi sinh ra nó. Chẳng lẽ chỉ một sự lộn xộn, mò mẫm, lúng túng trong hệ thống giáo dục mà làm mất đi cái gốc với bao nhiêu chùm rễ? Tuy nhiên yêu cầu cải cách nền giáo dục đúng hướng vẫn là sự đòi hỏi thúc bách của toàn xã hội.
Cổ nhân cũng nói Ngôn vi tâm thanh (Lời nói là tiếng lòng mình). Không ai khảo mà xưng. Cũng không có ai vu vạ đặt điều ra. Có người hoài nghi chẳng lẽ ông Dương Trung Quốc với vai trò Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam, chủ biên một tạp chí lớn chuyên đề Sử học, vị dân biểu liền mấy khóa lại là người mất gốc hoàn toàn?! Ông đã chẳng có trong đoàn người vượt trùng dương sóng cả gió to mang theo cái trống đồng tượng trưng hồn nước ra đặt giữa quần đảo Trường Sa để khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam đó sao? Nhưng người ta vẫn nhớ là chẳng bao lâu trước đó ông từng trong đám người dựng tượng đồng tôn thánh một viên quan lớn nhu nhược ươn hèn từng ám hại bao nhiêu nghĩa sỹ, dâng đất dâng thành cho giặc với lời nói nhơ nhuốc còn ghi trong sách sử: “Chúng ta yếu ớt không chống nổi (giặc mạnh quá!). Các quan văn cũng như các tướng võ hãy bẻ gãy giáo gươm, giao thành trì (cho giặc!) khỏi chống lại”!!! Vậy thì nước Việt Nam này đâu còn nữa để mà nói đến chủ quyền? Và ai là người mất hoàn toàn cái gốc Việt Nam?!
      
  Tuần báo Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh 
Số 171 Thứ năm ngày 11 tháng 8 năm 2011