Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT NGÀY Ở ĐƯỜNG LÂM

Phùng Phương Khanh
Chủ nhật ngày 26 tháng 6 năm 2011 3:34 PM
          Sáng ngày 22.6, sau Ngày Báo chí Việt Nam, chúng tôi có hẹn với mấy anh nhà báo ở Hà Nội lên thăm làng cổ Đường Lâm,thành phần đi trong bao gồm : báo hình có Trương Công T… , báo viết có tác giả Bùa ngải xứ Mường, báo ảnh có nhiếp ảnh gia Phùng Anh T…và một số người cùng đi. Chúng tôi bắt đầu đi dạo quanh cánh đồng lúa ở Đường Lâm đang vào vụ gặt. Sau đó theo con đường trải nhựa vào thăm cổng làng cổ Đường Lâm, ngắm hồ sen đang độ hoa khoe sắc, phô hương. Cảnh vật ở đây rất nên thơ. Tưởng chừng cuộc sống ở làng cổ sẽ rất bình yên, với những nét đặc sắc của một ngôi làng cổ được xếp hạng di tích vào ngày 19.5.2006,  nhưng không phải thế, thi thoảng hàng ngày vẫn có những cuộc cãi vã giữa những du khách qua cổng bức xúc vì chuyện thu vé bất hợp lí…và những người mặc áo công an viên nhưng ngang nhiên thu tiền phí đỗ xe ô tô của khách một cách vô lí, tùy tiện.
        Hôm ấy, chúng tôi đang ngồi nghỉ ở quán nước bên đường, ngay bãi đỗ xe nhìm ra hồ sen thơ mộng gần lối vào cổng làng cổ thì thấy một cảnh cãi cọ nhau rất không văn hóa. Chuyện là thế này : Ở ngay cổng làng Mông Phụ, người ta đặt một cái bốt thu vé tham quan khi vào làng, người thu vé là một cô gái khoảng chừng ngoài ba mươi tuổi, mực quần áo thường, không phải trang phục của nhan viên Ban quản lí di tích hay nhân viên du lịch làng cổ. Thoáng nhìn chúng tôi chẳng thấy cô ta ngồi ở trong bốt gác, nhưng khi có một đoàn khách khoảng 10 người đi xe máy qua cổng làng, thì bất ngờ cô ta từ đâu lao ra chặn xe và yêu cầu du khách  mua vé qua cổng, khoảng chục cô gái, dừng xe và điều qua tiếng lại. Có một người dân của làng cổ thấy cảnh bất bình ấy, nói câu gì đó, chúng tôi không nghe rõ, nhưng đại loại bảo mấy du khách kia là cứ đi đi, không phải mua vé đâu. Được mách nước, chỉ đường từ một người dân gốc làng cổ, mấy cô kia hiểu rằng mình không phải mua vé, họ đang bắt chẹt và gây khó dễ cho khách. Mấy phút sau chúng  tôi thấy các cô gái kia qua cổng để vào thăm ngôi nhà cổ nhất của chủ nhà là Nguyễn Văn Hùng theo như lời giới thiệu của các cô. Mấy cô gái kia đi khỏi cổng làng, cô gái không thu được vé kia quay lại quán nước, chửi bới cái người vừa nãy đã can dự vào việc riêng của người khác, làm cho cô ta không thu được tiền của du khách, cô ta văng tục, chửi bậy trước bao nhiêu người xung quanh. Chúng tôi quan sát, cô ta không mặc trang phục khi làm nhiệm vụ, không đeo phù hiệu của Ban quản lí di tích, hay phù hiệu của ngành du lịch để cho du khách dễ phân biệt rằng họ đang làm nhiệm vụ. Sau cảnh cãi cọ ấy, chúng tôi đi ô tô qua cổng, một người đàn ông mặc áo màu xanh cũng không đeo phù hiệu, không có tên tuổi, lại gần hai chiếc xe ô tô của đoàn chúng tôi và thu mỗi xe 50.000 đ qua cổng mà không đưa vé. Đây là một việc làm tùy tiện, họ sẽ báo cáo số tiền thu được qua cổng căn cứ vào cái gì, cuống vé không xé thì tiền thu của du khách chỉ có đúc túi cá nhân. Như vậy, sự bức xúc không chỉ gây ra cho nhóm du khách vào cổng trước chúng tôi mà ngay cả chúng tôi cũng phải đối diện với cách cư xử không văn hóa này.
          Chúng tôi qua cổng, dừng xe gần sườn đình Mông Phụ để chụp hình, xong việc chúng tôi phải trả phí cho chủ nhà 50.000 đ, sau đó chúng tôi mở cửa xe để chuẩn bị đi thì một anh công an viên của xã, có mặc quần áo của cong an viên lại gần bảo chúng tôi : - Cho xin tiền phí bãi đỗ xe. Khi xe đỗ, không phát vé, vậy mà dám thu phí đỗ xe, thật là kì lạ. Chúng tôi thấy anh ta thu mỗi xe 20.000 đ, hai xe là 40.000 đ, nhưng chẳng có vé qui định gì cả, họ rất tùy tiện. Họ cứ nghĩ rằng, khách nơi xa đến là họ vặt, chứ họ không có làm đúng nhiệm vụ, bổn phận của mình. Hình như, họ tranh thủ móc túi của du khách một cách tùy tiện núp bóng danh nghĩa những nhân viên ban quản lí di tích làng cổ, công an viên bảo vệ trật tự… Sau những bức xúc ấy, chúng tôi lên xe đi ra phố Mía ăn trưa, vào quán ăn, chúng tôi gọi đồ ăn, đồ uống…Sau khi thăm làng cổ quá trưa, cả đoàn ai cũng đói và mệt nhoài, mọi người ăn trưa rất ngon miệng. Nhưng khi đứng dậy thanh toán, lại bị chủ quán “ chém “ cho một nhát thật là đau, hai bát cánh cá ngạnh, họ thu 700.000 đ. Trời ơi! Cả chục người trong đoàn vô cùng bất ngờ vì giá thu quá cao như vậy, ông chủ quán, đầu húi trọc đang ngồi chơi in tơ nét ở bàn, ông ta im lặng cho nhân viên xử lí. Chúng tôi yêu cầu cung cấp me niu thực đơn và giá thì em nhân viên nhà hàng bảo nhà em không có. Ông chủ ngồi đó từ nãy, lên tiếng : - Các anh thông cảm, em vừa mới đi xa về không biết, nhưng sự thực thì anh ta ngồi ở đó từ lúc đầu chúng tôi vào ăn, anh nói như đóng kịch, lẽ ra các cháu phục vụ phải nói giá cho các anh trước khi làm thì hay hơn, thôi các anh ạ! Bây giờ em chẳng biết nói thế nào!!! Chúng tôi thanh toán cho xong chuyện, thôi thì đằng nào chúng nó cũng vặt mình, có kêu lắm thì nó vặt cho càng đau. Chúng tôi chuẩn bị lên xe thì ông chủ quán nói như an ủi, tối các anh có quay lại đây thích văn nghệ, vui vẻ, hương đồng gió nội đủ cả, các anh nhé! Lên xe đi rồi mà chúng tôi vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng bởi cách làm ăn chụp giật của họ.
      Vẫn tại cái quán ăn này, bữa trước chúng tôi có dịp ăn cùng với một vị khách nước ngoài, tên là Ly – Ken, quốc tịch Pháp, lấy vợ là người Hà Nội. Sau khi chụp ảnh cưới ở làng cổ Đường Lâm xong, chúng tôi ra đây ăn trưa, Hương – một cô gái gốc Việt định cư ở Pháp nói với chúng tôi rằng : - Em đi chụp ảnh cưới từ trong Nam, qua miền Trung, rồi ra Bắc và tới đây – làng cổ Đường Lâm, nhưng em không dám “ dịch “ thật cho ông xã em nghe, nhiều điều, nhiều cảnh tượng dân mình cư xử thiếu văn hóa lắm!
         Lúc chụp ảnh ở nhà thờ Đạo trong làng cổ Đường Lâm, có một anh – khoảng ngoài 40 tuổi, áo quần nhàu nhĩ, đi chân không dép, hình như anh này trông nom nhà thờ Đạo, thấy Hương đi bên cạnh người bạn trai của mình là người nước ngoài, anh ta tưởng họ lắm tiền, anh bảo : - Tụi em đưa cho anh chút tiền gọi là mua bó hoa huệ để dâng lên đức Chúa. Chúng tôi nghe anh nó vậy mà rùng rợn hết cả người, bởi chúng tôi hiểu rằng đó chỉ là cách nói khéo để móc tiền của khách, sau khi có tiền rồi liệu anh ta có mua hoa dâng lên bàn thờ đức Chúa hay lại đút túi mình! Thật ghê tởm cho những hành vi thiếu văn hóa như vậy.
             Trên đây, là những cảm nhận bước đầu của chúng tôi sau một ngày dạo chơi ở làng cổ Đường Lâm và những điều trông thấy, xin ghi lại một cách trung thực để chỉ ra những hành vi, cách cư xử thiếu văn hóa của một số người khi du khách về thăm làng cổ. Chúng ta hãy cư xử thật văn hóa với du khách để làng cổ Đường Lâm xứng danh là vùng đất Hai vua, địa linh nhân kiệt, một làng cổ có tiếng là giàu truyền thống văn hóa. Xin đừng làm xấu danh Làng cổ duy nhất ở Việt Nam, sắp tới còn trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới, thì càng phải cư xử với du khách có văn hóa hơn.