Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI TRÍ THỨC BẨM SINH

Lê Phú Khải
Thứ năm ngày 9 tháng 6 năm 2011 5:59 AM
 
NHÂN NGÀY GIỖ LẦN THỨ 3 CỦA CỐ THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT
(09/06/2011 – 08/05 TÂN MÃO)

Ở cương vị Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt là một Thủ tướng được nhân dân đánh giá rất cao. Đồng bào cả nước và bạn bè năm châu bốn biển đã chứng kiến những ngày đất nước Việt Nam thay da đổi thịt dưới sự điều hành của Chính phủ mà đứng đầu là vị Thủ tướng quả cảm, dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám tự phê bình. Ông trở thành biểu tượng của Việt Nam đổi mới, một chính khách với đầy đủ ý nghĩa tốt đẹp của cụm từ này.
 Khi thôi giữ chức Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 1997 – rời ghế quan trường – làm một công dân, chất cách mạng trong con người, ông biến ông trở thành một kẻ sĩ trí thức của thời đại. Trí thức, vâng đúng vậy! Xưa nay chúng ta vẫn hiểu khái niệm “người trí thức” theo nghĩa dễ dãi và đơn giản là những người được đào tạo cơ bản, có học vị, có bằng cao cấp. Hiểu như thế không sai nhưng là hiểu theo cái nghĩa “phổ thông” của khái niệm này. Tôi nhớ hồi đó, nước Cộng hòa Dân chủ Đức gửi giấy mời đại biểu Việt Nam đi dự một hội nghị trí thức của bạn. Ta cử một đoàn gồm ba ông phó tiến sỹ vật lý, hóa học, sinh học…. sang dự. Sauk hi xem xét nghề nghiệp,  bằng cấp, lý lịch…. Bạn trả lời cho ta hay : Các bạn Việt Nam đã nhầm rồi. Chúng tôi mời trí thức là mời các nhà văn, nhà triết học, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng… Còn các vị này chỉ là chuyên gia thôi! Chưa hết, tôi nghe nói gần đây tại Hà Nội, người ta có tổ chức một một cuộc hội thảo về đề tài thế nào là một trí thức, tại một khách sạn sang trọng. Có vị định nghĩa, trí thức là những người tốt nghiệp đại học trở lên. Liền sau đó có vị phát biểu “ Vậy thì mời ngay các cháu service (phục vụ) và mấy cháu bảo vệ khách sạn lên đây hội thảo, chúng đều tốt nghiệp đại học ngoại ngữ cả đấy, mời chúng tôi làm gì” !!! Cả hội nghị đã cười rần!.
 Có lẽ chính vì thế mỗi khi nhắc đến từ trí thức, người ta hay dẫn câu của J.P.Sartre, triết gia lừng danh của Pháp “ Ai chế ra quả bom nguyên tử, người đó là bác học. Nhưng chỉ khi nào nhà bác học ý thức được cái khí giới giết người ghê gớm ấy, đứng lên hô hào chống bom nguyên tử, lúc đó ông ta mới là trí thức! Giáo sư Cao Huy Thuần, giảng dạy tại Đại học Picardie (Pháp), còn có một định nghĩa về trí thức bất ngờ và độc đáo : Ai đánh thức không cho xã hội ngủ, người ấy là trí thức, bất kể họ là ai..
 Những ngày cuối đời của Võ Văn Kiệt, khi đất nước chuyển mình vào giai đoạn mới, với nhiều hứa hẹn, nhưng cũng đầy rẫy những bất công xã hội, hố ngăn cách giàu nghèo ngày một sâu them, môi trường bị tàn phá, nạn tham nhũng lan tràn khắp nước, chính sách kiến quốc công nghiệp hóa có nguy cơ “người nghèo bị gạt ra bên lề” (Võ Văn Kiệt), vị Thủ tướng xông xáo năm xưa nay trở thành người cầm bút “ Đánh thức không cho xã hội ngủ”! Người đó không phải là kẻ sĩ trí thức thì còn ai nữa? Chính vì thế mà trợ lý của Thủ tướng là ông Vũ Quốc Tuấn năm xưa, bằng linh cảm của mình, đã gọi Võ Văn Kiệt là một “ Trí thức bẩm sinh”! Trong lịch sử dân tộc ta, những nhân vật  mà sắm được cả hai vai : Quan chức lớn và kẻ sĩ trí thức như Võ Văn Kiệt quả thật là không nhiều. Cả hai vai ấy đều được hiểu theo ý nghĩa tích cực nhất của từ này. Đó là vì ở vai nào ông cũng hướng về nhân dân, về dân tộc. Ông thật là một người hiền.
 Người thanh niên 18 tuổi năm xưa dẫn đầu đoàn quân khởi nghĩa Nam Kỳ tại quê nhà; mấy chục năm sau, là Chủ tịch rồi Bí thư Thành ủy, vẫn chạy ngược chạy xuôi lo gạo ăn cho thành phố đông dân nhất nước; và khi rãnh rỗi, vẫn khoác áo cầu thủ ra sân cỏ, đá hậu vệ kèm người rất đúng luật, rất “cay cú” khi đội nhà thua 1-2; khi làm Thủ tướng vẫn vào tận nhà tù thăm bạn cũ là một nhà văn vì chẳng may làm ăn thua lỗ; nợ nần; cuối đời làm kẻ sĩ trí thức đi cùng dân tộc. Một cuộc đời rực sang từ lúc tuổi thanh xuân, chói lọi về lúc già, lúc ra đi cả anh xích lô, bà ve chai, cô hàng xén bán rong đến nhà khoa học cũng đứng chờ hai bên dường để tiễn biệt….
 Một cuộc đời như huyền thoại.
          
 * Chú thích ảnh : Thủ Tướng Võ Văn Kiệt hóa trang đi “vi hành” trong dân trong vụ đê Yên Phụ Hà Nội bị lấn chiếm năm 1996. Ảnh do Minh Đạo (TTXVN) chụp vào sáng 28 tết 1996.