Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SỢ GÌ BỐ CON THẰNG NÀO !

Dương Đức Quảng
Thứ ba ngày 28 tháng 6 năm 2011 7:58 PM

Ngày ấy, bố mẹ tôi mất đi để lại cho chị em tôi căn nhà cấp 4, cạnh ngay nhà người hàng xóm giầu có, có cái biệt thự to đùng. Tôi lớn lên, theo tiếng gọi chống Mỹ cứu nước, lên đường vào Nam chiến đấu. Ở chiến trường tôi gặp và yêu một cô bộ đội, vốn là sinh viên tốt nghiệp đại học Tổng hợp ờ Hà Nội. Sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, cưới nhau xong, vợ chồng tôi trở lại căn nhà cũ ở thủ đô.
Trở về nhà, chị em gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Vợ chồng tôi cùng chị thắp hương trước bàn thờ bố mẹ, nghẹn ngào.

Chị tôi kể những năm tôi vắng nhà, tay hàng xóm giầu có âm mưu thôn tính căn nhà cấp 4 mà bố mẹ tôi để lại nên không từ một thủ đoạn nào để thực hiện ý định đó. Từ việc hắn thường sang ve vãn chị, mong chị yêu thương hắn, ngọt nhạt bảo chị cho hắn sang ở bên nhà này cùng chị. Hắn mang cả luơng khô, thực phẩm đóng hộp, là những thứ của hiếm, sang để “em dùng và gửi vào chiến trường cho cậu”, cố cưa đổ chị tôi. Nhưng chị tôi, tuy vẫn nhẹ nhàng tiếp đón hắn, nhận sự giúp đỡ của hắn nhưng tuyệt nhiên không ngả nghiêng, không nhẹ dạ nghe theo lời hắn, cửa ngõ vẫn cẩn thận. Cưa mãi không đổ, hắn bực tức, hăm he chị tôi, dọa chị nếu không biết điều thì sẽ có lúc hắn dạy cho chị một bài học. Chị dặn vợ chồng tôi dù nghèo khổ đến đâu, dù có bị lão hàng xóm o ép, doạ nạt đến đâu cũng không được để mất căn nhà mà bố mẹ để lại. Bởi vì nơi đây có bàn thờ của tổ tiên và bố mẹ, không thể mang mảnh đất này đi đâu cả.

Ít lâu sau, chị tôi bị trọng bệnh, mất đột ngột. Vợ chồng tôi đinh ninh lời chị dặn, không chuyển nhà đi đâu cả, vẫn làm ăn, sinh sống trên mảnh đất cũ. Chúng tôi dần dần sinh được hai con, một trai và một gái. Còn nhà lão hàng xóm cũng có nhiều thay đổi. Sau khi không ve vãn được chị tôi, lão cũng đã lấy vợ và đẻ một lèo ba thằng con trai, mấy đứa đều hơn con trai và con gái tôi một, hai tuổi.

Rồi chiến tranh biên giới phía Bắc, chống quân Trung Quốc xâm lược xảy ra. Tôi được gọi tái ngũ, một lần nữa lại ra mặt trận chống quân xâm lược. Tôi càng hiểu hơn về cái nước lớn láng giềng “môi hở răng lanh”, hảo hảo nhưng không bao giờ từ bỏ mộng bành trướng, bá quyền, thôn tính Việt Nam.

Sau chiến tranh, trở về, bằng hai bàn tay lao động, chịu khó làm ăn lại tùng tiệm chi tiêu, cuộc sống của vợ chồng tôi và các cháu đỡ vất vả và từ ngày đổi mới  gia đình tôi khấm khá lên. Vợ chồng tôi dành dụm được ít tiền, xây lại căn nhà cấp 4 đàng hoàng hơn trước. Còn lão hàng xóm, không phải như các cụ nói “tam nam bất phú”, lão có ba con trai nhưng nhờ nhanh nhậy và láu cá trong thời buổi kinh tế thị trường gia đình lão ngày một giầu có hơn trước. Lão đập ngôi biệt thự cũ, xây lại một toà nhà cao tầng hiện đại, cao chót vót bên cạnh ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng tôi.

Các con tôi mỗi ngày một lớn, một hiểu thêm về bố mẹ và truyền thống gia đình. Cô con gái của tôi, nhờ trời, không bị ảnh hưởng chất độc da cam từ hai bố mẹ trong những ngày cả bố mẹ đều ở chiến trường miền Nam, không những xinh đẹp mà còn nết na, được nhiều chàng trai yêu quý. Trong số ba người con của lão hàng xóm thì có tới hai đứa yêu con gái tôi. Giống bố chúng ngày trước đã dùng mọi thủ đoạn ve vãn và doạ dẫm chị tôi, cả hai thằng con lão hàng xóm cũng dùng đủ mọi chiêu để cố cưa đổ con gái tôi. Nhưng cháu không hề yêu đứa nào cả. Thế là cả bốn bố con lão hàng xóm tìm mọi cách o ép, chọc giận vợ chồng tôi và các cháu, cố kiếm cớ để có thể phá tan gia đình tôi. Nhà tôi có cây ổi quả to bằng chiếc bát ăn cơm trồng trên miếng đất tí tẹo trước nhà mấy lần bị mấy đứa con lão hàng xóm hái trộm, có lần chúng dùng cả câu liêm ngoắc sang. Còn con gái tôi mỗi lần ra đường là đều bị một trong hai thằng con trai lão hàng xóm kè xe theo, cợt nhả. Cợt nhả không được, có lần thằng con trai to khoẻ, ngỗ ngược nhất trong ba đứa con lão hàng xóm còn vạch quần đái bậy vào cổng nhà tôi, trước mặt con gái tôi. Thằng con trái của tôi điên tiết, tuy nhỏ con và ít tuối hơn nhưng lập tức cầm dao mở cổng xông ra định xỉa  cho nó một cái thì nó đã vội ba chân bốn cẳng chạy về nhà, gọi bố và hai anh em nó xuống, hùng hổ.

Sau bữa đó, nhà lão hàng xóm tối tối lại mở loa, bật nhạc hết công suất, mở hết cửa kính, cửa chớp chĩa sang nhà tôi. Nhiều khi lão và  mấy đứa con của lão còn ném cả vỏ chuối, vỏ dưa, vỏ mít và những thứ rác rưởi khác  từ tầng cao của toà nhà hắn sang nhà tôi. Có hôm thằng con trai út nhà lão lại còn ném đá làm vỡ cả ngói ngôi nhà tôi. Tôi và thằng con trai điên tiết mấy lần to tiếng với bố con lão hàng xóm về cái sự đểu giả này, nhưng vẫn không lại. Hai bố con tôi nói một thì bốn bố con hắn nói mười, nhiều khi ầm ĩ cả khu dân cư. Bà con khối phố đều biết bố con lão hàng xóm đều là đồ mất dạy, ngỗ ngược, thông cảm và ủng hộ gia đình tôi, nhưng cũng chỉ có mức độ. Bởi  vì nhiều người cũng ngán mấy bố con lão ba trợn, không muốn dây vào.

Còn vợ tôi, vẫn tính điềm đạm, lo xa của một cô gái Hà Nội có học, nhiều lần bảo với bố con tôi:
-   Thôi bố con ông để tôi sang bên đó gặp bà vợ ông ta xem sao. Tôi thấy bà ấy cũng không đến nỗi nào, có thể nói chuyện được. Tôi tin nếu bà ấy không đồng tình thì bố con ông ta cũng không dám làm gì gia đình mình. Còn không, cứ để diễn ra cái cảnh ầm ĩ đôi co suốt ngày này sang ngày khác, suốt tháng năm này sang tháng năm khác thì còn đâu yên ổn làm ăn. Còn bố con ông phải chuẩn bị sẵn sàng, một mặt ta làm lại cửa, xây lại tường rào, làm lại cổng sắt cho kiên cố, mặt khác bớt chi tiêu, dành tiền lặng lẽ mua thêm dao, súng đạn phòng thủ, chẳng cần ầm ĩ làm gì Tôi sang nói chuyện không thành, bố con lão ấy mà không nghe lời khuyên của tôi và vợ lão, vẫn hung hăng gây sự thì, khi nào chúng mang gậy gộc, súng ống sang đây tôi cũng sẽ cùng bố con ông đánh trả, giữ bằng được mảnh đất có bàn thờ tổ tiên và cha mẹ để lại. Không đi đâu cả.

Nghe vợ tôi nói, tôi thấy bà ấy có lý. Tôi biết, bà ấy từng là bộ đội ở chiến trường, nay là cựu chiến binh nên máu chiến chẳng kém gì tôi. Chỉ có điều bà ấy bình tĩnh trong mọi việc. Trên hết lúc nào bà ấy cũng mong muốn gia đình bình yên, vợ chồng, con cái hoà thuận, không có đổ vỡ, mất mát, dù bất kỳ nguyên nhân nào và đến từ đâu.

Sau chuyến sang nhà lão hàng xóm nói chuyện cùng vợ lão, tôi thấy cả khu phố vui mừng vì bớt tiếng ầm ĩ giữa nhà lão hàng xóm với gia đình tôi.
Còn bà nhà tôi thì vẫn cái giọng nhỏ nhẹ, bình tĩnh nhưng không kém quyết liệt của một cô sinh viên cựu chiến binh bảo với bố con tôi
-   Được đến đâu hay đến đấy. Ông và các con cứ chuẩn bị sẵn sàng, nhớ lời tôi dặn: “Con giun xéo mãi phải quằn”, khi cần thì mình “chiến”, sợ gì bố con thằng nào!
Hà Nội, 28/6/2011