Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐI TÌM MỘ LIỆT SĨ - ANH TÔI

Thanh Ứng
Thứ năm ngày 9 tháng 6 năm 2011 10:18 PM
 
             Anh tôi là liệt sĩ Phạm Văn Lung, hy sinh ngày 3/9/1968 tại chiến trường Quảng Trị. Sau ngày miền Nam giải phóng, con cháu và người thân thăm dò tìm kiếm để đưa hài cốt anh tôi về song do bia mộ thất lạc nên không tìm được. Gần đây gia đình tôi biết có nhiều người đến với Trung tâm của nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn ở Thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam nhờ tìm mộ. Tôi và các cháu con anh tôi đã đến đó.Trước khi đi, từ sớm, gia đình đã đặt lễ cầu khấn ở nhà.   Buổi sáng hôm ấy, trời mưa, chúng tôi đến sớm mà đã có rất nhiều gia đình bày bàn, đặt lễ trên mảnh đất của Trung tâm. Nhờ nhân viên của Trung tâm, chúng tôi cũng tìm được chỗ đặt bàn thờ, giải chiếu. Trên bàn thờ có ảnh anh tôi, giấy báo tử, nhiều nhà đặt bằng “Tổ quốc ghi công” cả huân, huy chương… của liệt sĩ. Đồ lễ gồm đĩa xôi, con gà, hoa quả, bánh kẹo, bảy ngọn nến, bảy điếu thuốc lá, bảy chén nước, một chai rượu nhỏ, một khúc chuối bé để cắm hương, hương hoa, tiền vàng, một ít tiền mới mệnh giá nhỏ (500 và 1000). Có hai lễ để vào 2 đĩa đặt trên bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và bàn thờ liệt sĩ chỉ huy Lương Hồng Khánh ở trong nhà ( nghe nói đây là liệt sĩ của đội tàu không số cậu ruột của nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn, người mà Lê Trung Tuấn được hưởng lộc trong việc giúp mọi người tìm mộ liệt sĩ).
              Đặt lễ xong, mọi người vào nhà lễ bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và bàn thờ liệt sĩ chỉ huy Lương Hồng Khánh. Sau đó ngồi vào chiếu giải trước bàn thờ nhà mình và tất cả ngồi thiền chờ “ vong” liệt sĩ nhập vào người thân của mình. Khoảng nửa tiếng sau, hình như “vong” của anh tôi nhập vào đứa cháu gái con ông anh cả (khoảng gần 40 tuổi). Cháu đảo người, nhắm mắt. Một nhân viên Trung tâm đến cầm tờ giấy báo tử của anh tôi (có lẽ là để xem tên) và hỏi : “Có phải liệt sĩ Phạm Văn Lung về đây không?” hai, ba lần như thế rồi lại nói tiếp: “Liệt sĩ về nhé!Bao nhiêu năm nay gia đình và người thân mong muốn đón đồng chí về…”Cứ thế, cứ thế với giọng dỗ dành ngon ngọt, có khi sẵng giọng nhân viên của Trung tâm nói với “vong” một lúc song cháu tôi vẫn đảo mạnh, rồi nước mắt giàn giụa. Mọi người xúm vào gọi, con anh tôi thì gọi “bố”, tôi thì gọi “anh”…nhưng cháu vẫn chỉ đảo người và nước mắt giàn giụa…Không nói được câu gì. Một lúc sau cháu tỉnh lại (Người ta bảo đó là lúc “vong” đã “thăng”). Cháu gái tôi thấy nhức đầu, đau hai vai một lúc rồi lại trở lại bình thường. Cả nhà giải lao một lúc rồi lại ngồi thiền. Lần này anh tôi lại “nhập” vào đứa cháu, cháu đảo người một lúc rồi lại “thăng”. Ngày đầu thế là chưa thành công. Người ta bảo liệt sĩ thử thách con cháu. Nhưng có gia đình chỉ đến Trung tâm có một buổi, đến 9,10 giờ đã hoan hỉ đi “tán lộc” cho các gia đình báo tin mình đã có thông tin về    liệt sĩ và đã định ngày lên đường.
                Ngày thứ hai gia đình tôi lại đến đặt lễ như vậy. Lễ có đơn sơ hơn. Thay vì xôi gà, các cháu mua khúc giò và cái bánh chưng. Thủ tục lại như lần trước. Lần này, anh tôi nhập vào đứa con dâu út mới ở Hòa Bình về tham gia. (anh tôi có 6 con: 4 trai, hai gái). Vợ chồng đứa con trai út công tác trên Hòa Bình Anh tôi nhập vào cháu khá sâu, cháu đảo người mạnh, nước mắt giàn giụa, môi mấp máy nhiều lần song vẫn không nói được gì. Rồi cháu ngã ra có triệu chứng buồn nôn. Chồng cháu phải nâng dậy và bế ra nhà nghỉ gần đó. Cả nhà lại tiếp tục thắp hương, đốt nến và ngồi thiền. Anh tôi lại nhập vào đứa cháu dâu, cháu đảo mạnh nhưng vẫn không nói gì. Như thế là ngày thứ hai không có kết quả. Ở xã tôi có mấy người đã đưa được hài cốt liệt sĩ người thân về nghĩa trang theo hình thức này. Con dâu trưởng của anh tôi đến hỏi một “ vong”: “Bác ở dưới ấy có gặp bố cháu không?”. “Vong” nói:’ Bố mày về Trung tâm rồi đấy. Xuống mà đón đi!”
                  Ngày thứ ba cả nhà lại ra đi. Lần này có thêm đứa con trai thứ ba và đứa con gái lớn từ Thành phố Hồ Chí Minh ra cho đủ đầu con. Hôm nay anh tôi lại nhập vào đứa cháu dâu. Cháu đảo mạnh, nước mắt giàn giụa, người nhà xoay vào hỏi. “Vong” nói được mấy câu: “Nước ngập đến cổ…lạnh lắm”, “Tao bị thương ở đầu, ở ngực, đau lắm!”. Các cháu đi mua chăn và thuốc (là những viên thuốc gói trong giấy vàng mã) bán ở gần đó giá cũng phải chăng. Xin nói thêm: Các thứ kể cả ăn uống ở đây  giá cả đều rất phải chăng. Bàn, đĩa để đồ lễ, cốc chén, lọ cắm hoa, nơi ngồi thiền …đều do trung tâm cho mượn miễn phí..Đốt xong thuốc và chăn, các cháu về hỏi; “Bố đã khỏi đau chưa?”.”Vong” gật đầu. Ngày hôm đó cũng không có thêm thông tin gì cụ thể về anh tôi. Ngày tiếp theo các cháu lai đến Trung tâm. Lần này đứa con dâu út của anh tôi từ Hòa Bình xuống. Cháu bảo: “ Từ hôm ấy cháu về, người cứ nôn nao không làm việc được nên cháu xin phép cơ quan cho cháu xuống”. Cả nhà lại sắm lễ như trước. Hôm nay anh tôi lại nhập vào đứa con dâu út. Cháu đảo người mạnh và khóc rất nhiều. Ai cũng lo cho sức khỏe của cháu. Nhưng cứ mỗi lần tỉnh lại (tức là “vong” “thăng”), cháu lại khỏe mạnh như thường. Cả nhà hôm đó vẫn tích cực ngồi thiền song không có kết quả gì thêm.
Cả nhà vẫn kiên trì đến Trung tâm. Ngày thứ sáu, sau khi cầu khấn xong và ngồi thiền, anh tôi lại nhập vẫn vào đứa con dâu út ở Hòa Bình xuống. Lần này nhập rất sâu. “ Vong” lên khóc nhiều và vẫn nhắc “ nước ngập đến cổ”, “lạnh lắm” và “đau chân”. Sau nhiều câu hỏi, dỗ dành, ngon ngọt (“chiều như chiều vong” mà lại”), “anh tôi” nói được một số chi tiết là: đã quy tập vào nghĩa trang của huyện. Hỏi mộ ở hàng nào, bên trái hay bên phải…thì “anh tôi” bảo: Cứ đi đi rồi sẽ bảo sau. Và “ anh tôi” cho cả ngày giờ đi :Là 6 giờ ngày 25 tháng 4 âm lịch.  và dặn chuẩn bị đồ lễ ngoài hương hoa, tiền vàng,nến còn có cả quần áo, thuốc lá, chè cho đồng đội…
                 Theo lời “ anh tôi”, đúng 6 giờ ngày 25 tháng tư âm lịch, đoàn lên đường vào Vĩnh Linh. Tối hôm đó đến và nghỉ lại thị trấn Hồ Xá. Sáng hôm sau đến nghĩa trang xem danh sách thấy có tên anh tôi nhưng mộ chí thì không xác định được. Đây là một nghĩa trang rộng khoảng 6 ha, có gần 6000 mộ, trong đó gần 3000 mộ là liệt sĩ “ chưa biết tên”. Cả nhà vào đặt lễ ở nghĩa trang, thắp hương cầu khấn và ngồi thiền. Anh tôi lại nhập vào đứa con dâu út. Cháu đảo người rất mạnh, khóc, nước mắt giàn giụa, hỏi gì cũng chỉ lắc đầu. Suốt buổi sáng vào đầu buổi chiều “vong” chỉ cho biết là mộ ở khu A còn không biết gì cụ thể thêm. Cả nhà lo lắng. Đến 3 giờ chiều, thì “vong” nói rất nhiều, đặc biệt có một số thông tin quan trọng như :Mộ ở khu A, hỏi, dỗ dành mãi biết thêm số mộ là 567. Hỏi gặng lại, xoay các số cho chắc chắn, “anh tôi” đều nói nhất quán số mộ là 567. Hỏi thêm, “anh tôi” cáu: “Hỏi gì mà lắm thế?!”. Rồi “anh tôi” đưa ra tận mộ. Trên đường đi, gặp một người đi xe máy dừng lại. Các cháu hỏi: “Bố biết ai đây không?”. Môi “ anh tôi” mấp máy: “ Quan trang”. Người đó tắt máy xe và hỏi lai: “Đồng chí có phải là liệt sĩ Phạm Văn Lung không?”. “Anh tôi” gật đầu. “Thế đồng chí về quê nhé!”, “Anh tôi” lại gật đầu.. .Ban quản lý nghĩa trang đồng ý rồi nhưng vẫn phải xin ý kiến “anh tôi”. Chưa kịp xin thì “anh tôi” đã “thăng”.
Sáng hôm sau, “anh tôi” lại lên và nhập. Gặng hỏi và dỗ ngon, dỗ ngọt mãi, “anh tôi” mới cho biết là 6 giờ chiều mới được mang về. Thấy thời gian đó, khó khăn cho việc bốc mộ và đưa về, đi lại, cả nhà lại làm lễ có cả bác quản trang dự. Đến 10 giờ, “anh tôi” lại lên .Cả nhà xúm vào xin cho được đưa anh về sớm. Sau một hồi dỗ ngon, dỗ ngọt, “anh tôi” đồng ý  11 giờ cho bốc và cho đưa về ngay và dặn dò con cháu sắm 2 ô tô để “anh tôi” đón đồng đội về thăm quê. Trong đó có một ô tô con chở chỉ huy!(Chả là trong lúc trò chuyện với “vong” “anh tôi” biết một đưa cháu có ô tô).Đến hơn 12 giờ trưa thì công việc hoàn thành, cả đoàn cơm nước xong và lên đường về quê.  Đúng 2 giờ sáng ngay 28 tháng 4 âm lịch, hài cốt anh tôi được đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội trong mừng vui và xót thương của con cháu và họ hàng nội ngoại. Đến 7 giờ 30, lễ phát tang được tiến hành và 7 giờ 30 ngày hôm sau lễ truy điệu được Đảng bộ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể xã và thôn được cử hành trọng thể. Trong suốt một ngày và một đêm thờ anh tôi ở nghĩa trang có đông đảo bà con họ hàng nội ngoại, anh em đồng đội, đồng nghiệp, bạn bè xa gần của anh tôi và của các con các cháu đã đến sẻ chia vui buồn, phúng viếng anh tôi.Lễ chôn cất anh tôi cũng được địa phương lo chu đáo: Từ bia mộ, tiểu, quách, đào huyêt., trang trí, tổ chức đến việc xây mộ đều có người chuẩn bị từ trước.
                      Tôi viết những dòng này sau khi công việc đã xong xuôi, cả nhà đang chuẩn bị để đến ngày chủ nhật tới đến trung tâm lễ tạ và cảm ơn nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn. Ở trung tâm hiện nay còn rất nhiều gia đình đi tìm mộ liệt sĩ.(Riêng thôn tôi đã có 4 người “về” theo cách thức này, có người tận xóm 4, xã Đắc Ơ, huyên Bù Gia Mập, tỉnh Bình Dương) Khoảng đất của trung tâm khá rộng song hôm nào cũng kín người đặt bàn lễ cầu khấn và nhiều gia đình đã tìm được và đưa được hài côt liệt sĩ về quê dù liệt sĩ đó hi sinh bất kì ở đâu. Trong  trung tâm nổi bật hai tấm pa nô lớn: “Tổ quôc ghi công – Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ” bên cạnh là hình ảnh tượng đài nghĩa trang quôc gia  liệt sĩ Trường Sơn và “ Hãy hành động để xoa dịu nỗi đau chiến tranh” . Tôi cảm nhận đó chính là phương châm hành động, là mục đích của nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn.Không thấy có một sự gợi ý, mồi chài gì về tài chính và nghiêm cấm các gia đình đưa tiền bồi dưỡng cho nhân viên của trung tâm  (có hệ thống Ca mê ra theo dõi)   Chính vì lẽ đó mà tôi cảm phục và viết những dòng này….
Hà Đông ngày 3 tháng 6 năm 2011

Địa chỉ; Nhà 8, ngõ 10, khu Hà Trì 5,
 phường Hà CầuQuận Hà Đông, Hà Nội
 ĐT:0915473468