Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÙI NGỌC OÁNH – VỊ TƯỚNG TÌNH BÁO CỦA NGHĨA QUÂN LÊ LỢI

Trần Mỹ Giống
Chủ nhật ngày 26 tháng 6 năm 2011 8:12 PM

          Năm 1427 cuộc kháng chiến 10 năm chống quân xâm lược Minh của nhân dân ta do Lê Lợi lãnh đạo đã giành thắng lợi. Trong chiến thắng đó có công lao đóng góp của vị tướng quân tình báo Bùi Ngọc Oánh. Bùi Ngọc Oánh cũng có nhiều đóng góp xây dựng quê hương Thọ Tung như mở trường thuê thày dạy học cho con em trong xã, chiêu dân khai hoang phục hóa vùng đất phía đông làng tạo thành vùng đất trù phú. Hiện ở  làng Thọ Tung (xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) còn ngôi đền thờ Bùi Ngọc Oánh và Trần Hưng Đạo được xây dựng từ thời Lê và chùa Thọ Tung thờ thiền sư Bùi Huệ Tộ. Cụm di tích đền chùa Thọ Tung đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 52/2001/QĐ-BVHTT ngày 28 tháng 12 năm 2001.
          Bùi Ngọc Oánh là người võ giỏi văn hay. Tại đền thờ anh em Bảng nhãn Lê Hiến Giản và Thái học sinh Lê Hiến Tứ ở xã Nam Thanh (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) còn có câu đối của Bùi Ngọc Oánh:
          Huynh đệ nhất môn giai hiển tích
          Võ văn lưỡng vị tịnh phong thần
          (Anh em từ một cửa nhà, tiếng hay đều nổi;
          Văn võ dù chia đôi ngả, đều được phong thần).
          Tiến sĩ triều Mạc Trần Đình Huyên, người xã Cổ Chử (nay thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) có bài “Thọ Tung thành hoàng” (chép trong cuốn “Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược” của Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh) ca ngợi Bùi Ngọc Oánh như sau:
          Trất phong mộc vũ đáo tha phương
          Kỷ độ lâm nguy bất cải thường
          Vị quốc vong gia thùy đắc thử
          Thiên thu hương hỏa sắc tư chương.
          (Tắm mưa gội gió chốn quê người
          Bao độ gian nguy chẳng đổi dời
          Vì nước quên nhà ai sánh được
          Ngàn thu hương khói sắc phong rồi).
          Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh người xã Chân Mỹ huyện Đại An (nay thuộc xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) là Tế tửu Quốc Tử giám triều Nguyễn cũng có bài “Thọ Tung phúc thần” nói về Bùi Ngọc Oánh chép trong “Cố hương vịnh tập” như sau:
          Diệc vi khai quốc nhất công thần
          Lê đế đương thời dị chí trân
          Sơ vị gia bần hương bất trọng
          Hậu thành lương tướng sắc phong thần
          Khai hoang tế cấp do tồn tích
          Tộc miếu hương từ thượng mộc ân
          Khuất chỉ hoang hoa tứ bách tán
          Hương yên thi chúc kế truyền vân.
                   (Cũng là khai quốc công thần
          Đương thời Lê đế nhiều lần ban khen
                   Lúc đầu nghèo, có ai tôn
          Sau thành tướng giỏi ơn trên trên phong thần
                   Khẩn hoang còn giúp khó bần
          Họ thờ, làng cúng đội ân tỏ lời
                   Bốn trăm năm chục năm rồi
          Khói nhang cầu vọng nối đời không quên).
                                      (Dương Văn Vượng dịch)
                    Chúng tôi cung cấp tài liệu “Lê triều đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Bùi công sắc phong nhân đức phúc thần sự tích” của Nguyễn Bính soạn năm 1572 do Dương Văn Vượng dịch để bạn đọc rõ thêm về thân thế, công lao của Bùi Ngọc Oánh.
 
SỰ TÍCH ĐẶC TIẾN PHỤ QUỐC THƯỢNG TƯỚNG QUÂN BÙI CÔNG SẮC PHONG NHÂN ĐỨC PHÚC THẦN TRIỀU LÊ SƠ
 
          Ở nước ta vào thời cuối Trần, tại xã Bùi Xá, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa nội, có Bùi bá công tên là Ngọc Khuê, ban đầu đã dự vào giám sinh Quốc Tử giám, sau vì chán cảnh đời loạn lạc nên lùi bước về quê lấy vợ tên là Nguyễn Thị Khương người thôn Trạng Sơn cùng xã, lấy nghiệp gia truyền chữa bệnh làm kế sống. Vợ chồng hòa thuận ở ăn, một chút hại người không để dạ, thoáng điều ích kỷ chẳng sinh lòng, hàng ngày chế tác thuốc lá, ra bán tại chợ thôn Hoa cùng xã cũng đủ ấm no sớm tối. Vào năm Kỷ Tỵ (1389) em ruột Bùi bá công là thúc công Ngọc Huy đang làm trấn quan ở huyện Nông Cống bị thất thủ(1) bèn cùng vợ con nhân đêm trốn đi. Một ngày kia lưu lạc đến xã Thọ Tung, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ, thấy dân cư nơi này khá giả, phong tục thực thà, bèn gửi lời với phụ lão sở tại xin ngụ lại, vẫn lấy nghề y làm kế sống, mai danh ẩn tích, cùng vợ con 6 người, rồi định cư và trở nên một nhà giàu có.
          Ở nơi quê cũ còn Bùi bá công, đến giờ Dần ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1394), khi Nguyễn thị vừa mới ở chợ thôn Hoa trở về nhà thì sinh được một trai. Lúc này Bùi bá công còn đi hái thuốc chưa về, vì buồn ngủ nằm ở trong rừng mơ thấy có con hổ xám từ trong hốc đa đến nằm ở bên dưới chân mình, khi tỉnh dậy về nhà thấy vợ đã sinh, bèn đặt tên cho con là Ngọc Oánh. Ông vui mừng sắp lễ ra  tạ ở miếu Thành hoàng làng. Năm con lên 7 tuổi, ông mời thầy Lâm ở làng bên về nhà dạy học cho con. Qua mấy năm luyện tập, phàm các sách thao lược của Tôn Ngô, kinh nghĩa của Khổng Mạnh, Ngọc Oánh đều thông thạo cả. Đến năm Giáp Ngọ (1414) Ngọc Oánh nghe tin ông Nguyễn Chích đang tụ nghĩa ở núi Hoàng Nghiêu là người có lượng bao dung, có tài ngang dọc, bèn đem 20 người khỏe mạnh cùng quê đi theo. Năm Canh Tý (1420) ông theo Nguyễn Chích đến dưới cờ ông Lê Lợi xin đi dẹp giặc. Lê Lợi thấy Ngọc Oánh là người có học vấn sâu rộng, khỏe mạnh khác thường, bèn cất nhắc làm chức Chủ bạ trong quân. Phàm các việc xảy ra hàng ngày dưới ngọn bút ông đều tuân theo mệnh trên ghi chép cả.
          Năm Ất Hợi (1419) ông làm chức Tiên phong, trong việc đánh đồn Nga Lạc, bắt sống được tướng giặc Minh tên là Nguyễn Sao. Cùng năm này, ông lấy người con gái ở Chí Linh tên là Nguyễn Thị Khung làm vợ. Bố vợ ông là Nguyễn Thiệp đang làm chức Điều hộ ở trong quân. Nguyễn thị là người có nhan sắc, lại có sức khỏe. Bà nhận chức vệ sỹ chấp kích dưới trướng chồng mình, tạo được nhiều tiếng tốt.
          Tháng 10 năm Tân Sửu (1421) ông được Lê Lợi chọn làm Chinh Tây phó tướng chống quân Ai Lao, đêm ngày tiến gấp đánh úp. Mặc dù quân giặc đông tới ba vạn song vẫn bị bại trận nặng nề, bởi thế chúng không giám giúp quân Minh đánh cướp nước ta nữa.
          Năm Giáp Thìn (1424) Ngọc Oánh thấy vợ con bốn người, lúng túng không thể theo ra trận được, bèn xin trên đưa về đất Thọ Tung nhờ cậy ông thúc công Ngọc Huy che chở. Lê Lợi cử Nguyễn Công Bạch người Cổ Nhuế đem năm người giỏi khỏe đi theo bảo vệ trên đường.
          Tháng 9 năm ấy Ngọc Oánh cùng Nguyễn Chích vây bức thành Trà Long. Trong trận này ông cũng làm tướng tiên phong một đạo quân, được trên biết rõ, ban thưởng cho 50 lạng vàng để giúp đỡ gia đình.
          Năm Ất Tị (1425) theo lệnh trên, ông đem theo 20 người thân tín đi sâu vào đất phương Bắc thăm dò tin tức giặc. Tháng 5, ông giả làm nhà buôn trên bốn chiếc thuyền khởi hành từ Diễn Châu ra biển, lợi dụng gió nồm đi gấp. Tháng 6 thì vào vùng biển Quỳnh Châu bán các thứ thứ thuốc nam. Ông cử phó đội trưởng Hoàng Duy Thành dựng một quán rượu tại ngã ba đường để làm nơi thường xuyên ăn ở rồi cắt cử 5 người ở đó, 5 người đi lấy tin, 8 người đi về trên đường chuyển tin. Tám người này lại chia ra 4 nhóm, đặt ra 4 trạm trên đường kế tiếp nhau không lúc nào đình hoãn.
Một lần Ngọc Oánh đi tới đất Quế Lâm thì bị giặc phát hiện truy đuổi. Ông được một người con gái ở Lưu gia trang tên là Lâm Lâm Oanh khuyên giả làm người làm ruộng để tránh. Sau ông lấy Lâm Lâm Oanh làm vợ lẽ và sinh được hai con trai là Bùi Ngọc Trinh và Bùi Ngọc Cát. Ông còn được bố vợ là Lâm Tuyền Thủy, em vợ là Lâm Sơn Khê và Lâm Hoa Thảo giúp thu thập tin tức giặc.
          Tháng Giêng năm Mậu Thân (1428) ông được Lê Lợi triệu về bản quốc. Ông trình bày sự tình với gia đình vợ, xin đem vợ con cùng về. Nhưng ông Tuyền Thủy không ưng, chỉ cho em vợ ông là Sơn Khê cùng gia đình 5 người về ở tại quê ông thuộc xã Bùi Xá cùng với chi thứ ba là Bùi Ngọc Xuân tạo thành một xóm. Sau được vua ban bốn chữ “Hiệu trung trợ thuận” (Hết lòng trung, thuận theo việc làm lành), biển vàng và vàng tốt 100 lạng để khuyến khích lòng dân trong nước.
          Tháng 11 năm Mậu Thân (1428) Ngọc Oánh về xã ThọTung, nhưng gặp ý nghĩ không tốt của dân sở tại nên ông chán ngán đem vợ con trở về quê cũ. Ông được vua ban cho danh hiệu đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân. Độ gần mười năm ở cựu quán, ông nghe con ông chú là Ngọc Dụ mang theo thư của thúc công khuyên dời về đất Thọ Tung, nói rằng đất ấy có khí thiêng có thể cư trú lâu dài được, ông bèn nghe theo trở lại Thọ Tung rồi định cư ở đó.
          Lại nói từ khi trong nước bình yên, ông được vua cử làm quan cai trị đất Kinh Bắc. Thấy vùng đất thuộc huyện Quế Sơn thuộc phủ Từ Sơn sau loạn lạc nhân dân phiêu tán đói rét, ông bèn đem tiền của mình khuyên mọi người trở về quê giúp nhau dựng nhà tranh ở tạm, khai khẩn lại đất cũ. Nay 5 xã Mai Ổ, Trúc Ổ, Lãm Sơn, Phù Lưu, Bồng Lai trong huyện đều có đền thờ ông là để ghi nhớ công đức của ông đối với dân địa phương sâu sắc vậy!
          Ngày 20 tháng 10 năm Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức năm thứ 6 (1475) ông về thần tại lị sở. Bà chính thất cùng 10 con trai, 42 cháu nội và 200 quân rước linh cữu ông về quê an táng tại cồn Kim Kê. Việc đến tai vua, ông được sắc phong làm bản cảnh thành hoàng nhân đức phúc thần xã Thọ Tung, được ban 500 quan tiền, tế điền 3 mẫu, cho phép trong xã được miễn các lệ đóng góp, bốn mùa lo việc thờ tự. Từ đấy về sau, mỗi khi sở tại có việc lo nghĩ nghi ngờ không quyết thì tới cầu đảo đều có linh ứng rõ rệt không sao kể xiết. Tới nay làng thôn đông đúc, nhân dân no đủ đều là nhờ ơn nhờ phúc của thần để lại cho cả. Thế thì sao lại không nói ra, không ghi lại lưu truyền mà răn dạy đời sau?
          Mỗi khi đến ngày sinh ngày hóa của thần, dân xã trước một ngày làm lễ cáo ở từ đường và đền, đều dùng lễ xôi gà, chính lệ thì dùng lễ tam sinh bánh dày... Ngày thứ ba làm lễ tạ thì cũng như lễ cáo.
          Các tên húy thánh phụ thánh mẫu và thành hoàng, lúc lễ đều nhất thiết kiêng đọc.
          Ngày 9 tháng 10 niên hiệu Hồng Phúc năm đầu (1572) Hàn lâm viện Đông các Đại học sỹ, bề tôi là Nguyễn Bính vâng mệnh soạn thảo.
          Ngày 5 tháng chạp niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 4 (1738) Quản giám bách thần tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh bề tôi là Nguyễn Hiền theo bản cũ của tiền triều chép lại.
          Ngày 18 tháng 11 niên hiệu Thành Thái năm đầu (1889) Thư lại của bộ Lễ là Nguyễn Đình Hoàn lại theo bản cũ chép lại.
......................................
Chú thích:
(1) Tháng 8 năm Kỷ Tị có Nguyễn Thanh tự xưng là Linh Đức vương, Nguyễn Kị tự xưng là Lỗ vương, hai người tụ tập quân mã cướp chính quyền ở Nông Cống. Quân nhà Trần chống cự không nổi, ban đầu phải thua trận rút chạy, trong đó có Bùi Ngọc Huy