Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI VIỆT NAM CÓ BÀI HOA KHÔNG ?

Bùi Công Tự
Thứ hai ngày 27 tháng 6 năm 2011 5:30 AM
 

Phải chăng ông Trời phú cho đất nước Việt Nam thiên thời, địa lợi và con người hòa hiếu hơn đất nước Trung Quốc nên hàng triệu người Hoa đã bỏ lại mồ mả tổ tiên để di cư đến Việt Nam mưu cầu đời sống, từ ngàn năm xưa và cả hôm nay ?
Một thập niên qua lượng người Trung Quốc vào Việt Nam càng ngày càng nhiều. Họ đến để kinh doanh hay làm gì gì nữa thì chỉ có họ biết. Một số đông đến theo rất nhiều các dự án của Việt Nam mà các công ty Trung Quốc trúng thầu giá rẻ. Một tỉnh nhỏ như Ninh Bình mà cũng đang có tới 2400 người Trung Quốc làm việc. Các nơi khác như Hải Phòng,  thành phố Hồ Chí Minh thì số người Trung Quốc còn đông gấp bội. Suy ra cả nước con số rất lớn. Nó chiếm mất đáng kể chỗ làm việc của những người Việt Nam đang còn thất nghiệp.
Hôm nay tôi đọc thấy một bạn viết trên blog cá nhân những dòng sau đây:
“Mình cũng lấy làm lạ, sao mà lắm Tàu trên đất nước mình thế ? Có đi từ Bắc vào Nam mới biết. Trên tàu hỏa cũng thấy đông, xuống ga cũng gặp nhiều, qua Thanh Hóa, Vinh và các thành phố khác cũng nhan nhản người Tàu”.
“Ở Việt Nam trông thấy anh nào nhếch nhác, đầu trọc, mắt một mí, thuốc lá rút từng điếu ra mời thì chắc chắc đó là cái anh người Tàu…nhận ra ngay” (Blog Mai Tiến Nghị).
Thành phố Hồ Chí Minh nơi tôi ở có lẽ có nhiều người Trung Quốc hơn các tỉnh thành khác. Có hôm 5h sáng đi thể dục đã gặp một anh “đầu trọc, mắt một mí” ngồi sau xe máy một cô gái từ trong hẻm đi ra. Những người Trung Quốc mới đến thành phố này chủ yêu làm kinh doanh nên trông họ cũng khá lịch sự. Những chuyện tôi nghe kể người Trung Quốc làm tầm bậy tầm bạ thường là ở nơi có những công trình xây lắp hay khai mỏ. Như chuyện ở Thanh Hóa họ kéo bè kéo đảng cả trăm người cầm gậy gộc đang đêm xông vào làng đuổi đánh bà con ta. Cảnh ấy đã có người quay được video phát trên mạng internet.
Vậy chúng ta nên nhìn nhận về những người Trung Quốc đang làm việc ở Việt Nam như  thế nào ?
Thực tế đã cho chúng ta bài học lịch sử là những người cầm quyền Bắc Kinh luôn luôn tìm mọi cách kìm hãm sự phát triển của Việt Nam, khi ngấm ngầm, khi công khai phá hoại chúng ta. Họ đang từng bước xâm chiếm biển đông và Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam cũng như đang rục rịch gây hấn ở biên giới phía Bắc. Về lâu dài họ có dã tâm xâm lược cả nước ta. Chính vì thế họ buộc chúng ta phải cảnh giác với mọi người Trung Quốc đang hiện diện trên đất nước này.
Rất có thể cái anh người Tàu đang tợp li café ở bàn bên cạnh chỗ ta ngồi là một tên gián điệp Bắc Kinh ? Rất có thể cái cậu “đầu trọc, mắt một mí” đêm qua ngủ trọ nhà cô gái trong hẻm là một tên phá hoại ? Rất có thể cái đơn vị sản xuất gồm những nhà quản lý, kỹ sư và công nhân đang xây lắp cho một dự án trúng thầu kia là một đơn vị sư đoàn hoặc trung đoàn quân đội Trung Quốc trá hình ?  Và ai biết được họ đang thực hiện âm mưu gì trong những khu đất mênh mông mà họ rào kín bưng nội bất xuất, ngoại bất nhập ?
Vì thế tâm lý nhân dân ta hiện nay là không muốn có người Trung Quốc trên đất nước mình. Đó là sự thật. Vì cảnh giác là chính chứ không phải vì sợ mất chỗ làm việc.
Tuy vậy để khách quan chúng ta cứ đặt ra câu hỏi: Người Việt Nam có bài Hoa không ?
Bảo không ư? Sao các anh chị lại gọi người Trung Quốc là Tàu khựa, Tàu ô, Chú Khách?
Xin thưa đó cũng là sự thật, sự thật của những câu nói đùa.
Sự thật không đùa là người Việt Nam đã thờ Khổng Tử, thờ ông Quan Vân Trường ở những đền miếu tôn nghiêm nhất. Thậm chí một tên tướng giặc như Sầm Nghi Đống cũng được dân ta cho một cái miếu thờ nho nhỏ. Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng có một đại lộ rất đẹp mang tên Tôn Dật Tiên và một trường học mang tên một người Trung Quốc khác.
Sự thật lịch sử là đất nước và nhân dân Việt Nam đã cưu mang hàng triệu người Trung Quốc đến làm ăn sinh sống. Theo tài liệu lịch sử, cuộc di cư của người Hoa đến Việt Nam phổ biến từ sau các cuộc chiến tranh ở Trung Quốc. Họ chạy trốn các cuộc chiến cuối đời Đường – đầu đời Tống (960-1279), cuối đời Tống – đầu đời Nguyên (1279-1368), cuối đời Nguyên – đầu đời Thanh (1662-1911).
Những đô thị thương mại như Vân Đồn (TK XV), phố Hiến (TK XVI), Hội An (TK XVII) và Sài Gòn – Chợ Lớn (TK XVIII-XX) là nơi tập trung nhiều người Hoa sinh sống nhất.
Năm Kỷ Mùi (1679) hai viên tướng của nhà Minh là tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Trân Thượng Xuyên, sau khi thua trận với người Mãn Thanh, đã đem 3000 quân chạy sang vùng cửa biển Thuận An của Việt Nam. Không chịu làm tôi tớ cho nhà Thanh nhưng họ chấp nhận làm bề tôi cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã cưu mang những người Trung Quốc này, cho họ về ở vùng Biên Hòa (Trần Thượng Xuyên) và vùng Mỹ Tho (Dương Ngạn Địch). Sau này những người Trung Quốc nói trên đã đóng góp vào việc phát triển những vùng đất đó.
Một người Trung Quốc khác cũng là tướng nhà Minh chạy sang Việt Nam là Mạc Cửu thì được chúa Nguyễn cưu mang ở vùng đất Cà Mau.
Giữa TK XIX, để tránh sự đàn áp của nhà Thanh, hàng ngàn người Trung Quốc và gia đình thuộc đội quận Cờ đen, Cờ vàng vốn là tàn quân của các cuộc khởi nghĩa của nông dân Trung Quốc dã từ Quảng Đông, Quảng Tây tràn vào Việt Nam. Đội quân Cờ đen do Lưu Vĩnh Phúc (1837-1917) cầm đầu đã tham gia cùng quân đội nhà Nguyễn đánh Pháp, giết được viên đại úy Garnier tại Cầu Giấy.
Những người Trung Quốc này sau khi tổ chức bị tan rã đã không trở về Trung Quốc. Họ định cư tại các vùng miền núi của Việt Nam như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Tại vùng Định Hóa và Đại Từ Thái Nguyên tôi đã gặp những người họ Lương tự nhận là họ hàng của Lương Tam Kỳ một thủ lĩnh quân Cờ đen. Như vậy thêm một lần nữa đất nước Việt Nam lại cưu mang những người tị nạn đến từ phương Bắc cho dù có một thời họ làm thảo khấu.
Người Hoa hay người gốc Hoa hiện nay đang sống trên lãnh thổ Việt Nam có gần 1 triệu người. Tỉnh thành nào ở Việt Nam cũng có người Hoa. Đông nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh. Do sống ở Việt Nam lâu đời nên đa số bà con người Hoa có quốc tịch Việt Nam. Tuy thế họ vẫn giữ được bản sắc Hoa rất đậm, vẫn nói tiếng Hoa, phong tục tập quán Hoa. Đồng thời họ thông thạo tiếng nói và tập quán của người Việt. Những năm gần đây người Hoa ở Trung Quốc lục địa, Đài Loan, Hồng Kong đến làm ăn ở Việt Nam chưa có số liệu nhưng ước đoán cũng phải vài chục ngàn người. Nhìn chung người Hoa và gốc Hoa đang sống ở Việt Nam đều có đời sống khá giả hơn người Việt.
Cũng cần nói thêm là trong số những người Trung Quốc đang làm việc ở Việt Nam hiện nay có nhiều người là dân nghèo, họ đến Việt Nam để kiếm miếng cơm manh áo. Cho nên chúng ta cần nhìn họ với con mắt nhân văn.
Bây giờ xin bạn đọc trả lời giúp tôi câu hỏi: Người Việt có bài Hoa không ?
Tuy nhiên với người Trung Quốc tôi xin nhắc tại đây câu nói của nhà cách mạng Tiệp Khắc tác giả “Viết dưới giá treo cổ”: CON NGƯỜI, HÃY CẢNH GIÁC ! TÔI YÊU TẤT CẢ CÁC NGƯỜI.
TP Hồ Chí Minh 26/06/2011