Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI GIỮ GÌN MỘT MẢNG "HỒN VIỆT" Ở HỒNG KOONG

Tô Thùy Anh
Thứ tư ngày 29 tháng 6 năm 2011 10:31 PM
 
N hiều năm qua, tình hình các tranh, tượng quý của nền Mỹ thuật Việt Nam bị bán ra nước ngoài và “không hẹn ngày trở lại” đã làm đau đầu không ít người dân Việt yêu nước và thiết tha quý trọng nhửng di sản văn hóa của dân tộc mình. Trong khi đó, việc quảng bá các tranh hiện đại của Việt Nam ra nước ngoài là một điều hiếm thấy khiến nền hội họa Việt Nam chưa thể có được một ví trí xứng đáng trên thế giới. Trong hoàn cảnh đó may sao vẫn có được một số người Việt ở nước ngoài đã có công thu thập và giữ gìn từng mảng “hồn Việt”trong các bộ sưu tập của gia đình.
Một dịp may cho chúng tôi là được tới thăm và xem qua bộ sưu tập tranh và tượng cổ Việt Nam của gia đình cô Thanh Tú, một luật sư hành nghề tại Hồng Kông. Đó là một kho tranh và tượng khá phong phú gồm nhiều tranh quý của nhiều họa sĩ Việt Nam tiêu biểu qua các thời kỳ và các tượng cổ Việt Nam từng bị bán qua Thái Lan, Singapore, Hồng Kông…mà vợ chồng cô sưu tầm được. Theo thiển ý của tôi, riêng về tranh thì đây là một bộ sưu tập khá chọn lọc, có giá trị nghệ thuật cao mà không phải ai có tiền cũng thực hiện được mà nó còn đòi hỏi người sưu tập phải có tấm lòng say mê và trình độ thẩm mỹ cao…
 Chúng tôi ngạc nhiên khi được biết cô Thanh Tú không hề xuất thân trong ngành hội họa. Cô cho hay khi ở Việt Nam cô học chuyên ngành ngoại ngữ, song lúc nhỏ thường được nghe bố mẹ và bạn bè của bố mẹ bàn bạc về văn chương, hội họa…nên cô thích thưởng thức mỷ thuật và âm nhạc. Từ khi qua sống và làm nghề luật sư tại Hồng Kông cô mới có dịp quan tâm nhiều hơn tới hội họa, rồi tự tìm hiểu và nghiên cứu thêm qua sách báo và các bộ sưu tập quý ớ các bảo tàng nhiều nước…Những lúc rảnh rỗi cô có thú vui cùng chồng (một kỹ sư người Anh) đi xem các triển lãm và các cuộc đấu giá tranh ở Hồng Kông và Singapore.
  Năm 1995, trong một cuộc triển lãm tranh của nhà đấu giá Sotheby’s, cô được gặp nữ bá tước người Pháp Corinne de Ménonville, một chuyên gia Hán học và đồ gốm từng tốt nghiệp Tiến sĩ Ngôn ngữ và văn minh Đông phương tại trường Đại học Sorbonne – Paris , được nghe bà chỉ dẫn , phân tích về hội họa Việt Nam dưới con mắt nhìn của nhà nghiên cứu phê bình nước ngoài. Những bài học quý từ một chuyên gia cực kỳ am tường về nền mỹ thuật Việt Nam đã truyền cho cô biết bao cảm xúc và niềm say mê tìm hiểu thêm về nền hội họa dân tộc rất đáng tự hào. Cô khao khát tìm hiểu rộng hơn về tranh Việt Nam, không chỉ qua các tác phẩm kinh điển của các danh họa được đào tạo trong khóa đẩu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux Arts) và sống trong nước như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân…mà cô còn được tiếp cận với các tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy sống ở Pháp như Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ…Đó cũng là lần đầu tiên cô biết tới các danh họa Việt Nam sống và sáng tác ở nước ngoài và quyết định sưu tầm tranh của họ.
Cũng nhờ sự kết bạn và nhận sự hướng dẫn của các bậc đàn anh đàn chị trong nhà đấu giá Sotheby’s, cô bắt đầu bằng việc sưu tập các tác phẩm của các danh họa bậc thầy của Việt Nam. Sau đó, với nhiệt tình tuổi trẻ và sở thích theo đuổi “cuộc phiêu lưu giữa truyền thống và hiện đại” cô sưu tập tranh của các họa sĩ Việt đương đại, các họa sĩ trẻ với các tác phẩm mang đề tài mới, phong cách mới. Cô tâm sự rằng khi xem tranh cô đi theo cảm nhận riêng của mình , xem mình hiểu và cảm nhận được tới đâu rồi lựa chọn những bức gây ấn tượng chứ không nhất thiết chọn mua tranh vì tên tuổi của các tác giả. Theo cô, khi người  họa sĩ trẻ đưa ra những ý tưởng đột phá, làm rộng hơn ranh giới nghệ thuật , tìm được phong cách riêng mà không lặp lại những phong cách sáng tác của các họa sĩ đi trước, đó là sự sáng tạo gây phấn khích cao độ cho ngưởi sưu tập và đưa đến sự thành công và thành danh cho người họa sĩ trẻ…Cô đưa ví dụ của họa sĩ I NYOMAN MASRIADI, người Indonesia và họa sĩ NATEE UTARIT, người Thái Lan là những họa sĩ đã bền bỉ “khổ luyện” không chạy theo xu hướng thị trường cho đến khi tạo được phong cách hoàn toàn khác biệt. Cô mong rằng Việt Nam cũng sẽ có những họa sĩ như họ.
  Trong những năm 90 của thế kỷ XX, hội họa Việt Nam còn rất mới mẻ đối với thế giới và thời gian đó các họa sĩ Việt Nam bắt đầu có điều kiện ra nước ngoài triền lãm. Ở Hồng Kông cô Tú luôn quan tâm theo dõi và tham dự những cuộc triển lãm hiếm hoi này. Khi các họa sĩ Trần Lưu Hậu, Đỗ Quang Em, Bửu Chỉ, Lê Thiết Cương lần đầu tiên sang triển lãm tranh tại Hồng Kông với sự tài trợ của các gallery Hồng Kông, lúc đó đang theo học ngành Luật, cô vẫn dành thời gian gặp các họa sĩ, giúp họ phiên dịch và trả lời phỏng vấn của báo giới…Từ đó cô đã bắc được những nhịp cầu liên hệ gắn bó với nhiều họa sĩ Việt Nam.
  Trở lại với bộ sưu tập tranh Việt Nam của cô, tôi thấy có tranh Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Kháng, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Tư Nghiêm, Mai Long, Trần Trung Tín, Đỗ Quang Em, Bửu Chỉ, Phan Cẩm Thượng…bên cạnh tranh của các họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam, Lê Thanh Sơn, Suối Hoa, Công Quốc Hà, Đình Dũng Nguyển Nhật Dũng…Mỗi bức tranh kể một câu chuyện, thể hiện rõ bóng dáng một thời kỳ lịch sử, nói lên tâm sự riêng của người họa sĩ…Và trên tất cả, các bức tranh đã phản ánh được các “nét văn hóa” đặc trưng của người Việt Nam, thể hiện rõ một mảng “hồn Việt” thiêng liêng ấm áp đang tồn tại trên xứ người…
  Khi tôi ngỏ lời khen cô và người chồng đã biết trân trọng và yêu quý các tranh và tượng cổ Việt Nam, cô Tú nói rằng việc sưu tập tranh Việt Nam và quảng bá hội họa Việt Nam với thế giới là điều “tất cả chúng ta nên làm khi có điều kiện”. Theo cô chỉ khi người Việt Nam trân trọng và bảo tồn văn hóa của chính mình mà không cần dựa vào các nhà sưu tập nước ngoài thì nghệ thuật và văn hóa của mình mới sống mãi và phát triển mạnh hơn. Cô còn vui vẻ cho biết rất nhiều người Việt sống xa quê hương đã sưu tập tranh Việt Nam và cô cũng chỉ là một cá nhân có được một bộ sưu tập tranh khiêm tốn.
 Tuy nhiên, với bộ sưu tập tranh Việt Nam của mình tôi biết cô và người chồng đã mất nhiều công phu, đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc mới có được. Và bộ sưu tập này chỉ hình thành khi trái tim họ luôn hướng về Việt Nam, hòa chung nhịp đập với trái tim của những người Việt Nam yêu nước luôn có ý thức giữ gìn và giới thiệu những nét rạng rỡ của nền hội họa Việt Nam với bè bạn gần xa ./.
    Bài viết cho tạp chí Hồn Việt – Hội Nhà Văn Việt Nam
Ảnh kèm: Một số bức tranh Việt Nam quý trong căn hộ của gia đình cô Tú   :