Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHẤT DÂN CA TRONG “LÀNG QUAN HỌ QUÊ TÔI”

Trần Huyền Nhung
Thứ năm ngày 9 tháng 6 năm 2011 5:51 AM

      Đất nước ta, dân tộc ta có một nền văn hóa âm nhạc dân gian  phong phú và đa dạng. Một trong những vùng dân ca có sức sống và vẻ đẹp tiềm ẩn đã được khẳng định là vùng dân ca quan họ Bắc Ninh. Những câu hát của các liền Anh, liền chị quan họ luôn làm bồi hồi, xúc động bao thế hệ người nghe. Những âm điệu quan họ ngọt ngào, thiết tha ấy làm lay động trái tim bao nhà nhạc sĩ như Phó Đức Phương, Phan Lạc Hoa, Huy Du, An Thuyên…Đã đành, mỗi ca khúc thấm đượm chất dân ca, làn điệu quan họ khác nhau, nhưng người nghe bắt gặp trong “làng quan họ quê tôi” (thơ:Nguyễn Phan Hách, nhạc: Nguyễn Trọng tạo) mang đậm chất dân ca quan họ hơn cả. Chất trữ tình kết hợp với phần lời đầy chất thơ như các bài dân ca quan họ truyền thống.
      Nếu xét theo phương diện cấu trúc, tác phẩm bài này cũng rất gần gũi với lối diễn xướng dân gian - lối diễn xướng mang tính biến tấu như ở bài dân ca quan họ "Nhất quế nhị lan". Có điều, nếu như ở "Nhất quế nhị lan" rất rõ cấu trúc theo kiểu biến tấu (a a1 a2) mà âm điệu phát triển gần gũi, thì ở bài "Làng quan họ quê tôi" cấu trúc này chỉ mang tính biến tấu. Nhìn lại toàn bài, chúng ta thấy ngay được sự phát triển thống nhất của ba phần nhạc - nó tựa như sự tăng tiến của lòng xao xuyến trong buổi tiễn anh lên đường.
     Bài thơ “làng quan họ” của nhà thơ Nguyễn Phan Hách được sáng tác năm 1969 đầu tiên in trên báo Văn nghệ, đó là tâm tư, tình cảm của nhà thơ trước cuộc đời và cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng thời xuyên suốt đó là một không gian văn hóa Quan họ hiện lên trên từng lời thơ. Bài thơ đã được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc năm 1978 thành bài hát “Làng Quan họ quê tôi” - một trong những bài hát đặc sắc và tiêu biểu cho sự ảnh hưởng của âm nhạc bác học đến dân ca. Tôi nghĩ rằng : ai cũng có những khát vọng đi tìm cái đẹp, xin đừng tìm ở đâu xa. Quê hương mình có muôn vàn cái đẹp xin hãy tìm đến và giữ gìn quý trọng. Tôi thấy nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã làm được điều đó, ngay cả những người chưa từng đặt chân đến miền quan họ, có lẽ họ sẽ mê mẩn trong những ca từ của “làng Quan họ quê tôi”. Và cũng từ đó, cảm xúc, tình cảm của họ thêm yêu mảnh đất, con người Quan họ qua những làn điệu dân ca ngọt ngào, tình tứ. Giai điệu “làng Quan họ quê tôi” mộc mạc, chân chất mang đậm hồn dân tộc, làm cho bài hát vừa man mác hồn quê, vừa chan chứa tự tình.
“Làng quan họ quê tôi, tháng giêng mùa hát hội
Những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làm bao xanh
Ngang lưng làng quan họ xanh xanh
Làng quan họ quê tôi, những chiều bao thương nhớ
Tiếng ca đầu ngọn gió, nón quai thao , người ơi
Nón quai thao nói gì người ơi.”
    Quan họ là một làn điệu dân ca, một lối hát giao duyên nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam mà tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Ninh-Kinh Bắc. Nội dung chính trong buổi hát quan họ thường là khi hai bên nam-nữ hát đối nhau. Bên nam gọi là liền anh, bên nữ gọi là liền chị. Các câu hát có thể được chuẩn bị sẵn, nhưng ra đến khi đối đáp nhau thì thường dựa trên khả năng ứng biến của hai bên. Các chàng trai, cô gái xứ sở Quan họ hào hứng, hồi hộp đón chờ ngày hội làng, bởi trong những ngày hội đó, họ được thức thâu đêm, suốt sáng để được nghe, được hát và thi hát. Qua đó, họ học thêm ở nhau những câu ca, những làn điệu mới, họ tìm thấy ở nhau sự đồng cảm qua những ánh mắt, nụ cười. Bởi thế mà “làng Quan họ quê tôi, những chiều bao thương nhớ”, hình ảnh những liền Anh, liền Chị trong “Làng quan họ quê tôi” vào mùa hội “tháng giêng” được Nguyễn Trọng Tạo mô tả qua những ca từ đầy ắp cảm xúc, nỗi niềm. Những cô gái với chiếc nón quai thao e thẹn, làm duyên khi đối đáp lại lời ca của các liền Anh. Những hình ảnh ấy mang đậm nét duyên thầm của người con gái Việt Nam. “Nón quai thao nói gì người ơi”, thực ra mà nói : chả ai hiểu chiếc nón quai thao ấy nói những gì. Ý sâu sa ở đây là bao tình cảm, ý tứ của cô gái quan họ gửi gắm kín đáo với liền anh đằng sau chiếc nón quai thao. Đó là những hình ảnh quen thuộc của Quan họ Bắc Ninh. Ở đấy là những câu ca, nón thúng quai thao , áo nâu, cửa đình, rồi hình ảnh chị cả tựa mạn thuyền, Quan họ về trao duyên…Tất cả cho ta thấy một không gian văn hóa của người Kinh Bắc hiện lên trên lời ca từ đầy ắp chất Quan họ.
      Khoảng giữa thế kỷ 20, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã viết khái quát về dân ca Quan họ trong cuốn Tục ngữ, dân ca, ca dao Việt Nam: Hát Quan họ được xây dựng trên tình bạn. Về hình thức, hát Quan họ có hàng trăm điệu. Cái đặc biệt của hát Quan họ là nó hoàn toàn phục vụ cho nhạc và hát không có đệm đàn sáo, ở mọi bài hát Quan họ, những tiếng láy đi láy lại, những tiếng đệm, những tiếng đưa hơi rất nhiều, nó làm cho lời ca lên bổng xuống trầm như cung đàn, cho nên một điệu Quan họ cần phải được hát lên người ta mới cảm thấy hết được cái say sưa của nhạc điệu. Nếu như nhạc sĩ cất công đi tìm, nghiên cứu Quan họ là nhạc sĩ Hồng Thao thì nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cũng là người say mê các phong tục, lễ hội văn hóa cổ truyền của quê hương Kinh Bắc. “Làng quan họ quê tôi” đã chứng minh được một con người yêu quê hương, tôn trọng những tập tục văn hóa trong người thi sĩ, nhạc sĩ đa cảm Nguyễn Trọng Tạo.  Từ “chiếc nón quai thao nói gì người ơi” đến “những đêm trăng lên nhịp cầu bao thương nhớ”, rồi khi “tiễn đưa anh đi em hát bài Quan họ”…nhịp điệu, ca từ ấy làm thổn thức trái tim người nghe – chất dân ca đó là “đặc sản” tinh thần của miền Quan họ Bắc Ninh.
    Và đến lúc phải về, khi chia tay liền Anh, liền Chị cũng thật khó dứt, vì lời ca bao giờ cũng níu chân người ta lại: “Người ơi, người ở đừng về…”, “làng Quan họ quê tôi” đã truyền tải được thông điệp ấy bằng ca từ vương vấn để mà… tương tư:
“Quan họ về mà là về trao duyên
Âý quan họ về là về trao duyên”
    Tiếng nói của quan họ thật ý nhị, thật văn hoa. Ngôn ngữ trong quan họ thật mềm mại, khéo léo, tinh tế và đậm đà tình người. Người quan họ không chấp nhận sự thô kệch, vụng về, mà coi trọng sự lịch thiệp, thanh nhã trong mọi cử chỉ, giao tiếp. Lề lối, tập quán trong quan họ tuy không ai soạn thành văn, nhưng từ đời này, qua đời khác mọi người đều tuân thủ. Nếu quan họ nhỡ một lời, làm vụng một việc thì lòng riêng cứ băn khoăn mãi. Chất dân ca trong “Làng quan họ quê tôi” cũng rất nhã nhặn, bình dị mà ta nghe như một bài hát dân ca Quan họ Bắc Ninh. Hình ảnh người Quan họ hiện lên, họ say mê những câu hát quan họ như sau trầu, say thuốc. Chỉ cần nghe lời ca là những người thưởng thức giai điệu của “làng quan họ quê tôi” có thể tưởng tượng ra khung cảnh bình dị của làng quê; hình dung ra những anh Hai, chi Hai lúng liếng đôi mắt hát giao duyên. Người Quan họ say nhau ở giọng hát, ở lời đối đáp khôn ngoan nhưng tế nhị, ở những điệu giã bạn mà chẳng muốn rời xa…
     Chẳng cần phải đợi đến ra giêng, khi có hội đình làng quan họ, cũng chẳng cần phải đợi đến tỉnh Bắc Ninh để thưởng thức các làn Quan họ, mà người nghe vẫn đắm mình trong những giai điệu, ca từ đằm thắm, đưa đẩy và giản dị của “Làng quan họ quê tôi” như một chuyến du lịch tâm hồn về với xứ Kinh Bắc thân thương. Và như Sông Cầu không bao giờ cạn, mạch sống của khúc nhạc, lời ca quan họ cũng không khi nào nhạt phai dù trải qua bao đời người và bao nhiêu thăng trầm thời thế. Rời quê hương Quan họ, ở đâu đó là lời ca hòa trong gió “quan họ về mà là về trao duyên”. Với sức hấp dẫn mạnh mẽ, tiêu biểu cho văn hóa dân gian, tôi cho rằng: “Làng quan họ quê tôi “là một tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam- cần được tiếp tục nuôi dưỡng, trân trọng, giữ gìn và lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau…

Thành Phố HCM, ngày 16/4/2011