Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT BÀI THƠ RẤT ĐÁNG ĐỌC

Lời bình của Vũ Bình Lục
Thứ bẩy ngày 11 tháng 6 năm 2011 4:44 PM

(về bài thơ PHÚC HƯNG VIÊN
Của Trần Quang Khải)

Lời bình của Vũ Bình Lục

Phiên âm:
Phúc Hưng nhất khúc thuỷ hồi hoàn
Trung hữu bình viên sổ mẫu khoan
Mai ổ tuyết tiêu châu bội lỗi
Trúc đình vân quyển bích lang can
Thử lai yêu khách kiêu trà uyển
Vũ quá hô đồng lý dược lan
Nam vọng lang yên vô phục khởi
Đồi nhiên nhất tháp mộng thiên an.
Dịch nghĩa:
VƯỜN PHÚC HƯNG
Vùng Phúc Hưng có dòng nước bao quanh
Trong đó ta có khu vườn rộng vài mẫu.
Chòm mai hết tuyết hoa kết chuỗi như hạt châu,
Đình trúc tan mây sắc xanh mướt như ngọc bích.
Nắng lên mời tân khách đến pha chén trà,
Mưa tạnh gọi gia đồng sửa giàn thuốc.
Trông về phía nam không có hiệu báo giặc lại đến
Nghiêng mình trên chiếc phản ngủ yên giấc.
“Phúc Hưng viên” (Vườn Phúc Hưng) là một điệu thơ nhàn tản. Khác với “Tụng giá hoàn Kinh sư” hào sảng. Khác với “Lưu Gia Độ” man mác nỗi niềm thế sự.
 Một bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường khá chuẩn mực về đối xứng, tạo vẻ đẹp hài hoà. Riêng câu 5 và 6 (Luận) có sự thay đổi chức năng, tiếp tục tả thực. Sáu câu đầu nói về cảnh sinh hoạt đời thường, êm đềm, nhàn nhã của bậc lão thành, ở ngay chính ngôi nhà của Trần Quang Khải, trong “vườn Phúc Hưng”, thuộc thái ấp (đất phong) của gia đình ông. Trần Quang Khải có một bà vợ, công chúa, con gái Thái sư Trần Thủ Độ. Khi Trần Quang Khải bận việc công nhà nước, bà vợ ông chính là người quản lý thái ấp, có nhiều công lao xây dựng thái ấp này trở thành pháo đài bất khả xâm phạm chống giặc Nguyên Mông. Nhưng đây là cảnh đất nước đã trở lại thanh bình. Quang cảnh điểm xuyết có phần ước lệ, nhưng cụ thể, chi tiết và không kém phần sinh động. Có mai, nhưng là “mai đã hết tuyết, đã kết chuỗi như hạt châu”. Có khóm trúc “sắc xanh như ngọc bích” khi tan mây. Nắng lên thì mời khách pha trà. Khi mưa tạnh thì “gọi gia đồng sửa lại giàn thuốc”…Yên ả khi đất nước đã thái bình. Tác giả như một văn nhân vui thú với thú nhàn, sau khi đã hoàn thành trọng trách với dân với nước.
 Tuy nhiên, nếu chỉ có như thế thì bài thơ không có gì mới. Hai câu kết của bài thơ mới cho thấy tầm cỡ lớn lao của một con người đích thực, một Chiêu Minh Vương, Thượng tướng Thái sư trụ cột của triều Trần:
  “ Trông về phía Nam không có hiệu báo giặc lại đến
  Nghiêng mình trên chíếc phản ngủ yên giấc”…
Hoá ra, cái sự nhàn tản, vui thú điền viên, chỉ là những biểu hiện của cuộc sống sinh hoạt đời thường của một con người có vị trí hàng đầu của quốc gia Đại Việt. Vẫn còn đó một tấm lòng lo nước thương dân canh cánh khôn nguôi của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Đất nước đã thanh bình, nhưng không thể không cảnh giác, lại càng không thể quên đi nhiệm vụ di dưỡng sức dân, chăm lo giữ gìn biên cương bờ cõi mà an nhàn hưởng lạc. Kẻ thù phía Nam phía Bắc còn nhiều dã tâm xâm lược. Chỉ có thể “nghiêng mình trên chiếc phản ngủ yên giấc”, khi mọi sự chuẩn bị đã chu toàn.
 Thơ lớn thơ hay là vậy! Lại nhớ, chính Trần Quang Khải, trong bài “Tụng giá hoàn Kinh sư” đã viết: “ Thái bình nên gắng sức / Non nước ấy ngàn thu”! Ông nói thế, và ông luôn nghĩ thế và làm thế! Con cháu đời sau nhìn tấm gương người xưa, chả lẽ lại không biết thẹn hay sao!
    
    Hà Nội 6-8-2010