Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIỮ GÌN VÀ TRI ÂN TIẾNG VIỆT

Đỗ Thị Hoa Lý
Thứ bẩy ngày 13 tháng 8 năm 2011 10:23 PM

         “Con sang Liên-Xô học tiếng nói Lê-nin
          Xứ sở Bạch dương hiền hòa thơ mộng
          Dòng Đơ-nhép mênh mông cuộn sóng
          Những con đường hoa dẻ đung đưa
          Hai mươi Ba năm rồi vẫn trọn những giấc mơ
          Trên môi con gọi thầm tiếng Việt
          Giọng Quê hương ngọt ngào lưu luyến
          Thiết tha từ giếng nước, hàng me...”¹
  
Đã hơn hai mươi Ba năm trôi đi kể từ ngày chúng tôi rời xa quê hương, tiếng Việt vẫn luôn ở trong tim, ở trên môi mỗi người con xa xứ. Mặc dù giao tiếp với bạn bằng tiếng Nga nhưng tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ hàng ngày. Chúng tôi lao động, học tập, định cư,  lập gia đình, sinh con và dạy dỗ con cái bằng tiếng mẹ đẻ. Hơn bao giờ hết chúng tôi thấm nhuần ý nghĩa của việc truyền cho thế hệ sau ngôn ngữ Quê hương bởi “Nhu cầu giao tiếp của con người là điều kiện cần để phát sinh ngôn ngữ...”²
    Vâng! Ngôn ngữ cho ta tiếng khóc chào đời, cho ta tiếng mẹ ru từ thưở nằm nôi, cho ta bập bẹ vần và vỡ oà trong niềm hân hoan khi lần đầu tiên ta nói tròn chữ “mẹ”! Hai mươi Ba năm đã trôi qua với biết bao thăng trầm của cuộc sống, tiếng Việt vẫn đồng hành cùng chúng tôi trên mọi nẻo đường: Những buổi giao lưu, họp mặt đầu năm; những ngày Lễ, Tết... cho ta dốc bầu tâm sự cùng anh em, bè bạn bằng tiếng Việt yêu thương:
                “ ...Tiếng thân thương tha thiết những nụ cười
                  Nơi đất khách ấm nồng ngày Xuân đến
                  Tiếng bàn tay nắm bàn tay hò hẹn
                  Gặp gỡ, chia ly – xao xuyến tiếng lòng...”¹
  Da diết trong ta tiếng Việt ngọt ngào như:
                 “Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
                 Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về...”³
   Tiếng Việt đơn sơ, giản dị từ buổi bình minh đất nước “...thô sơ như mảnh đá thay rìu...”³ mà cũng thật tinh tế theo nhịp đập thời gian:
                      “...Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
                        Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
                        Như gió nước không thể nằo nắm bắt
                        Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh...”³
   Rời xa Quê hương thân yêu, cách xa tiếng mẹ nhưng tiếng mẹ đồng hành cùng ta trong cả những giấc mơ, trong những lúc buồn vui cuộc sống “...Mẹ ơi, mẹ ơi, nghìn trùng xa cách con nhớ quê nhà từng dòng sông, ngọn núi. Rồi một ngày vui, con cần tiếng nói, tiếng nói mẹ hiền, tiếng nói ân tình, tiếng nói quê mình vọng lời ru xưa, con nhớ mẹ yêu...”⁴
   Thế hệ thứ Hai của chúng ta sinh ra và lớn lên trên đất bạn cần thấm nhuần ý nghĩa con Lạc, cháu Hồng trong hành trình tìm đến ngôn ngữ mẹ đẻ. Ở Kiev, hầu hết các cháu đều nói tiếng Việt rất tốt, nhiều cháu rất lịch sự khi giao tiếp với người lớn bằng ngôn ngữ thuần Việt – đó là một cố gắng lớn của các bậc phụ huynh trong công việc của những “nhà sư phạm không chuyên”. Ngay như trong gia đình tôi, chúng tôi luôn bắt buộc các cháu nói chuyện với cha mẹ bằng tiếng Việt nên sự giao tiếp, trò chuyện thật thoải mái, thậm chí các cháu còn có thể áp dụng một số câu châm ngôn, ngạn ngữ phù hợp với tình huống cụ thể. Điều đáng mừng là từ lâu chúng ta đã có những lớp dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng. Ở Kiev có cô Vũ Thị Hoàng Yến – một cô giáo giản dị, gần gũi với các cháu học sinh đã gắn bó với lớp tiếng Việt gần chục năm nay tại trường Hồ Chí Minh – ngôi trường duy nhất vinh dự mang tên Bác ở Ucraina: có phòng trưng bày hiện vật về Hồ Chủ Tịch, về đất nước Việt Nam nhỏ bé mà anh hùng...; dịp Trung thu năm 2010 bức tượng Bác bằng đồng chuyển từ Việt Nam sang đã được rước vào vị trí trang trọng tại phòng truyền thống. Ngôi trường đã được nhận được sự quan tâm sâu sát của Đại sứ quán Việt Nam, sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, toàn thể cộng đồng và sự tài trợ nhiệt tình của các nhà hảo tâm...

 Các cháu học sinh Kiev nhận bằng khen, giấy khen về
     thành tích học tập nhân dịp Tết Trung Thu 2010
                    Ảnh Mai Anh – Kiev

“Táo Nhí” báo cáo Ngọc Hoàng – Xuân Tân Mão 2011
                           Ảnh Đỗ Thị Hoa Lý

   Cô Vũ Thị Hoàng Yến và các cháu thiếu nhi
        Tại vườn thực vật Kiev – Hè 2011
 
 
 
 
   Ở Kharkov có trường tiểu học Mùa Xuân với giáo trình dạy tiếng Việt theo quy chế của Bộ giáo dục và đào tạo trong nước. Ở Odessa cũng có cô giáo Loan gắn bó với lớp dạy tiếng việt làng Sen gần 10 năm với mong muốn “tiếng Việt sẽ không mai một với các thế hệ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài...”
    Ngày 27.06.2010, tại thành phố Kharkov đã diễn ra Vòng chung kết cuộc thi giọng hát hay “Tôi yêu tiếng nước tôi” do Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina tổ chức được đánh giá là thành công tốt đẹp với nhiều giọng hát tài năng và triển vọng. Các thí sinh tham gia cuộc thi hát những ca khúc Việt Nam bằng tiếng Việt – đó là sự thành công nhất và mang một ý nghĩa rất lớn lao.
 
     Chung kết cuộc thi giọng hát hay
           “Tôi yêu tiếng nước tôi”
         Theo Nguoivietkharkov.com
    Tôi đã từng vui trào nước mắt khi Tết Trung thu xem các cháu thiếu nhi ở Kiev thi chế tạo và rước đèn kéo quân, biểu diễn các tiết mục văn nghệ bằng tiếng Việt; Tết nguyên đán xem các “táo Nhí” chầu Ngọc Hoàng; hay các cuộc thi Thanh niên, sinh viên thanh lịch với những bài phát biểu, những bài luận văn sâu sắc; đã thổn thức khi nghe cháu Phạm Việt Hà – mang hai dòng máu Việt Nam và Bêlarus trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt rất nhuần nhuyễn trong nhân dịp tham gia trại hè thanh thiếu niên Việt kiều trên toàn thế giới tháng 07.2011! Năm nào cũng vậy, trong chương trình giao lưu trại hè thanh thiếu niên do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các cháu “Tìm về nguồn cội” bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, bằng những hành trình xuyên Việt, tìm hiểu lịch sử, văn hóa của dân tộc và rất đỗi tự hào về đất nước, con người Việt Nam...
   Bên cạnh đó, báo chí của người Việt tại Ucraina do nhiều doanh nhân thành đạt tài trợ cùng với sự ủng hộ của toàn thể cộng đồng đã góp phần rất lớn trong việc tuyên truyền  các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước; cung cấp những thông tin hữu ích cho bà con ta như báo Tuần Tin Quê hương, nêu cao những gương điển hình của các cháu học sinh, sinh viên; những tài năng Việt Nam của người Việt tại Ucraina..Đưa hình ảnh người Việt tại Ucraina đến với người Việt trên khắp năm châu và ngược lại qua các trang điện tử: Doanhnghiep Odessa, Nguoivietkharkov. Thiết nghĩ, đây là những thành công rất lớn của người Việt tại Ucraina trong việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ. Mỗi công dân dù là một doanh nhân thành đạt hay một tiểu thương đều cần giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt.
    Một lúc nào đó, khi bất chợt ta nghe thấy Rađio của Đài tiếng nói Việt Nam – từ trong tâm khảm giọng của Phát thanh viên ngân lên “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” cùng  bản nhạc hiệu Diệt phát xít, ta bỗng thấy trái tim như chùng xuống, như xốn xang trong niềm nhớ nhung vô hạn tiếng Việt thân yêu.Thấy trong tiềm thức niềm tự hào, thiêng liêng và kiêu hãnh của Dân tộc ta. Có xa mới thấy nhớ và trân trọng biết chừng nào! Thấy yêu vô cùng những lời thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu đã được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo chuyển tải thành những giai điệu mượt mà, thiết tha, sâu lắng!
    “Quá nửa đời phiêu dạt con lại về úp mặt vào sông quê. Ôi con sông dạt dào như lòng mẹ, chở che con đi qua chớp bể, mưa nguồn...”⁵ Con sông quê cho ta khúc nhạc lòng, cho lung linh hạt phù sa bồi đắp đôi bờ ngôn ngữ. Con sông quê của mỗi tâm hồn bao dung như lòng mẹ đã theo ta những dặm trường, vỗ về ta những năm tháng xa quê, xoa dịu những nỗi buồn vời vợi, để một ngày nào đó ta lại trở về trong tha thiết tiếng Quê hương!
    Sung sướng biết bao khi ta được giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, diễn đạt những suy nghĩ của mình và từ đó là những hành động cụ thể của một công dân, hoà vào xã hội loài người như một tế bào trong một cơ thể, như một giọt nước trong biển cả mênh mông. Trong cuộc giao lưu văn hóa, hội nhập toàn cầu chúng ta không ngừng học hỏi những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật; những sáng tạo khoa học tiên tiến của nhân loại nhưng chúng ta vẫn vẹn nguyên nguồn gốc con Lạc cháu Hồng, giữ gìn tiếng Việt trong sáng, tri ân tiếng mẹ đẻ  để tiếng Việt không hề mai một cho dù ta ở bất cứ nơi đâu; để tiếng Việt mãi mãi là “thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc” như  Bác Hồ đã dạy;  để mỗi bình minh ngày mới ta lại được vẹn tròn tiếng Việt trên môi!         
                               Kiev, 15.07.2011 Đỗ Thị Hoa Lý
Chú thích:
1: Trích trong bài thơ “Tiếng Quê hương”, thơ Đỗ Thị Hoa Lý
2: Bách khoa toàn thư mở
3: Trích trong bài thơ “Tiếng Việt” của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ
4: Trích “Xa quê nghe tiếng mẹ” sáng tác Nguyễn Trọng Tạo
5: Trích “Khúc hát sông quê” thơ Lê Huy Mậu, nhạc Nguyễn Trọng Tạo