Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÀI ỨNG ĐỐI CỦA ĐỖ KHẮC CHUNG

Theo Phật Hoàng Trần Nhân tông
Chủ nhật ngày 29 tháng 5 năm 2011 4:14 PM
 
Đã gần một tháng kể từ khi giặc Nguyên Mông kéo vào nước ta, nhiều trận kịch chiến đã xảy ra. Quân đội Đại Việt thực hiện cuộc rút lui chiến lược, chủ động nhử địch vào nơi như ta muốn nhưng binh tình của địch ra sao vua vẫn chưa nắm rõ. Vua muốn sai người đến trại giặc tìm hiểu mà chưa tìm được ai. Đương lúc cần người, có một chàng trai khôi ngô tuấn tú bước lên trước tâu rằng :
- Thần hèn mọn bất tài nhưng xin được đi !.
Vua nhận ra đó là Đỗ Khắc Chung, người đậu Tiến sĩ khoa thi năm Tân Tỵ khi mới mười sáu tuổi. Năm mười bẩy tuổi, Khắc Chung được vua phong chức quan Nhập nội chuyên giảng sách cho Nội cung Thái Hậu, Hoàng Hậu, Hoàng phi và các công chúa, quận chú trong Hoàng thành Thăng Long. Vua biết Khắc Chung vốn là con của Tả Thiên vương Đức Việp em trai mình. Đức Việp vì dan díu với một cung nữ đã hoàn - thường (được cho về làm lại cuộc đời) sinh ra Chung nên Khắc Chung không được triều đình ban tước Vương. Vua Trần mừng lắm, nói với Khắc Chung và các tướng rằng :
- Đâu biết trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa Ký, ngựa Kỷ !
Vua cho Khắc Chung cầm thư đến trại giặc.
Ô Mã Nhi đang cùng các tướng họp bàn việc phá thành Thăng Long thì quân canh cửa vào báo tin có người của hai Vua Trần xin vào gặp y để thương thuyết cầu hòa. Ô Mã Nhi tạm dừng cuộc họp bàn. Y sắp đặt các tướng ngồi hai bên, phía ngoài là quân lính gươm tuốt trần, mặt đằng đằng sát khí. Y ngồi chễm chệ trong trướng lệnh cho quân sĩ áp giải Khắc Chung vào.
Bước vào trại giặc, Khắc chung đĩnh đạc tiến tới chỗ Ô Mã Nhi đang ngồi, vẻ mặt bình thản không mảy may sợ hãi. Ô mã Nhi quắc mắt hỏi phủ đầu :
- Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ "Sát Thát" (giết giặc Nguyên), khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm!
Khắc Chung đáp :
-Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ của nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ ấy thôi! Quốc vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần tại sao lại không có?
Khắc Chung chìa tay cho Ô Mã Nhi xem.
Ô Mã Nhi nổi khùng :
- Đại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe liệu sẽ ra sao ?
Khắc Chung nói :
- Hiền tướng không theo phương sách của hàn Tín bình nước Yên, đóng quân ở đầu biên giới, đưa thư tin trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Đằng này lại bức nhau. Người ta nói : "Thú cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại", huống chi là người !
Ô Mã Nhi nói :
- Đại quân mượn đường để đi đánh Chiêm thành, quốc vương ngươi nếu đến hội kiến thì trong cõi yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu cứ chấp nê thì trong khoảnh khắc, núi sông này sẽ thành đất bằng, vua tôi ngươi sẽ thành cỏ nát !
Khắc Chung đưa thư vua Trần cho Ô Mã Nhi rồi cáo lui. Các tướng dưới trướng xin giết chết Khắc Chung.
Ô Mã Nhi xua tay :
- Người này ở vào vị thế bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, giỏi ứng đối, không làm nhục mệnh vua. Nước của nó có người giỏi, chưa dễ mưu tính được.
Nói chưa hết câu, Ô Mã Nhi sực nghĩ thấy các tướng dưới trướng mình nói đúng liền sai người đuổi theo giết Khắc Chung nhưng Chung biến mất tự bao giờ.

Lời bình của Nguyễn Minh Tâm
Khắc Chung chỉ đi đến một trại của tướng giặc thôi mà đã thực hiện xuất sắc sứ mệnh của một nhà ngoại giao, giỏi ứng đối, giải thích trôi chảy một hiện tượng tự phát của dân chúng Đại Việt, vì lòng căm thù mà thích hai chữ "Sát Thát" vào cánh tay xông ra giết giặc, để triều đình khỏi mắc lỗi với "Thiên triều", khiến tướng nhà Nguyên không sao bắt bẻ để lấy cớ hạch sách triều Trần !
Đọc sách xưa mà ngẫm, chí lý lắm thay!
Nguồn : Phật Hoàng Trần Nhân tông, NXB Văn hóa-Thông tin - 2009.