Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÂM HƯỞNG CỦA HẢI TẦN PHÒNG THỦ

Vân Long
Thứ hai ngày 27 tháng 6 năm 2011 7:25 PM

Phác tính từ ngày ấy đến nay, đã 39 mùa hè, mà tôi không sao quên được mùa hè đỏ lửa 1972 năm ấy! Thành phố Hải Phòng vốn được mệnh danh là thành phố Hoa Phượng đỏ, những ngày ấy hoa rực đỏ khác thường trên nền trời khói bom lẫn vào mây trắng. Hoa phượng đỏ rụng đầy hè phố  lẫn vào sắc ngói vỡ sau mỗi trận bom rung chuyển cả mặt đường. Ngày đầu   của chiến dịch không lực Mỹ đánh phá Cảng Hải phòng và phong toả thuỷ lôi trên mặt biển, đã có hơn ba trăm trái bom xuyên, bom phá rải khắp bến bãi, cầu tầu. Nhưng cái dữ dội ghê gớm hơn ở lần này lại là sự lặng im trong lòng biển không nhìn thấy được và chưa đếm xuể những trái thuỷ lôi như lũ  thuỷ quái rải khắp từ Hòn Dáu đến phao số không. Cả một vùng Cát Bà, Cát Hải…một vùng biển bị đóng băng, hòng làm chết cứng những con tàu bè bạn từ bốn phương trời chở hàng viện trợ đến Việt Nam.
 Rồi, như một phép lạ, những con người bình thường tôi vẫn gặp ở một quán trà chén đầu đường, một quán phở “không người lái” (tức phở không     thịt) bỗng thành những con người siêu thường trong mọi việc.
 Phố tôi ở rất gần cổng Cảng, thấy mấy cô gái giao nhận hàng khoác ba lô và chiếc cạp lồng ríu rít đi qua, tôi hỏi “ Không còn hàng để giao nhận, các cô ra nơi sơ tán chăng? “ “ Không! Chúng em đã có việc khác, phải ghi nhận món hàng khác!” Rồi các cô cười rúc rích đấm nhau, trêu nhau trên hè   phố. Sau hỏi ra mới biết: các cô được phân công tới những điểm cao quanh khu vực Cảng biển, tới cả những mỏm đá Cát Bà để mỗi khi máy bay Mỹ rải thuỷ lôi, sẽ đánh dấu nơi có thuỷ lôi vào tấm bản đồ khu vực.
 Anh bạn hoa tiêu Cảng vụ hay sang chỗ tôi mượn sách bỗng biệt đi đâu hàng tuần, trở về với gương mặt phờ phạc hẳn do thiếu ngủ. Nhưng giọng anh sáng lên một niềm vui: “Ổn rồi! Không chỉ là  bến Sáu Kho, mà 60 kho cũng có!“ Anh kể sơ sơ về chuyến đi. Không thể cả nhóm hoa tiêu ngồi trên một chiếc ca nô. Lỡ chạm thuỷ lôi là Cảng vụ hết người làm hoa tiêu. Các anh đi hàng một, mỗi ca nô chỉ một người, người này “bị”, người sau vẫn ghi nhận được đọan đường đã khai thông. Hoá ra nhóm hoa tiêu của anh có nhiệm vụ tìm những hang đá có thể giấu hàng và tuyến đường an toàn (tương đối) để chuyển hàng từ những con tàu không di chuyển được xuống những xà lan tới nơi cất giấu. Mọi việc đều diễn ra lặng lẽ từ đêm này sang đêm khác. Còn sau đó hàng đi đâu, bằng cách nào, chỉ sau này tôi mới rõ: Chàng thuỷ thủ trẻ  làm thơ, một chàng trai Hà Nội cứ lúc biến lúc hiện ở bàn trà, quán cóc cà phê với các bạn thơ Hải Phòng, có khi hàng mấy tháng mới lại thấy mặt anh, là một thuyền viên của đoàn tàu không số, đó là nhà văn tóc trắng Nguyễn Khắc Phục của chúng ta hôm nay.
 Cảng Hải Phòng có một Đội văn nghệ mạnh. Trước tình trạng tinh thần không ổn định của các thủy thủ nước ngoài “bị giam” trên những con tàu bất động (đến bao giờ mới được giải thoát? Lại còn rau tươi, nước uống   cũng thiếu. Một chuyến chở  thực phẩm ra, có thể đổi mấy mạng người!). Việc trấn an các thuỷ thủ tàu bạn không gì bằng văn nghệ. Thế là họ tình nguyện lên một chiếc ca nô sơn trắng, cắm lá cờ Tổ quốc phần phật bay đầu mũi. Đi hát mà như đi vào đất chết, bởi chỉ một tiếng nổ của thủy lôi, chiếc ca nô chở họ sẽ bị tung lên không… Người lái ca nô mang theo bản sơ đồ có đánh dấu những chấm đỏ. Ấy là để yên tâm, giảm thiểu tai họa phần nào, làm sao tin được độ chính xác của mấy cô bạn mình chỉ quen ghi con số các kiện hàng, đã biết tọa độ trên biển là thế nào? Thế mà, trong đêm ấy họ đã có hai cuộc biểu diễn trên boong tàu dưới làn pháo sáng và những cầu vồng lửa, đạn pháo từ hạm đội 7 Mỹ bắn vào bờ biển…
Anh cán bộ văn hoá muốn ghi nhận được văn hoá chống giặc  của quân dân Hải Phòng cũng phải mặc áo phao, đội mũ như lính xe tăng mới      được xuống ca nô rà phá thuỷ lôi trò chuyện.Người trực tiếp rà phá thì khỏi nói, phương  pháp nào cũng thử dùng, kể cả phóng tốc độ qua bãi bom chìm, kích thích cho bom nổ. Không ít lần, thuỷ lôi hất tung đuôi ca nô và người lái ngất đi, “Đồng đội vớt họ lên như vớt cá/ Tỉnh dậy lại lao vào cuộc đấu: Thông luồng!”như một nhà thơ Hải Phòng đã viết.  Không ít lần, có những ca bị chùn cột sống, thương tật cả đời…                    
 “Giặc đến nhà…” câu cửa miệng của cha ông với những mẩu chuyện trên khiến ta cũng không mấy ngạc nhiên khi người chỉ huy nhóm thanh niên phá bom nổ chậm trong khu phố đông dân lại là người khuyết tật, lẩy bẩy tì trên cây gậy mới di chuyển được. Vì anh là bí thư Chi đoàn thanh niên một tiểu khu thuộc quận Hồng Bàng, nay là nhà thơ Trần Quốc Minh của Hải Phòng. mà khi được kết nạp Hội viên Hội nhà văn VN và những kỳ Đại hội anh cũng không đủ sức khoẻ đến dự.
          Chúng ta không quên ơn nhân dân các nước trong thời chiến đã gửi vũ khí, hàng viện trợ đến Việt Nam, nhất là hai nước lớn Liên Xô và Trung Quốc. Nhưng thời thế đổi thay, lòng tham vô hạn đã che mờ lý trí. Có kẻ chỉ  muốn ra uy mà quên điều tín nghĩa. Chúng ta tin rằng: Tinh thần tự cường dân tộc đã chẩy trong huyết quản chúng ta tự nghìn năm mà lịch sử đã chứng minh. Thời bình, chúng ở dạng tiềm ẩn trong những con người lao động bình thường, khi quốc biến, họ sẽ chẳng khác những người công nhân, thuỷ thủ, hoa tiêu tôi vừa nhớ lại ở những dòng trên của mảnh đất Hải Tần Phòng Thủ, chỉ cái tên người xưa đặt đã mang ý nghĩa tự cường.